Hôm nay chúng ta nghe Dorzin Rinpoche giảng về bài nguyện hồi hướng Mani trong nghi quỹ “Quan Thế Âm Nhật Tụng”- trong lúc Dorzin Rinpoche giảng Pháp quý vị đaọ hữu có thể trì tụng thầm lặng minh chú.
Dorzin Rinpoche: Tashi delek đến tất cả quý vị đạo hữu, trong lúc nghe Pháp hãy tiếp tục im lặng và trì tụng minh chú Mani, Thầy sẽ cố gắng hết sức để giải thích cho các bạn về bài nguyện hồi hướng Mani.
Hôm nay chúng ta đang tham gia vào Pháp hội tuyệt vời là Pháp hội trì tụng 100 Triệu Minh Chú Mani – đây chính là những công đức chúng ta đã tích lũy từ vô thủy kiếp trước. Nhờ vào nguyện lực của những hạnh nguyện vĩ đại mà chúng ta đã phát khởi từ quá khứ mà chúng ta mới có sự dẫn dắt của Đạo sư, Đức Garchen Rinpoche, và mới có thể tề tựu tại đây ngày hôm nay. Thầy thực sự hoan hỉ về điều đó. Đặc biệt là vào giờ phút này, trên thế giới này, mỗi người chúng ta bị rất nhiều điều khác quấn thân, chúng ta bị tất cả những hoạt động của thế giới bên ngoài chiếm trí, lúc nào trong đầu chúng ta cũng nghĩ là những gì mình cần phải làm để đảm bảo cho cuộc sống của cõi này. Tuy nhiên, nếu chúng ta chỉ cần xoay chuyển tâm mình hướng về với giáo Pháp thì tự thân điều đó thôi cũng đã là một nguồn công đức tuyệt vời. Đặc biệt vào lúc này, chúng ta đang nhân vào dịp Thánh vía cực kỳ quan trọng, mỗi một thiện hạnh đều được nhân lên gấp triệu lần. Tây Tạng gọi tháng này là tháng Con Ngựa. Vào những tháng này các thiện hạnh được nhân lên 100.000 lần. Cho nên vào những thời điểm Thánh vía linh thiêng như vậy mà chúng ta lại có cơ hội được thực hành và tham dự Pháp hội trì tụng 100 Triệu Minh Chú Mani thì mỗi người chúng ta thực sự là những người cực kỳ may mắn. Cho nên việc hiểu được cơ hội này rất là quan trọng và hãy hoan hỉ với những thiện hạnh này.
Đặc biệt ở quê Thầy, ở tu viện Gar, tháng này gọi là tháng Con Ngựa. 15 ngày đầu tiên của tháng đầu năm mới thì rất quan trọng. Vào dịp này tu viện Gar có truyền thống tổ chức Pháp hội Mani trong 15 ngày đầu tiên của tháng. Trong Pháp hội Mani, Chư Tăng sẽ làm thuốc Pháp, thánh hóa cho thuốc Pháp, chính là những pháp dược mà các bạn đã được phát cho. Cách mà thuốc pháp được thánh hóa là nhờ vào cộng đồng Tăng đoàn to lớn tề tựu cùng nhau và thực hành lễ Drubchen trong hoặc 7 ngày hoặc 9 ngày. Drubchen là một thực hành mà các hành giả liên tục thực hành 24/24, không lúc nào ngơi nghỉ. Và những viên Pháp được thánh hóa trong những khoá thất như thế.
Khi Thầy bắt đầu xuất gia tu học ở tu viện Gar cũng là vào thời điểm này, cũng là lúc tu viện Gar bắt đầu thực hành khoá tu 100 Triệu Minh Chú Mani. Thầy có một cơ duyên cực kỳ may mắn khi được xuất gia vào tháng Con Ngựa, trong Pháp hội 100 Triệu Minh Chú Mani. Cho nên giờ đây, dù Thầy đã rời khỏi Tây Tạng rồi nhưng Thầy vẫn cảm thấy cực kỳ may mắn vì Thầy vẫn có thể tổ chức được Pháp hội Mani cùng với Đức Garchen Rinpoche luôn luôn dõi theo và dẫn dắt chúng ta. Cho nên đối với Thầy, đây là một cơ hội cực kỳ may mắn và là một sự gia trì rất lớn.
