1. Thiền chỉ với đối tượng tập trung
Đầu tiên thầy rất hoan hỷ khi được gặp các vị đạo hữu trong khoá cộng tu này. Xin gửi đến quý đạo hữu rất nhiều lời chào cát tường.
Nói về thiền thì có nhiều cấp độ thiền, nhưng hôm nay chúng ta sẽ bắt đầu với thiền chỉ, hay còn gọi là thiền an định trước.
Trước hết, chúng ta sẽ bắt đầu với tứ vô lượng tâm. Đó là bốn ý niệm về thân người trân quý, cuộc đời vô thường, luân hồi đau khổ và cuối cùng là nghiệp nhân và quả.
Chúng ta phải hiểu rõ về 4 niệm chuyển tâm và phải thẩm thấu thật sâu trong tâm để từ đó có được một nền tảng vững chắc trước khi bắt đầu bất kỳ một pháp hành nào. Vì lý do đó, thầy sẽ giảng về bốn niệm chuyển tâm này trước khi bắt đầu thời khoá thiền ngày hôm nay.
Việc hành thiền thì chắc chắn là quan trọng và trong thời gian đầu thì hơi khó khăn đối với những hành giả mới. Ở mức độ tương đối, việc hành thiền sẽ giúp chúng ta đạt được sự an định trong tâm. Và sự an bình đó chính là nhân giác ngộ cho đời này và trong tất cả các đời vị lai. Đó chính là những lợi ích của việc hành thiền.
Pháp hành thiền định thực ra xuất hiện ở nhiều tôn giáo chứ không riêng gì trong Phật giáo. Tuy nhiên, ở những tôn giáo khác thì lợi ích của việc hành thiền thường nhấn mạnh vào cuộc đời này trong khi đối với quan kiến của nhà Phật thì việc hành thiền không chỉ mang lại lợi lạc cho hiện đời mà còn có lợi ích lâu dài cho các kiếp sống vị lại nữa.
Nếu hiểu được như vậy thì chúng ta sẽ thấy việc hành thiền thực sự quan trọng và lợi lạc. Thông qua thiền định chúng ta sẽ đạt được sự an tĩnh của tâm và có được sự hỷ lạc.
Việc hành thiền thì chắc chắn sẽ không dễ dàng gì cho những người mới bắt đầu. Do đó khi thực hành, chúng ta phải khấn nguyện đạo sư từ tận đáy lòng, cầu mong các ngài ban gia trì để ta có thể học hỏi lĩnh hội được thiền pháp. Chúng ta nên khấn nguyện liên tục để có thể nhận được gia lực từ chư vị đạo sư.
Việc khấn nguyện liên tục là để cho lòng sùng mộ được trưởng dưỡng và từ đó, chúng ta sẽ nhận được gia trì từ đạo sư. Và chúng ta cũng nên ghi nhớ rằng ngoài kia có rất nhiều chúng sinh đang đau khổ. Do đó chúng ta cũng phải khởi phát lòng bi mẫn bao la tới tất cả chúng sinh và mong nguyện rằng tất cả các chúng sinh sẽ được giải thoát khỏi đau khổ và có được hạnh phúc. Như vậy, khẩn nguyện đạo sư và trưởng dưỡng lòng bi mẫn là những việc chúng ta phải làm trước khi khởi sự bất kỳ pháp hành nào.
Đối với việc hành thiền thì đầu tiên chúng ta phải thấu hiểu được sự trân quý của thân này và sự quan trọng của tâm thức trong việc hành thiền. Quan trọng hơn nữa là chúng ta có được tư thế và tâm thế đúng đắn khi hành thiền.
Tư thế tốt nhất của thân là tư thế 7 điểm Tỳ Nô Giá La.
Theo tư thế này thì chúng ta ngồi trên sàn, hai chân bắt chéo, hai tay đặt chồng lên nhau, 2 ngón cái chạm nhẹ vào nhau, cột sống thẳng. Cổ hơi cong nhẹ một chút như một cái móc câu, vai mở rộng, mắt nhìn vào chóp mũi, lưỡi cong nhẹ và chạm lên vòm miệng. Đó là tư thế 7 điểm Tỳ Nô Giá La, tư thế đúng đắn để thực hành thiền định.
Chúng ta thực hành thiền chỉ hay thiền an định là bởi bình thường tâm của ta lúc nào cũng đầy những tư tưởng lao xao. Khi tham gia vào các hoạt động thế tục, tâm của ta khởi đầy các vọng niệm và ta cũng thực hiện rất nhiều những bất thiện hạnh. Chúng ta thường xuyên bị vọng niệm sai khiến và quấy nhiễu. Sở dĩ điều đó xảy ra là do ta chưa giỏi kiểm soát tâm mình. Cho nên khi vọng niệm xảy ra, ta rất dễ bị chúng dẫn dắt. Khi những xúc tình như hạnh phúc hay khổ đau khởi lên, ta sẽ dễ dàng bị chúng dẫn dắt và mất đi khả năng kiểm soát.
