Hướng dẫn thực hành Phowa

Đạo sư Dorzin Dhondrup Rinpoche hướng dẫn thực hành pháp tu Phowa của truyền thống Drikung Kagyu - thể theo nghi quỹ "Đạt Đến Toàn Giác Không Qua Thiền Định: Giáo Lý Về Pháp Chuyển Di Tâm Thức Jet Tsun Ma" do Tôn Sư Garchen Rinpoche soạn tác.
Vajrayogini

Lưu ý: Hành giả muốn thực hành pháp tu Phowa cần phải trực tiếp nhận được khẩu truyền và hướng dẫn thực hành nghi quỹ bởi một vị đạo sư chân chính. Xin vui lòng không tự thực hành khi chưa được thọ nhận pháp tu này.

 

Phần 1: Hướng Dẫn Thực Hành

Hôm nay thầy sẽ giảng về cách quán tưởng pháp tu Phowa. 

Thứ nhất, Phowa có nghĩa là chuyển dịch. Chuyển dịch đi đâu? Ví dụ, nếu như chúng ta đang ở đây và muốn được đến một nơi nào đó, muốn đi đâu đó thì chúng ta phải di chuyển. Trong Phowa có một [đối tượng] cần chuyển dịch, đó chính là thức của chúng ta. Thông thường chúng ta có sự bám chấp vào cái ngã, chúng ta có thể nói thức này là ngã của mình. Vậy [thức] đi đâu, chuyển di đi đâu? Chúng ta đang ở tại luân hồi, chúng ta đang mang thân tướng của con người, là một cõi của sáu nẻo luân hồi. Chúng ta hiện đang sống trong cõi đời này, vậy thì chuyển di ở đây có nghĩa là khi cõi đời này [kết thúc] thì chúng ta sẽ chuyển di đến cõi tịnh độ của Đức Phật. Đây là ý nghĩa của sự chuyển di. Như vậy chúng ta chuyển di đến cõi tịnh độ của Đức Phật A Di Đà. 

Pháp thực hành Phowa này là một trong những pháp hành cực kì quan trọng và vô cùng đặc biệt trong truyền thống Kim Cang Thừa. Chúng ta tin tưởng vào chư Phật, chư Bồ Tát, chúng ta tin tưởng vào nghiệp nhân quả và kiếp trước, kiếp này. Tuy nhiên, do có những tập khí khác nhau nên chúng ta không có nhiều cơ hội để thực hành giáo pháp. Ngược lại chúng ta lại có quá nhiều che chướng, và thực sự không có một cơ hội nào để có thể nói rằng đời này mình không [được tái sinh về Tịnh Độ] thì đời sau mình sẽ làm được. Không có một sự chắc chắn nào như vậy cả. Vậy, đối với những vị đệ tử rất sợ hãi phải tái sinh vào cõi thấp, mong muốn tái sinh vào Tịnh Độ Cực Lạc nhưng lại không có cơ hội thực hành [miên mật]; trong đời này lại có quá nhiều nghiệp xấu cho nên họ rất sợ bị tái sinh vào cõi địa ngục thì pháp hành Phowa sẽ cực kỳ thuận lợi và đặc biệt đối với những hành giả như thế. Nếu những hành giả này có điều kiện thực hành Phowa ngay trong đời này thì tức thời sau khi qua đời sẽ được tái sinh vào cõi Tịnh Độ Cực Lạc của Đức Phật A Di Đà. Đây chính là trường hợp cực kỳ đặc biệt của thực hành Phowa. Khi chúng ta đã tái sinh được về cõi Tịnh độ của Đức Phật A Di Đà rồi thì chúng ta sẽ tiếp tục được thực hành tại cõi Tịnh Độ ấy, tiếp tục tịnh hoá nghiệp chướng của mình. Dẫu cho ác nghiệp có nặng nề đến đâu nhưng nhờ vào sự thực hành Phowa thì vẫn có thể được tái sinh về cõi Tịnh độ Cực Lạc. Đây là điều kì diệu của pháp hành Phowa. 

