Pháp Hội 100 Triệu Minh Chú Mani Lần 3: Ngày 4 – Bình Giảng về Bài Nguyện Hồi Hướng Chú Mani

Dorzin Rinpoche bình giảng "Bài Nguyện Hồi Hướng Chú Mani" Pháp Hội 100 Triệu Minh Chú Mani lần 3, ngày 4.
100 triệu biến chú Mani Quán Thế Âm Chenrezig

 

Dorzin Rinpoche: Chào tất cả các vị đạo hữu ngày hôm nay đã là ngày thứ tư, ngày cuối cùng của khóa thất trì tụng 100 triệu biến chú Mani rồi. Thầy xin cảm ơn và tán thán tất cả các vị đạo hữu đã cùng tham gia khóa thất.

Trong những ngày vừa qua Thầy đã nói về điều này rồi, việc chúng ta thực hành cùng nhau là một công đức vô cùng to lớn. Đây là công đức chúng ta đã tích lũy trong những đời kiếp trước, một phước báu vô cùng lớn lao để chúng ta có thể tề tựu tại đây với rất nhiều thành viên trong Tăng đoàn để cùng nhau trì tụng minh chú Mani cho Pháp hội 100 triệu minh chú Mani. Thật là một công đức tuyệt vời. Nhưng việc quyết định công đức của chúng ta to lớn đến đâu lại tùy thuộc vào động cơ của chúng ta. Nếu động cơ là thanh tịnh và chúng ta dùng động cơ ấy để thực hành minh chú thì công đức đạt được sẽ vô biên vô lượng. Ta nói rằng, vạn Pháp đều là do duyên sinh, thì duyên ở đây chính là hạnh nguyện, động cơ khởi lên trong tâm chúng ta. Dù chúng ta thực hành một thiện hạnh rất to lớn hay một thiện hạnh nhỏ bé nào – nhỏ hay to tùy thuộc vào động cơ phía sau hành động của chúng ta. Giờ phút này chúng ta đang thực hành trì tụng 100 triệu biến chú Mani, các bạn hoàn toàn có thể hoan hỉ và nghĩ rằng, giờ đây chúng ta có thể thực hành cùng với đại chúng, chúng ta đã tích lũy được túc số to lớn chừng này để đem lại lợi lạc cho toàn thể chúng sinh, nghĩ rằng công đức khi chúng ta trì tụng lẫn khi nghe Pháp này hồi hướng cho chúng sinh thì điều này sẽ đem lại công đức to lớn – lại một lần nữa, công đức lớn lao thế nào phụ thuộc vào sức mạnh của nguyện lực và động cơ của chúng ta. Như thế, hãy khởi lên một động cơ thanh tịnh.

Bây giờ chúng ta sẽ quay lại với khổ tiếp theo trong bài nguyện Hồi hướng Mani. Hôm nay chúng ta đến với trang 25.

Trâu yak mẹ từ hoà, những kẻ dùng sữa chua và sữa (6)

Cùng tất cả những chúng sinh ăn thịt và uống máu

Nguyện cầu họ được dẫn dắt bởi Đức Quán Thế Âm

Và được gia hộ để tái sinh nơi Cực Lạc!

