Hướng Dẫn Thực Hành Ngondro – Bài 3: Luật Nhân Quả

Dorzin Rinpoche hướng dẫn thực hành Ngondro Đại Thủ Ấn Năm Nhánh – Con đường tuyệt hảo để đạt đến giác ngộ giải thoát. Bài 3: Luật Nhân Quả
Bánh xe luân hồi

Phần 1: Giáo Lý

Trong Pháp tu tiên yếu của Đại thủ ấn 5 nhánh, chúng ta đang nhắc đến các pháp tu tiên yếu thông thường, cũng chính là bốn niệm chuyển tâm. Trong 4 niệm chuyển tâm, chúng ta đã được học về sự khó khăn để có được thân người trân quý và vô thường. Hôm nay chúng ta tới niệm chuyển tâm thứ 3 là luật nhân quả.

Trước tiên, chúng ta hãy phát nguyện tâm nguyện bồ đề.

Khi lắng nghe giáo pháp, chúng ta phải thoát khỏi 3 trạng thái sai lầm được minh họa bằng hình ảnh cái bình.

  • Đầu tiên, chúng ta không được [lắng nghe] giống như cái bình úp ngược. Bình úp ngược thì chúng ta không thể đổ được gì vào cả, chúng ta phải mở rộng tâm trí mình giống như cái bình mở nắp để có thể lắng nghe giáo pháp.
  • Lỗi lầm thứ 2 là [lắng nghe như] cái bình bị thủng đáy. Mặc dù bình không bị úp ngược nhưng nếu không có đáy thì ta cũng không thể đổ được thức ăn, nước uống gì vào đó cả, toàn bộ sẽ bị đổ hết ra ngoài. Khi chúng ta lắng nghe giáo pháp, chúng ta phải gìn giữ giáo pháp đó ở trong tâm của mình.
  • Lỗi lầm thứ 3 mà chúng ta cần tránh khi lắng nghe giáo pháp là một cái bình đựng đầy chất độc, hay chất dơ. Bởi vì khi bình đựng đồ ăn, thức uống mà có lẫn chất độc thì ta không thể sử dụng được. Cũng vậy, khi nghe giáo pháp ta phải giữ tâm trí thật thanh tịnh và không cho tâm phóng dật, không có chút suy nghĩ ô nhiễm nào. “Giờ đây khi con có cơ hội thực hành và học hỏi giáo pháp thì con thấy hạnh phúc và con lắng nghe giáo pháp để đem lại lợi lạc cho tất cả chúng sinh.” Đây chính là động cơ thanh tịnh mà các bạn cần phải trưởng dưỡng khi lắng nghe giáo pháp.

Nói tóm lại đừng để bị phân tâm, chia trí khi lắng nghe giáo pháp mà hãy cố gắng nhập tâm, hãy cố trì giữ những lời giáo huấn này. Các bạn nên cố gắng ghi chép những lời giảng này và đồng thời luôn duy trì động cơ thanh tịnh.

Ngày hôm nay chúng ta rất may mắn vì có cơ hội lắng nghe và thực hành giáo pháp nên chúng ta hãy thực hành thật tốt vì lợi lạc của tất cả chúng sinh. Lắng nghe giáo pháp thực sự vô cùng quan trọng. Nếu chúng ta duy trì suy nghĩ thanh tịnh, hiểu sâu giáo pháp thì vô cùng lợi lạc. Nếu chúng ta có sự thích thú và lòng sùng mộ khi nghe pháp thì chứng tỏ các bạn đã có nghiệp quả tốt lành rồi nhưng như thế vẫn chưa đủ, các bạn còn phải thực sự chú tâm khi nghe nếu không thì các bạn sẽ không hiểu được thầy đang nói gì. Khi bạn lắng nghe một cách tích cực như vậy thì dần dần bạn sẽ hiểu Pháp. Ngược lại, nếu bạn lắng nghe với một tâm thái là [chủ quan là] “tôi đã nghe Ngondro này bao nhiêu lần rồi, tôi không muốn nghe nữa” thì bạn sẽ không hiểu được các ý nghĩa của giáo lý này. Nên chăm chú lắng nghe, suy tư về những điều này thêm lần nữa.

Buổi trước chúng ta đã học về sự khó khăn để có được thân người trân quý. Chúng ta cũng nhận ra được rằng thân người này rất khó khăn để tìm được và chúng ta còn có may mắn để thực hành giáo pháp. Tuy nhiên, cuộc đời này rất vô thường, thân người có thể tan hoại, có thể chết bất cứ khi nào và khi chúng ta chết đi thì thần thức sẽ bị cuốn theo những nghiệp lực mà chúng ta đã tích lũy. Sự giảng dạy về nhân quả là phần vô cùng quan trọng trong giáo lý của đạo Phật. Đức Phật nói rằng chúng ta không chỉ có đời này mà còn có vô lượng đời sống trong quá khứ và vị lai. Nếu chúng ta không hiểu về luật nhân quả thì chúng ta sẽ không hiểu được về đời quá khứ cũng như vị lai và như vậy chúng ta sẽ bị rơi vào việc bám chấp vào hư vô cho rằng không có đời vị lai. Đức phật nói rằng, không chỉ có cuộc sống này mà có cả đời quá khứ và vị lai nữa. Đây là quan điểm rất đặc biệt của Phật giáo và đồng thời cũng tương thích với sự thật hiện tại nữa. Khi mà chúng ta thấy được như vậy, chúng ta sẽ không rơi vào trạng thái cực đoan của chấp hư vô. Có một số người cho rằng mọi hạnh phúc và đau khổ của tôi đều được tạo ra bởi một vị thần thánh hay một Đấng Sáng Tạo nào đó… nhưng đạo Phật nói rằng không phải là như vậy. Bất kỳ hạnh phúc hay khổ đau nào mà chúng ta gặt hái trong đời này đều do nghiệp lực chúng ta tạo ra từ những đời kiếp trước, không có ai tạo ra điều đó cho ta hết. Tất cả chỉ là luật nhân quả. Giáo lý về luật nhân quả là giáo lý quan trọng bậc nhất trong giáo lý Phật Đà. Bởi vì nếu các bạn muốn có được hạnh phúc thì các bạn phải biết được rằng hạnh phúc nằm hoàn toàn trong tầm tay của các bạn: nó chính là hành động, là nghiệp quả của bạn. Nếu bạn không muốn trải nghiệm đau khổ thì các bạn phải từ bỏ những hành động gây ra những nhân đau khổ và chính như vậy các bạn đã xây dựng được niềm tin vào nhân quả cho mình.

Thực tế là chúng ta đã có được thân người trân quý với đầy đủ điều kiện tự do và thuận duyên và đó cũng đều là do nhân quả cả. Bất cứ chúng sinh nào tái sinh vào cõi luân hồi cũng đều do nhân quả. Và giờ đây khi chúng ta có được thân người trân quý thì thân người này cũng sẽ tan hoại. Bản tánh của thân người này chính là vô thường, chúng ta rồi cũng sẽ đi trên con đường nhân và quả, do có nhân quả mà tất cả mọi thứ đều biến hoại và vô thường. Do đó, tất cả mọi thứ xảy ra cho chúng ta đều do nhân quả cả.

Các bạn không thể nói rằng tôi không muốn chết, tôi muốn sống lâu hơn nhưng chúng ta không thể điều khiển nhân quả như vậy được.

Nói về nghiệp nhân quả thì có 3 dạng nhân quả: quả báo dành cho nhân xấu, quả [phước báu] dành cho nhân tốt và nghiệp quả trung bình.

1. Mười Ác Hạnh

Đầu tiên là nhân quả đến từ ác hạnh hay còn gọi là quả báo bao gồm 10 ác hạnh: sát sinh, tà dâm, trộm cắp, nói dối, nói lời cay độc, gieo mối bất hòa, tham muốn, muốn làm tổn hại người khác và tà kiến.

Có thể tất cả các bạn đã quen thuộc với những điều bất thiện này rồi nhưng nếu các bạn không quen thì phải nên tìm hiểu và nên khắc sâu về 10 điều bất thiện này. Trong 10 điều bất thiện này thì có ba điều thuộc về thân, 3 điều thuộc về ý và 4 điều thuộc về khẩu.

