Pháp Hội 100 Triệu Minh Chú Mani Lần 3: Ngày 4 – Vấn Đáp về pháp hành Quán Thế Âm

Dorzin Rinpoche vấn đáp về pháp tu Quán Thế Âm Pháp hội trì tụng 100 triệu minh chú Mani lần 3, ngày 4.
100 triệu biến chú Mani Quán Thế Âm Chenrezig

Xem video tại đây

Pháp hội 100 Triệu Minh Chú Mani – Ngày 4

Câu 1: Cho em hỏi với những người chưa từng nhận quán đảnh Đức Quán Thế Âm thì có thể thực hành theo nghi quỹ Mani hàng ngày được không? Có tụng bài hồi hướng Mani được không? Nếu chưa nhận khẩu truyền thì có được tụng không?

Nói chung sẽ là tốt nhất nếu các bạn có thể nhận quán đảnh, truyền khẩu và hướng dẫn thực hành cho bất kỳ vị Bổn tôn nào mà bạn muốn thực hành. Ngược lại, nếu bạn không có điều kiện để nhận đầy đủ, trọn vẹn thì đặc biệt với những Bổn tôn an bình như Bổn tôn A Di Đà, Bổn tôn Quán Thế Âm,… bạn vẫn có thể thực hành dù không nhận được quán đảnh, truyền khẩu, giảng dạy. Tuy nhiên, nếu như trong tương lai khi có điều kiện thì chắc chắn bạn nên nhận truyền khẩu, quán đảnh và hướng dẫn thực hành.

Câu 2: Thưa Thầy, xin hãy hướng dẫn cho chúng con kỹ hơn cách quán tưởng khi đọc trang 10 trong nghi quỹ ạ.

Lúc đầu chúng ta quán tưởng bản thân trong thân tướng Đức Quán Thế Âm, sau đó bạn quán tưởng tại ví trí trán là chúng tự Om, tại cổ họng là chúng tự Ah, tại luân xa tim là chủng tự Hung. Sau đó chúng ta đi đến phần trì tụng Dza Hung Bam Ho. Ở đây bởi vị các bạn đã trì tụng và quán tưởng mình là Đức Quán Thế Âm cũng chính là Đấng Thệ nguyện tôn, sau đó chúng ta thỉnh mời Đức Trí tuệ tôn đến từ cõi Tịnh độ Potala (Phổ Đà) cũng trong hình tướng Đức Quán Thế Âm và trì tụng Dza Hung Bam Ho. Đấng Trí tuệ tôn và Thệ nguyện tôn tan hòa làm một. Khi đó, cả hai vị đều hóa hiện dưới hình tướng của Đức Quán Thế Âm. Sau đó là phần ban quán đảnh. Chúng ta đọc trong nghi quỹ có nói rằng “Chư Bổn tôn quán đảnh ban cho con quán đảnh bình”. Ở đây Chư Bổn tôn quán đảnh chính là năm vị Thiền Na Phật. Năm vị xuất hiện và trên tay là bình chứa đầy cam lồ, các vị ban quán đảnh cho chúng ta bằng cách đổ cam lồ vào luân xa trên đỉnh đầu. Như vậy, quán đảnh đã được ban và toàn thể cơ thể chúng ta được lấp đầy bởi cam lồ và như thế tịnh trừ tất cả ác nghiệp và che chướng. Khi cam lồ ngập tràn thân thể chúng ta và tràn lên trên đỉnh đầu, phần nước cam lồ tràn trên đỉnh đầu trở thành một vương miện trang hoàng, trên có Phật A Di Đà và vòng xung quanh là năm vị Thiền Na Phật.

Câu 3: Rinpoche hướng dẫn hành giả bắt ấn khi hành trì

Bắt ấn rất quan trọng nhưng nếu không biết bắt ấn thì cũng không sao. Trong nghi quỹ Mani không cần bắt ấn nhiều, tuy nhiên Thầy sẽ dạy những ấn có trong nghi quỹ.

Tại trang 7 (nghi quỹ), chúng ta chắp tay búp sen khi trì tụng lời quy y với Đức Quan Thế Âm. Tại trang 9, khi trì tụng minh chú cúng dường thì bắt ấn như Thầy đang thị phạm (17:10 trong video). Trang 11 có câu chú 8 món cúng dường (17:51).

Câu 4: Có thể hứa nguyện túc số và thực hành giùm người khác, cụ thể nếu cha mẹ không thực hành thì mình thực hành thay được không ạ?

Bạn có thể thực hành thay cha mẹ và họ vẫn nhận được gia lực tuyệt vời như vậy

Câu 5: Khi hành giả hứa nguyện túc số nhưng vô thường đến khi chưa hoàn thành túc số, họ ra đi thì tâm thức có bị chướng ngại gì không ạ?