OM MANI PADME HUNG HRIH

Khi chúng ta đang đi đến hồi kết của khóa thất 100 triệu biến chú Mani thì chúng ta cần hồi hướng các thiện hạnh của mình. Ở đây có một đối tượng của sự hồi hướng. Khổ tiếp theo nói rằng những người mà chúng ta có sự kết nối trực tiếp trong cuộc đời này, với thân thể của ta, ví dụ chúng ta uống sữa lấy từ những con thú hoặc ăn sữa chua, yogurt,… những con thú này hy sinh phần (thân thể) của nó để chúng ta có thức ăn uống, để chúng ta nuôi dưỡng thân thể này. Từ sữa của những con vật đó chúng ta làm được nhiều món như bơ, từ thịt ra các món ăn, từ lông tạo thành áo để chúng ta giữ ấm, da tạo thành vải vóc và rất nhiều dược liệu khác để chúng ta chữa bệnh. Rất nhiều thứ chúng ta dùng để bồi dưỡng cho thân thể này là đến từ những con vật như vậy. Vì vậy chúng ta nhớ nghĩ đến những con vật này và hồi hướng chú Mani cho chúng. Đương nhiên chúng ta hiểu được rằng, việc dùng máu thịt của những chúng sinh khác để ăn là một tội lỗi rất lớn. Chúng ta cũng hiểu được rằng việc mặc áo từ lông da thú cũng là một bất thiện hạnh rất to lớn vì những chúng sinh khác đã phải chịu đau đớn vì mong muốn của chúng ta. Nói như thế có nghĩa là khi chúng ta ăn bất kỳ thứ gì cũng tạo thành nỗi đau khổ của chúng sinh khác. Ví dụ chúng ta ăn trái cây, ngũ cốc, rau,… tất cả những gì mà chúng ta ăn uống thì thực tế mà nói đều có những mối liên kết về nghiệp. Có thể không có sự kết nối trực tiếp với việc ăn thịt, uống máu nhưng không có nghĩa là ăn chay thì không có tội lỗi. Mình ăn rau ăn quả cũng không có nghĩa là mình không phạm phải tội sát sinh. Vì trong quá trình sản xuất, thu hoạch những thực phẩm đó như khi cày cấy trên ruộng đồng chúng ta đã rải rất nhiều chất hóa học, phân bón, thuốc diệt cỏ, thuốc tiêu diệt côn trùng,… những chất này đã tiêu diệt rất nhiều súc sinh. Ví dụ ở Tây Tạng, khi cày ấy và làm đồng thì có nhiều côn trùng dưới đất bị đào lên, bị dày xéo, bị phơi trên mặt đất. Khi những con côn trùng như vậy bị phơi trên mặt đất lại bị những loài như chim, vịt ăn thịt. Cho nên thực tế mà nói, hành động của chúng ta không thể nào không có bất kỳ lỗi lầm nào. Việc ăn uống và sinh tồn thì tự thân nó đã là một bất thiện hạnh. Có rất nhiều con vật đã chết đi để ta có thể ăn uống nuôi dưỡng thân thể này. Vì thế, chúng ta hãy nhớ nghĩ đến tất cả chúng và nguyện cầu chúng được Đức Chenrezig gia hộ để được tái sinh vào cõi Cực lạc và được giải phóng khỏi tất cả nỗi đau khổ.

Đó là lý do vì sao trước khi chúng ta thọ dụng bất kỳ thứ gì, đồ ăn uống hay trang phục thì chúng ta cũng đều cúng dường lên Tam Bảo trước, đặc biệt nếu món ăn của chúng ta là thịt. Khi chúng ta dâng cúng như thế và sau khi ăn chúng ta hồi hướng thông thường bằng việc trì tụng Om Mani Pad Me Hung thì những chúng sinh đã hy sinh để chúng ta có đồ ăn sẽ có được công đức, họ có sự kết nối với chúng ta vì thế chúng ta hồi hướng công đức cho họ. Vì vậy, trước khi chúng ta ăn bất cứ thứ gì, thọ dụng bất kỳ phẩm gì chúng ta cũng cúng dường lên Tam Bảo trước và sau khi thọ dụng xong chúng ta hồi hướng với Om Mani Pad Me Hung. Làm như thế không bao giờ chúng ta lãng quên họ.

Khổ tiếp theo nói rằng

Những con vật thồ hàng cồng kềnh nên chậm chạp

Mà con thường cưỡi đạp, giáng đòn roi

Và xỏ mũi giật dây khi chúng không cất bước

Nguyện cầu họ được dẫn dắt bởi Đức Quán Thế Âm

Và được gia hộ để tái sinh nơi Cực Lạc!