Đương nhiên các bạn phải có sự thực hành Phowa nhưng điều quan trọng nhất của thực hành là gì? Các bạn thấy rằng mình đang làm rất nhiều điều xấu ác, mình không có bất kỳ cơ hội nào để tái sinh vào đời sau ở một cõi giới tốt lành hơn, mình chắc chắn sẽ đoạ địa ngục vì nghiệp chướng của mình. Vậy thì bây giờ mình phải khởi phát lên lòng sùng mộ cực kỳ, cực kỳ mãnh liệt đối với Đức Phật A Di Đà. Hành giả nào khởi sự thực hành Phowa với động cơ và lòng sùng mộ mãnh liệt như thế thì chắc chắn vị hành giả ấy sẽ được tái sinh vào cõi Tịnh Độ Cực Lạc của Đức Phật A Di Đà.

 

Về kỹ thuật thực hành quán tưởng cũng rất quan trọng.  Có nhiều vị đệ tử nói rằng con muốn nhận quán đảnh Phowa nhưng thực ra Phowa không có quán đảnh, chỉ có 2 phần là truyền khẩu và hướng dẫn thực hành thôi. Hướng dẫn thực hành ở đây có nghĩa là các bạn sẽ được vị đạo sư dạy cách thực hành như thế nào, cách quán tưởng như thế nào và các bạn phải thực hành đúng y như vậy sau khi đã được nhận truyền khẩu về pháp tu Phowa. Đây chính là hai yêu cầu để chúng ta có thể thực hành pháp tu này. 

Sau đây thầy sẽ hướng dẫn cho các bạn cách thực hành. Bước đầu tiên chính là khởi phát động cơ thực hành thanh tịnh, muốn thực hành pháp tu Phowa với một lòng sùng mộ cực kỳ thanh tịnh và mãnh liệt. Đương nhiên trong hệ thống thực hành Mật Thừa, tất cả các pháp hành đều khởi sự bằng phần khai kinh như thế này. Đây chính là phần sẽ đem lại gia lực rất là to lớn cho các bạn. Như lúc nãy thầy đã giải thích, thực hành Phowa là pháp thực hành rất đặc biệt mà Đức Phật đã trao cho chúng ta, những hành giả đầy tội lỗi. Nếu chúng ta hiểu được điều đó thì chúng ta sẽ thấy rằng pháp hành này cực kỳ quan trọng và giờ đây chúng ta đã có cơ hội được thực hành pháp hành này rồi. Như vậy, nếu khởi sự lòng sùng mộ cực kỳ mãnh liệt đến với Đức Phật A Di Đà trong khi thực hành  thì chúng ta sẽ có cơ hội được tái sinh về cõi Tịnh Độ của Ngài.

Có nhiều hành giả nghĩ rằng chỉ cần tập trung vào phần quán tưởng thôi, thực hành quán tưởng tốt thì họ sẽ đạt được tái sinh [về Cực Lạc]. Điều đó là rất tốt. Các bạn phải có sự quán tưởng rõ ràng tuy nhiên điều quan trọng nhất ở đây là động cơ khởi sự thực hành. Các bạn phải có động cơ thanh tịnh và lòng sùng mộ đến với Đức Phật A Di Đà. Trong thực hành Phowa có những dấu hiệu cho thấy chúng ta đã thành tựu pháp hành này, ví dụ như trên đỉnh đầu của chúng ta có những lỗ khai mở có thể cắm ngọn cỏ kusa vào. Đối với một vị hành giả, khi họ đạt được dấu hiệu đó có thể họ sẽ nghĩ rằng ‘Ôi như vậy là mình thành công rồi, mình có dấu hiệu rồi, mình đã cắm được ngọn cỏ lên đỉnh đầu rồi thì sẽ không bao giờ đoạ sinh vào cõi thấp nữa.’ Nhưng đó không phải là dấu hiệu quan trọng nhất. Dấu hiệu tuyệt vời nhất, quan trọng nhất chính là sự kết nối giữa chúng ta với Đức Phật A Di Đà. Nếu như chúng ta có lòng sùng mộ và sự kết nối cực kỳ mạnh mẽ đến với Đức Phật A Di Đà thì chúng ta chắc chắn sẽ được tái sinh về cõi Tịnh Độ Cực Lạc. Còn dấu hiệu của việc cắm ngọn cỏ lên trên đầu chỉ là 50% thôi. Trong khi đó nếu như chúng ta có được lòng sùng mộ mãnh liệt thì 100% chúng ta sẽ được tái sinh về cõi Tịnh Độ Cực Lạc của Đức Phật A Di Đà. Mọi lúc, mọi thời, mọi khắc phải luôn luôn nhớ nghĩ đến điều này. Có như thế thì chúng ta mới có thể thực hành với lòng sùng mộ thanh tịnh và mãnh liệt được. Sau khi khởi lên lòng sùng mộ mãnh liệt như thế chúng ta mới bắt đầu tiến đến phần thực hành quán tưởng. Ở đây Thầy muốn nói rằng lúc nào chúng ta cũng cần phải có sự sùng mộ đến với Đức Phật A Di Đà, phát tâm mãnh liệt cầu được tái sinh về cõi Tịnh Độ Cực Lạc của Đức Phật A Di Đà chính là điểm trọng yếu nhất trong thực hành Phowa. 