  • 3 điều thuộc về thân là: sát sinh, tà dâm và trộm cắp
  • 3 điều thuộc về ý là: tham muốn, làm tổn hại người khác và có tà kiến.
  • 4 điều thuộc về khẩu là: nói dối, gieo mối bất hòa, nói lời cay nghiệt và nói chuyện tầm phào

Nhớ được tất cả các điều này là rất cần thiết.

  1. Sát sinh: sát hại bất kỳ một chúng sinh nào. Chúng sinh đó có thể là con người hay là động vật… khi mà bạn tước đoạt sinh mạng của một chúng sinh khác thì các bạn đã phạm vào nghiệp sát sinh rồi. Tuy nhiên, có sự khác biệt nếu chúng ta cố tình hoặc vô tình giết hại. Sự khác biệt này chính là độ nghiêm trọng của quả. Nghiệp sát sinh áp dụng cho cả việc giết hại những con vật nhỏ bé như con muỗi, côn trùng ở trong nhà của bạn. Thậm chí nếu chúng ta không trực tiếp giết hại nhưng chúng ta xúi bẩy người khác giết hại thì chúng ta cũng bị lãnh nghiệp sát sinh
  2. Trộm cắp: dù cho bạn có thực hiện hành vi ăn cắp này như thế nào ví dụ như ăn trộm hoặc ăn cướp thì quả của hành động này cũng như nhau.
  3. Tà dâm: nói đến việc chúng ta có quan hệ tình dục với người đã kết hôn, những người đã có gia đình, vị Tỳ Kheo hoặc Tỳ kheo ni hoặc khởi phát lòng ham muốn tình dục với những người cùng huyết thống.
  4. Nói dối. Có nhiều loại nói dối khác nhau: nói dối thông thường và nói dối nghiêm trọng. Nói dối nghiêm trọng là nói dối để chiếm đoạt tài sản, tính mạng của người khác còn nói dối thông thường thì như nói đùa hoặc những lời nói vô bổ.
  5. Nói lời gây chia rẽ khiến cho mọi người bất hòa nhau. Khiến những người hòa hợp quay ra cãi vã lẫn nhau. Nói lời chia rẽ những người đang hòa hợp với nhau là ác hạnh vô cùng nặng nề. Ví dụ: Nói lời chia rẽ bạn đạo với nhau hoặc chia rẽ đạo sư và đệ tử. Tại sao ác hạnh này lại nghiêm trọng như vậy? vì ai ai trong chúng ta cũng đều muốn có được hạnh phúc và an lạc nhưng nếu như bạn xuất hiện và nói ra những lời khiến mọi người chia rẽ, bất hòa với nhau thì bạn đã tạo ra nỗi đau khổ cho mọi người. Ngay cả khi chúng ta gieo mối bất hòa cho những người trong gia đình cũng vậy. Chúng ta đã làm cho họ cảm thấy khó chịu với nhau, không giao tiếp với nhau nữa nên chúng ta đã làm cho họ đau khổ. Hậu quả của việc nói lời chia rẽ là làm cho người khác không vui, không hạnh phúc nên chúng ta phải tuyệt đối tránh làm điều này. Khi các bạn định nói ra điều gì thì phải hỏi bản thân mình xem những điều mình chuẩn bị nói ra có làm cho người khác đau khổ hay không, nó có làm cho người khác chia rẽ hay gây bất hòa với nhau hay không? Hãy luôn luôn nghĩ về điều đó trước khi nói ra bất cứ điều gì. Nếu như điều bạn nói có khả năng làm cho người khác bất hòa, cãi nhau thì tốt nhất chúng ta không nên nói ra.
  6. Nói lời cay nghiệt: bất cứ lời nói nào khiến người khác bị xúc phạm, làm người khác buồn khổ. Ví dụ những điều bạn nói ra rất thô lỗ hoặc làm cho người khác phiền lòng thì chúng ta không nên nói. Chúng ta phải nói với họ bằng những lời ái ngữ, những lời dịu dàng. Đặc biệt là đối với cha mẹ, đấng sinh thành thì chúng ta phải hết sức nhẹ nhàng, kính trọng họ và nói bằng giọng nhỏ nhẹ. Chúng ta không được quát tháo, la mắng họ, phải kiên nhẫn với họ vì khi già thì khả năng nghe giảm nhiều, họ không hiểu ngay lập tức điều chúng ta muốn nói. Nếu chúng ta nổi nóng và nói lớn tiếng với họ thì họ sẽ cảm thấy buồn tủi, bị tổn thương vì họ rất nhạy cảm và dễ bị tổn thương.
  7. Nói chuyện tầm phào, nói những lời vô nghĩa, nói xấu người khác mà không liên quan đến mình… nói chung là những cuộc nói chuyện hết sức vô bổ, vô nghĩa.
  8. Tham lam: Tham muốn là sự thèm muốn có được những gì của người khác.
  9. Muốn làm tổn hại người khác: Những ý muốn làm tổn hại người khác là những ý muốn vô cùng hiểm độc. Khi chúng ta nhìn thấy ai đó có những điều tốt lành thì chúng ta mong muốn họ sẽ gặp điều xấu. Và khi người khác có được điều gì hay thì các bạn không muốn họ có được điều đó. Ví dụ, khi thấy hai người thân thiết với nhau thì bạn lại nghĩ thầm là cầu cho họ cãi cọ nhau. Hoặc khi các bạn thấy doanh nghiệp của người khác đang phát triển tốt đẹp thì bạn lại cầu cho doanh nghiệp kia bị phá sản. Hoặc khi thấy người khác khỏe mạnh thì bạn cầu cho họ bị bệnh vân vân. Đây là những ác hạnh đặc biệt nghiêm trọng vì bạn mong muốn những điều tồi tệ xảy ra với những người khác. Điều này sẽ phá hủy hết công đức của các bạn.
  10. Tà kiến: là khi chúng ta không tin vào luật nhân quả và cũng không có niềm tin nơi Tam Bảo. Chúng ta không có niềm tin vào sự luân hồi, tái sinh, các kiếp quá khứ và vị lai. Ở đây chúng ta không tin tưởng vào vạn vật như nó vốn là. Điều này ý muốn nói chúng ta không tin tưởng vào thực tại của vạn vật. Khi chúng ta không có hiểu biết gì về Nhân quả, không biết tự tánh của vạn pháp thì cũng chính là chúng ta đã chối bỏ tự tánh đó. Đây là được xem là quan kiến sai lầm hoặc tà kiến.

Một khi chúng ta phạm phải một ác hạnh thì có 4 cách để ác hạnh này trổ ra thành quả báo.

  1. Quả của sự chia cách: khi ta phạm phải bất cứ điều gì trong 10 ác hạnh thì chúng ta sẽ bị quả báo là cách ly khỏi sự hạnh phúc.
  2. Quả chín muồi hoàn toàn. Quả này sẽ dẫn tới việc bị tái sinh vào 3 cõi thấp (cõi ngạ quỷ, địa ngục và súc sinh). Ác hạnh đặc biệt nghiêm trọng thì chúng ta sẽ tái sinh vào cõi địa ngục, nếu phạm ác hạnh ở mức trung bình thì tái sinh vào cõi ngạ quỷ và hành động có tính chất nhẹ nhất thì bị tái sinh vào cõi súc sinh.
  3. Quả tương ứng với nhân. Ở đây thì có 2 loại quả tương ứng với nhân đó là hành động tương ứng với nguyên nhân và kinh nghiệm tương ứng với nguyên nhân.