Trong trường hợp đó hành giả không có lỗi. Giả sử vô thường xảy đến với bạn thì bạn vẫn nhận được gia lực như vậy vì ngay từ đầu bạn đã có một tâm nguyện vô cùng thanh tịnh, đó là muốn trì tụng minh chú và hoàn thiện túc số minh chú này vì lợi lạc chúng sinh. Có được tâm nguyện như vậy rất tuyệt. Sau đó bạn nỗ lực hết sức để hoàn thành theo ước nguyện nhưng nếu vô thường xảy ra và bạn qua đời trước khi hoàn mãn hứa nguyện thì bạn cũng có được rất nhiều công đức, vì bạn đã có một ước nguyện chân thành và mong muốn hoàn thiện túc số nên chắc chắn sẽ không có bất kỳ chướng ngại nào xảy ra với bạn cả. Ngược lại, nếu bạn hứa nguyện nhưng không thực hành nghiêm túc, tinh tấn thì bạn mới có tội. Còn khi có vấn đề gì đó xảy ra với bạn thì bạn không có tội. Tai sao Thầy nói như thế? Vì ngày xưa lúc Thầy còn ở Gargon, có một vị Đạo sư rất lớn tuổi và có sự thành tựu chứng ngộ cao tột. Khi cùng Garchen Rinpoche đang giảng dạy Phowa trong khóa thất trì tụng 100 triệu biến chú A Di Đà, Ngài ấy đã khuyến tấn các Tăng sĩ trong buổi lễ hãy cố gắng tinh tấn thực hành trì tụng biến chú A Di Đà, 1000 hay 100.000 hay 10 triệu biến chú cũng được. Ngài nói, nếu các con có thể hoàn thiện túc số thì đó là điều tuyệt vời nhất. Còn nếu các con qua đời trước khi hoàn mãn thì các con vẫn nhận được công đức. Đây là điều chắc chắn vì khi chúng ta phát nguyện nghĩa là chúng ta có một nguyện vọng, nếu chúng ta có động cơ mạnh mẽ trong tâm thì sẽ rất tuyệt vời. Còn nếu phát nguyện rồi mà không miên mật, không nghiêm túc mà hời hợt thì điều này là không tốt, là sai. Nếu trong tâm muốn trì tụng và hoàn tất túc số hứa nguyện thì dù vô thường xảy đến, chúng ta qua đời trước thì không có gì lo lắng cả, chúng ta vẫn nhận được rất nhiều gia lực. Thầy luôn ghi nhớ lời dạy của vị Khenpo ấy. Câu hỏi này cũng giống câu trả lời lúc ấy của Ngài.

Câu 6: Khi trì niệm minh chú bình thường thì không sao nhưng khi con khởi tâm quán tưởng Ngài gia hộ cho chúng sinh đang khổ đau, bệnh tật, đói nghèo thì dù lúc đó con đang hoan hỉ, an lạc nhưng cũng lập tức rơi lệ với tâm xót thương khởi lên không kiềm chế được. Con phải làm sao để khắc phục nhược điểm này để tâm an nhiên thấy cảnh mà không động?

Đây là câu hỏi rất hay, rất tuyệt vời vì bạn đã cảm nhận được lòng bi mẫn khởi lên và cảm xúc này rất đáng trân quý, rất tuyệt vời. Vì thông thường lúc nào chúng ta cũng bám chấp vào cái tôi, liên tục bị giằng xé bởi những cảm xúc ô nhiễm nên rất khó để khởi lên cảm xúc bi mẫn dành cho chúng sinh. Khi mình khởi lên cảm xúc bi mẫn thì chấp ngã giảm bớt. Lòng bi mẫn này rất trân quý. Khi cảm xúc ấy khởi lên khiến bạn trăn trở, băn khoăn thì bạn nên thiền định về tánh Không. Đầu tiên, nghĩ về chúng sinh và với lòng bi mẫn khởi lên vì chúng sinh đó, cảm xúc nảy sinh trong tâm hồn bạn trở lên quá tải, bạn bị nhấn chìm bởi cảm xúc này. Nói chung, điều này không phải là tệ hại hay là sai lầm khi bạn cảm nhận được nỗi đau khổ của chúng sinh. Nhưng nếu cảm xúc khởi lên quá mạnh mẽ bạn cảm thấy khó chịu, bứt rứt thì tức thời bạn hãy quán xét cảm xúc này. Cảm xúc này là gì? Cảm xúc này là như thế nào? Hãy quán xét một cách kỹ càng những cảm xúc khởi lên trong tâm để thấy rằng, chẳng có gì thật sự khởi lên lúc đó, cũng không có màu sắc hay hình tướng của cảm xúc. Cho nên, tự thân nó không tồn tại mà chỉ vì những duyên và điều kiện tạm thời mà cảm xúc buồn bã khởi lên trong tâm bạn. Nhưng khi nhìn thẳng vào cảm xúc đó sẽ thấy chảng có cảm xúc nào tồn tại, kể cả tâm này cũng không có bất kỳ sự tồn tại tự tánh nào. Do đó, cảm xúc đau khổ, buồn bã này cũng không tồn tại tự tánh. Nếu bạn tiếp tục an trụ trong trạng thái đó (chúng ta gọi là thưc hành thiền định) thì cảm xúc trong bạn sẽ dịu bớt.

Câu 7: Liệu con có thể nguyện mọi công đức của con trong quá khứ, hiện tại, tương lai đều được liên tục hồi hướng vì sự giác ngộ của chúng sinh hay không? Con hỏi câu này vì nhiều khi con quên hồi hướng nên nếu mình phát nguyện như trên thì dù có quên hồi hướng công đức của mình vẫn liên tục hồi hướng cho chúng sinh đúng không ạ?

Khi chúng ta quên hồi hướng thiện hạnh của mình nghĩa là chúng ta không có chánh niệm. Bạn thực hành thiện hạnh và cuối cùng để thất niệm phá đi công đức của mình. Vì vậy chúng ta lúc nào cũng phải hết sức giữ gìn chánh niệm mọi lúc, mọi nơi. Nhưng thực tế việc chúng ta quên hồi hướng cũng phải là tội lỗi nặng nề. Ngược lại, nếu nhớ thì phải hồi hướng ngay. Khi nhớ ra để hồi hướng thì chúng ta nói rằng “Con nguyện hồi hướng tất cả công đức trong ba thời của con đến chúng sinh”. Nếu chúng ta quên thì không hay lắm nhưng nếu chúng ta cố tình không hồi hướng thì đó là điều sai trái. Hồi hướng giống việc chúng ta bỏ tiền vào ngân hàng nên nếu mình hồi hướng thì công đức sẽ tăng trưởng nhiều lần tương tự việc mình có lãi suất. Nếu mình không hồi hướng thì có thể xảy ra rất nhiều vấn đề khiến mình phát sinh các cảm xúc ô nhiễm như sự nuối tiếc, hoặc tự hỏi tại sao mình thực hành thiện hạnh này,… Đây chính là sự nguy hiểm vì nó khiến công đức của chúng ta cạn kiệt. Nên bất kỳ khi nào nhớ đến thiện hạnh đã làm thì hãy hồi hướng.