Nếu xúc tình đó là tích cực thì có thể làm cho ta phấn chấn. Nhưng nếu những xúc tình đó là tiêu cực thì có thể khiến ta phạm ác hạnh. Do đó mục đích của việc hành thiền là để giúp ta không bị vọng niệm sai khiến nữa. Thông qua thiền định, chúng ta sẽ không còn bị sai sử bởi những xúc tình tiêu cực, bởi hy vọng hay sợ hãi. Ai trong chúng ta cũng mong muốn có được hạnh phúc và thoát khỏi khổ đau. Nếu bị sai sử bởi nỗi sợ hãi hay hy vọng, chúng ta sẽ không có được hạnh phúc. Đó chính là mục đích của việc hành thiền.
Khi hành thiền, chúng ta được dạy rằng hãy nhìn vào chính tâm mình và đừng để bị dẫn dắt bởi những xúc tình tiêu cực hay tích cực. Điều đó có nghĩa là, khi hành thiền chúng ta nên cho tâm mình an trú trong trạng thái bản nhiên.
Việc để cho tâm lắng đọng những suy nghĩ, những niệm tưởng lao xao chính là thiền chỉ, hay thiền an định. Pháp thiền này có rất nhiều tên gọi khác nhau nhưng nhìn chung thì tất cả đều có một mục đích là làm cho tâm vắng lặng những động đậy lao xao. Đó cũng chính là pháp thiền mà thầy sẽ dạy cho chúng ta ngày hôm nay.
Thầy biết rằng trong số những đạo hữu tham dự hôm nay, một số người đã từng thực hành và có nhiều hiểu biết về thiền. Tuy nhiên cũng có một số đạo hữu mới chưa hiểu biết nhiều về pháp hành này. Do đó, hôm nay thầy sẽ ban những giáo huấn cơ bản về thiền chỉ để bắt đầu cho chuỗi bài về thiền. Thầy hy vọng qua bài giảng này các bạn sẽ có những hiểu biết cơ bản về thiền chỉ.
Bản thân thầy không phải là người giỏi giang hay hiểu biết nhiều nhưng thầy sẽ cố gắng hết sức để giảng dạy cho các bạn. Điều này đến từ chính những hiểu biết cá nhân cũng như những kinh nghiệm của thầy trong việc hành thiền.
Samatha trong tiếng Tây Tạng gọi là shinay. Trong đó “shi” là an tĩnh còn “nay” là trụ. “Shi” – an tĩnh là trạng thái vắng lặng những lao xao của tâm. Vậy trạng thái an tĩnh của tâm là gì? Đó là trạng thái khi tâm không có một vọng niệm nào về quá khứ, hiện tại hoặc vị lai. “Nay” – an trụ chính là trụ trong trạng thái an tĩnh đó. Như vậy, “shinay” chính là thiền chỉ trong tiếng Tây Tạng. Hai từ này gộp lại nghĩa là tâm trụ trong một trạng thái an bình không có vọng niệm nào về quá khứ, hiện tại hoặc vị lai.
Có rất nhiều loại niệm tưởng khởi lên trong tâm chúng ta. Ví dụ ngay lúc này đây khi chúng ta đang học Pháp và vị đạo sư đang ban Pháp, lúc này tâm ta có thể khởi lên ý nghĩ rằng tôi cần phải học về pháp thiền này và chúng ta tư duy về những gì thầy dạy ngày hôm nay. Đó là những niệm tưởng khởi lên trong hiện tại, và trong bối cảnh của buổi học thì điều đó được cho phép. Nhưng thông thường, những niệm tưởng cần phải được lắng đọng là niệm tưởng nhớ nghĩ về quá khứ, ví dụ tôi đã làm gì sáng nay, vào ngày hôm qua. Hoặc những gì tôi sẽ làm vào ngày hôm nay, vào ngày mai. Khi thực hành thiền an định, điều đó có nghĩa là không có niệm tưởng nào khởi lên trong tâm, cả ba thời. Đôi khi chúng ta lo lắng về nhiều chuyện. Chúng ta lo sợ rằng tâm sẽ không ở trong trạng thái an tĩnh. Nhưng khi ta không lo lắng nữa, tâm sẽ an tĩnh. Thầy lấy một ví dụ khác là khi chúng ta tức giận, tâm sẽ không an tĩnh. Nhưng nếu ta không tức giận nữa, tâm sẽ an tĩnh. Điều đó cũng tương tự khi khi chúng ta không ganh tị, không muốn tranh đấu với ai đó, hay khi ta không bị sai sử bởi hy vọng và sợ hãi, vv…tâm sẽ ngay lập tức an tĩnh. Như vậy ta phải nhận ra được rằng trạng thái tâm an tĩnh là khi chúng ta dừng bặt được tất cả những xúc tình vọng niệm mà thầy vừa mới nhắc tới. Một khi đã đạt được trạng thái an tĩnh thì ta trụ trong trạng thái vắng lặng đó. Đó chính là thực nghĩa của từ shinnay trong tiếng Tạng.