3.1 Hành động tương ứng với nhânMột khi quả của việc tái sinh vào 3 cõi thấp được hoàn thành, nếu chúng ta có công đức nào đó khiến chúng ta tái sinh vào cõi người thì nó sẽ dẫn tới hành nghiệp tương ứng với nguyên nhân. Ví dụ nếu chúng ta đã giết người, hành nghiệp tương ứng với nguyên nhân này sẽ khiến cho trong đời này chúng ta sẽ hoặc đi giết hại người khác hoặc bị người khác giết hại hoặc chúng ta rất hung hăng, bạo lực… Như vậy nói chung bất cứ nghiệp nào chúng ta phạm phải trong quá khứ thì chúng ta có xu hướng lặp lại hành vi ấy trong cuộc đời này.Nếu như trong đời trước chúng ta có khuynh hướng ăn trộm của người khác thì trong đời này chúng ta sẽ muốn lặp lại những ác hạnh này.Chúng ta cũng thấy nhiều người thích nói dối hoặc nói chuyện phiếm, nói những điều chia rẽ người khác hoặc chúng ta thấy có những người có những suy nghĩ ác độc ở trong đầu, lúc nào cũng muốn làm hại người khác. Đó chính là những điều họ đã làm trong quá khứ nên giờ đây họ muốn lặp lại những hành vi này. Như vậy, nếu chúng ta có những suy nghĩ tương tự như thế thì chắc chắn là chúng ta đã phạm phải những ác hạnh đó trong quá khứ. Ví dụ: nếu chúng ta lúc nào cũng muốn nói dối chỗ này chỗ kia, ghen tỵ, keo kiệt, bủn xỉn thì đây chính là hành nghiệp từ quá khứ. Trong đời này, chúng ta thấy mỗi người đều có tính cách khác nhau, đây là ví dụ sinh động của những nghiệp lực tích tập của họ trọng quá khứ được tái hiện lại trong đời này. Tại sao một vài người lúc nào cũng nóng nảy, đố kỵ với người khác hoặc có những người có lòng tham muốn mạnh mẽ hơn người khác. Tất cả điều này là bởi vì chúng ta có sự tiếp nối liên tục với đời trước của chúng ta, bởi vì đời trước chúng ta đã có tập khí tương tự như vậy rồi cho nên giờ đây chúng ta lại làm những hành động đó trong đời này. Chúng ta phải luôn quán xét tâm mình xem có tư tưởng hãm hại người khác hay không? Nếu có thì chúng ta phải xóa bỏ ngay lập tức vì đây chính là những cái nhân để chúng ta tái sinh vào các cõi thấp.

3.2 Kinh nghiệm tương ứng với nguyên nhân.

3.2.1 Sát sinh

Mặc dù chúng ta có thân người trân quý rồi nhưng do các bạn có những [hành vi bất thiện từ kiếp trước] nên đời này phải chịu các kinh nghiệm [tương ứng với nhân đã gieo] Ví du: những ai bị chết trẻ, chết trong bụng mẹ… thì đó chính là bởi vì ác nghiệp sát hại sinh mạng của kẻ khác nên đời này phải trải nghiệm quả đó mặc dù các bạn đã có thân người trân quý.

3.2.2 Trộm cắp

Quả của việc lấy cắp đồ người khác hoặc keo kiệt, bủn xỉn… sẽ phải chịu cảnh đói khổ. Quả của ăn cắp là chịu cảnh nghèo đói trong kiếp này.

3.2.3 Tà dâm

Kinh nghiệm tương ứng với quả của sự tà dâm là trong đời này chúng ta rất khó khăn để tìm kiếm bạn đời cho mình; hoặc như nếu chúng ta đã có bạn đời rồi thì sẽ khó hoặc không thể hòa hợp với họ được hoặc chúng ta sẽ mất họ ngay lập tức. Rồi sau khi chúng ta tìm kiếm được người khác thì lại chia tay mau chóng**.** Đây chính là quả tương ứng với nhân của sự tà dâm trong đời trước.

3.2.4 Nói những lời cay nghiệt với người khác

Đời này chúng ta sẽ không bao giờ tìm được mối quan hệ hòa hợp nào cả. Mà có thì cũng không tồn tại dài lâu, chúng ta khó mà có bạn tốt và nếu có thì không bền lâu. Nếu bạn nói sự thật mà chẳng ai muốn nghe hoặc người khác nói điều cay nghiệt, khó nghe về bạn thì tất cả những điều này đều là quả của việc nói những điều cay nghiệt trong quá khứ.

3.2.5 Tà kiến hoặc mong muốn làm tổn hại người khác

Quả báo tương ứng với nhân là chúng ta không bao giờ đạt được những gì mình mong cầu. Chúng ta có thể mong muốn đạt được điều này, điều kia, hoàn thành được công việc này, công việc kia… nhưng bạn sẽ chẳng bao giờ hoàn thành được việc gì mà mình đặt ra cả. Như vậy những điều bạn muốn thì bạn sẽ chẳng bao giờ đạt được. Mặc dù bạn không làm tổn hại người khác nhưng họ cứ muốn gây hấn với bạn thì đây chính là quả của việc nói những lời tổn hại người khác. Quả của tà kiến chính là bạn không bao giờ được tiếp xúc với giáo pháp trong cuộc đời này.

Vài người nói rằng dù tôi cố gắng đến mấy nhưng chẳng bao giờ thành công trong kinh doanh. Cũng có người nói tôi có nói gì với anh ta đâu mà anh ta lại nói những lời quá đáng với tôi như vậy, cũng có người nói vì sao ai cũng ghen tị, đố kỵ với tôi hết vậy, tôi có làm gì đâu mà sao người ta cứ tấn công tôi, làm hại tôi? Tại sao lúc nào tôi cũng bệnh tật như vậy. Khi chúng ta liên tục gặp phải những trở ngại không mong muốn như vậy, chúng ta sẽ nghĩ rằng có ai đó đang trù ếm, nguyền rủa mình; hoặc có tinh linh xấu ác đang tạo ra chướng ngại cho mình. Thực ra, giáo Pháp của đức Phật nói rằng người khác không hề có ảnh hưởng gì đến bạn cả, đó chỉ là nghiệp quả của chính bạn mà thôi. Vì thế, điều đầu tiên các bạn phải hiểu khi đối mặt với khó khăn, nghịch cảnh là phải nhận ra được rằng cái khó khăn của chúng ta là gì? Có phải chúng ta mong muốn điều gì và chúng ta không thể đạt được hay không? Và khi tìm hiểu để thấy được những khó khăn mà chúng ta đang đương đầu thì nó kết nối với những nguyên nhân gì? Khi đó chúng ta sẽ hiểu được rằng những khó khăn đều bắt nguồn từ nhân quả chứ không phải từ đối tượng bên ngoài nào gây hại cho chúng ta cả. Tất cả đều là sự chín muồi của nhân quả mà thôi.

4. Quả ảnh hưởng tới nơi chốn tái sinh. Ví dụ như chúng ta sẽ phải sinh ra vào nơi rất nghèo đói; hoặc sinh ra vào nơi đất đai cằn cỗi; hoặc chúng ta ở vào nơi toàn dịch bệnh; hoặc có những nơi sinh ra lúc nào cũng ngập chìm trong chiến tranh; hoặc nơi sa mạc, không có nước, cây cối, ko có nguồn sống nào cả. Đây chính là quả trổ sinh tác động đến môi trường. Hoặc chúng ta sinh ra thấp kém, tất cả mọi người đều khinh bỉ mình.

2. Mười Thiện Hạnh

Tiếp theo là 10 thiện hạnh đối nghịch với 10 ác hạnh.

Đầu tiên, thay vì sát sinh thì chúng ta cứu sinh mạng của người khác. Chúng ta thực hành hạnh bố thí, chúng ta nói điều ái ngữ, giữ gìn giới hạnh, nói lời có ý nghĩa. Chúng ta nói năng dịu dàng, tâm của chúng ta ít ham muốn và chúng ta luôn luôn muốn trao cho người khác và chúng ta có tri kiến đúng đắn về luật nhân quả.

Chúng ta không có đầy đủ thời gian để giảng về từng thiện hạnh nhưng nhìn chung 10 thiện hạnh đều bắt nguồn từ tình yêu thương và lòng bi mẫn. Nếu trạng thái này trường tồn trong ta thì 10 thiện hạnh này đã được viên thành.