Câu 8: Để cầu siêu cho người đã khuất thì tụng minh chú Mani hay chú A Di Đà sẽ tốt hơn? Cả hai câu chú đều có công năng giúp người trì tụng đến cõi Cực lạc vậy hai câu chú có khác gì nhau? Minh chú Mani thì tốt cho cả người sống lẫn người chết vậy tụng minh chú Mani thôi thì tốt hơn. Con hiểu vậy đúng không ạ?

Lấy ví dụ bạn hỏi một người đang đói là “anh muốn ăn gì” và người ấy trả lời là “tôi muốn ăn bánh mì và cơm” thì làm sao bạn biết người đó muốn ăn gì?

Không có bất kỳ sự khác biệt nào giữa minh chú Mani và A Di Đà. Lấy một ví dụ, nếu có người vừa qua đời thì Thầy sẽ đến và trì tụng cho họ. Nếu Thầy biết rằng người này thường hay trì tụng minh chú A Di Đà thì Thầy sẽ trì tụng minh chú và nghi quỹ của Đức A Di Đà trong buổi lễ. Nếu vị này thường ngày thực hành nghi quỹ Đức Quán Thế Âm thì Thầy sẽ trì tụng nghi quỹ của Đức Chenrezig. Không có bất kỳ sự khác biệt nào giữa các Bổn Tôn, tất cả Chư Phật đều hoàn thiện trong Đức Phật A Di Đà và Đức Chenrezig Quán Thế Âm cũng khởi nguồn từ Đức A Di Đà. Mỗi vị Bổn Tôn có hình tướng và tên gọi khác nhau nhưng các Ngài là những Đấng Trí tuệ tôn nên các Ngài là một và không có bất kỳ sự phân biệt nào. Mỗi người có sở thích sở nguyện khác nhau. Một vài người có có mối liên kết về nghiệp nên họ yêu thích thực hành Đức A Di Đà, những người khác lại thích thực hành Đức Quán Thế Âm nên trì tụng minh chú Quán Thế Âm. Năng lực của sự thực hành, trì tụng minh chú là y như nhau. Do vậy, việc thực hành Vị nào sẽ tùy thuộc vào sở nguyện của bạn.

Câu 9: Con biết Mật tông có nhiều câu chú và nhiều vị Bổn Tôn, mình nên chọn một minh chú như minh chú Mani để trì tụng liên tục trong tâm không gián đoạn là đủ hay nên trì tụng nhiều câu chú khác để bổ trợ ạ? Con cảm ơn Thầy.

Bạn nói đúng, trong Mật tông có nhiều Chư Bổn tôn và có những hành giả thực hành nhiều Bổn Tôn khác nhau. Nói thế nhưng chúng ta chỉ nên có một vị Bổn Tôn gốc. Các vị Đạo sư Tây Tạng có thể thực hành rất nhiều Bổn tôn khác nhau nhưng mỗi vị chỉ có một vị Bổn Tôn gốc. Như thế có nghĩa là các vị ấy vẫn thực hành các pháp tu Bổn tôn khác nhau nhưng Bổn tôn gốc thì chỉ có một. Rất tốt nếu các bạn thực hành vị Bổn Tôn gốc hàng ngày. Sẽ rất tốt nếu bạn có cơ hội tham gia thực hành tại các Pháp hội như Pháp hội trì tụng 100 triệu biến Tara, Pháp hội trì tụng Đức A Di Đà. Thậm chí nếu không tham dự nhưng bạn có hạnh nguyện được trì tụng một Bổn tôn thôi thì cũng rất tuyệt vời. Điều này sẽ dẫn đến sự thành tựu tất cả các thành tựu và tịnh trừ rất nhiều chướng ngại. Nếu các bạn chỉ thực hành một vị Bổn tôn thì cũng hàm chứa trọn vẹn các phẩm tính của mọi vị Bổn tôn. Ngược lại, nếu bạn thực hành nhiều vị Bổn tôn cũng không sao, chỉ cần bạn thực hành với tri kiến thanh tịnh và lòng chí thành tín tâm thì điều đó cũng rất tuyệt vời.

Câu 10: Xin Thầy hướng dẫn chúng con cách vừa tụng chú vừa quán tưởng vừa quay Kinh luân vừa đếm túc số. Tâm con chưa thể thực hành như thế ạ.

