Hướng Dẫn Thực Hành Ngondro – Bài 8: Đạo Sư Du Già

Dorzin Dhondrup Rinpoche hướng dẫn thực hành "Con Đường Tuyệt Hảo Để Đạt Đến Giác Ngộ: Các Pháp Tu Tiên Yếu của Đại Thủ Ấn Năm Nhánh" do Garchen Rinpoche soạn tác | Bài 8: Đạo Sư Du Già
Garchen Rinpoche

Hãy lắng nghe Pháp với một động cơ thanh tịnh, tâm nguyện Bồ Đề.

Phần 1: Giáo lý

Giáo Pháp ngày hôm nay chúng ta lắng nghe là những giáo huấn vô cùng đặc biệt vì nhờ đó ta có thể đạt được giác ngộ trong một đời người. Đó chính là con đường Đại Thủ Ấn Năm Nhánh. Để có thể viên thành mục đích này, chúng ta cần phải hoàn thiện các Pháp Tu Tiên Yếu. Chúng ta đã nói về các Pháp Tu Tiên Yếu Thông Thường, cũng chính là bốn niệm chuyển tâm. Trong số các Pháp Tu Tiên Yếu Phi Thường, chúng ta đã được học về Quy y, Kim Cang Tát Đỏa và cúng dường Mandala. Hôm nay chúng ta sẽ đến với bước thứ 4 trong các Pháp Tu Tiên Yếu Phi Thường: Đạo Sư Du Già để đón nhận gia lực của đạo sư và để gia lực của Ngài thấm nhuần tâm thức ta.

Chúng ta thực hành Đạo Sư Du Già vì mục đích tối hậu của mỗi hành giả là đạt được giác ngộ. Để đạt giác ngộ thì ta phải chứng ngộ bản tâm, cảnh giới của Đại Thủ Ấn. Ta nói rằng phương pháp tốt nhất để chứng ngộ bản tâm chính là nhờ vào những giáo huấn cốt tuỷ và gia lực của Ngài. Chỉ có như vậy ta mới có thể chứng ngộ Đại Ấn. Đó là lý do vì sao ta cần phải thực hành Đạo Sư Du Già. Chỉ có thể chứng ngộ được bản tâm thông qua giáo huấn cốt tuỷ và gia lực của Đạo sư mà thôi, không còn con đường nào khác. Vì thế trong truyền thống Phật giáo Kim Cang Thừa, gia lực của Đạo sư là vô cùng quan trọng. Đặc biệt, trong dòng truyền thừa Drikung thì gia lực của Đạo sư và lòng sùng mộ của đệ tử là hai yếu tố quan trọng nhất để chứng ngộ được cảnh giới Đại Ấn. Vì thế thực hành Đạo Sư Du Già là vô cùng quan trọng.

Trong thực hành Đạo Sư Du Già, Đạo sư cần phải được hiểu chính là vị Đạo sư gốc. Chúng ta đã được dạy rằng, một đệ tử cần phải phát khởi được lòng sùng mộ đến với vị Đạo sư gốc của mình bởi vì Đạo sư gốc giống như là đôi mắt của chúng ta vậy. Ví dụ, nếu đi trên đường thì chúng ta cần phải có 1 đôi mắt sáng vì nếu không thấy đường thì chúng ta thực sự không thể đi đâu được cả. Cũng như vậy, để đạt thành giác ngộ, chúng ta cần phải có gia lực và giáo huấn của vị Đạo Sư. Điều đó cũng giống như đôi mắt của chúng ta vậy. Vì thế, việc có một Đạo sư gốc thật sự là vô cùng quan trọng.

Điều quan trọng ở đây là vị Đạo sư gốc phải có đầy đủ phẩm tánh của một Đạo sư chân chính. Chúng ta nói rằng vị Đạo sư phải có đầy đủ phẩm tánh và cùng lúc đó, vị đệ tử cũng phải là một đệ tử chân chính.

Đối với người đệ tử thì họ phải thực sự có lòng hứng khởi học giáo Pháp. Vị đệ tử phải có tín tâm, có tri kiến thanh tịnh và phải phát nguyện rằng: “Con muốn đạt được giác ngộ”. Khi các bạn có mong nguyện đạt được giác ngộ như vậy thì vai trò của một vị Đạo sư trở nên vô cùng trọng yếu. Như thế chúng ta cần phải hiểu rất rõ về phẩm tánh và tính chất của một vị Đạo sư chân chính. Kinh điển và Mật điển đã nói rất nhiều về những phẩm chất mà một vị Đạo sư cần phải sở hữu.