Các thiện hạnh này khá là rõ ràng và chỉ cần đọc là chúng ta hiểu ngay mà không cần giải thích từng mục một.

Quả đến từ những thiện hạnh này cũng bao gồm 4 loại: Quả của sự chia cách khỏi đau khổ, Quả chín muồi, quả tương ứng với nhân và quả chi phối [hoàn cảnh] tái sinh.

  1. Quả của sự chia cắt là gì? Nếu chúng ta thực hiện những thiện hạnh thì chúng ta sẽ không còn chịu khổ đau.
  2. Quả chín muồi hoàn toàn. Tùy hành động của chúng ta như thế nào: rất mạnh mẽ, mạnh vừa hay yếu thì 10 thiện hạnh cũng khởi lên tương ứng với 3 cấp độ như vậy. Ví dụ, thiện hạnh nhỏ thôi thì chúng ta sẽ được tái sinh làm người hoặc chư thiên, nếu như thiện hạnh lớn hơn thì chúng ta sẽ được tái sinh vào cõi trời vô sắc và trong tầng trời vô sắc lại có 17 cõi giới của chư thiên. Nếu chúng ta thực hành giáo pháp và chúng ta hiểu được rằng cõi đời không có thật thì chúng ta phải cố gắng thực hành giáo pháp. Ở đây chính là chúng ta thực hành sự nhàm chán, chán ghét luân hồi thì chúng ta sẽ đạt được tái sinh làm 1 vị A la hán. Nếu các bạn thực hành thiện hạnh với tâm yêu thương, đây chính là tâm bồ đề, thì các bạn sẽ được tái sinh làm Bồ Tát và cao nhất là các bạn sẽ đạt được sự giác ngộ. Đây chính là quả của sự chín mùi hoàn toàn. Như vậy nó sẽ phụ thuộc vào mức độ của thiện hạnh mà chúng ta sẽ được tái sinh vào 3 cõi cao hay cõi A la hán, làm 1 vị bồ tát hoặc đạt được giác ngộ.
  3. Quả tương ứng với nhân.

3.1 Hành tương ứng với nhân:Các bạn cũng sẽ có xu hướng làm những việc thiện các bạn hay làm ở kiếp trước, ví dụ như: kiếp trước các bạn có xu hướng bảo vệ cuộc sống của người khác thì kiếp này cũng vậy, lúc nào các bạn cũng muốn bảo vệ mạng sống của người khác và rộng rãi bố thí cho các chúng sinh khác, muốn trì giữ giới luật, sự trong sạch…. Nói chung là những điều các bạn làm ở kiếp này sẽ tương ứng với nhân mà các bạn làm ở những kiếp quá khứ và như vậy các bạn sẽ càng tinh tấn hơn trong việc thực hành những thiện hạnh.

3.2 Kinh nghiệm tương ứng với nhân:Nếu như trong quá khứ các bạn đã thực hành bố thí rất nhiều, bảo vệ mạng sống của kẻ khác thì đời này các bạn sẽ có một thọ mạng dài lâu, nhiều tài sản của cải và công việc của các bạn cũng sẽ đạt được thành công. Ví dụ những bạn có học vấn cao, khỏe mạnh, công việc làm ăn thành công. Khi các bạn đạt được nhiều điều [thành công] trong cuộc sống thì các bạn sẽ nghĩ tôi giỏi, tôi tài năng, thông minh… Đương nhiên các bạn giỏi và tài năng thật; nhưng nếu nhìn rộng ra các bạn sẽ thấy xung quanh mình rất nhiều người thông minh, tài năng hơn các bạn nhưng họ vẫn nghèo đói, thậm chí làm ăn xin. Tại sao lại như vậy? Ấy là bởi vì các bạn đã có phước báu của những thiện hạnh trong đời quá khứ. Nếu các bạn nghĩ về điều này thì các bạn sẽ thấy những thiện hạnh thật sự rất trân quý.

4. Quả chi phối [hoàn cảnh tái sinh]: Quả của việc thực hành 10 thiện hạnh là chúng ta sẽ được tái sinh vào cõi người và trong cõi người thì chúng ta được tái sinh vào nơi may mắn, cát tường, vào 1 đất nước giàu có, tốt đẹp hoặc tái sinh vào 1 nơi giáo Pháp lan toả [rộng khắp], 1 nơi mà người dân được hưởng an lành, hạnh phúc, thanh bình. Đồng thời chúng ta sẽ được tái sinh vào một gia đình tốt đẹp, có văn hóa, chúng ta có tài sản và đối xử với nhau văn minh, chân thành.

Cũng như các ác hạnh, có sự khác nhau giữa các mức độ thực hành các thiện hạnh của chúng ta. Khi chúng ta nói đến thiện hạnh, chúng ta sẽ nói đến tần suất để các thiện hạnh trở lên mạnh mẽ hơn. Ví dụ, lúc nào chúng ta cũng thực hành thiện hạnh thì quả sẽ to lớn hơn. Nếu chúng ta thường xuyên làm ác hạnh thì quả báo cũng nặng nề hơn. Như vậy, bất cứ hành động nào mà chúng ta làm với động cơ thanh tịnh và mạnh mẽ thì quả chúng ta đạt được sẽ rất nhiều. Ngược lại nếu chúng ta làm với động cơ bất tịnh hoặc sự sân hận mạnh mẽ thì quả của chúng ta nhận được cũng sẽ nặng nề hơn rất nhiều. Phạm phải các ác hạnh mà chúng ta không biết sám hối thì quả cũng sẽ nặng nề hơn.

Lại nói, điều gì làm cho hành động của chúng ta mạnh mẽ hơn? Dù là thiện hạnh hay ác hạnh thì hậu quả của mỗi hành động đều phụ thuộc vào đối tượng mà hành động này hướng đến. Ví dụ, nếu như các bạn muốn gây hại cho Tam Bảo thì quả báo sẽ vô cùng nặng nề. Hoặc đối tượng là vị đạo sư; hoặc một người rất tốt với mình như cha hoặc mẹ của mình; hoặc một người yêu thương mình hết mực vân vân, nếu bạn làm hại những chúng sinh này thì quả của ác hạnh sẽ nặng hơn rất nhiều.

3. Quả Trung Tính

Lúc đầu chúng ta đã nói về 3 loại nghiệp quả thì nghiệp quả thứ 3 là nghiệp quả trung tính. Đây là trường hợp mà trong cuộc đời mà chúng ta đã thực hành thiền định, ví như thiền chỉ và đã đạt được một vài thành tựu thì quả là chúng ta sẽ được tái sinh vào cõi thiên.

Cõi không gian vô biên [Không vô biên xứ] và cõi thức vô biên [thức vô biên xứ] chính là quả của việc thiền định. Ví dụ, nếu thực hành thiền chỉ và thông qua thực hành này những cảm xúc ô nhiễm trong tâm ta được bình ổn. Khi đó tâm này sẽ ở trong trạng thái nhập định và vì nhân này mà chúng ta sẽ được tái sinh là một vị chư thiên ở cõi trời vô sắc giới. Tuy chúng ta được tái sinh vào cõi giới cao nhưng vẫn chưa thoát khỏi luân hồi vì khi thực hành chúng ta chưa khởi phát được Bồ Đề Tâm.

Như vậy, chúng ta hỏi [ba] quả báo này sẽ chín muồi như thế nào? Các quả báo sẽ chín muồi phụ thuộc vào mức độ của hành động và đối tượng như chúng ta đã nhắc tới trước. Ví dụ: nếu chúng ta phạm ác hạnh rất nặng nề thì quả của nó có thể trổ ngay trong đời này hoặc có thể trổ ra cõi đời tiếp theo hoặc tiếp theo nữa mà chúng ta không thể biết chắc nó sẽ trổ ra vào đời nào. Thời gian trổ quả sẽ hoàn toàn phụ thuộc vào mức độ mà hành động của chúng ta phạm phải hoặc đã tích lũy.