OM MANI PADME HUNG HRIH

Dòng đầu tiên của câu kệ có nói “Những con vật thồ hàng cồng kềnh nên chậm chạp / Mà con thường cưỡi đạp, giáng đòn roi” giống như chúng ta nói về cảnh ngày xưa chưa có nhiều máy móc như bây giờ, không có xe cộ, máy bay,… tất cả những phương tiện hiện đại, tiện nghi mà chúng ta đã có nhờ khoa học kỹ thuật. Thời xưa người ta dùng động vật để thồ hàng hoặc chở người khi cần di chuyển. Những con vật đó vừa phải thồ hàng vừa phải chở người, nếu không thồ hàng hay chở người thì những con trâu con bò sẽ phải nai lưng ra cày bừa. Ở Ấn Độ bây giờ chúng ta vẫn thấy những con trâu bị xỏ giây vào mũi rồi bị giật, bị kéo đi. Những con vật này bị xỏ giây kéo mũi như vậy đã rất chật vật khó khăn rồi mà còn bị chủ đánh đập. Tuy ở thế giới hiện đại chúng ta không còn thấy cảnh ấy nhưng thời xưa ở Tây Tạng điều này xảy ra rất thường xuyên. Những con vật bị bắn đinh xuyên lỗ mũi, tạo thành một cái lọng để xỏ dây xuyên qua và kéo đi, trên lưng thì bị chất hàng đống hàng hóa. Bất cứ khi nào người chủ muốn thì sẽ cầm dây giật kéo những con vật này đi. Nếu chúng không nghe sẽ bị đánh đập tàn nhẫn. Tất cả những điều này chỉ để phục vụ việc làm nông nghiệp. Nên những con vật này đã phải chịu những nỗi đau to lớn, chúng bị tái sinh vào cõi súc sinh vì chúng đã có những nghiệp bất thiện trong quá khứ. Vì vậy, chúng ta nguyện với Đức Quán Thế Âm rằng “Nguyện cầu họ được dẫn dắt bởi Đức Quán Thế Âm / Và được gia hộ để tái sinh nơi Cực Lạc!”

Khổ tiếp theo nói rằng

U, Tsang, Kham, Ngari và Diêm Phù Đề
Cùng ba đại bộ châu khác và các tiểu lục địa (7) phía dưới mặt trời
Nguyện cầu họ được dẫn dắt bởi Đức Quán Thế Âm
Và được gia hộ để tái sinh nơi Cực Lạc!
OM MANI PADME HUNG HRIH

Những địa danh như U, Tsang, Kham, Ngari là ở Tây Tạng và cả châu lục này cũng các tiểu châu lục là nói về toàn thể vũ trụ. Các cõi như cõi Nam Thiệm Bộ Châu, Đông Thắng Thần Châu, Tây Ngưu Hóa Châu, Bắc câu Lô Châu chính là vũ trụ trong thế giới quan Phật giáo. Tất cả châu lục này cũng các tiểu châu lục dưới ánh mặt trời – chúng ta đều mong nguyện chúng sinh của những châu lục đó “được dẫn dắt bởi Đức Quán Thế Âm / Và được gia hộ để tái sinh nơi Cực Lạc!”

Khổ tiếp theo nói rằng

Những chúng sinh cư ngụ trong ngũ đại
Cùng chúng sinh thô lậu hay hữu hình
Và chúng sinh vi tế lẫn vô hình
Nguyện cầu họ được dẫn dắt bởi Đức Quán Thế Âm
Và được gia hộ để tái sinh nơi Cực Lạc!
OM MANI PADME HUNG HRIH

Có những chúng sinh sống trong ngũ đại, trong ngũ đại thì có những đại hữu hình, vô hình. Có những chúng sinh sống trong các đại thô lậu và vi tế. Những chúng thô lậu chúng ta có thể thấy như con người, thú vật. Những chúng sinh vi tế sống trong các đại như lửa, nước mà chúng ta không thấy được bằng mắt thường, mặc dù không có thân tướng nhưng cái thức của họ vẫn tồn tại và bao trùm khắp nơi như những hạt bụi li ti trong không khí mà chúng ta có thể nhìn thấy khi những tia sáng mặt trời đầu tiên chiếu rọi qua bóng đêm. Trong tia nắng đó chúng ta có thể thấy toàn bộ không gian này bị lấp đầy bởi các hạt bụi li ti đang bay lượn. Cũng như vậy, thức của tất thảy chúng sinh cũng thực sự bao trùm khắp mọi nơi. Nói một cách ngắn gọn, có rất nhiều và vô số kể những dạng thức khác nhau của sự sống, kể cả những thứ chúng ta nhìn thấy bằng mắt thường và những thứ chúng ta không thấy – chúng ta hãy nhớ nghĩ đến tất cả chúng sinh đó và cầu nguyện rằng họ đều được bảo hộ bởi Đức Quán Thế Âm và được gia lực để tái sinh nơi cực lạc. Và sau đó hồi hướng nguyện lực thực hành Mani của chúng ta đến họ. Tiếp theo, sau bài trì tụng chúng ta nghĩ rằng tất cả chúng sinh sinh sống trên cõi giới này – những câu minh chú này là để hồi hướng cho tất cả chư vị.