Điểm trọng yếu thứ hai chính là các bước quán tưởng. Chúng ta quán tưởng như thế nào?  Trong nghi quỹ đã nói cực kỳ rõ ràng, chúng ta bắt đầu bằng câu chú tịnh hoá “Om Svabhava Shudda Sarva Dharma Svabhava Shuddo Ham”. Khi trì tụng câu minh chú này thì trong tâm phải khởi lên niệm tưởng rằng tất cả vạn pháp đều là không. Một cách tự nhiên vạn pháp đều là rỗng rang và trong khoảnh khắc rỗng rang đó, tâm của chúng ta tức thời chuyển hoá thành thân tướng của Đức Kim Cang Thánh Nữ Du Già –  Vajrayogini. Hình tướng của Đức Vajrayogini các bạn có thể xem trong nghi quỹ.  Chúng ta phải quán tưởng mình trong hình tướng như thế. Chúng ta quán tưởng rằng giờ đây con hoá hiện thành hình tướng của Đức Kim Cang Thánh Nữ Du Già –  Vajrayogini. Lúc nào chúng ta cũng có sự bám chấp vào cái thân này. Nếu như vạn pháp là rỗng rang thì vào chính giây phút này nó không còn là ta, là thân xác thịt này nữa mà chỉ là Đức Kim Cang Thánh Nữ Du Già mà thôi. Thân tướng của Ngài tựa như cầu vồng, không được cấu thành từ thịt và máu xương mà trong suốt, toả sáng. Các bạn có thể nhìn thấy cầu vồng toả ánh sáng rạng ngời nhưng chúng ta không thể chạm nắm vào được. Thân tướng của Đức Kim Cang Thánh Nữ Du Già cũng có những phẩm tánh như vậy. Hãy quán tưởng thân của chúng ta như thế.

Điểm quán tưởng thứ hai [là đường kinh mạch trung ương.] Quán tưởng một đường kinh mạch màu xanh. Các bạn hãy nhìn vào hình vẽ của đường kinh mạch trung ương [trong nghi quỹ] để có thể quán tưởng rõ ràng. Giờ phút này bên trong của chúng ta là đường kinh mạch trung ương bắt đầu từ vị trí bốn ngón tay dưới rốn đi thẳng lên luân xa trên đỉnh đầu, bên ngoài màu xanh, bên trong có màu đỏ. Đường kinh mạch trung ương có tính chất đặc trưng của ánh sáng. Thầy nhắc lại đường kinh mạch trung ương bắt đầu từ vị trí bốn ngón tay dưới rốn đi thẳng lên luân xa trên đỉnh đầu. Hãy nhắm mắt lại và quán tưởng như sau: 

  1. Điểm thứ nhất, quán tưởng chúng ta [hoá hiện] trong thân tướng của Đức Kim Cang Thánh Nữ Du Già 
  2. Điểm thứ 2 là đường kinh mạch trung ương, bên ngoài màu xanh bên trong màu đỏ chạy dài từ bốn ngón tay dưới rốn lên đến đỉnh đầu.