Hãy nhìn theo Thầy (hướng dẫn trong clip) – Một tay Thầy cầm Kinh luân, một tay cầm chuỗi tràng. Thầy không cần nhìn Kinh luân hay chuỗi tràng, tay Thầy cứ thế hoạt động trong khi Thầy tụng chú Mani. Như vậy chúng ta làm được ba điều: tay cầm Kinh luân, tay lần chuỗi, miệng trì tụng –cùng một lúc mình làm được ba điều. Bạn có làm được như vậy không? Lúc đó trong tâm Thầy đang diễn ra điều gì? Thầy nhắm mắt, một tay cầm Kinh luân, tay lần chuỗi, miệng trì tụng – lúc này tâm phải quán tưởng. Thầy không bận tâm việc quay Kinh luân hay lần chuỗi thế nào, toàn bộ tâm thức tập trung vào quán tưởng. Các bạn thấy đấy, Thầy hoàn toàn có thể thực hành như vậy. Nếu bạn chưa làm được thì bạn phải thực hành. Có thể hơi khó khăn khi lần đầu tiên trì tụng và đếm túc số với chuỗi tràng nhưng càng thực hành thì sẽ càng dễ dàng. Lúc đầu quay Kinh luân cũng không dễ dàng phải không? Nhưng nếu tiếp tục thực hành thì dần dần bạn sẽ quen với chuyển động và bạn sẽ dễ dàng quay Kinh luân. Đương nhiên, bạn cần có thời gian huân tập. Bạn cứ từ từ làm quen rồi bạn sẽ làm được giống Thầy thôi. Nếu bạn ở nhà thì khi thực hành, một tay cầm Kinh luân, tay đếm chuỗi, miệng trì tụng minh chú, lúc này điều quan trọng nhất là sự thiền định quán tưởng trong tâm. Toàn bộ ý nghĩa của việc thực hành là chuyển tâm thức bình phàm của mình. Khi làm quen với thực hành thì từ từ bạn sẽ thấy dễ dàng hơn. Lúc đầu sẽ khó khăn vì chúng ta thường bị quấy nhiễu bởi nhiều điều khác mà tâm thì không thể yên để quán tưởng. Nếu chúng ta không tập trung vào việc thực hành thì dù có cầm chuỗi trì tụng minh chú và xoay kinh luân thì năng lực gia trì sẽ rất nhỏ bé. Tâm tán loạn sẽ không giúp mình tích lũy được nhiều công đức. Ngược lại, nếu bạn nhiếp tâm vào việc thực hành thì dù không đếm chuỗi hay không cầm kinh luân thì chúng ta vẫn nhận được gia lực rất lớn. Do đó, điều quan trọng là chúng ta phải rèn luyện tâm. Nếu lúc nào bạn cũng có chánh niệm, không để tâm bị tán loạn thì dù không quay Kinh luân bạn vẫn có được công đức, hay thậm chí ngay cả khi không lần chuỗi thì bạn vẫn có được nhiều công đức. Điều quan trọng là tâm, nếu tâm không khởi lên cảm xúc ô nhiễm và chuyên chú chánh niệm thì đó là điều tuyệt vời nhất.

Bây giờ Thầy sẽ kể các bạn nghe một câu chuyện về Đức Milarepa.

Có một lần, Đức Milarepa thực hành thiền định cùng đệ tử của mình là Đức Richungpa trong mật thất. Một hôm, một vị đệ tử nói rằng muốn đến thăm Đức Milarepa. Vào buổi sáng, Đức Richungpa thức dậy và đến thất của Đức Milarepa chuẩn bị sẵn sàng đón tiếp vị đệ tử sắp đến kia. Khi Đức Richungpa đến động thì thấy Đức Milarepa vẫn đang ngủ. Nhìn thấy vậy, tức thời Đức Richungpa nảy sinh một xúc cảm ô nhiễm: “Kỳ lạ làm sao, những vị Lama khác đều dậy rất sớm để đón tiếp đệ tử mà Sư phụ của mình giờ này vẫn còn ngủ. Khi đệ tử đến thăm thì làm sao mà nhìn cho được”. Bất thình lình, vào khoảnh khắc niệm tưởng xấu khởi lên trong đầu Đức Richungpa thì Đức Milarepa đã biết nên Ngài nói rằng “Như thế là không đúng. Ta lúc nào cũng thiền. Ngủ cũng thiền. Ăn cũng thiền. Ta làm gì cũng trong trạng thái thiền định. Ta không giống người khác. Không phải ai cũng giống như thế. Nhưng ta là như thế đấy”.

Do vậy, nếu con có một tâm nguyện thiện lành, một tri kiến thanh tịnh muốn giúp đỡ tất cả chúng sinh thì lúc đó làm gì cũng được

Câu 11: Con ở dòng truyền thừa khác nhưng con muốn trì tụng nghi quỹ của Rinpoche. Điều này có cản trở gì không ạ? Con muốn nương theo giọng trì chú của Rinpoche để thực hành nhiếp tâm hơn ạ.

Không sao cả, bạn hoàn toàn có thể thực hành được.

Tại sao lại được phép thực hành như vậy? Với những hành giả sơ cơ, thường thì chúng ta nhận các giáo huấn, khẩu truyền khác nhau từ các dòng truyền thừa khác nhau. Không có gì sai khi chúng ta làm như vậy vì tất cả đều là phương tiện thiện xảo giúp chúng ta tăng tiến trên đường tu. Nhưng ở góc độ tuyệt đối thì không có bất kỳ sự chia cách nào giữa các vị Phật và các vị Hoằng Pháp. Tất cả chỉ là một mà thôi như Thầy đã nói. Có rất nhiều vị Bổn tôn khác nhau như Bổn tôn A Di Đà, Bổn tôn Quán Thế Âm nhưng về mặt tối hậu thì tất cả các Ngài đều là một. Nên nếu các bạn thực hành một Bổn tôn thì cũng sẽ thành tựu tất cả các Bổn tôn khác. Điều quan trọng ở đây là các bạn phải thực hành rèn luyện tâm, tri kiến thanh tịnh và lòng sùng mộ, tình yêu thương, lòng bi mẫn cùng với lòng vị tha của mình. Nếu bạn đi theo con đường thực hành như thế thì dù bạn thực hành theo dòng truyền thừa nào hay pháp hành nào thì cũng đều tuyệt vời cả.

Câu 12: Con chưa hiểu “ấn A Di Đà” trong câu “cam lộ tràn lên đỉnh đầu con và trở thành ấn A Di Đà” (trang 11 – nghi quỹ). Vậy ấn A Di Đà là gì ạ?