Bài nguyện hồi hướng Mani bắt đầu bằng “Con xin đảnh lễ Đạo sư, chư Thiên cùng chư Dakini!”. Trong tiếng Tạng, “Namo” có nghĩa là đảnh lễ hoặc lễ lạy; “Guru” có nghĩa là vị Đạo sư gốc; “Dewa” có nghĩa là chư vị Bổn tôn, “Dakini” có nghĩa là chư Dakini. Như thế ở đây chúng ta đang đảnh lễ Tam căn.
Đoạn kệ đầu tiên (chúng ta có thể tìm thấy ở trang 19) bắt đầu bằng “Pháp thân các đấng thiện thệ suốt ba thời”. Ba thời có nghĩa là quá khứ – hiện tại – vị lai. Các đấng thiện thệ hay còn gọi là Chư Như lai, Pháp thân của các Ngài là Pháp thân của các vị Phật. Khi ta nói về tam thân Phật, (Pháp thân, Báo thân và Ứng hóa thân) đó chính là sự hiện thân của trí tuệ.
Câu kệ tiếp theo nói “Đức Quán Thế Âm bi mẫn nhìn sáu cõi chúng sinh”. Sáu cõi chúng sinh là cõi địa ngục, cõi ngạ quỷ, cõi súc sinh, cõi người, cõi bán Thiên và cõi Thiên. Đức Quán Thế Âm là một vị bất động khởi sinh từ lòng bi mẫn dành cho tất cả mọi chúng sinh dưới hình tướng của một vị Bồ tát. Quán Thế Âm chính là Báo thân Phật.
Trong tiếng Tạng, Quán Thế Âm là Chenrezig. “Chen” có nghĩa là mắt; “zig” có nghĩa là nhìn. Như thế, Đức Chenrezig có nghĩa là “Đấng nhìn khắp”. Ngài nhìn cái gì đây? Có nghĩa là Ngài nhìn khắp chúng sinh trong suốt ba thời, lúc nào Ngài cũng dõi nhìn chúng sinh với lòng bi mẫn tuyệt vời. Trong lời bình giảng cũng nói rằng Đức Quán Thế Âm dõi nhìn chúng sinh với lòng bi mẫn và trí tuệ. Điều này cũng được nhắc đến trong bài nguyện Lời khẩn cầu tái sinh về cõi Tịnh độ Cực lạc Sukhavati. Trong suốt sáu thời ngày và đêm, Đức Quán Thế Âm luôn dõi nhìn sáu cõi chúng sinh với lòng bi mẫn tuyệt vời. Như vậy, khi chúng ta thực hành Quán Thế Âm và đảnh lễ Ngài, chúng ta có thể tự hỏi rằng “liệu Đức Quán Thế Âm có biết được rằng chúng ta đang đảnh lễ Ngài hay không?”. Có thể chúng ta nghĩ vậy nhưng thực sự phải hiểu rằng, Đức Quán Thế Âm lúc nào cũng hiểu, cũng biết được trạng thái của chúng ta vì Ngài luôn luôn dõi mắt nhìn sáu cõi chúng sinh. Chúng ta cũng đồng thời nói về việc nhận gia trì từ Chư Phật và Chư Bồ Tát. Chúng ta lúc nào cũng mong nhận được gia lực của Ngài vì chúng ta gặp những khó khăn trắc trở nào đó trong cuộc sống. Nhưng việc chúng ta có nhận được gia trì hay không lại phụ thuộc vào việc chúng ta có lòng sùng mộ và tín tâm hay không. Còn Đức Quán Thế Âm lúc nào cũng dõi nhìn chúng ta với tất cả tình yêu thương và lòng bi mẫn. Cho nên, nếu trong tâm chúng ta khởi lên tình yêu thương, tri kiến thanh tịnh mạnh mẽ thì gia lực của Ngài sẽ thấm nhuần tâm thức ta, còn nếu không thì sẽ rất khó khăn để chúng ta nhận được gia lực của Ngài. Ngược lại, về phần Đức Quán Thế Âm, Ngài lúc nào cũng dõi nhìn chúng ta. Vì vậy, nhiệm vụ của chúng ta là cần phải trưởng dưỡng tình yêu thương và tri kiến thanh tịnh.