Đạo sư gốc không phải là vị đạo sư bất kỳ nào đó mà ta vừa gặp gỡ, chúng ta không nên làm như thế. Trước hết, ta cần phải hiểu rất rõ về phẩm tánh và công hạnh giác ngộ của vị Đạo sư. Nếu vội vã nhận Đạo sư gốc mà không hiểu rõ về những phẩm tánh và tính cách của Ngài thì có thể chúng ta sẽ [nhận Đạo sư gốc dựa trên những lý do thiếu sót]: Ta có thể nhận Đạo sư gốc vì thấy rằng vị ấy có rất đông đệ tử, hoặc vị ấy rất nổi danh hoặc là một học giả học sâu hiểu rộng, hoặc theo như truyền thống Tây Tạng thì vị ấy đã từng tái sinh rất nhiều lần vân vân. Thực ra thì việc nhận Đạo sư gốc còn yêu cầu nhiều tiêu chuẩn hơn như thế. Các bạn phải thực sự quán xét rõ ràng phẩm tánh của vị Đạo sư chứ không phải vội vã nhận Đạo sư gốc với một vài lý do vô thưởng vô phạt hay đầy cảm tính.

Nói chung, các Kinh điển đều nói rằng lòng sùng mộ và sự tín tâm là hết sức quan trọng. Nhưng để chúng ta có thể hoàn thiện tín tâm và lòng sùng mộ của mình, để mài dũa tri kiến thanh tịnh của mình thì chúng ta càng cần phải hiểu về phẩm tánh của vị Đạo sư mà ta hết lòng sùng mộ nữa. Liệu vị đó có đầy đủ các phẩm tánh cần thiết để trở thành vị Đạo sư gốc chân chính hay không? Nếu không hiểu rõ về phẩm tánh của vị Đạo sư thì hôm nay bạn sùng mộ và tín tâm vào Ngài nhưng hôm sau lại có thể trở thành tà kiến. Như vậy hạt giống thiện hạnh, hạt giống của lòng sùng mộ trong tim các bạn sẽ trở thành hư hoại. Bạn có thể sẽ đánh mất tín tâm và lòng sùng mộ của mình, đánh mất tri kiến thanh tịnh vào Tam Bảo. Điều đó sẽ trở thành chướng ngại trên con đường đạt giác ngộ giải thoát.

Giờ đây ta đã có hạt giống của lòng sùng mộ, thật là một điều tuyệt vời biết bao. Tuy thế, nhưng ngoài lòng sùng mộ và tín tâm, các bạn cũng phải hiểu về các phẩm tánh của vị đạo sư nữa. Niềm tín tâm của các bạn phải phát khởi dựa trên nền tảng của sự xác tín vào vị Đạo sư nương nhờ tri kiến thanh tịnh, và vào sự hiểu biết rõ ràng về phẩm tánh giác ngộ của Ngài. Lòng sùng mộ khởi phát từ tín tâm đương nhiên vô cùng quan trọng. Tuy thế lòng sùng mộ cũng đồng thời phải đến từ sự quán xét sâu sắc, cẩn thận và rõ ràng về vị Đạo sư để từ đó 3 niềm tín tâm từ một lòng sùng mộ không thể lung lay được phát khởi. Khi đã có được 3 niềm tín tâm thì có thể nhận vị ấy làm Đạo sư của mình. Đây là phương pháp trước nhất để bạn tiếp cận thực hành Đạo Sư Du Già.

Sơ Tổ Jigten Sumgon đã nói trong Gongchig rằng ‘nếu không thấy được phẩm tánh của vị Đạo sư thì những tánh [giác ngộ] ấy sẽ không thể phát khởi trong tâm của con’. Như thế có nghĩa là trước hết các bạn cần phải tìm được một vị đạo sư chân chính với những phẩm tánh giác ngộ. Nếu vị Đạo sư nào không sở hữu những phẩm tánh này thì khi đó không có bất kỳ gia lực nào khởi lên trong tâm các bạn được.

Như vậy, chắc chắn rằng một vị Đạo sư phải sở hữu những phẩm tánh đặc biệt. Những phẩm tánh ấy là gì? Nghĩ rằng những kiến thức này sẽ đem lại lợi lạc cho các bạn, thầy sẽ giải thích cho các bạn một vài điểm trọng yếu để các bạn hiểu như thế nào là một vị Đạo sư chân chính trong bối cảnh của bài giảng Ngondro này; cũng như cách các bạn cần phải tu học theo một vị Đạo sư.

Ta nói rằng ‘nếu không nương tựa được vào một vị đạo sư chân chính thì những phẩm tánh [giác ngộ] cũng sẽ không phát khởi trong tâm ta’. Thông thường chúng ta hay nói rằng vị Đạo sư này là hiện thân của Đức Văn Thù, của Đức Quán Thế Âm hay Đức Kim Cang Thủ vân vân. Chúng ta có thể nói như vậy vì lòng sùng mộ và thật sự thấy các vị Đạo sư, các vị Tulku là hiện thân của chư Phật, chư Bồ tát. Tuy nhiên, nếu như vị Đạo sư không thật sự có các phẩm tánh ấy thì gia lực của Đức Văn Thù hay Quán Thế Âm vân vân cũng sẽ không thể thấm nhuần vào trong dòng tâm thức của bạn được. Nếu vị Đạo sư không có các phẩm tánh bạn đang cầu tìm thì những phẩm tánh này cũng sẽ không thể nảy nở trong tâm bạn được.