Đây chính là 5 vị Thiền Na Phật ban quán đảnh và đổ nước cam lồ vào đỉnh đầu bạn. Khi đó, cam lồ tràn ngập khắp thân thể bạn và tràn lên đỉnh đầu thành một vương miện – ý muốn nói trên đỉnh đầu bạn an ngự Đức Phật A Di Đà. Do vậy, ấn A Di Đà ở đây không phải là thủ ấn mà giống như một dấu niêm phong trên đỉnh đầu chúng ta – cam lồ tràn ra và được niêm phong bởi Đức Phật A Di Đà. Chúng ta nên hiểu như thế: Ấn A Di Đà không phải là thủ ấn mà là ân niêm phong bởi Đức Phật A Di Đà.

Câu 13: Xin Thầy hướng dẫn lại cách phát nguyện hoàn thành túc số cho người tham gia Pháp hội này để hồi hướng toàn bộ công đức hoàn thành túc số phát nguyện cho người thân của họ, những người chưa đủ duyên hành trì.

Các bạn có thể làm như sau. Lấy ví dụ, bạn có kết nối rất mạnh mẽ với cha mẹ mình, họ rất yêu thương bạn và bạn cũng rất thương quý họ, vì vậy bạn phát nguyện trì tụng minh chú thay cho họ. Trì tụng bao nhiêu cũng được, 1000 biến chú, 1000 biến chú,… đều được. Sau đó, cuối thời thực hành bạn hồi hướng thay cho cha mẹ mình. Bạn có thể khẩn nguyện rằng “nguyện cho điều này sẽ giải thoát cha mẹ con khỏi đau khổ”,… Lúc đầu bạn hãy trưởng dưỡng động cơ như vây. Sau đó bạn trì tụng minh chú Mani và khẩn nguyện đến Đức Quán Thế Âm. Cuối cùng bạn hồi hướng để họ nhận được công đức – chắc chắn họ sẽ nhận được công đức vì họ có kết nối với bạn.

Điều đó cũng giống như khi bạn có con và bạn phải chi rất nhiều tiền để nuôi con. Do đó, bạn phải làm việc rất nhiều để kiếm tiền, để cho con được học ở trường tốt. Bạn làm như thế thì đứa trẻ sẽ có nhiều lợi lạc từ số tiền bạn đã chi ra. Điều này cũng giống như vậy – tuy không tương tự hoàn toàn nhưng cũng có khía cạnh tương đồng về mặt ý nghĩa nào đó trong ngữ cảnh của việc trì tụng minh chú Mani. Bạn phát nguyện trì tụng thay cha mẹ mình rồi hồi hướng thì cũng giống việc bạn bỏ tiền ra cho con cái đi học. Bạn làm được như vậy vì họ có kết nối với bạn và giữa các bạn có tình yêu thương, lòng từ ái rất lớn với nhau – họ yêu thương bạn và bạn cũng yêu thương họ. Ví dụ này tương tự xong cũng có sự khác biệt với việc bỏ tiền cho đứa con đi học. Khác biệt ở chỗ, nếu bạn trả tiền cho con đi học thì con được lợi lạc chứ bạn không được lợi gì nhiều. Còn ngược lại, trong việc trì tụng minh chú Mani thì cả cha mẹ lẫn người thực hành trì tụng đều tích lũy được công đức.

Mối kết nối giữa bạn và cha mẹ là họ đã chăm sóc, nuôi nấng bạn với tất cả tình yêu thương nên đây cũng là cách để bạn đền ơn đáp nghĩa, báo hiếu cho cha mẹ mình. Vì cha mẹ đã phải vượt qua bao khó khăn để nuôi nấng bạn lên người nên nếu bạn trì tụng minh chú Mani thay cho cha mẹ mình thì chắc chắn họ sẽ nhận được công đức.

Có một câu chuyện được kể đến trong Kinh điển, tuy Thầy không nhớ rõ ràng chi tiết nhưng nó diễn ra như sau. Có một người đàn ông rất giỏi trong việc đào vàng, ông ta bỏ vàng vào bình và chôn xuống góc tường. Ông dành cả đời để chất đầy vàng đào được vào các bình. Một hôm, ông chết đi mà không tận hưởng được chút vàng nào mà mình đã bỏ công sức ra đào đãi. Vì vậy, khi chết đi ông ta bám chấp vào số vàng của mình và tái sinh thành một con rắn. Khi  tái sinh thành con rắn thì con rắn cứ bò vòng quanh những hũ vàng. Rồi khi con rắn chết đi nó lại tiếp tục tái sinh thành rắn. Cứ như thế cho đến hết 7 kiếp. Trong mỗi kiếp làm rắn đó ông ta chỉ đi xung quanh những hũ vàng mà thôi. Như vậy, người đàn ông sau khi tái sinh làm rắn trong suốt 7 kiếp cuối cùng cũng nhận ra được việc gì đang xảy ra. Mặc dù là thân rắn nhưng nếu vẫn tiếp tục bám chấp vào mớ vàng này thì kiếp sau lại tiếp tục tái sinh làm thân rắn. Thế nên, tuy là thân súc sinh nhưng ông ấy đã khởi lên lòng ăn năn sâu sắc. Một ngày, bởi vì quá buồn nên con rắn bò qua đường và thấy một người đàn ông ở đó. Con rắn gọi người đàn ông lại. Lúc đầu, người đàn ông rất sợ con rắn nên bỏ chạy. Nhưng con rắn nói “Đừng sợ! Xin đừng chạy!”. Lúc này người đàn ông không sợ nữa mà đi theo lời con rắn và được con rắn dẫn đến nơi chôn giấu những hũ vàng. Con rắn nói rằng “Xin hãy lấy kho vàng này cúng dường lên Tam Bảo. Khi nào anh đi thì xin hãy cho tôi theo với!”. Người đàn ông dùng số vàng này mua thức ăn cúng dường Trai Tăng đến các Lama ở tu viện. Lúc đó, người đàn ông mang con rắn đi theo. Sau khi thực hành cúng dường Trai Tăng, người đàn ông đã hồi hướng toàn bộ công đức. Con rắn rất hạnh phúc vì toàn bộ vàng của nó giờ đây đã được cúng dường, ác nghiệp khiến con rắn tiếp tục bị đầu thai vào ba cõi thấp đã hoàn toàn được tịnh hóa.