Khổ tiếp theo nói rằng

Những chúng sinh cõi trời, người, địa ngục
Cõi bán thiên, ngạ quỷ lẫn súc sinh
Mọi chúng sinh trong ba nẻo [luân hồi]
Nguyện cầu họ được dẫn dắt bởi Đức Quán Thế Âm
Và được gia hộ để tái sinh nơi Cực Lạc!
OM MANI PADME HUNG HRIH

Đó chính là tất cả chúng sinh trong sáu cõi luân hồi. Chúng ta đã rất quen thuộc với sáu cõi luân hồi rồi, bất kỳ Phật tử nào bước vào con đường học Phật cũng đều hiểu về lẽ này. Có cõi Trời, người, địa ngục, có cõi bán thiên, ngạ quỷ và súc sinh. Mỗi chúng sinh trong sáu nẻo luân hồi có những nghiệp quả khác nhau vì vậy tái sinh vào từng cõi của luân hồi và phải trải nghiệm nỗi đau khổ tương ứng. Tuy nhiên, mỗi một chúng sinh như thế đều phải chịu nỗi đau khổ, chỉ có người chịu khổ nhiều hơn và người chịu khổ ít hơn chứ chúng sinh nào cũng đều phải chịu khổ. Với những chúng sinh trong địa ngục thì có những nỗi đau khổ không thể nào chịu nổi – ngày và đêm đều phải chịu cảnh đau khổ. Còn con người và chư Thiên thì chịu nỗi đau khổ ít hơn một chút. Tất cả những điều này là vì nghiệp quả của chúng ta. Vì nghiệp quả mà chúng ta chịu những cấp độ đau khổ khác nhau nhưng kể cả chỉ quan sát trong cõi người thôi ta cũng thấy có quá nhiều nỗi đau khổ tồn tại trong cõi này.  Có những nơi, đất nước mà người dân nước đó phải chịu đói nghèo, bệnh tật, không có của cải, tiền bạc. Có những đất nước mà người dân nước đó được chăm lo đầy đủ về mặt xã hội, có nhiều của cải tài sản hơn. Tuy vậy không có một chúng sinh nào là không chịu đau khổ. Vì thế ta nói, nguyện cho tất cả chúng sinh của sáu nẻo luân hồi đều “được dẫn dắt bởi Đức Quán Thế Âm / Và được gia hộ để tái sinh nơi Cực Lạc”. Một lần nữa chúng ta trì tụng minh chú Om Mani Pad Me Hung thì phải hồi hướng như thể.