Bất cứ thiện hạnh nào mà các bạn thực hành thì ngay lập tức các bạn phải hồi hướng bởi nếu như không hồi hướng thì các thiện hạnh này sẽ bị cạn kiệt hoặc phá huỷ. Ví dụ, khi bạn nổi cơn sân hận hoặc nuối tiếc [một việc thiện đã làm] thì công đức sẽ mất hết nếu các bạn không kịp hồi hướng.

Như vậy cả hai hành động tạo nghiệp – quả báo và phước báo – đều có thể chấm dứt. Quả của các thiện hạnh sẽ chấm dứt nếu chúng ta không hồi hướng. Ngược lại, quả của ác hạnh sẽ chấm dứt nếu như chúng ta sám hối. Nếu không sám hối thì chúng ta không thể tịnh trừ được các ác nghiệp của mình. Nếu ác nghiệp không được tịnh trừ thì sớm hay muộn các bạn sẽ nhận quả tương ứng với nhân. Dù bất cứ điều gì các bạn đã làm với một tâm bất tịnh thì ngay lập tức phải áp dụng một liều thuốc để đối trị với tâm ác hạnh này đó chính là nghĩ rằng con đã phạm phải ác hạnh và xin cho con được sám hối vì đã vi phạm. Hãy sám hối ngay lập tức khi phạm phải ác hạnh nào.

Nghiệp quả hoàn toàn không sai chệch, thiện hạnh và ác hạnh cũng như vậy. Quả của nó cũng không thể sai chệch. Không sai chệch là như thế nào? Nếu như chúng ta làm những thiện hạnh thì chúng ta sẽ đạt được phước báu còn nếu như chúng ta phạm ác hạnh thì chắc chắn chúng ta sẽ chịu khổ đau. Đây chính là [niệm chuyển tâm thứ ba]: Nhân quả là không thể sai chệch. Vì vậy, ngay từ đầu chúng ta hãy cố gắng để không mắc phải những sai lầm nào, và nếu có phạm phải thì phải sám hối ngay lập tức. Không nên nghĩ rằng đây chỉ là một sai lầm nhỏ thôi nên chẳng ai để ý và rồi nó sẽ biến mất. Mọi chuyện sẽ không diễn ra như vậy, ác hạnh sẽ không biến mất mà sẽ tồn đọng lại ở đó và một ngày nào đó sẽ trổ ra thành quả báo. Điều này đã được nhắc đến trong bộ kinh Ứng Dụng Chánh Niệm (Saddharma­smṛtyupasthāna) nói:

Lửa hoàn toàn có thể trở nên lạnh lẽo, chúng ta có thể bắt được gió bằng một cái thòng lọng, có thể bắn rụng được mặt trời và mặt trăng nhưng không thể nào ngăn nhân đã gieo trổ thành nghiệp quả.

Vì thế, một khi nhân đã được gieo thì quả sẽ trổ, đó là điều chắc chắn. Trong kinh […] cũng nói rằng sự vận hành của nhân và quả là không thể nghĩ bàn, kể cả một người với lòng từ bi cũng có thể rơi vào 3 cõi thấp. Điều này có nghĩa là kể các vị Bồ tát với lòng từ bi mà phạm phải ác hạnh cũng sẽ bị tái sinh vào ba cõi thấp. Tổ Jigten Sumgon cũng nói rằng kể cả một vị Bồ Tát thập địa cũng có thể rơi vào ba cõi thấp. Thực ra, một vị Bồ Tát thập địa sẽ không bao giờ phạm ác hạnh, điều này gần như không thể xảy ra. Tuy nhiên, nếu như có trường hợp như vậy thì chính vị đó cũng sẽ bị tái sinh vào ba cõi thấp. Điều này cho thấy rằng chúng ta không thể nói rằng ‘Ôi bạn là một vị Bồ Tát, bạn rất đặc biệt nên bạn sẽ không phải chịu nghiệp quả, điều này nó không diễn ra với bạn đâu’. Nói như vậy là không đúng. Nhân quả sẽ diễn ra theo cách bình đẳng với tất cả chúng sinh mà không hề sai chệch.

Như vậy nghiệp nhân quả là không sai chệch. Điều đó có nghĩa là bất cứ ai thực hành thiện hạnh hoặc phạm phải ác hạnh thì cũng sẽ trải nghiệm hạnh phúc và khổ đau tương ứng. Như thế nhân quả là vô cùng chính xác, nó không thể biến mất vào lúc nào đó hay khoảng thời gian nào đó được. Nếu các bạn ở một đất nước với nhiều luật lệ khó khăn, nghiêm khắc nhưng có khi các bạn ít nhiều cũng có thể né tránh được luật pháp. Một người thông minh có thể lách luật được; ví dụ họ có thể ăn trộm chỗ này một ít chỗ kia một ít, họ có thể lừa người này người kia mà không bị phát hiện nên không bị bắt; nhưng nếu như chúng ta phạm phải mười ác hạnh thì chắc chắn chúng sẽ trổ quả mặc dù người khác có biết về ác hạnh của chúng ta hay không. Nếu như ác hạnh mạnh mẽ thì các bạn sẽ chịu một nỗi đau khổ nặng nề còn nếu là ác hạnh nhẹ hơn thì nỗi đau khổ cũng sẽ nhẹ hơn. Nhưng điểm quan trọng là quả sẽ không tự nó biến mất được. Nếu các bạn ‘thông minh’ thì các bạn có thể lừa được bạn bè mình hay người thân trong gia đình của mình và họ không phát hiện ra chuyện xấu của bạn nhưng đối với nghiệp quả thì chúng ta sẽ không bao giờ lừa dối được luật nhân quả đâu.

Bởi vì nghiệp quả rất là chính xác cho nên chúng ta phải tin tưởng tuyệt đối vào luật nhân quả. Chúng ta cũng không nên nghĩ rằng đây là chuyện nhỏ, hoặc nghĩ rằng một vài ác hạnh cũng không phải là to lớn gì cho nên chúng ta không để tâm tới. Đừng bao giờ mắc phải những sai lầm như thế bởi vì nếu như chúng ta cứ tích lũy ác hạnh nhỏ nhỏ như vậy thì chính những ác hạnh này sẽ đẩy chúng ta tái sinh vào 3 cõi thấp. Cũng giống như 1 đốm lửa nhỏ cũng đủ để thiêu hủy cả một đồng cỏ to lớn. Điều này đã được giải thích trong Kinh HiềnNgu Damamùka Nidàna Sùtra.

Cũng tương tự với các thiện hạnh. Đừng nghĩ rằng việc thiện nhỏ bé này thật chẳng bõ công, không đáng làm. Ngược lại một thiện hạnh dù nhỏ đến đâu ta cũng càng phải nên làm, cho dù chỉ là một khoảnh khắc khởi lên ý niệm thiện lành, hay một tâm nguyện muốn giúp đỡ người khác. Hãy trì giữ và trưởng dưỡng tâm nguyện đó. Đây là cách để chúng ta tích luỹ công đức và làm cho ruộng công đức của chúng ta trở thành vĩ đại. Đây chính là điều chúng ta gọi là “tích tập công đức.” Nếu chúng ta chăm chỉ tích lũy công đức nhỏ bé mỗi ngày thì dần dần ta sẽ có được rất nhiều phước báu. Lấy ví dụ, nếu như chúng ta chăm chỉ và đều đặn nhỏ từng giọt nước vào một cái bình lớn thì dần dần cái bình cũng sẽ đầy, dù sớm hay muộn. Tương tự như vậy, nếu chúng ta cứ tích lũy thiện hạnh nhỏ bé thì dần dần ta sẽ tích lũy được vô lượng công đức. Như thế thì phải tinh tấn thực hành thiện hạnh dù là nhỏ bé nhất và tránh xa những ác hạnh dù là nhỏ nhất. Đừng bao giờ đánh giá thấp hoặc bỏ qua những việc thiện lành nhỏ bé. Cũng như thế, đừng bao giờ xem nhẹ những ác hạnh và nghĩ rằng chúng thật chẳng đáng kể. Đương nhiên, hãy luôn tránh xa những hành động ác hại nặng nề.