Thầy kể các bạn nghe câu chuyện như vậy vì thông qua việc cúng dường toàn bộ số vàng, con rắn tịnh hóa được toàn bộ nghiệp chướng xấu ác của nó. Cũng như thế, khi ta hồi hướng thay cho cha mẹ mình thì chắc chắn họ cũng sẽ tích tập được công đức. Bởi vì cũng giống như câu chuyện người đàn ông thay mặt con rắn cúng dường số vàng lên Tăng đoàn khiến tội lỗi của con rắn hoàn toàn được tịnh hóa. Điều này cũng giống như vậy. Cha mẹ mình đã bỏ rất nhiều công sức, tiền của để nuôi nấng mình lên người – những điều ấy còn quý giá hơn vàng. Nên nếu bạn hồi hướng sau khi thực hành với danh nghĩa cha mẹ mình, điều này sẽ rất tuyệt vời.

Câu 14: Mỗi khi trì tụng để hoàn thành túc số hứa nguyện thì có phải thực hành đầy đủ theo đúng nghi quỹ [Quán Thế Âm Nhật Tụng] không ạ?

Nếu bạn không có thời gian hành trì hoặc trong lúc hành trì không thể mở nghi quỹ thì bạn có thể thực hành miễn là bạn hiểu được ý nghĩa của việc thực hành Quy y và phát Bồ đề tâm. Lúc đầu bạn cần nhớ nghĩ về những điều đó và khởi lên trong tâm. Sau đó, với tâm không tán loạn, tập trung quán tưởng Đức Quán Thế Âm, rồi bạn thực hành (trì tụng minh chú) và cuối cùng hồi hướng thầm trong tâm. Nếu bạn có thời gian thì hãy thực hành đầy đủ như trong nghĩ quỹ. Nhưng nếu bạn không có thời gian thì có thể thực hành một cách ngắn gọn như vậy. Bạn có thể thực hành trì tụng minh chú Mani vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày, ví dụ như trong lúc lái xe, khi ngồi trên tàu điện,… Bạn có thể trì tụng minh chú bất kỳ lúc nào khi có thời gian.

Câu 15: Trong nghi quỹ “Quan Thế Âm Nhật Tụng” có nhắc đến việc hành giả phải tụng chú với tri kiến thanh tịnh. Vậy “tri kiến thanh tịnh” ở đây là gì ạ?

Trì tụng với tri kiến thanh tịnh nghĩa là khi trì tụng các bạn nhớ nghĩ đến những phẩm tính tuyệt vời của chư vị Bổn tôn. Nếu bạn thấy rằng, Đức Bổn tôn có tình yêu thương vô lượng, trí tuệ vô biên thì đây chính là “Trì tụng với tri kiến thanh tịnh”.

Thêm nữa, tri kiến thanh tịnh nghĩa là bạn nhận ra tất cả mọi hình tướng hóa hiện bản chất đều là Bổn Tôn, tất cả mọi âm thanh đều là âm thanh của minh chú. Khi bạn xác quyết điều đó thì đó chính là tri kiến thanh tịnh. Tri kiến thanh tịnh không có nghĩa là chúng ta phải giả vờ phải là một điều gì đó trong khi nó vốn không phải như thế, ở đây nghĩa là bạn phải nhận ra được tự tánh của các Pháp. Tự tánh của các Pháp là gì? Chính là mọi hình tướng đều là Bổn tôn, tất cả âm thanh đều là minh chú và mọi niệm tưởng đều rỗng rang. Chỉ vì tạm thời chúng ta bị che chướng bởi nghiệp và các cảm xúc ô nhiễm, chúng ta bị điều khiển bởi tâm chấp ngã nên mới chia mọi thứ ra thành trắng – đen, cái này tốt – cái này xấu,… Với rất nhiều niệm tưởng, sân hận và bám luyến khởi lên, bởi sự chấp ngã, bám chấp nhị nguyên này chúng ta nhìn vạn vật với trạng thái bất tịnh, chúng ta so sánh cái này tốt hơn, cái kia xấu hơn, mình thích cái này, mình không thích cái kia, cái gì mình yêu thì mình quý, cái gì mình ghét thì đẩy ra xa. Nói tóm lại, cảm xúc ô nhiễm và tâm chấp ngã là những gì che chướng tự tánh của chúng ta. Bởi vì như vậy nên ta nhìn nhận mọi thứ dưới góc nhìn méo mó, không phải là tự tánh của các Pháp – là một góc nhìn hết sức sai lệch. Đây là vái nhìn không phải là cái nhìn của thực tánh. Ngược lại, tri kiến thanh tịnh là nhìn vạn pháp như nó vốn là.