Câu tiếp theo nói rằng, “Thập nhất diện tựa hư không tràn khắp”. Ngài đã nhìn chúng sinh với tâm không phân biệt, không có bất kỳ thiên kiến nào, một cái tâm rộng tựa hư không và bao trùm khắp hư không pháp giới, nơi nào có hư không thì nơi ấy có tình yêu thương của Ngài tràn khắp. Cho nên tình yêu thương của Ngài thực sự tràn khắp hư không pháp giới là như vậy. Ở đây có nhắc đến “Thập nhất diện”. Thông thường chúng ta thực hành ví dụ như Pháp Nyungne là Pháp Quán Thế Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn – Đức Quán Thế Âm ngàn mắt ngàn tay, là một sắc tướng của Đức Quán Thế Âm mà chúng ta thực hành. Nhưng cũng có rất nhiều sắc tướng khác nhau, ví dụ, có đôi lúc Ngài xuất hiện dưới dạng của Đức Quán Thế Âm tứ thủ hoặc Đức Quán Thế Âm nhị thủ,… Khi chúng ta thực hành Đức Quán Thế Âm Thập nhất diện có nghĩa là đang nói đến Đức Quán Thế Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn. Như vậy có rất nhiều hình tướng hóa hiện khác nhau của Đức Quán Thế Âm, có lúc Ngài xuất hiện với hai tay hay bốn tay,… thì tất cả cũng đều là một với Đức Quán Thế Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn và minh chú đều là Om Mani Pad Me Hung.
Ngài xuất hiện với nhiều hình tướng khác nhau tùy thuộc vào nhân quả của từng hành giả. Trong quá khứ Ngài đã phát nguyện rằng “nguyện giải phóng tất cả mọi chúng sinh khỏi biển khổ luân hồi” và Ngài đã cố gắng cứu vớt mọi chúng sinh khỏi biển khổ luân hồi suốt 3 lần nhưng vẫn còn có chúng sinh, cho nên tức thì Ngài đã có suy nghĩ thoái chuyển rằng, “con không thể nào cứu vớt được toàn bộ chúng sinh”. Khi ngài khởi phát [niệm tưởng] như thế thì tức thời hạnh nguyện của Ngài suy giảm và đầu Ngài vỡ tan thành nghìn mảnh. Sau đó, Đức Phật A Di Đà đã quy tụ tất cả lòng bi mẫn, sự gia trì của tất cả Chư Phật khắp mười phương tan nhập vào từng mảnh vỡ của Đức Quán Thế Âm và sau đó gia trì lại cho Đức Quán Thế Âm thành 11 khuôn mặt và khuôn mặt cuối cùng chính là khuôn mặt của Đức A Di Đà. Cho nên Đức A Di Đà chính là vị Phật Pháp chủ trong Phật bộ của Đức Quán Thế Âm. Ngài làm như thế là để Đức Quán Thế Âm không bao giờ thoái chuyển hạnh nguyện của mình nữa mà sẽ vẫn tiếp tục cứu độ chúng sinh cho đến lúc cõi luân hồi thực sự chấm dứt.
Chúng ta nói “Đức A Di Đà huy hoàng, con đê đầu đảnh lễ” là để gợi nhớ đến mối liên kết tuyệt vời giữa Đức A Di Đà và Đức Quán Thế Âm vì Đức A Di Đà là vị Phật Pháp chủ trong Phật bộ của Đức Quán Thế Âm. Sau đó chúng ta kết thúc bằng câu đảnh lễ Om Mani Pad Me Hung Hri.
Đoạn kệ tiếp theo chính là đoạn kệ dâng cúng dường nói rằng:
“Nguyện Đấng Dẫn Đường vô song Đức Thích Ca,
Cùng đại dương Đấng Chiến Thắng của mười phương và hậu duệ
Và các vị đạo sư Kagyu tựa như mây cúng dường
Thảy đều hoá hiện là tinh yếu của sáu âm minh chú!”