Một khi đã hiểu khái niệm về thiền an định rồi thì chúng ta sẽ có sự xác quyết về pháp hành này. Chúng ta có một sự hiểu biết chắc chắn về công năng của pháp hành này và sau đó sẽ nỗ lực tinh tấn để thực hành. Như vậy chúng ta phải hiểu ý nghĩa của pháp hành và sau đó phải thực tu pháp hành. Hiểu thôi chưa đủ mà chúng ta phải thực tu nữa. Chúng ta phải trải nghiệm và thực hành pháp đó. Hiểu biết về lý thuyết và những trải nghiệm cá nhân thông qua thực hành cần phải đi đôi với nhau.
Cũng tương tự như khi chúng ta muốn giải thích cho người khác về vị của một món ăn nào đó. Nếu chưa bao giờ thử nếm qua thì họ sẽ không thể hiểu được. Ví dụ chúng ta cho họ nếm một món ăn có vị ngọt rồi sau đó giải thích về vị ngọt đó, tới lúc đó họ mới hiểu được vị ngọt là như thế nào. Còn nếu một người chưa từng ăn qua vị ngọt thì sẽ không bao giờ hiểu được cho dù chúng ta cố gắng giải thích đến mức nào. Cho nên nếu chỉ học lý thuyết suông mà không thực tu thì chúng ta sẽ không bao giờ có thể hiểu được thiền chỉ hay sự vắng lặng của tâm là như thế nào.
Thầy lấy một ví dụ khác. Ví dụ như khi mình nghe về hạnh kham nhẫn chẳng hạn. Nếu một người thực sự đã khởi phát được hạnh kham nhẫn thì chỉ cần nghe đến cụm từ yêu thương hay kham nhẫn là họ có thể hiểu ngay. Cũng giống như thực hành thiền chỉ, nếu chúng ta đã thực hành rồi thì chỉ cần nghe tới tên thiền chỉ thôi chúng ta sẽ hiểu được, sẽ gợi nhớ được trong tâm thiền chỉ là gì, công năng của nó gì, thực chất của thiền chỉ là gì, vv… Cái gì mà bản thân ta chưa từng trải nghiệm thì ta sẽ không thể biết nó là gì nếu chỉ dựa vào lý thuyết. Cho nên thiền là cái đạt được thông qua thực hành, thực tu thực chứng. Cho nên phải thực hành và ứng dụng lý thuyết vào thực hành thì chúng ta mới có một sự hiểu biết rõ ràng thấu suốt về thiền chỉ.
Đầu tiên chúng ta sẽ ngồi ở tư thế đúng đắn là tư thế 7 điểm Tỳ Nô Giá Na. Tiếp đến, tâm của ta cần phải tập trung chú ý. Tâm tập trung là tâm không bị sao nhãng bởi bất kỳ một vọng niệm nào hoặc bất kỳ một xúc tình tiêu cực nào.
Thường thì tâm của ta luôn luôn bị quấy rầy bởi những vọng niệm và người ta thường ví von tâm giống như một con khỉ. Con khỉ thì luôn lăng xăng vọng động lúc chạy chỗ này lúc chạy chỗ nọ, giống như tâm của ta vậy. Tuy nhiên nhờ thực hành thiền chỉ mà tâm của ta sẽ không có những lăng xăng lộn xộn như vậy nữa mà sẽ an trú tại một chỗ.
Khi hành thiền, ta phải để cho tâm không bị sao nhãng bởi bất kỳ một thứ gì. Chúng ta không bao giờ được xa lìa chánh niệm. Đôi khi người ta nghĩ rằng an định nghĩa là trống rỗng, tâm không biết gì cả. Điều đó không đúng. Chắc chắn chúng ta phải có chánh niệm khi thực hành thiền chỉ, có điều khi đó trong tâm không có vọng tưởng khởi lên. Chánh niệm phải ở đó, và chính chánh niệm sẽ biết được khi nào có vọng niệm khởi lên. An tĩnh không phải là không có chánh niệm. Bởi vì khi không có chánh niệm thì tâm sẽ bất giác, và sẽ rơi vào tình trạng mà ta gọi là buồn ngủ. Đó cũng là lỗi lầm thường thấy khi hành thiền. Lúc đó ta mất đi sự sáng rõ và tâm sẽ rơi vào tình trạng bất giác. Khi tâm bị chìm xuống, ta sẽ có cảm giác buồn ngủ. Tâm thể nhận diện được những gì đang xảy ra. Đây không phải là trạng thái mà ta mong muốn đạt được trong thiền chỉ. Thiền chỉ không phải như vậy. Thiền chỉ không phải là trạng thái tâm mơ hồ, không biết gì cả. Thực chất khi thực hành thiền thì chúng ta cần phải duy trì chánh niệm. Chánh niệm giúp ta tỉnh giác và nhận biết được ta đang thực hành thiền. Đó là trạng thái an tĩnh, không bị xao động bởi những vọng niệm, hoàn toàn khác với trạng thái mà tâm mơ hồ không biết gì. Khi nghĩ rằng hành thiền là không suy nghĩ gì cả và để cho suy nghĩ chạy rong ruổi chỗ này chỗ kia, ta không nhận biết được điều gì đang xảy ra cả. Mình nghĩ chắc mình đang hành thiền đúng đắn. Điều đó không đúng. Điều đó chỉ cho thấy rằng mình đang rời xa sự sáng rõ tỉnh giác của mình.