Thực sự, nếu như thỉnh thoảng chúng ta dành thời gian quán chiếu về nỗi đau khổ của chúng sinh sáu cõi thì rất tốt. Còn nếu chúng ta không nghĩ ngợi gì về những nỗi đau khổ này thì chúng ta dễ dàng bám chấp vào những lạc thú của cõi đời này. Chúng ta sẽ chạy theo những nỗi vui sướng của cõi dời này mà quên đi nỗi đau khổ của người khác. Thực sự, chúng ta chỉ có thể nhận ra đau khổ khi chúng ta trực tiếp trải nghiệm đau khổ. Nếu tự thân chúng ta không gặp phải bất kỳ nỗi đau khổ nào thì dường như những nỗi đau khổ đó không chạm được đến tâm trí ta. Chúng ta không nghĩ ngợi gì đến nỗi đau khổ của người khác nên khi chúng ta gặp phải một vấn đề nào đó, thì bởi vì đau khổ không thường trực trong tâm của chúng ta nên nếu chúng ta gặp một chướng ngại nào đó dù nhỏ thì cũng sẽ trở nên kinh khủng không thể nào chịu đựng nổi, đến mức ta trằn trọc ngày quên ăn đêm quên ngủ – đây chính là sự đau khổ ở đời. Một người hiểu được nỗi đau khổ của cõi địa ngục, cõi ngạ quỷ chẳng hạn, thì họ thực sự sẽ thấy được rằng, tất cả những nỗi đau khổ của họ thực chẳng đáng là bao nhiêu so với nỗi đau khổ của chúng sinh cõi địa ngục, cõi ngạ quỷ. Họ sẽ tức thời nhìn thấy sự so sánh đó và không bị nhấn chìm bởi những nỗi đau khổ của cá nhân mình nữa. Tức thời họ sẽ thấy được rằng, à, thực ra những khổ đau của mình cũng không đau khổ lắm, cũng chẳng đáng là bao so với những chúng sinh khác. Ngược lại, nếu lúc nào cũng chỉ chăm chăm nghĩ cho bản thân mình, lúc nào cũng chỉ nghĩ đến những vui vẻ, khổ đau, hạnh phúc của bản thân mình và hoàn toàn đóng cửa với những đau khổ và tâm tư của người khác thì khi gặp một chướng ngại nhỏ cũng khiến chúng ta có những phản ứng hết sức tiêu cực và mạnh mẽ. Chúng ta bị nhấn chìm bởi nỗi đau khổ đó là vì thường thường chúng ta không quán chiếu về nỗi đau khổ của người khác mà chỉ biết nghĩ cho bản thân mình lẫn những nỗi đau khổ của bản thân mà thôi. Nếu chúng ta thật sự quán xét và nghĩ rất sâu về điều này thì ta sẽ thấy những nỗi đau khổ của chúng sinh ở cõi địa ngục thực sự là không tưởng tượng nổi. Khi các bạn nghĩ về nỗi đau khổ của ngạ quỷ, không có thức ăn thức uống, thậm chí không thể chết được vì nghiệp quả của họ nên thực sự kinh khủng biết bao nhiêu. Khi nghĩ về nỗi đau khổ của các chúng sinh đó thì chúng ta thấy nỗi đau khổ của mình chẳng đáng là bao. Mình chỉ mới đói một chút thôi đã không chịu được rồi vậy mà những chúng sinh trong cõi ngạ quỷ đã phải chịu đói trong biết bao lâu. Ít ai rơi vào tình trạng đói tới mức chết đói, cái đói của chúng ta là cái đói do không được ăn đủ, dù vẫn có đồ ăn chỉ là không đủ thôi. Còn chúng sinh cõi ngạ quỷ không có đồ ăn và phải chịu những đau khổ không có điểm dừng mà không thể chết được. Vì vậy, khi so sánh như thế thì dù chúng ta có gặp cảnh khổ nào đi chăng nữa thì cũng thấy cái khổ đau của chúng ta không quá đến mức tệ như thế. Khi chúng ta biết cách nghĩ về nỗi đau khổ của người khác thì chúng ta sẽ biết cách và có nhiều động lực hơn nữa để thực hành thiện hạnh. Như vâyj hạnh nguyện của chúng ta sẽ trở lên mãnh liệt hơn. Cho nên khi quán chiếu về nỗi đau của chúng sinh sáu cõi là điều rất tuyệt, hãy luôn quán chiếu như thế – đặc biệt là giờ phút này khi chúng ta trì tụng minh chú Mani – hãy nghĩ như thế. Nghĩ được như vậy thì thực hạnh của chúng ta sẽ trở nên thực sự có ý nghĩa. Là một cơ hội tuyệt vời để thực hành thiện hạnh vì vậy các bạn cần hết sức nỗ lực để nghĩ về nỗi đau khổ của chúng sinh, nhiều nhất có thể.

Nếu như chúng ta thực sự hiểu được nỗi đau khổ của từng chúng sinh trong sáu cõi thì khi chúng ta thấy đau khổ chúng ta sẽ nhận ra nhân của đau khổ là gì? Nhận ra nhân của đau khổ chính là bất thiện hạnh. Nên khi các bạn gặp chướng ngại, các bạn sẽ hiểu được một cách chắc chắn rằng, à, cái quả đau khổ này là vì cái nhân đau khổ kia. Chúng ta từng nói về mười ác hạnh là 3 ác hạnh của thân, 4 ác hạnh của khẩu và 3 ác hạnh của ý. Như thế chúng ta sẽ thấy tương ứng rằng, nhân gì sẽ dẫn đến qảu gì. Vì vậy chúng ta không được làm hại người khác. Làm hại người khác là cái nhân dẫn đến đau khổ. Ngược lại, những gì mang lại vui vẻ, hạnh phúc cho người khác là nhân của hạnh phúc. Tất cả chướng ngại, khó khăn, che chướng, đau khổ mà chúng ta nhận được trong đời này là đến từ ác nghiệp mà ta đã gieo, đến từ những hành động mà ta đã làm. Hiểu được như vây thì một cách tự nhiên chúng ta sẽ thôi thúc được làm thiện hạnh. Vì vậy chúng ta lúc nào cũng cần liên tục quán chiếu về những nỗi đau khổ của các chúng sinh trong sáu cõi.