 

 

Các bạn có quán tưởng được như vậy không? Nếu chưa quán tưởng được như vậy thì hãy mở mắt ra và nhìn vào hình ảnh ở trên nghi quỹ, sau đó nhắm mắt lại và cố gắng quán tưởng trong tâm.

Ở bên trong đường kinh mạch trung ương là một đoá sen bốn cánh mỗi cánh ở một phương, ở bên trong có một hạt màu đỏ, hạt màu đỏ này chính là tinh tuý thức của chúng ta. Điều sẽ theo chúng ta vào đời sau chính là thức này. Chúng ta suy nghĩ, chúng ta cảm nhận đều chính là từ thức này mà ra cả. Ở trên đài sen bốn cánh là hạt thần thức của chúng ta màu đỏ, hạt thần thức này di chuyển nhẹ nhàng, rung động nhẹ nhàng. Vị trí của đài sen này nằm ở luân xa tim của chúng ta, tức là nằm ở chính giữa đường kinh mạch trung ương. Có đôi lúc, khi Garchen Rinpoche giảng về pháp tu Phowa, Ngài có nói rằng chúng ta có thể quán tưởng đài sen ở vị trí dưới rốn [luân xa rốn] nếu như chúng ta có vấn đề tim. Nếu bình thường chúng ta thực hành quán tưởng chủng tự gốc ở vị trí luân xa rốn thì giờ đây chúng ta cũng sẽ quán tưởng bông sen bốn cánh ở vị trí luân xa rốn để dễ dàng cho chúng ta. Đối với những bạn đã thực hành nhiều lần thì việc quán tưởng sẽ dễ dàng nhưng đối với các hành giả mới thực hành thì việc thực hành quán tưởng này có thể sẽ khó khăn. Thức và đường kinh mạch trung ương. Phải nhớ rằng đường kinh mạch trung ương ở phía dưới đóng kín, không có lối ra, ở phía trên mới có lối ra. Không có gì che chắn và tạo chướng ngại ở phía trên đường kinh mạch trung ương cả. Lối ra này nằm ngay chính luân xa đỉnh đầu của chúng ta. Trên đỉnh đầu của chúng ta là Đức Phật A Di Đà đang ngồi trên pháp toà với hai chân buông thõng xuống theo như hình ảnh trong nghi quỹ. Đức Phật A Di Đà  dùng ngón chân cái trên bàn chân của Ngài  và chạm vào lỗ mở của đường kinh mạch trung ương tại luân xa đỉnh đầu của chúng ta. Giống như cái bình thầy đang dùng để thị phạm cho các bạn, cái bình này có cái nắp, có một miệng bình và nếu thầy dùng cái nắp đậy lại thì nước ở trong bình sẽ không chảy ra được. Cũng giống như thế, Đức Phật A Di Đà dùng ngón chân cái của mình chặn lại lỗ mở ra ở đường kinh mạch trung ương. Như thế thức sẽ không thể nào thoát ra được. Đây là cách chúng ta phải quán tưởng khi thực hành pháp tu này.

Xung quanh Đức Phật A Di Đà là toàn bộ tất cả chư đạo sư của dòng truyền thừa Phowa. Từng vị, từng vị một đang vân tập xung quanh Ngài. Các bạn đã hiểu rõ ràng phần quán tưởng này chưa? Thực sự trong nghi quỹ đã giải thích rất rõ ràng rồi, các bạn hãy đọc thật kỹ nghi quỹ các bạn sẽ hiểu hơn về cách thực hành. Khi chúng ta trì tụng đến phần thỉnh nguyện chư đạo sư dòng truyền thừa thì hãy quán tưởng như vậy. Sau khi tụng xong phần thỉnh nguyện chư đạo sư dòng truyền thừa Phowa thì chúng ta sẽ thực hành [chuyển di], tức là thực hành hô Hik. Ở phần này hãy tập trung cực kỳ mạnh mẽ và nhất tâm chuyên chú vào việc quán tưởng: mỗi lần hô Hik, chúng ta di chuyển thức này tiến lên một bậc. Hãy xem tay của thầy: mỗi lần thầy hô Hik, tay của thầy sẽ nhấc lên một chút. Cũng tương tự, khi chúng ta hô Hik, hạt thức sẽ chuyển dịch gần hơn đến luân xa ở trên đỉnh đầu cho đến lúc thức này chạm vào chân của Đức Phật A Di Đà. Chúng ta sẽ hô Hik 7 lần, như thế, thần thức sẽ chuyển dịch 7 lần. Trong lần Hik cuối cùng, thức sẽ chạm vào ngón chân của Đức Phật A Di Đà. Sau khi thức này chạm đến ngón chân của Đức Phật A Di Đà chúng ta sẽ hô Kha và khi đó quán tưởng giọt thức này nhẹ nhàng hạ xuống lại ngay đài sen. Đây chính là các bước quán tưởng khi chúng ta thực hành Phowa, các bạn đã hiểu chưa? Thầy nhắc lại mỗi lần hô Hik chúng ta sẽ chuyển di giọt thần thức trong đường kinh mạch trung ương tiến lên một bậc đến gần ngón chân của Đức Phật A Di Đà. Đến khi chạm vào ngón chân cái của Ngài, chúng ta sẽ hô Kha và sau đó giọt thức từ từ nhẹ nhàng hạ xuống chạm vào đài sen. Chúng ta tiếp tục như thế cho đến hết một vòng.