Thiền chỉ thì không phải là để rời xa cái sự sáng rõ của tâm như vậy. Thiền chỉ phải kết hợp với chánh niệm, nhận biết được khi nào vọng tưởng khởi lên. Khi nhận biết được vọng niệm khởi lên thì có khả năng làm cho nó lắng dịu xuống. Khi thực hành thiền chỉ thì không được để cho tâm vướng vào những sai lầm như hôn trầm hoặc trạo cử. Có thể khi hành thiền, hành giả không buồn ngủ thì cũng vọng động. Và điều đó là không nên, chúng ta không nên rớt vào những lỗi lầm đó. Khi ngồi thiền có thể vọng niệm sẽ khởi lên. Và nếu chúng ta không nhận ra vọng niệm ngay khi nó khởi lên thì ta sẽ dễ cuốn theo những vọng niệm đó. Mặc dù thân của mình vẫn đang ngồi kiết già kiên cố nhưng tâm của mình đã bị những vọng niệm dẫn dắt đi rất xa rồi. Và thậm chí mình cũng không nhận ra là tâm đang bị sai sử.
Đó là lỗi lầm cần phải tránh khi thiền chỉ. Thực hành thiền chỉ cần có chánh niệm để rõ biết tâm mình đang có những vọng động nào hiện khởi, chứ không phải là không biết gì và cứ để vọng niệm cuốn mình đi. Đó là điều mà thầy muốn nhắc nhở các bạn khi hành thiền.
Thầy lấy ví dụ, thiền chỉ giống như một ngọn đèn bơ và những vọng niệm khởi lên trong tâm thì như những ngọn gió. Khi hành thiền, vọng niệm giống như những cơn gió làm lung lay ngọn lửa. Tưởng tượng như khi chúng ta ngồi thiền thì những vọng niệm cũng làm tâm lay động như những ngọn gió làm lung lay ngọn đèn bơ vậy. Vậy thì khi thiền chỉ, chúng ta phải làm sao cho ngọn lửa của đèn bơ phải thật thẳng, thật vững cho dù gió có thổi như thế nào. Mặc dù ngọn lửa rất dễ bị lay động bởi các ngọn gió. Gió ít thì lay động ít, gió nhiều thì lay động nhiều, gió lớn quá thì có thể làm tắt ngọn lửa. Cho nên khi thực hành thiền chỉ thì ta phải có khả năng giữ cho ngọn lửa không bị lay động bởi những ngọn gió như vậy.
Có rất nhiều loại vọng niệm khác nhau từ thô cho tới tế. Có những lúc xúc tình rất dữ dội như là giận dữ, thù ghét, nhưng cũng có những lúc xúc tình và vọng niệm rất là vi tế. Nó vi tế tới nỗi mà chúng ta phải rất kỹ càng mới nhận thấy được. Đối với những niệm tưởng vi tế đó, nếu chúng ta không duy trì sự tỉnh giác, chánh niệm thì rất là khó nhận ra được.
Khi hành thiền, tâm có thể bị quấy rầy bởi những vọng niệm vi tế như vậy nhưng mình lại không đủ chánh niệm để nhận ra. Bình thường khi khi tụng đọc những lời khấn nguyện trong nghi quỹ, đôi khi mình đọc liên tục từ đầu cho đến khi cuối nghi quỹ rồi mới giật mình nhận ra “Ồ mình đã đọc hết quyển nghi quỹ này lúc nào vậy? Bằng cách nào mà mình đã đọc hết quyển sách mà chính bản thân mình cũng không nhận ra là mình đã đọc hết nó nữa và mình cũng không biết là mình đã đọc xong từ khi nào?” Đó chính là những vọng động vi tế. Vọng động vi tế rất nguy hiểm vì nhiều khi mình không nhận ra được nó. Giống như khi mình tụng đọc các bài khấn nguyện hoặc nghi quỹ mà tâm trôi lang thang, không tập trung và bị dẫn dắt đi đâu đó mà đến khi đọc xong rồi mới giật mình nhận ra là mình đã đọc xong. Đó chính là những tâm niệm rất là nhỏ nhiệm. Nó lẩn khuất rất kỹ cho nên nhiều khi ta nghĩ rằng mình đang hành thiền nhưng lại không biết rằng mình đã để cho những niệm tưởng nhỏ nhoi vi tế này dẫn dắt. Ta đã bị sao nhãng bởi những niệm tưởng vi tế đó. Do đó khi hành thiền thì ta phải luôn luôn duy trì chánh niệm vững vàng để những vọng niệm có nhỏ nhoi vi tế như thế nào đi chăng nữa vẫn sẽ được nhận ra và không để cho nó sai sử.