Thuật ngữ “tri kiến thanh tịnh” hay là “Cái thấy thanh tịnh” ở đây nghĩa là hoàn toàn trong sach. Cái thấy là những gì chúng ta nhìn thấy, hiện giờ là dưới góc độ của sự bất tịnh. Dường như có sự chia rẽ vì các cảm xúc ô nhiễm và sự chấp ngã của chúng ta hóa hiện dưới cách hình tướng hạnh phúc và đau khổ, kỳ vọng và nghi ngờ,… Đây là những gì hóa hiện trước mắt chúng ta. Những hóa hiện dưới hình dạng như thế là do tâm chúng ta bị che chướng bởi cảm xúc ô nhiễm và sự chấp ngã. Nhưng ta phải tự quán rằng, có phải đây thực sự là tự tánh của vạn Pháp không? Đây có phải là ta hay không? Câu trả lời là “Không”. Đây chỉ là những hình thái tạm thời trong khi chúng ta bị che chướng bởi cảm xúc ô nhiễm. Nhưng khi sự bám chấp nhị nguyên này được tịnh hóa thì dần dần ta sẽ nhận ra tự tánh của mình, dần nhận ra bản tánh chân thật của tâm. Đó là lúc mọi bám chấp nhị nguyên được tịnh hóa, cái thấy của bạn sẽ là cái thấy thanh tịnh. Đó gọi là tự tánh của Bổn tôn, tất cả mọi hóa hiện đều là hình tướng của vị Bổn tôn Quán Thế Âm hoặc Bổn tôn Tara. Đó chính là tri kiến thanh tịnh.

Giờ đây cái thấy của chúng ta là cái thấy bất tịnh, là cái thấy được nhìn qua lăng kính của cảm xúc ô nhiễm và nghiệp chướng, dẫn đến hóa hiện của ba cõi thấp ví dụ các chúng sinh trong cõi địa ngục. Chúng ta nhìn thấy tất cả những chia rẽ này, hoặc là bạn hoặc là thù hoặc là tốt hoặc là xấu. Lúc nào ta cũng có sự bám chấp vào nhị nguyên. Hoặc là ta yêu thích hoặc là ta không thích. Nên cái thấy này là cái thấy bất tịnh. Ngược lại, cái thấy thanh tịnh sẽ hiển lộ khi tất cả cái thấy bất tịnh đều được tịnh trừ. Điều còn sót lại chính là tri kiến thanh tịnh của Bổn tôn. Điều được tịnh hóa chính là sợ hãi, kỳ vọng, tham luyến, sân hận. Chấp ngã được tịnh trừ khi tất cả những che chướng này được cởi bỏ và điều chúng ta nhìn thấy chính là tự tánh thực sự của chúng ta. Cái thấy đó chính là tri kiến thanh tịnh. Giờ phút này thì chúng ta cần nỗ lực thực hành để có thể huân tập được sự trong sáng, huân tập được cái nhìn thanh tịnh rằng “ta là ai”. Chúng ta thực hành để huân tập được tri kiến rằng “tất cả mọi hóa hiện đều là Bổn tôn, mọi âm thanh là minh chú, mọi niệm tưởng đều là rỗng rang”. Thực hành như thế rồi một ngày tri kiến này sẽ trở thành hiện thực.

Câu 16: Sau khi nhận khẩu truyền hôm 17.03.2022 con có được phép quán tưởng con là Đức Quán Thế Âm bất cứ khi nào hành trì không hay chỉ được quán tưởng như vậy khi ở trong Pháp hội? Nếu được phép quán tưởng bất cứ khi nào hành trì thì con có được quán tưởng con là Đức Quán Thế Âm bất cứ khi nào hành trì minh chú khác không ạ?

Khi bạn đã nhận được khẩu truyền và hướng dẫn thực hành rồi thì bạn có thể thực hành bất cứ lúc nào và bạn cần nỗ lực tinh tấn thực hành. Khi bạn thực hành quán tưởng mình trong thân tướng Đức Bổn tôn Quán Thế Âm thì bạn nên trì tụng minh chú của Đức Quán Thế Âm. Bạn quán tưởng mình là vị Bổn tôn nào thì bạn trì tụng minh chú của Bổn tôn ấy. Về mặt tối hậu, các vị Bổn tôn đều là một. Nhưng chúng ta vì chưa chứng ngộ bản tâm nên vẫn cần thực hành phương pháp tương đối. Với các bạn, khi thực hành trì tụng minh chú Mani thì quán tưởng mình là Đức Quán Thế Âm.

Câu 17: Thưa Thầy, con tu dòng truyền thừa khác nhưng rất muốn tu Pháp tu Quán Thế Âm nên tham gia Pháp hội trì tụng 100 triệu biến chú Mani. Vậy khi thực hành theo nghi quỹ, đến phẩn thỉnh nguyện gia trì Đức Kim Cang Trì và nguyện trường thọ con có đọc được không? Hay không đọc? Hay đọc Chư Tổ dòng truyền thừa con đang tu?

Câu hỏi này có câu trả lời như câu trước, không có vấn đề gì khi bạn trì tụng theo nghi quỹ [Quán Thế Âm Nhật Tụng được sử dụng trong khoá thất Mani này].

Câu 18: Do hoàn cảnh địa lý ngày và đêm trái ngược nhau nên con đã bỏ 2 thời trong 4 ngày vừa qua. Vậy con có tội không? Có bị xem là thất bại không?

Đây không phải là tội lỗi. Chúng ta nói rằng có nhân và có quả đúng không? Thỉnh thoảng nhân quả không phải lúc nào cũng dễ dàng, hay thẳng hàng với nhau như vậy. Bạn đã có hạnh nguyện muốn tham dự Pháp hội cũng như đã cố gắng thực hành và tham dự Pháp hội rồi, chỉ là có một số nhân duyên khiến bạn không thể hoàn thành trọn vẹn khóa thất thôi nên điều đó không phải là một cái tội. Bạn đã thực hành được một thiện hạnh rất tuyệt rồi.