Lấy ví dụ, khi chúng ta đang ăn mà thức ăn có trộn dù chỉ một chút thuốc độc thôi thì liệu ta có thể nói rằng ôi, đó chỉ là chút thuốc độc thôi, cứ ăn đi không? Nếu chúng ta ăn phải thức ăn có lẫn dù chỉ một chút thuốc độc thì cũng đủ giết chết chúng ta, hoặc làm chúng ta đổ bệnh rồi. Các ác hạnh cũng như vậy mà thôi. Hãy tránh xa tất cả mọi ác hạnh, dù lớn hay nhỏ vì chính sự tích luỹ những ác hạnh như thế này là nguyên nhân đẩy chúng ta tái sinh vào cõi giới thấp.

Trong tác phẩm Nhập Bồ Tát hạnh có nói rằng, bất kỳ một trải nghiệm khó chịu nào, sự sợ hãi, cảm giác bất an, sự lo lắng, ước muốn không được đền đáp cả về thân hoặc về tâm vân vân… tất cả những điều đó đều là quả của các ác hạnh.

Trong Nhập Bồ Tát hạnh cũng có nói, nếu ta thực hiện thiện hạnh thì quả của thiện hạnh sẽ trổ ra bất cứ nơi nào ta đến. Bất cứ nơi chốn nào chúng ta đi thì đều đạt được thành công, tâm chúng ta ngập tràn hạnh phúc, bất cứ cái gì chúng ta muốn đều có thể thành tựu mà không quá khó khăn. Nếu chúng ta phạm phải ác hạnh thì dù có muốn hay không, dù có đi bất cứ nơi nào đều có sự khổ đau trong thân và tâm.

Trong Thắng Quân Vương Sở Vấn Kinh có nói:

“Hỡi Đức vua, bất cứ nơi nào Ngài đi, đời này và những đời sau, thì kẻ đồng hành với Ngài chẳng phải quyền lực, tiền tài, tuỳ tùng hay bằng hữu. Thứ sẽ đi theo Ngài chính là hành nghiệp mà Ngài đã tạo, dù đó là thiện nghiệp hay ác nghiệp. Đây là những thứ sẽ theo Ngài như bóng với hình.”

Ta thấy rằng, dù chúng ta đi đến đâu thì sẽ có cái bóng ở đó. Cũng như vậy, bất cứ nơi nào thần thức này đi, dù cho vượt qua cả kiếp này thì nghiệp của chúng ta cũng đi theo thần thức y như vậy.

Như vậy, bất kỳ ác hạnh nào chúng ta phạm phải trong đời này dù với mục đích gì thì các bạn đều phải trả quả của nhân đó. Bạn thực hiện ác hạnh vì mục đích cá nhân hay cho cha mẹ, bạn bè… thì bạn cũng vẫn phải chịu quả của cái nhân đó. Nói ngắn gọn, người nào gieo nhân thì kẻ ấy sẽ gặt quả chứ không phải đối tượng mà vì họ chúng ta thực hiện hành động này phải chịu quả. Ví dụ, chúng ta không thể nói tôi làm ác hạnh này vì người kia chứ không phải làm cho tôi. Chỉ có người phạm ác hạnh mới phải chịu quả của chính ác hạnh ấy. Bạn không thể kỳ vọng rằng bạn làm việc này cho cha mẹ của bạn thì quả ấy cha mẹ của bạn sẽ gánh. Khi các bạn thực hành bất kỳ ác hạnh nào thì nó không tự nhiên biến mất. Các ác hạnh chỉ có thể được tịnh hoá thông qua thực hành sám hối.

Trong nghi quỹ Ngondro trang 18:

“Để làm cho cuộc đời với đầy đủ tự do và trợ duyên này trở lên có ý nghĩa, ta sẽ từ bỏ tất cả bất thiện hạnh, là kết quả của tâm thức ô nhiễm bởi ba độc. Ta sẽ trưởng dưỡng các thiện nghiệp, sẽ trì giới và giữ mật nguyện của ba cửa (thân, khẩu, ý)”.

Khi tụng những dòng này chúng ta phải quán chiếu về những điều thầy đã giảng. Quán chiếu rằng giờ đây ta đã có được thân người vô cùng quý báu nên ta phải từ bỏ bất thiện hạnh và thực hiện nhiều những thiện hạnh, trì giới và giữ gìn mật nguyện để cho thân người trân quý này trở lên có ý nghĩa. Sử dụng thân này để đạt được hạnh phúc bằng cách thực hành các nhân của hạnh phúc và từ bỏ những cái nhân của sự khổ đau, chính là từ bỏ thực hiện 10 ác hạnh. Như thế hãy luôn luôn tinh tấn thực hành.

Lúc trước chúng ta đã nói rất nhiều về 10 thiện hạnh và 10 ác hạnh, nếu như các bạn đã biết hết điều này thì tốt nhưng nếu không nhớ rõ thì chỉ cần nhớ kỹ câu này trong 37 Pháp Tu Bồ Tát:

Tất cả những khổ đau đều đến từ việc mong cầu hạnh phúc cho riêng mình.

Đây chính là cội rễ của mọi giáo huấn. Bất kỳ đau khổ nào, ít hay nhiều đều đến từ mong nguyện hạnh phúc cho riêng mình. Nó đến từ tâm chấp ngã và các cảm xúc ô nhiễm. Ngược lại với đau khổ là các nhân của hạnh phúc. Các nhân hạnh phúc chính là tâm nguyện mong cầu đem lại hạnh phúc cho người khác.

Câu kệ tiếp theo nói rằng:

Chư Phật toàn hảo phát khởi từ tâm vị tha.

Thật sự, mọi giáo huấn đều bao hàm trọn vẹn trong hai câu kệ này. Chỉ cần các bạn có một lòng mong muốn giúp đỡ và đem lại hạnh phúc cho người khác, một tâm nguyện vị tha vĩ đại thôi thì dù không học sâu hiểu rộng tất cả mười thiện hạnh; chỉ một tâm nguyện vị tha muốn cho tất cả chúng sinh đều được an vui hạnh phúc thôi thì tâm nguyện ấy cũng sẽ trở thành cái nhân của giác ngộ vẹn toàn. Và về mặt tạm thời thì tâm nguyện này chính là cái nhân của mọi hạnh phúc trong đời này.

Vì vậy, chúng ta phải luôn luôn duy trì trạng thái tâm thiện lành, tích cực, từ bỏ mọi ô nhiễm độc ác trong cuộc đời này. Cố gắng từ bỏ những ác hạnh và thực hành thật nhiều thiện hạnh bất cứ khi nào có thể. Nếu các bạn học rất nhiều kinh điển, triết lý Phật giáo nhưng mà lại bỏ qua việc trưởng dưỡng lòng vị tha thì xem như các bạn đã không hiểu được tinh túy của giáo Pháp. Lòng vị tha chính cái nhân thật sự của mọi hạnh phúc. Nếu các bạn không hiểu được tinh tuý này thì thực sự các bạn sẽ không biết được việc gì nên làm, việc gì nên tránh. Như vậy thì giáo Pháp không thật sự mang lại lợi lạc gì cả, đây là điều mà các bạn phải thật sự hiểu. Khi hiểu rõ thì các bạn mới có thể chuyển hóa được tâm của mình. Các bạn sẽ thực hành bằng cách khởi phát tâm nguyện vị tha đối với người thân, anh em, bạn bè và dần dần nhân rộng ra, đây là điểm tinh yếu.

Chúng ta sẽ kết thúc buổi giảng về nhân quả ngày hôm nay tại đây.

Phần 2: Hỏi và Đáp

1. Làm sao con có thể dạy cho con mình, đặc biệt trong thời buổi dịch bệnh tràn lan này, về sự đau khổ của sáu cõi luân hồi mà không khiến chúng mất đi niềm tin và sự tích cực vươn lên trong cuộc sống?