Khi bắt đầu thực hành thì hơi khó khăn một chút cho những người mới bắt đầu. Do đó thường thì chúng ta phải có phương pháp để huân tập sự tập trung chuyên chú. Phương pháp đó gọi là phương tiện thiện xảo, rất cần thiết cho người mới bắt đầu. Khi bắt đầu một thời thiền, với thiền chỉ chúng ta có thể dùng các đề mục để duy trì sự tập trung. Những đề mục đó sẽ là những phương tiện hỗ trợ để duy trì sự tập trung của mình khi hành thiền. Ta có thể chọn một vật thể nhỏ đặt trước mặt của mình và hướng mắt nhìn về phía vật thể đó, để cho tâm tập trung vào vật thể đó mà không sao nhãng.
Đó có thể là bất kỳ vật thể nào nhưng quan trọng là không nên đặt vật đó quá xa tầm nhìn. Phải để vật thể đó trong phạm vi mà hướng ánh nhìn về phía chóp mũi thì ta cũng có thể nhìn được vật thể đó và tập trung vào vật thể đó một cách dễ dàng. Vật thể đó có thể là bất kỳ vật gì mà khi nhìn vào mình có cảm giác dễ chịu, có thể duy trì sự tập trung ví dụ như một bông hoa, một hòn đá, một tôn tượng. Khi tập trung nhìn vào vật thể đó thì vật thể đó thành một công cụ hỗ trợ cho chúng ta duy trì tỉnh giác và chánh niệm.
Nhớ là chỉ nhìn vật thể đó thôi nhưng không đánh giá phân tích nhận xét vật này hình tròn, hình vuông, màu xanh, màu đỏ vân vân. Ta chỉ đơn giản là dùng vật thể đó để duy trì sự tập trung trên đó mà không có bất kỳ một phân tích đánh giá nào. Đầu tiên thì việc này có thể hơi khó cho những hành giả mới bắt đầu.
Với phương pháp tập trung vào vật thể thì vật thể đó sẽ trở thành công cụ để ngăn chặn tâm không bị chạy theo các vọng niệm lao xao. Việc nhìn vào vật thể trước mắt sẽ giúp ta chuyên chú hơn. Mắt của ta sẽ không nhìn qua nhìn lại vật này vật kia mà chỉ chuyên chú nhìn vào một vật mà thôi. Trong lúc hành thiền, cũng có thể ta sẽ nghe tiếng nói chuyện, tiếng bước chân nhưng cũng không nên để cho tâm bị sao nhãng bởi sự quấy nhiễu đó mà luôn tập trung vào vật thể trước mặt. Hãy chú tâm và không để bị sao nhãng bởi ngoại cảnh, hình tướng hay âm thanh nào khác. Lúc đầu thì chỉ cần thực hành sự tập trung chuyên chú đó trong một thời gian ngắn thôi. Một khi đã huân tập và tâm đã đạt đến sự định tĩnh nhất định rồi thì ta có thể kéo dài thời gian thực hành ra một chút. Đó là cách chúng ta thực hành thiền chỉ.
Thiền chỉ ở mức độ cơ bản là thiền có đề mục. Nói cách khác, hành thiền với một đối tượng tập trung là cách mà chúng ta bắt đầu ở mức độ cơ bản nhất.
Khi hành thiền và đặt một vật thể trước mặt thì tốt hơn là ta chỉ nên để một vật mà thôi. Ta cũng có thể thay đổi nhiều vật thể khác nhau để làm đề mục cho tâm nhưng mỗi lần chỉ cần chọn một vật, đặt nó trước mặt và giữ tâm chuyên chú vào vật thể đó. Hoặc ta cũng có thể quán tưởng hình ảnh đức Phật ở ngay trước mặt mình. Hãy nhìn vào hình ảnh đức Phật quán tưởng đó trong không gian, ánh nhìn nên giữ ở ngay chóp mũi không cao hơn không thấp hơn. Hình ảnh quán tưởng chỉ cần nhỏ thôi. Thông thường khi thực hành pháp tu Bổn tôn thì có rất nhiều chi tiết, nhiều bảo trang, màu sắc vv… Tuy nhiên ở đây vì chúng ta đang sử dụng hình ảnh bổn tôn như đề mục tập trung thôi nên chỉ cần quán tưởng một cách tổng thể và đặt sự tập trung của mình vào bổn tôn đó. Chúng ta không cần quán tưởng như khi thực hành bổn tôn với đầy đủ vẻ đẹp chính và phụ hay với tất cả những bảo trang. Không phải như thế.
Có thể một số hành giả sẽ nghĩ rằng khi thực hành thiền chỉ, việc thay đổi đối tượng tập trung thường xuyên thì sẽ tốt hơn. Nhưng thầy nói rằng điều đó không cần thiết. Chúng ta chỉ cần chọn một đối tượng thôi, như thế sẽ giúp tâm mình an trụ trong sự chuyên chú đó dễ dàng hơn. Một vị đạo sư đã dạy rằng, bất cứ thứ gì chúng ta tập trung vào thì hãy chọn một thứ mà thôi. Điều đó sẽ hỗ trợ cho việc hành trì suôn sẻ hơn.