Thông thường chúng ta chuẩn bị rất nhiều phẩm vật cúng dường. Ví dụ, khi dâng cúng lên Chư Phật, Chư Bồ Tát, các vị Đạo sự của quá khứ, Tam bảo,… thì chúng ta cúng dường thông qua pháp cúng dường thất chi nguyện hoặc cúng dường với ngũ diệu dục, các cúng phẩm biện bày thực tế và các cúng phẩm được quán tưởng trong tâm. Tất cả những điều này được gọi đám mây cúng dường dâng lên Chư Bổn tôn, Chư Phật, Chư Bồ Tát và các vị Đạo sư trong quá khứ. Ở đây, phẩm vật cúng dường của chúng ta chính là câu minh chú Mani. Om Mani Pad Me Hung chính là tinh túy của các Pháp. Giáo Pháp của Đức Phật là vô lượng vô biên nhưng nếu cô đọng tinh túy tất cả các Pháp của Đức Phật thì tinh túy chính là câu minh chú Mani. Tất cả các Pháp của Đức Phật đều tề tựu trọn vẹn trong câu minh chú Mani. Cho nên ở đây, đám mây cúng dường mà chúng ta dâng lên tất cả chư vị chính là câu minh chú Mani. Đồng thời chúng ta cũng chuẩn bị những cúng phẩm được biện bày thực tế lẫn những cúng phẩm được quán tưởng trong tâm – chính là sự quán tưởng chư vị Bổn tôn. Khi chúng ta trì tụng câu minh chú, chúng ta quán tưởng chư vị Bổn tôn và trì tụng câu minh chú của Ngài. Chúng ta quán tưởng tại luân xa tim là chủng tự Hri màu trắng được bao quanh bởi các chủng tự của câu minh chú Om Mani Pad Me Hung. Từ đó vô lượng ánh sáng phóng tỏa ra, dâng lên cúng dường cho chư Thiên, chư Thiên nữ, dâng tất cả mọi cúng phẩm có thể có trên đời lên Chư Phật, Chư Bồ Tát. Như vậy, câu minh chú chính là tinh túy của tất cả các cúng phẩm nhưng tự thân câu minh chú lại hóa hiện thành vô vàn cúng phẩm khác. Bạn có thể quán tưởng như thế. Hoặc nếu không biết cách quán tưởng chi tiết theo nghi quỹ thì bạn chỉ cần trì tụng câu minh chú Mani là đã rất tuyệt vời rồi. Chỉ cần trong lúc trì tụng không bị tán tâm và nhất tâm trì tụng với tất cả lòng chí thành hướng tới Đức Quán Thế Âm thì đó chính là cúng phẩm tuyệt vời nhất.
Khi chúng ta nói đến các cúng phẩm thì cũng có thể hiểu rằng đó giống món quà chúng ta dâng lên một người nào đó – chúng ta có thể hiểu như vậy. Khi các bạn dâng cúng hoặc đưa một món quà cho người khác thì đó là món quà mà người kia cần, nếu bạn biết người đó cần điều gì thì món quà của bạn sẽ làm hài lòng người đó. Ví dụ, nếu bạn muốn tặng một món quà cho cha mẹ, bạn bè của mình và biết được họ muốn gì cần gì thì sẽ rất tuyệt. Nếu bạn cho họ một điều gì đó bạn thích mà người nhận lại không thích thì món quà đó thực sự không thiết thực lắm. Cho nên ở đây, bạn cần hiểu món quà cần dâng tặng là gì để dâng lên món quà đó. Vậy Chư Phật, Chư Bồ Tát mong muốn điều gì? Các Ngài mong muốn Thánh Pháp và tinh túy của Thánh Pháp là câu minh chú Mani. Nên nếu bạn không biết gì hết mà chỉ thực hành Pháp này thôi thì tự thân câu minh chú Mani sẽ trở thành biển mây cúng dường trùng trùng điệp điệp và làm hài lòng Chư Phật, Chư Bồ Tát và chư vị Đạo sư. Đức Milarepa đã nói rằng, “Ta chẳng có điều gì để dâng lên chư Đạo sư cả, điều mà ta có thể dâng cúng chính là sự phụng sự thực hành của ta dành cho Giáo Pháp và chư vị Đạo sư. Cho nên ta dâng cúng dường lên chư vị Đạo sư công đức của sự thực hành, đây chính là cúng phẩm tuyệt vời nhất”. Cho nên, nếu bạn trì tụng minh chú Mani với tất cả lòng tín tâm và tri kiến thanh tịnh thì nội sự thực hành này đã bao hàm trọn vẹn toàn bộ ý nghĩa của sự cúng dường.