Tại sao chúng ta phải làm như thế? Thông thường khi chúng ta qua đời, thức của chúng ta sẽ chạy ra theo các lỗ khác nhau. Có bảy lỗ, gọi là thất khiếu, trên cơ thể chúng ta. Nếu chúng ta để thức của mình đi qua thất khiếu này thì chúng ta sẽ đoạ vào cõi thấp còn nếu chúng ta tìm cách đưa được thức của mình qua đường kinh mạch trung ương thông qua luân xa đỉnh đầu thì chúng ta sẽ được tái sinh vào cõi Tịnh Độ Cực Lạc. Vì vậy, giờ đây, thông qua thực hành, chúng ta đang xây một con đường để đi đến cõi Tịnh Độ Cực Lạc, đây chính là ý nghĩa của thực hành Phowa. Đường kinh mạch trung ương này chính là con đường (1), thức này chính là người lữ khách (2), nếu không có con đường sẽ không có lối đi, ngược lại nếu đã có con đường rồi chúng ta sẽ đến được đích đến (3) là cõi Tịnh Độ Cực Lạc của Đức Phật A Di Đà. Quá trình thực hành Phowa trong khi chúng ta còn sống chính là việc xây đường, khi chúng ta đến giai đoạn cận tử thì nhờ vào con đường này chúng ta sẽ đến được cõi Tịnh Độ Cực Lạc của Đức Phật A Di Đà đây là ý nghĩa của quán tưởng thực hành Phowa. Điều quan trọng nhất là sự kết nối tâm ta với tâm của Đức Phật A Di Đà. Thầy hi vọng thông qua bài giảng ngắn này chúng ta đã có sự thấu hiểu phần nào. Bây giờ chúng ta sẽ bắt đầu thực hành.

 

Phần 2: Hỏi và Đáp

Câu 1: Những lời nguyện trong Bài khẩn nguyện dài đến chư đạo sư dòng truyền thừa có nghĩa là gì?

Đáp: Trong nghi quỹ trang 22 chính là phần ‘Thỉnh nguyện chư đạo sư dòng truyền thừa Phowa’. Câu kệ đầu tiên của đoạn kinh nói rằng:

‘O-GYEN PEMA JYUNG NE LA SOL WA DEB’

Phần này có nghĩa là ‘Con khẩn nguyện đức Liên Hoa Sanh từ xứ Orgyen’. Có nghĩa là ta đang thỉnh nguyện đức Guru Rinpoche.

Các câu kệ tiếp theo là:

‘DZAB-LAM PHO-WA JYONG-PAR JYIN-GYI-LOB/ NYUR-LAM PHO-WE KHA-CHO DRO-PAR JYIN-GYI-LOB/ DHAG-SOG DI-NEY TSHE-PHO GYUR-MA-THAG/ DE-WA CHEN-DU KYE- WAR JYIN-GYI-LOB/’

Các câu kệ này có nghĩa là “Xin hãy gia hộ cho con chứng ngộ pháp tu Phowa thâm diệu. Xin hãy gia hộ cho con đến được cõi Tịnh Độ nương vào pháp tu Phowa thần tốc. Xin hãy gia hộ để vào giây phút lìa đời, chúng con sẽ lập tức vãng sanh nơi cõi Cực Lạc.”