Để cho tâm chuyên chú vào một vật thể thì tâm sẽ không lao xao vọng động. Tâm sẽ có thể an trụ. Như vậy khi thực hành chúng ta cần có chánh niệm và tỉnh giác. Nếu không, ta sẽ không nhận ra những vọng động khởi lên trong tâm, sẽ bị sai sử bởi những vọng động đó, và không đạt được sự an tĩnh. Tâm ta giống như một con voi chưa được thuần phục. Và để thuần phục con voi, ta cần những công cụ khác nhau. Ví dụ ta cần một cái roi, hay một cái dây, vv…những công cụ như thế sẽ giúp hỗ trợ thuần phục một con voi hoang dã vào lúc đầu. Vậy thì khi thuần phục tâm mình, ta cũng sẽ thuần phục tâm bằng cách hành thiền. Bình thường tâm rất hay bị xao nhãng, vọng động. Tâm bình thường như con voi hoang dã chưa được thuần phục. Nếu ta chưa bao giờ biết cách thuần phục tâm đó, thì ta cần hành thiền để tâm được kiểm soát. Như cách ta kiểm soát con voi với roi và dây chứ không phải để cho tâm hoang dã như con voi. Như vậy khi hành thiền, cần thuần phục những vọng niệm khởi lên. Và để thuần phục được tâm ta cần đến công cụ, phương tiện thiện xảo, giống như thuần phục voi. Bước đầu, ta cần đề mục hành trì. Đề mục đó giống như công cụ để thuần phục tâm. Việc dùng sự chuyên chú hay chánh niệm trong hành trì giống như công cụ để tâm an tĩnh. Với công cụ chánh niệm tỉnh giác ta sẽ nhận ra, sẽ xác quyết được những vọng niệm đó đã được hàng phục và dừng lắng hay chưa. Trong tiếng Tạng có khái niệm denshay. Den nghĩa là dừng lắng vọng niệm ở yên 1 chỗ. Shay là biết rõ được những vọng niệm đã được an định lại hay chưa. Như vậy chánh niệm tỉnh giác phải được sử dụng như công cụ để hàng phục và rõ biết nó trong suốt thời thiền của mình.
2. Thực Hành
Khi hành thiền, giống như lúc nãy thầy đã dạy, chúng ta hãy tập trung vào một đối tượng mà đừng phân tích hay đánh giá gì về vật thể đó. Chỉ đơn thuần tập trung chuyên chú vào đối tượng đó mà thôi. Nếu đang ngồi học thiền trên bàn thì hãy chọn bất kì một đối tượng nào đang ở trên bàn để làm đề mục cho sự tập trung. Chúng ta sẽ phân tích, đánh giá hay phân tích gì về vật thể đó cả. Nó chỉ ở đó như một đối tượng hỗ trợ cho sự chú tâm của ta mà thôi. Ta không để tâm dấy khởi lên bất kì một nghĩ suy nào về nó. Ta cũng có thể chọn hơi thở làm đề mục tập trung cũng được. Ta hãy chú ý hơi thở ra hơi thở vào. Khi hít vào, cảm nhận hơi thở đi qua mũi, đi xuống phổi. Khi thở ra thì cảm nhận hơi thở ra. Cứ như vậy cảm nhận hơi thở vào, hơi thở ra mà không nghĩ suy hay phân tích đánh giá gì cả. Bất kì đề mục hành trì nào của ngày hôm nay chỉ là để giữ sự tập trung vào nó mà thôi. Đơn thuần là như thế. Chứ ta sẽ không để tâm đánh giá, khởi niệm gì về đề mục của mình.
Một số đạo hữu có thói quen nhắm mắt khi hành trì vì họ muốn giữ cho tâm không bị xao nhãng bởi hình tướng bên ngoài. Tuy nhiên khi thực hành thiền chỉ có đề mục, chúng ta nên thực hành như những gì bản văn đã dạy. Ta giữ cho mắt hé mở, nhìn thẳng xuống theo hướng chóp mũi, tập trung vào một đề mục hành trì. Tuy nhiên vẫn giữ cho tâm sáng rõ chánh niệm và không đánh mất đề mục hành trì.
Khi thực hành thì không cần thiết phải nhắm mắt, nhất là khi ngồi một mình trong phòng. Bởi vì khi đó không có người qua lại làm cho mình bị xao nhãng. Khi đó cứ để mắt của mình mở ra, không phải mở trừng trừng mà chỉ là mở hé thôi. Không cần nhắm chặt, cũng không cần mở lớn.
Khi hành thiền, lúc đầu sẽ khó giữ tâm chuyên chú. Nhưng nếu ta cố gắng huân tập từng chút một thì sẽ dần dần an định được tâm của mình.