Bạn không cần phải nói quá nhiều với con của mình về những nỗi đau khổ của luân hồi và về sự xả ly luân hồi vì chúng còn quá nhỏ. Điều quan trọng với các bé là bạn hãy dạy các con mình có một trái tim thiện lành, có đạo đức, biết tôn trọng và không làm điều gì phương hại đến những người xung quanh. Bạn cũng có thể dạy cho các bé về các phẩm tánh của Tam Bảo và quy luật nhân quả. Tuy nhiên nếu bạn chỉ nói về những nỗi đau khổ thôi thì sẽ là quá sức với các bé vì các bé còn rất nhỏ và sẽ không có đủ khả năng hiểu hết về những nỗi khổ của sáu cõi luân hồi. Các bé chưa đủ khả năng để hiểu được các giáo lý này. Bạn có thể giảng cho các bé về nhân quả bằng cách nói rằng “nếu con đối xử không tốt với người khác, nếu con làm người khác bị thương thì họ sẽ rất buồn. Con cũng không muốn bị người khác đối xử như vậy phải không? Vì vậy con hãy đối xử tử tế với mọi người nhé.” Bạn có thể nói như vậy với các con của mình khi giảng về nhân quả và Tam Bảo. Còn ở độ tuổi của các bé, thật sự không có nhiều lợi lạc nếu nói về đau khổ và xả ly luân hồi. Bạn cũng nên dạy cho con của mình về ba phẩm tánh quan trọng: tình yêu thương, lòng từ bi và trí tuệ nữa.

2. Con đã nhận được quán đảnh bổn tôn. Con nên tập trung thực hành Ngondro trước khi thực hành thiền định bổn tôn có đúng không ạ?

Thông thường bạn sẽ hoàn thiện Ngondro trước và sau đó thực hành thiền định bổn tôn. Tuy nhiên bạn vẫn có thể nhận quán đảnh bổn tôn ngay cả khi chưa hoàn thành các bước của pháp tu tiên yếu. Trong lúc đó bạn vẫn phải hoàn thiện thực hành Ngondro của mình.

Bạn thậm chí vẫn có thể nhận quán đảnh và thực hành thiền định bổn tôn [trước khi xong Ngondro] nhưng có sự khác biệt rất lớn trong năng lực mạnh mẽ của thực hành thiền định bổn tôn trước và sau khi hoàn thiện Ngondro.

Như vậy trước tiên mục tiêu chính của bạn vẫn nên là hoàn thiện Ngondro trước khi nghiêm túc thực hành thiền định Bổn Tôn. Thật sự, các pháp tu Ngondro là cực kỳ quan trọng. Sau khi thực hành Ngondro, đặc biệt là qua những giáo lý về nhân quả như hôm nay chúng ta đã được lắng nghe, thì chúng ta sẽ hiểu được rằng thật sự thấm nhuần nhân quả là điều quan trọng nhất trong tất cả mọi thực hành. Nó quan trọng trong tất cả mọi bước của quá trình thực hành, kể cả trong các thực hành bổn tôn. Nếu không thấm nhuần giáo lý này, sẽ có người nghĩ rằng ta phải thực hành các pháp tu bổn tôn phẫn nộ vì các pháp này cực kỳ mạnh mẽ vân vân mà bỏ qua giáo lý nhân quả. Nghĩ như thế là đã phạm sai lầm vì chúng ta phải thực hành các pháp tu bổn tôn dựa trên nền tảng của sự thấm nhuần nhân quả. Ở Tây Tạng đã từng có nhiều trường hợp về các quỷ dữ, vốn kiếp trước là những vị đã có thực hành bổn tôn nhưng không lưu tâm đến lý nhân quả, không trưởng dưỡng tình yêu thương. Do có sự thực hành bổn tôn nên họ có những năng lực mạnh mẽ, dù vậy lại thiếu đi tình yêu thương và lòng từ bi nên đã trở thành quỷ dữ. Đã có một vài trường hợp như thế xảy ra ở Tây Tạng. Vì vậy chúng ta thật sự phải thấm nhuần lý nhân quả và vì thế trưởng dưỡng tình yêu thương. Đạo Sư Liên Hoa Sanh đã nói rằng ‘dù con có thực hành cao đến đâu, thì hành vi của con, sự thấm nhuần nhân quả của con vẫn phải cực kỳ tinh vi và vô cùng chính xác.” Như vậy nếu các bạn thấm nhuần về nhân quả thì việc chứng ngộ tánh không sẽ trở nên dễ dàng hơn. Chắc chắn rằng việc thực hành các pháp tu tiên yếu, đặc biệt là hiểu rõ về lý nhân quả là cực kỳ quan trọng vì như thế các thực hành bổn tôn của các bạn sẽ trở nên mạnh mẽ hơn.

3. Con có nên thiền định về một bổn tôn duy nhất không?

Điều này là tuỳ bạn. Bạn có thể thực hành một vài (hoặc nhiều) vị bổn tôn, cũng có thể chỉ thực hành một vị. Ở Tây Tạng có những hành giả chỉ thực hành duy nhất một vị Bổn tôn nhưng cũng có […] Ta nói rằng nếu ta có tri kiến thanh tịnh, lòng sung mộ và lòng từ bi dành cho tất cả chúng sinh thì việc bạn thực hành một hay nhiều vị bổn tôn là tuỳ theo sở nguyện cá nhân.

4. Con có nên thực hành thiền định Bổn tôn trong mỗi một thời thiền hay không?

Tổ Jigten Sumgon đã nói “Trong một thời thực hành thì tất cả các bước của Con Đường Đại Thủ Ấn Năm Nhánh đều nên được hoàn thiện” Thời gian công phu ngắn hay dài không quan trọng, lúc nào chúng ta cũng bắt đầu với phần “Quy Y và Phát Khởi Bồ Đề Tâm”. Sau đó trong phần thực hành chúng ta tự quán bản thân là Bổn tôn. Bạn cũng có thể tự quán mình trong thân tướng bổn tôn dù đang thực hành bất kỳ pháp tu nào hoặc đang thực hiện bất kỳ thiện hạnh nào. Chúng ta tiếp tục đến với phần Đạo Sư Du Già bằng cách phát khởi lòng sùng mộ đến đạo sư và ở [giai đoạn hoà tan] chúng ta thực hành pháp thiền Đại Thủ Ấn thông qua phương pháp trực chỉ chân tâm, thiền định trong cảnh giới rỗng rang. Như vậy dù với thực hành nào thì mọi bước của Con Đường cũng đều được hoàn thiện trong một thời công phu.

Ngoài ra còn phụ thuộc vào cấp độ thực hành của bạn nữa. Nếu các bạn chủ yếu thực hành thiền định về tình yêu thương và lòng từ bi thì trong thời thiền của mình các bạn cũng có thể chỉ tập trung vào đề mục đó.

Như vậy nếu các bạn thực hành môt vị Bổn tôn thì có thể tập trung thiền định về vị Bổn Tôn đó trong thời công phu của mình, điều này là tuỳ thuộc vào đề mục thiền định bạn lựa chọn. Đương nhiên nếu các bạn có tri kiến hoặc chứng ngộ thâm sâu thì hãy luôn luôn thiền định về Bổn tôn. Tuy nhiên nếu như các bạn là những hành giả sơ cơ, việc các bạn không thể luôn thiền định về vị Bổn tôn là bình thường. Đối với những hành giả này các bạn có thể thiền về đề mục tình yêu và lòng từ bi.

5. Con chưa nhận Đạo sư Gốc vậy trong phần Khấn nguyện Đạo Sư Gốc con nên khẩn cầu đến ai?

Bạn chưa có Đạo sư gốc cũng không sao cả, bạn hãy khấn nguyện đến Đức Phật và nghĩ đến Ngài như là Đạo sư Gốc của mình.

6. Con có thể có nhiều Đạo sư gốc không?

Có thể.

7. Phòng thực hành của con khá nhỏ con có thể lạy ngắn thay vì laỵ dài được không?

Khi các bạn thực hành Ngondro tích luỹ 100,000 lễ lạy, nếu bạn còn trẻ, thân thể khoẻ mạnh thì hãy lễ lạy dài. Nếu bạn tuổi cao sức yếu, thân thể có nhiều bất tiện vậy cũng có thể lạy ngắn. Còn vấn đề diện tích phòng, nếu phòng của bạn đủ cho bạn nằm thẳng người, vậy thì cũng sẽ đủ chỗ cho bạn thực hiện lễ lạy dài.