Tất cả các đoạn kệ tiếp theo ở phía dưới đều cùng có ý nghĩa như vậy. Tại sao những đoạn kệ này lại không có phần dịch nghĩa [tiếng Việt] do những lời kinh đều có ý nghĩa giống nhau, chỉ thay đổi hồng danh của vị Đạo sư mà thôi. Tên của chư vị nằm ngay phần đầu của lời khấn nguyện. Xin cám ơn câu hỏi của bạn.

Câu 2: Khi thực hành Hik thì đài sen có di chuyển lên trên không?

Đáp: Khi thực hành hô Hik thì chỉ có giọt thần thức di chuyển chứ đài sen không di chuyển và đường kinh mạch trung ương vẫn ở vị trí đó chứ không đi đâu cả. Ở đây chúng ta để ảnh của Đạo sư Garchen Rinpoche có nghĩa là chúng ta phải quán tưởng đạo sư gốc của chúng ta chính là hoá hiện của Đức Phật A Di Đà. đó là lý do vì sao chúng ta để hình đạo sư gốc là Garchen Rinpoche.

Ngoài ra, trước khi thực hành Phowa, chúng ta cần phải thực hành tịnh hoá Kim Cang Tát Đoả. Vì sao chúng ta cần tịnh hoá? Chúng ta cần tịnh hoá nghiệp chướng để dễ dàng hơn khi thực hành quán tưởng. Nghi quỹ Phowa có nhiều phiên bản khác nhau, các bạn có thể  tìm hiểu nhiều hơn về các pháp tu Phowa khác nhau như Phowa pháp thân, Phowa báo thân, Phowa ứng hoá thân. Ở đây thầy đang hướng dẫn cho các bạn cách thực hành Phowa dựa trên nghi quỹ này và cũng là cách quán tưởng theo nghi quỹ này mà thôi. Nếu bạn có thời gian và điều kiện thì các bạn có thể thực hành các pháp tu Phowa của các cấp độ khác nhau, mỗi pháp tu Phowa khác nhau lại có cấp độ [thực hành] khác nhau. 

Nghi quỹ thực hành Phowa xin tải về tại đây. Xin lưu ý chỉ thực hành pháp tu này khi đã nhận được truyền khẩu và hướng dẫn thực hành từ vị Đạo sư. Bản đánh máy trên chỉ phục vụ mục đích ôn tập của quý đạo hữu, không thay thế khẩu truyền và sự hướng dẫn trực tiếp của vị Đạo sư.

Nguồn: DAC dịch và biên tập. 

đóng góp cho DAC

Các trung tâm Pháp thật vô cùng trân quý và trung tâm có thể hoạt động hoàn toàn phụ thuộc vào sự ủng hộ của các vị đệ tử. Mặc dù chúng ta đã thành lập trung tâm nhưng nếu không có được sự ủng hộ của tăng đoàn thì trung tâm sẽ không thể tồn tại trong tương lai. Nếu con ủng hộ cho các trung tâm Pháp thì con sẽ nhận được phước báu lớn lao trong đời này và cả đời vị lai. Và phước báu là cội nguồn của hạnh phúc.


Kyabje Garchen Rinpoche

đọc thêm

Achi Chokyi Drolma

Hộ Pháp Achi Chokyi Drolma

Achi Chokyi Drolma là một Hộ Pháp vĩ đại trong Phật Giáo. Ngài là hiện thân của Kim Cang Du Già Thánh Nữ, hoá hiện của trí tuệ và công hạnh của tất cả chư Phật. Ngài là thánh mẫu thiêng liêng của mọi chư Phật, đã hiện thân từ lòng đại bi dưới hình tướng của chư vị Dakini trong Ngũ Phật Bộ. Để đem lại lợi lạc cho mọi chúng sinh trong luân hồi, Ngài đã thị hiện muôn vàn hình tướng tại những thời – không khác nhau.

ĐỌC THÊM