Một số đạo hữu có thói quen xoay kinh luân. Kinh luân cũng có thể sử dụng như một đề mục hành trì, như một vật thể để hướng sự chú ý vào cũng được. Tuy nhiên hãy nhớ là chỉ hướng sự chú tâm vào kinh luân chứ không phân tích xem kinh luân này làm bằng chất liệu gì, hình dáng nó như thế nào. Hoàn toàn không suy luận hay phân tích, đánh giá gì về đề mục của mình cả.
3. Hỏi Đáp:
Hỏi: Chúng ta làm cách nào an định được các niệm tưởng khi hành thiền?
Đáp: Khi hành thiền thì sẽ có nhiều niệm tưởng khởi lên trong tâm. Vì thế chúng ta phải áp dụng phương tiện thiện xả với mục đích an định tâm. Có thể càng cố gắng dụng công hành thiền thì ta sẽ thấy vọng niệm khởi lên càng nhiều. Nhưng thật ra lý do là trước đây vọng niệm đã có sẵn trong tâm rồi, nhưng vì không hành thiền nên ta không có cơ hội nhận biết được nó. Còn giờ đây khi hành thiền, dừng lắng các hoạt động xung quanh thì vọng niệm mới có cơ hội khởi lên. Có thể ta sẽ băn khoăn liệu mình có khả năng xua tan hay dừng lắng vọng niệm hay không. Vậy thì hãy thử ngồi xuống, tập trung vào hơi thở. Chỉ tập trung vào hơi thở đi vào đi ra mà không chú ý tới điều gì khác. Nếu theo dõi hơi thở vào hơi thở ra mà vẫn không tập trung được thì hãy khẩn nguyện đạo sư thật tha thiết. Cần duy trì mỗi ngày cố gắng một chút, từng bước một thì bạn sẽ có thể làm được.
Có thể bạn nghĩ rằng do ngồi thiền thì tôi mới có vọng niệm. Nhưng thật ra, vọng niệm đã có sẵn trong tâm rồi nhưng do cả ngày bận bịu việc này việc kia mà ta không nhận ra được sự có mặt của nó. Chỉ khi dừng lắng các hoạt động và ngồi xuống hành thiền thì các vọng niệm mới có cơ hội trỗi dậy. Điều đó làm cho ta nghĩ rằng do ngồi thiền mà tôi mới bị vọng động. Nhưng không phải như vậy. Khi hành thiền thì hãy làm như thầy nói. Ban đầu là sử dụng hơi thở làm đề mục, tiếp đến khẩn nguyện đạo sư, mỗi ngày cố gắng từng chút một thì dần dần bạn sẽ có khả năng an định tâm. Và cuối cùng chúng ta có thể đạt đến kết quả là dừng lắng được tâm của mình.
Hỏi: Lúc nãy thầy có nói về ngọn lửa, con muốn hỏi ngọn lửa đó là biểu trưng của cái gì?
Đáp: Thầy không dạy phải tập trung quán tưởng ngọn lửa. Mà lúc nãy thầy lấy ngọn lửa làm ví dụ cho tâm mình. Theo đó tâm giống như ngọn lửa đèn bơ, còn vọng niệm giống như những cơn gió. Vậy tâm của mình phải như một ngọn lửa vững chãi không bị lay động bởi các cơn gió vọng niệm. Đó chỉ là một ví dụ cho cái tâm, chứ ko phải khuyên các bạn nên quán tưởng ngọn lửa trong khi hành thiền.
Hỏi: Khi hành thiền con thấy thân con xoay theo chiều kim đồng hồ, với ánh sáng phát ra. Làm thế nào để tâm con an định khi có những hiện tượng như vậy xảy ra?
Đáp: Thỉnh thoảng trong lúc ngồi thiền, ta sẽ có cảm giác thân xoay chuyển hoặc có những hiện tượng khác lạ xảy ra. Những hiện tượng về thân như vậy có thể là do kinh mạch và khí đang có sự xáo trộn. Không nên nghĩ đó là điều gì khủng khiếp hay là dấu hiệu của sự chứng ngộ. Nếu mình quá phấn khích hoặc nghiêm trọng hoá vấn đề thì vấn đề sẽ trở nên nghiêm trọng hơn. Việc nhìn thấy ánh sáng hay hiện tướng hoá hiện trong lúc ngồi thiền thực ra chỉ là sự hoá hiện của các dấu ấn trong tâm. Ví dụ khi thực hành pháp tu bổn tôn, ta thường quán tưởng ánh sáng từ bổn tôn phát ra rồi lại thu về. Có thể việc thực hành như vậy sẽ để lại dấu ấn trong tâm, từ đó khi ngồi thiền ta thấy ánh sáng phát ra. Hoặc khi xem một chương trình nào đó và nhìn thấy một nhân vật phát ra ánh sáng, sự kiện đó cũng để lại một dấu ấn trong tâm. Những gì mình đã xem, đã biết đến thường để lại một dấu vết trong tâm. Một khi đã có ấn tượng đó trong tâm thì mình sẽ có một sự mặc định là ánh sáng bổn tôn phải trong trẻo như thế này, chứng ngộ phải như thế kia, vv…. Do đó khi ngồi thiền những dấu ấn đó sẽ lộ ra. Ngoài ra, thông thường ta nghĩ rằng phải có một dấu hiệu nào đó xảy ra thì mới tốt. Thật ra điều đó xuất phát từ cái tâm tham muốn của mình, mong muốn nhìn thấy một dấu hiệu nào đó thì mới cho là mình ngồi thiền thành tựu. Nhưng nếu thấy một dấu hiệu khởi lên, không nên đánh giá nó là tốt hay xấu mà chỉ cần nhận biết nó khởi lên và để nó lặn đi, rồi tiếp tục chuyên chú vào đề mục hành trì của mình, để tâm an trụ vào trạng thái vắng lặng các lao xao. Hãy tiếp tục hành thiền như thế mà không chạy theo các dấu hiệu đó nữa.