Câu 19: Khi con thực hành những thiện hạnh và hồi hướng công đức thì công đức đã được niêm phong. Tại sao Quý Thầy thường nhắc nhở rằng “tức giận thiêu đốt cả rừng công đức”. Như vậy là sao ạ? Xin Thầy giải thích cho con.

Khi các bạn đã hồi hướng công đức của mình thì công đức đó không thể nào bị phá hủy bởi sân hận. Nhưng nếu bạn quên không hồi hướng công đức của mình thì công đức ấy hoàn toàn có thể bị phá hủy vì sự sân hận.

Câu 20: Khi nào con có thể hồi hướng cho cha mẹ của mình trong Pháp hội này? Con hồi hướng cho tất cả chúng sinh trước rồi mới hồi hướng riêng đúng không ạ? Nếu có việc khẩn cấp thì con có thể ưu tiên hồi hướng cho cha mẹ trước rồi chúng sinh sau được không ạ?

Nói chung khi chúng ta thực hành hồi hướng hoặc khi chúng ta trì tụng phần khởi nguyện và phát khởi Bồ Đề tâm thì một cách rất tự nhiên chúng ta đã bắt đầu với cha mẹ của mình rồi. Chúng ta nói rằng “nguyện cho tất cả chúng sinh mẹ hiền vô lượng như hư không”. Thực sự ở đây không có sự khác biệt nào. Các bạn có thể bắt đầu với bất kỳ ai, có thể là cha mẹ của mình hoặc những người mà bạn thấy họ đang bênh nặng, bạn có thể đặt họ lên trước rồi đến tất cả chúng sinh. Hoặc kể cả những người không phải cha mẹ của mình mà người đó đang bệnh đau thì bạn có thể đặt người đó lên trước rồi sau đó đến tất cả chúng sinh – không có sự khác biệt nào ở đây cả.

Câu 21: Là một con người chúng ta phải sống, có nhu cầu ăn uống, đi lại, làm việc. Việc ăn, mặc, uống, đi lại như vậy đều làm liên lụy đến sinh linh xung quanh để phục vụ cho sự tồn tại của chúng ta. Như vậy sự tồn tại của con người có phải là tội lỗi không? Nếu điều đó là đúng thì sự có mặt của con người trên cuộc đời này mang ý nghĩa gì? Xin Thầy giải thích ạ.

Đây là một câu hỏi tuyệt vời.

Không phải là mình là người thì mình tốt hơn những chúng sinh ở những cõi khác. Chúng ta là người vì chúng ta đã tạo những nhân để được sinh làm người. Vì nghiệp nhân quả nên giờ đây chúng ta mới có được thân người này chứ không phải chúng ta có sự lựa chọn để được sinh ra làm người. Tuy làm người nhưng chúng ta cũng tích lũy nhiều nghiệp chướng nhưng đồng thời cũng có cơ hội to lớn để tích lũy công đức. Đó là lý do vì sao chúng ta gọi sự tồn tại của thân người trong cuộc đời này là trân quý – nó có ý nghĩa hơn sự tồn tại của chúng sinh khác trong 6 cõi ở mặt đó.

Như Thầy đã nói lúc trước, bởi vì nghiệp quả nên giờ đây chúng ta tái sinh thành người. Chủ yếu là do có chấp ngã, dù chúng ta có làm gì đi chăng nữa thì chúng ta cũng có sự bám chấp vào cái ngã này. Đó chính là bất thiện hạnh. Ngược lại, những gì chúng ta thực hành với tâm vị tha, với tình yêu thương và lòng bi mẫn thì đó là thiện hạnh. Nên nếu bạn có thể thực hành tình yêu thương và lòng bi mẫn thì tất cả những gì bạn làm đều trở thành thiện hạnh. Dù cho bạn ăn hay bạn ngủ cũng đều trở thành thiện hạnh chỉ cần trong tâm bạn trì giữ tình yêu thương và lòng bi mẫn. Là người, với thân người trân quý này mới có cơ hội để thực hành phương tiện, con đường thiện xảo này. Vì vậy, hãy cố gắng hết sức để thực hành thiện hạnh.

Kết thúc phần hỏi đáp.

 

Nguồn: Dorzin Rinpoche vấn đáp các câu hỏi gửi qua trung tâm DAC trong Pháp hội online Trì Tụng 100 Triệu Biến Chú Mani lần Ba tại Việt Nam.

DAC biên tập và chuyển Việt ngữ. 

 

đóng góp cho DAC

Các trung tâm Pháp thật vô cùng trân quý và trung tâm có thể hoạt động hoàn toàn phụ thuộc vào sự ủng hộ của các vị đệ tử. Mặc dù chúng ta đã thành lập trung tâm nhưng nếu không có được sự ủng hộ của tăng đoàn thì trung tâm sẽ không thể tồn tại trong tương lai. Nếu con ủng hộ cho các trung tâm Pháp thì con sẽ nhận được phước báu lớn lao trong đời này và cả đời vị lai. Và phước báu là cội nguồn của hạnh phúc.


Kyabje Garchen Rinpoche

đọc thêm

Achi Chokyi Drolma

Hộ Pháp Achi Chokyi Drolma

Achi Chokyi Drolma là một Hộ Pháp vĩ đại trong Phật Giáo. Ngài là hiện thân của Kim Cang Du Già Thánh Nữ, hoá hiện của trí tuệ và công hạnh của tất cả chư Phật. Ngài là thánh mẫu thiêng liêng của mọi chư Phật, đã hiện thân từ lòng đại bi dưới hình tướng của chư vị Dakini trong Ngũ Phật Bộ. Để đem lại lợi lạc cho mọi chúng sinh trong luân hồi, Ngài đã thị hiện muôn vàn hình tướng tại những thời – không khác nhau.

ĐỌC THÊM