Câu kệ tiếp theo nói rằng

Hết thảy chúng sinh khắp cõi giới mười phương
Là vô lượng, vô biên, vô cùng tận
Nguyện cầu họ được dẫn dắt bởi Đức Quán Thế Âm
Và được gia hộ để tái sinh nơi Cực Lạc!
OM MANI PADME HUNG HRIH

Chúng sinh khắp cõi giới mười phương là thế nào? Mười phương chính là 4 phương chính, 4 phương ở giữa và 2 phương trên dưới. Mỗi phương lại có vô lượng vô biên cõi Tịnh độ. Có một vài cõi Tịnh độ chúng ta đã rất quen thuộc như cõi Tịnh độ Tây phương cực lạc, cõi Tịnh độ của Đức Phật Dược Sư, cõi Tịnh độ của Đức Bất Động Phật. Chúng ta đã biết được một vài cõi Tịnh độ nhưng cõi Tịnh độ của Chư Phật không thể nào đong đếm được vì là vô biên vô lượng và đồng thời như thế có vô biên vô lượng các thế giới ở mười phương. Mỗi thế giới lại chứa đầy chúng sinh. Chúng ta có một cõi giới là Trái đất và biết nó nằm ở Nam Thiệm Bộ Châu. Khi học hỏi thêm thì chúng ta biết được rằng thế giới này không phải là tất cả. Chúng ta biết là còn 4 châu nữa như Bắc Câu Lô Châu, Đông Thắng Thần Châu,… Càng hiểu biết thì chúng ta biết rằng còn có rất rất nhiều cõi giới nữa. Hiểu như vậy chúng ta sẽ thấy rằng không có bất kỳ biên giới, giới hạn nào về số lượng của thế giới và số lượng của chúng sinh trong thế giới ấy. Thực sự là có vô lượng vô lượng chúng sinh cư ngụ trong thế giới. Trong Lời nguyện đại toàn thiện của Phổ Hiền Như Lai có nói rằng, “bất cứ khi nào có hư không thì chúng sinh sẽ tràn khắp, bất cứ khi nào có chúng sinh thì nghiệp quả sẽ tràn khắp. Sự bao trùm đó chính là hạnh nguyện của ta”. Nói thế nghĩa là, bất bất cứ khi nào có hư không thì hư không là điều mà chúng ta không thể nào đong đếm được. Chúng ta không thể nào đong đếm được đâu là giới hạn của hư không, cho nên, hư không là vô biên vô cùng tận.

Nguyện cho lời nguyện này đem lại gia lực cho chúng sinh tràn khắp – giúp họ vượt lên khỏi đau khổ của luân hồi. Với tâm nguyện như thế chúng ta trì tụng Om Mani Pad Me Hung Hri và chúng ta khẩn nguyện, nguyện cầu cho tất cả chúng sinh đều được Đức Quán Thế Âm gia hộ và được tái sinh nơi cực lạc. Chỗ này ta phải hiểu tâm của ta và động lực của ta phải bao la như hư không. Tâm này của chúng ta phải bao trùm tràn khắp như hư không. Cũng như vậy, khi đó câu minh chú Mani của chúng ta cũng sẽ có nguyện lực và gia lực bao trùm khắp hư không pháp giới.