Hỏi: Đâu là những dấu hiệu cho thấy công phu thực hành đang tốt đẹp?
Đáp: Một trong những dấu hiệu tốt của thực hành thiền chỉ là khả năng an định được tâm, từ đó ta sẽ có cảm giác hỷ lạc, thư giãn. Ngoài ra, nếu thực hành thiền chỉ xong mà lời nói của mình trở nên hoà nhã, hành vi trở nên từ ái hơn, cả thân khẩu ý đều trở nên từ tốn hoà nhã thì đó là những dấu hiệu tốt lành của việc hành thiền. Không có dấu hiệu nào cao hơn thế.
Hỏi: Khi con tập trung trong lúc hành thiền thì cơ thể sẽ rung lắc không kiểm soát, cảm giác có luồng điện từ cổ tới hàm, thi thoảng cảm thấy khó chịu ở vùng trán nữa. Hiện tượng này xảy ra mỗi khi con ngồi thiền. Trước đây thì con chưa hành thiền, con chỉ trì tụng minh chú và tập thở chậm mà thôi. Giờ con nên làm gì?
Đáp: Câu này cũng tương tự như câu hỏi trước, cũng liên quan tới các hiện tượng xảy ra khi ngồi thiền. Khi hành thiền sẽ có một số vấn đề nảy sinh liên quan tới thân, kinh mạch hay khí mạch của mình. Ngoài ra, một người khi đã bị một lần rồi sẽ dễ bị lần tiếp theo bởi vì họ đã tự kỷ ám thị. Lúc đó bạn hãy cố gắng chuyển sự tập trung vào đề mục hành trì, vào vật thể mà mình dùng để chú tâm. Hãy mặc kệ những hiện tượng đó mà chỉ chú tâm vào đề mục hành thiền.
Khi hành trì sẽ có một số cảm xúc dữ dội nảy sinh. Khi đó ta làm gì? Khi đó hãy quay trở lại với đề mục mà không chạy theo hiện tướng đó. Khi mới bắt đầu thiền chỉ, sẽ có nhiều vọng động và niệm tưởng khởi sinh. Thỉnh thoảng cũng có vài dấu hiệu về thân hay tâm nảy sinh. Lúc đó phải hiểu được mục đích rốt ráo của thực hành thiền chỉ là gì? Đó là làm vắng lặng các xôn xao vọng động của tâm. Cho nên dù có điều gì xảy ra đi nữa, nếu ta có khả năng an trụ trong sự vắng lặng của tâm, dù chỉ là vài giây thì cũng tốt rồi. Sau đó hãy thực hành thêm vài giây nữa. Cứ vậy lên một phút, hai phút. Hãy cố gắng quay trở về an trụ và tập trung. Chỉ vài giây thôi đã tốt. Bất kì dấu hiệu gì xảy đến, đừng bao giờ đánh giá đây là dấu hiệu tốt hay xấu. Cứ tiếp tục thực hành bằng cách chuyên chú vào đề mục hành trì, vào vật thể trước mặt, vào hơi thở hoặc vào bổn tôn đang quán trước mặt.
Hỏi: Khi ngồi trong tư thế Tỳ Lô Giá Na thì chân con bị tê, mắt con hơi mỏi. Con có nên mở mắt trong suốt thời thiền hay không. Và mắt mở hoàn toàn hay chỉ mở một nửa thôi? Trong Thiền Đại viên mãn có dạy rằng mắt chỉ nên mở một nửa. Vậy có sự khác biệt gì không?
Đáp: Với những người mới bắt đầu thì ngồi trong tư thế 7 điểm Tỳ Lô Giá Na chắc chắn phải khó khăn rồi. Cốt lõi của việc ngồi thiền trong tư thế Tỳ Lô Giá Na là không quá căng thẳng mà phải thư giãn. Tuy nhiên do bình thường chúng ta không ngồi trong tư thế đó nên sẽ khá khó khăn trong buổi đầu. Trong tình huống đó, bạn có thể chọn bất kì cách ngồi nào thoải mái nhất với bản thân mình.
—–
DAC đánh máy, biên tập và chuyển dịch Việt ngữ.