Sáu chủng tự của câu minh chú Mani chính là tinh túy của Thánh Pháp. Ở đây chúng ta đang nghe giảng về Bài nguyện hồi hướng Mani. Bài nguyện này thực chất là lời giải thích về các lợi lạc của việc thực hành minh chú Mani. Có rất nhiều bình giảng về bài nguyện này trong tuyển tập minh chú Mani của Đức Tsongtsen Gampo. Chúng ta thấy rằng Đức Chenrezig Quán Thế Âm là hiện thân của lòng bi mẫn của tất cả Chư Phật, Chư Bồ tát. Điều này được thể hiện qua tâm chú của Ngài, chính là chú Mani. Đó chính là lý do vì sao minh chú Mani lại là tinh túy của tất cả các Pháp. Trong tuyển tập các bài nguyện Mani có nói rằng, “nếu một hành giả trì tụng minh chú Mani thì trong một câu chú đó bao hàm trọn vẹn sự thực hành sáu Ba la mật”. Mục đích của việc thực hành sáu Ba la mật là gì? Chúng ta có 6 cảm xúc ô nhiễm trong tâm và vì những cảm xúc ô nhiễm này mà chúng ta trôi lăn trong sáu cõi luân hồi. Chính những cảm xúc ô nhiễm này tạo ra các cõi luân hồi. Những cảm xúc ô nhiễm này được đối trị bằng sự thực hành sáu Ba la mật nhưng không phải ai cũng có điều kiện thực hành sáu Ba la mật. Nhưng nếu chúng ta có thể trì tụng minh chú Mani thì nội trong việc trì tụng minh chú Mani đó thôi cả sáu thiện hạnh Ba la mật được trọn vẹn hoàn toàn. Đây chính là việc hoàn thiện con đường Thánh Pháp. Khi chúng ta thực hành trì tụng sáu âm minh chú Mani, kết quả chúng ta có thể đạt được từ việc thực hành này là gì? Đó chính là sự hoàn thiện của sáu Ba la mật. Chúng ta sẽ tịnh hóa dần dần các cảm xúc ô nhiễm và nhờ đó chuyển hóa các cảm xúc ô nhiễm thành 5 trí tuệ.
Đức Quán Thế Âm là hiện thân của lòng bi mẫn của tất cả Chư Phật, Chư Bồ tát, câu minh chú Mani lại là tinh túy của tất cả các Pháp Phật. Chúng ta nói rằng có 84000 Pháp môn thì tất cả các Pháp môn đó đều được bao hàm trọn vẹn trong câu minh chú này. Tâm chúng ta có rất nhiều cảm xúc ô nhiễm và chúng ta nói rằng các cảm xúc ô nhiễm trong tâm chúng ta lên đến 84000 cảm xúc. Tương tự vậy, có có 84000 Pháp môn đối trị. Cho nên ta có thể nói rằng 84000 nỗi đau khổ và những cảm xúc ô nhiễm đều được quy tụ về sáu cảm xúc ô nhiễm. Liều thuốc đối trị với chúng chính là sáu Ba la mật và tinh túy của sáu Ba la mật chính là câu minh chú Mani. Cho nên chỉ cần trì tụng minh chú Mani sẽ tịnh hóa được sáu cảm xúc ô nhiễm.
Sáu Ba la mật có liên hệ với sáu chủng tự của câu minh chú Mani như thế nào?