Như vậy nói một cách ngắn gọn, khi chúng ta trì tụng câu minh chú Om Mani Pad Me Hung thì chúng ta phải làm điều này với một tâm nguyện, với tinh yêu thương và lòng bi mẫn, nguyện cho tất cả chúng sinh đều đạt được giải thoát, nguyện cho tất cả chúng sinh nhanh chóng thoát khỏi biển khổ luân hồi. Ta đã từng nói rằng, tất cả các Pháp đều được bao hàm trọn vẹn trong minh chú Mani – điều này đã được giảng dạy vào ngày đầu của Pháp hội. Chỉ cần chúng có niềm tin mạnh mẽ vào việc trì tụng minh chú Mani của mình, ta tin tưởng rằng chỉ cần trì tụng minh chú Mani thôi ta cũng có thể đem lại lợi lạc cho chúng sính – bằng cách thực hành như thế chúng ta sẽ vừa tịnh hóa được chướng ngại và ác nghiệp của chúng ta lẫn của chúng sinh khác,… và đồng thời có thế giúp đỡ và lợi lạc cho người khác. Cho nên chúng ta cần phát khởi được động cơ vị tha – điều này là vô cùng quan trọng. Thực hạnh với động cơ vị tha như vậy thì chắc chắn tâm nguyện sẽ được viên thành như hồi hướng. Và nếu chúng ta trì tụng câu minh chú Mani với lòng tín tâm chí thành nơi Tam Bảo cùng với tri kiến thanh tịnh thì như đã nói về lợi lạc của việc trì tụng minh chú Mani, chúng ta sẽ đạt được thân – khẩu – ý – phẩm hạnh và công hạnh của Đức Quán Thế Âm. Nên bất cứ khi nào bạn có thời gian hãy trì tụng minh chú Mani và biết được rằng trì tụng câu minh chú này sẽ tích lũy được rất nhiều công đức và công đức đạt được sẽ là vô biên bao la, vô tận. Bất cứ khi nào bạn có thời gian rảnh, đặc biệt là khi bạn gặp phải khó khăn, chướng ngại hoặc khi thấy người khác gặp khó khăn, chướng ngại thì hãy trì tụng minh chú Mani. Hoặc khi bạn thấy có người qua đời thì hãy trì tụng minh chú Mani. Khi bạn thấy người nào đó mắc bệnh nan y, bạn cũng có thể trì tụng câu minh chú Om Mani Pad Me Hung Hri. Nói tóm lại, trong cuộc sống hàng ngày bất cứ khi nào có thể hãy trì tụng minh chú Mani, hãy cố gắng để không bao giờ quên minh chú Mani bằng mọi cách và hãy trì tụng thật nhiều, càng nhiều càng tốt.

Như vây Dorzin Rinpoche đã hoàn thành bài Pháp thoại về bài nguyện hồi hướng Mani. Bây giờ đến phần trả lời câu hỏi của quý vị đạo hữu đã gửi đến cho BTC trong những ngày vừa qua.

Nguồn: Dorzin Rinpoche ban pháp thoại về Bài Nguyện Hồi Hướng Chú Mani trong pháp hội trì tụng 100 Triệu Minh Chú Mani lần 3 do trung tâm DAC tổ chức qua mạng trực tuyến. Tp. HCM, tháng 3/2022

DAC biên tập và chuyển Việt ngữ. Do tính chất của một buổi pháp thoại, bản đánh máy chỉ sửa đổi các điểm chưa chính xác trong bản dịch nói, nhưng giữ lại nguyên văn câu từ của Đạo sư để gìn giữ ngôn ngữ tự nhiên gần gũi của Thầy. 

 

 

 

đóng góp cho DAC

Các trung tâm Pháp thật vô cùng trân quý và trung tâm có thể hoạt động hoàn toàn phụ thuộc vào sự ủng hộ của các vị đệ tử. Mặc dù chúng ta đã thành lập trung tâm nhưng nếu không có được sự ủng hộ của tăng đoàn thì trung tâm sẽ không thể tồn tại trong tương lai. Nếu con ủng hộ cho các trung tâm Pháp thì con sẽ nhận được phước báu lớn lao trong đời này và cả đời vị lai. Và phước báu là cội nguồn của hạnh phúc.


Kyabje Garchen Rinpoche

đọc thêm

Achi Chokyi Drolma

Hộ Pháp Achi Chokyi Drolma

Achi Chokyi Drolma là một Hộ Pháp vĩ đại trong Phật Giáo. Ngài là hiện thân của Kim Cang Du Già Thánh Nữ, hoá hiện của trí tuệ và công hạnh của tất cả chư Phật. Ngài là thánh mẫu thiêng liêng của mọi chư Phật, đã hiện thân từ lòng đại bi dưới hình tướng của chư vị Dakini trong Ngũ Phật Bộ. Để đem lại lợi lạc cho mọi chúng sinh trong luân hồi, Ngài đã thị hiện muôn vàn hình tướng tại những thời – không khác nhau.

ĐỌC THÊM