8. Con có cần thực hành Phowa thường xuyên hay không?

Các bạn nên thực hành Phowa thật thường xuyên, đặc biệt hãy luôn trì giữ hình ảnh quán tưởng Phowa trong tâm. Càng đặc biệt hơn vào ngay lúc này các bạn vẫn còn đang sống khoẻ thì hãy rèn luyện tâm mình cho giai đoạn qua đời, để cho tâm này được sẵn sàng đi đến cõi Tịnh Độ Cực Lạc. Bởi vì vào lúc qua đời bạn sẽ rất sợ hãi, và bạn phải nhớ được [các giáo huấn] vào lúc đó, khi những cảm xúc đang nổi lên mạnh mẽ. Vì thế, hãy huân tập tâm trí để tâm này thật nhuần nhuyễn với các hình ảnh quán tưởng khi còn sống vì chỉ có như thế các bạn mới có khả năng nhớ lại được các chỉ dẫn ở giai đoạn cận tử. Nếu không tập luyện từ bây giờ thì vào giai đoạn cận tử sẽ rất khó khăn để bạn nhớ lại các giáo huấn. Vì thế, sẽ rất tốt nếu các bạn có thể luôn trì giữ hình ảnh quán tưởng Phowa ở trong tâm.

9. Con đã thực hành Ngondro ở một đạo tràng khác và đã nhận được một vài quán đảnh nhưng liệu như vậy đã đủ cho quá trình quán tưởng sinh khởi trong các khoá nhập thất chưa? Con đang thực hành pháp tu Ngondro theo hướng dẫn của Đạo sư Garchen Rinpoche, liệu như vậy đã đủ chưa?

Thật tuyệt vời bạn đã thực hành Ngondro tại đạo tràng khác, giờ lại đang thực hành theo truyền thống Ngondro của Garchen Rinpoche, “Con Đường Tuyệt Hảo Dẫn Đến Giác Ngộ” vì rốt ráo thì truyền thừa của tất cả các vị Đạo sư dù truyền thống nào cũng đều quy về Đức Phật. Mặc dù các nghi quỹ có thể có cấu trúc dài ngắn khác nhau, các bài khấn nguyện Đạo sư Dòng Truyền Thừa cũng khác nhau nhưng điều quan trọng là các bạn hiểu được tinh yếu của thực hành Ngondro. Và tinh yếu của Ngondro là như nhau [dù theo dòng truyền thừa nào]. Như vậy nếu bạn đã hoàn thiện Ngondro rồi và giờ muốn thực hành lại thì hoàn toàn có thể. Về căn bản, bạn cần phải tự mình quán xét xem bạn đã tịnh hoá được bao nhiêu cảm xúc ô nhiễm. Nếu bạn thấy rằng mình thật sự vẫn chưa tịnh hoá được các cảm xúc ô nhiễm thì bạn nên tiếp tục thực hành. Còn nếu bạn thấy rằng mình đã tịnh hoá được phần lớn các cảm xúc ô nhiễm thì bạn có thể không cần phải thực hành nữa. Như vậy, cách để bạn quán chiếu xem mình thực hành đủ chưa đó chính là tự quán xét nội tâm xem các cảm xúc tiêu cực của mình có còn không.

10. Nếu tuổi thọ là không thể kéo dài, vậy vì sao chúng ta lại phải thực hành các buổi puja cầu nguyện trường thọ?

Đây là một câu hỏi rất hay và có thể cũng có nhiều bạn thắc mắc về vấn đề này. Lấy ví dụ nếu một người có thọ mạng là 100 tuổi, vào năm 68 tuổi họ gặp phải một chướng ngại có thể gây nguy hiểm đến mạng sống. Đây là các duyên. Như vậy nếu chúng ta thực hành cầu nguyện trường thọ để các chướng ngại tạm thời được xua tan thì người này có thể sống đến hết thọ mạng của mình là 100 năm. Nhưng nếu chúng ta không thực hành các pháp cầu nguyện trường thọ thì rất có thể người này sẽ tuỳ theo duyên mà qua đời ở tuổi 68 mặc dù chưa tẫn thọ. Các pháp thực hành trường thọ không thể giúp người này kéo dài thọ mạng quá 100 tuổi.

Khi chúng ta cử hành các nghi lễ trường thọ cho các vị Đạo sư hoặc các vị Phật, Bồ Tát, những Đấng Giác Ngộ đã hoàn toàn tịnh hoá mọi nghiệp chướng thì việc khấn nguyện trụ thế dài lâu có thể kéo dài các công hạnh giác ngộ của chư vị, đem lại vô biên lợi lạc cho mọi chúng sinh. Điều này hoàn toàn có thể mặc dù các vị đã hết thọ mạng nhưng vẫn có khả năng kéo dài. Đồng thời [thọ mạng của chư Đạo sư] cũng có cộng nghiệp đối với những đệ tử khấn nguyện nữa. Đây là mối tương duyên giữa các Pháp. Nhưng nói chung, nếu một người có thọ mạng 100 tuổi thì việc thực hành các pháp tu trường thọ không giúp họ sống được đến 101 hoặc 102 tuổi. Cũng tương tự lấy ví dụ nếu một người chỉ có thọ mạng 30 tuổi thôi thì dù có thực hành nhiều, cầu nguyện nhiều cũng không thể sống được đến 50 tuổi.

Như vậy những thực hành trường thọ này có lợi lạc là xua tan đi những chướng ngại tạm thời, vì thế việc thực hành các pháp tu trường thọ, nhận quán đảnh trường thọ là rất tốt.

Đối với những vị đạo sư chứng đắc giác ngộ cao tột thì việc khấn nguyện Ngài trụ thế dài lâu qua những buổi cầu nguyện trường thọ là vô cùng quan trọng. Rất có thể các Ngài sẽ tiếp tục trụ thế. Điều này là bởi các vị Đạo sư giác ngộ cao này đã vượt qua được mọi giới hạn của sinh tử, vì thế các Ngài có thể tự do lựa chọn nơi chốn và thời điểm tái sinh vân vân. Khi chúng ta cầu nguyện các Ngài trụ thế dài lâu thì điều này sẽ đem lại lợi lạc cho chính chúng ta. Lấy ví dụ một vị Đạo sư có thọ mạng là 60 tuổi, chúng ta khấn cầu Ngài trụ thế dài lâu. Nếu Ngài thật sự là một vị Đạo sư chứng đắc thâm sâu thì việc ngài sẽ trụ thế đến 70-80 tuổi là rất khả thi.

Nguồn

Ảnh: Mạn đà la bánh xe nhân quả tại Kathmandu, Nepal.

Nguồn: Unsplash

đóng góp cho DAC

Các trung tâm Pháp thật vô cùng trân quý và trung tâm có thể hoạt động hoàn toàn phụ thuộc vào sự ủng hộ của các vị đệ tử. Mặc dù chúng ta đã thành lập trung tâm nhưng nếu không có được sự ủng hộ của tăng đoàn thì trung tâm sẽ không thể tồn tại trong tương lai. Nếu con ủng hộ cho các trung tâm Pháp thì con sẽ nhận được phước báu lớn lao trong đời này và cả đời vị lai. Và phước báu là cội nguồn của hạnh phúc.


Kyabje Garchen Rinpoche

đọc thêm

Achi Chokyi Drolma

Hộ Pháp Achi Chokyi Drolma

Achi Chokyi Drolma là một Hộ Pháp vĩ đại trong Phật Giáo. Ngài là hiện thân của Kim Cang Du Già Thánh Nữ, hoá hiện của trí tuệ và công hạnh của tất cả chư Phật. Ngài là thánh mẫu thiêng liêng của mọi chư Phật, đã hiện thân từ lòng đại bi dưới hình tướng của chư vị Dakini trong Ngũ Phật Bộ. Để đem lại lợi lạc cho mọi chúng sinh trong luân hồi, Ngài đã thị hiện muôn vàn hình tướng tại những thời – không khác nhau.

ĐỌC THÊM