Thứ nhất, chủng tự Om có nghĩa là bố thí, chủng tự Ma tương ứng với trì giới, Ni tương ứng với nhẫn nhục, Pad tương ứng với tinh tấn, Me tương ứng với thiền định và chủng tự Hung tương ứng với Ba la mật cuối cùng là trí tuệ. Như thế, chỉ một câu minh chú với sáu chủng tự đã bao hàm sự thực hành sáu thiện hạnh. Sáu chủng tự Om Mani Pad Me Hung sẽ tịnh hóa được sáu cảm xúc ô nhiễm vốn là nguồn cơn của sự tái sinh vào sáu cõi luân hồi. Chủng tự Om tiệt trừ mọi kiêu mạn của chúng sinh, kiêu mạn dẫn đến sự tái sinh vào cõi Thiên. Chủng tự Ma tịnh hóa hạt giống của sự ghen tị trong tâm thức chúng sinh, ghen tị chính là hạt giống dẫn đến sự tái sinh vào cõi bán Thiên và nó liên hệ đến sự ghen tuông đố kị của các chư Thiên ở cõi bán Thiên. Chủng tự Ni tịnh hóa hạt giống của sự tham luyến, chính hạt giống này dẫn đến sự tái sinh vào cõi người với sinh lão bệnh tử. Chủng tự Pad tịnh hóa hạt giống của sự vô minh trong tâm thức chúng sinh, vô minh dẫn đến sự tái sinh vào cõi bán súc sinh làm thú vật. Chủng tự Me tịnh hóa hạt giống của sự keo kiệt bủn xỉn trong tâm thức chúng sinh, dẫn đến sự tái sinh vào cõi ngạ quỷ, như vậy, hạt giống của tái sinh vào cõi ngạ quỷ đã được tịnh trừ. Hung tịnh hóa những che chướng của sân hận trong tâm thức chúng sinh, sân hận là hạt giống dẫn đến sự tái sinh vào cõi địa ngục. Như vậy, chủng tự Hung đóng lại cánh cửa tái sinh vào cõi địa ngục. Chúng ta nói về việc đóng lại các cánh cửa tái sinh vào ba cõi thấp là như vậy. Khi chúng ta trì tụng minh chú Mani có thể tịnh hóa được tất cả mọi nỗi đau khổ của cõi luân hồi. Và như thế kết quả là chúng ta không còn tiếp tục trôi lăn trong sáu cõi luân hồi.
Nếu chúng ta thực hành trì tụng sáu chủng tự minh chú Mani thì quả vị đạt được là những thành tựu phi thường và bình thường, đồng thời tịnh hóa tất cả những che chướng bên ngoài, tất cả ước nguyện của các hành giả sẽ được viên thành, hành giả sẽ đạt được quả vị của sự trường thọ. Nói đến thành tựu thì thành tựu cũng được thể hiện qua sáu chủng tự. Thông qua chủng tự Om, chúng ta thành tựu được thân tướng của Đức Chenrezig, thông qua chủng tự Ma thành tựu được khẩu của Đức Chenrezig, chủng tự Ni thành tựu được ý của Đức Chenrezig, thông qua chủng tự Pad thành tựu được phẩm tánh của Đức Chenrezig, thông qua chủng tự Me thành tựu được công hạnh giác ngộ của Đức Chenrezig, thông qua chủng tự Hung thì tất cả mọi công hạnh của tất cả Chư Phật đều được viên thành.
Nói một cách ngắn gọn, nếu bạn không biết cách thực hành chi tiết và thâm sâu Pháp hành của các vị Bổn tôn (trong trường hợp biết thì rất tuyệt vời) thì các bạn chỉ cần trưởng dưỡng tín tâm đến Tam bảo và trì tụng minh chú Mani. Làm như thế bạn sẽ đạt thành giác ngộ vì tinh túy của các Pháp chính là minh chú Mani. Đó cũng là lý do vì sao Đức Drupwang Rinpoche đã nói rằng, “minh chú Mani chính là Phật”. Đương nhiên điều đó cũng có nghĩa là lúc thực hành chúng ta không được phép phân tâm, chia trí và thông qua sự thực hành với trọn vẹn thân tâm như thế chúng ta sẽ đạt rất nhiều thành tựu. Và thông qua sự thực hành như thế, minh chú này sẽ là cúng phẩm lên chư vị. Có 9 lợi lạc khi thực hành và 1 trong những lợi lạc là khi chúng ta thực hành với tất cả sự chuyên tâm chuyên chú, câu minh chú tự thân sẽ trở thành cúng phẩm.
Hai câu kệ kết đoạn
“Và các vị đạo sư Kagyu tựa như mây cúng dường
Thảy đều hoá hiện là tinh yếu của sáu âm minh chú!”.
Chúng ta kết thúc thời gian giảng Pháp và đến phần quán tưởng hòa tan.
Nguồn: Dorzin Rinpoche ban pháp thoại về Bài Nguyện Hồi Hướng Chú Mani trong pháp hội trì tụng 100 Triệu Minh Chú Mani lần 3 do trung tâm DAC tổ chức qua mạng trực tuyến. Tp. HCM, tháng 3/2022
DAC biên tập và chuyển Việt ngữ. Do tính chất của một buổi pháp thoại bản đánh máy chỉ sửa đổi các điểm chưa chính xác trong bản dịch nói, nhưng giữ lại nguyên văn câu từ của Đạo sư để gìn giữ ngôn ngữ tự nhiên gần gũi của Thầy.