Trước hết, các vị đệ tử cần phải có trí tuệ, trí thông minh để nhìn ra được những phẩm tánh trong tâm của vị đạo sư. Chủ yếu điều này có nghĩa là vị Đạo sư phải có tình yêu thương và lòng từ bi, có Bồ Đề tâm. Nếu một vị đệ tử có thể nhận ra rằng đây là một vị Đạo sư với những phẩm tánh giác ngộ và vì thế phát khởi lòng sùng mộ cùng tri kiến thanh tịnh, vậy vị đệ tử ấy là một vị đệ tử có trí tuệ.

Nương tựa vào vị Đạo sư thì dần dần ta cũng sẽ trưởng dưỡng được những phẩm tánh giống như Ngài. Vì vậy, vị đệ tử cần phải có trí tuệ, và vị Đạo sư cần phải có phương tiện thiện xảo để trao truyền giáo pháp cho đệ tử của Ngài. Khi Đạo sư chân chính và đệ tử chân chính gặp nhau thì thông qua lòng sùng mộ và tri kiến thanh tịnh, vị đệ tử sẽ nhận được gia lực của đạo sư.

Thầy xin lấy một ví dụ trong cuộc sống: nếu các bạn muốn trở thành bác sĩ, hoặc hoạ sĩ vẽ thangka, hoặc bất kỳ kỹ năng gì bạn muốn học thì các bạn cần phải có một người thầy giỏi trong lĩnh vực ấy, nếu không bạn sẽ không học hỏi được gì cả. Ví dụ, nếu bạn muốn trở thành một bác sĩ rất giỏi thì bạn phải tìm một bác sĩ rất giỏi để học theo. Nếu không thì dù bạn có học chăm chỉ như thế nào thì bạn cũng không thể trở thành một vị bác sĩ giỏi được mà chỉ phí phạm thời gian của mình mà thôi. Bạn có thể cũng sẽ học được vài điều từ vị thầy của mình nhưng chắc chắn bạn sẽ không trở thành bác sĩ giỏi được vì người thầy của bạn không phải là vị bác sĩ hoàn hảo.

Trong đạo cũng như thế. Để chúng ta có thể trở thành toàn hảo và đạt giác ngộ thì các bạn phải nương tựa vào những vị đã từng có chứng nghiệm ấy rồi, một vị Đạo sư có những kinh nghiệm thực chứng thông qua con đường thực hành. Khi bạn gặp một vị Đạo sư như vậy và đi theo chân của Ngài thì gia lực của Ngài sẽ thấm nhuần vào dòng tâm thức của bạn. Khi đó, bạn sẽ chứng ngộ được tự tánh Đại Ấn.

Ta đã được dạy rằng, một vị đạo sư như thế thì phải có [trí tuệ từ việc] học hỏi và chứng nghiệm [từ thực hành]. Khi vị đạo sư có được cả hai yếu tố trên và chúng ta nương tựa vào Ngài, theo chân và y chỉ thực hành theo lời Ngài dạy thì chắc chắn các phẩm tánh của Ngài cũng sẽ nảy nở trong dòng tâm thức của ta. Một vị đạo sư phải có sự chứng nghiệm trong thực hành, kinh nghiệm từ sự học hỏi, và chính yếu là vị đạo sư phải có hai loại bồ đề tâm.

Trong tác phẩm Nhập Bồ Tát Hạnh có giải thích về những phẩm tánh và tính chất của một vị đạo sư như sau: ‘Vị đạo sư phải học sâu hiểu rộng và thiện xảo trong giáo lý Đại Thừa, và là người không bao giờ từ bỏ 2 loại bồ đề tâm dù cho có phải hy sinh mạng sống’. Đoạn này đã giải thích tất cả những điều thầy vừa nói.

Đại thành tựu giả Lingye Repa đã nói: “Một vị đạo sư chân chính với trí tuệ của mình đã chứng ngộ được tự tánh của vạn pháp; và với lòng đại bi, Ngài săn sóc chúng sinh với tất cả tình yêu thương bao la không thiên kiến”. Vị đạo sư thật sự yêu thương mọi chúng sinh trong sáu cõi, đặc biệt là các cõi thấp. Tình yêu thương của Ngài thật sự không thể đong đếm, đặc biệt đến những chúng sinh đang chìm đắm trong khổ đau. Với gia lực của Ngài, hai loại Bồ Đề tâm sẽ nảy sinh trong dòng tâm thức của chúng sinh.

Một vị Đạo sư với hai loại Bồ Đề tâm sẽ có năng lực ban gia trì cho chúng sinh. Ta nói rằng với lòng từ bi và tâm Bồ Đề vĩ đại, vị Đạo sư sẽ điều phục được mọi hoá hiện của chúng sinh, có nghĩa là Ngài có năng lực giải phóng tâm thức của chúng sinh. Với chứng nghiệm, Ngài đã tự đạt được giải thoát; và với lòng đại bi, Ngài giải thoát mọi chúng sinh. Cho nên một vị Đạo sư là một người sở hữu được tam vô lậu học văn, tư, tu; là người có sự học hỏi sâu rộng và thực hành miên mật. Ngài là người chỉ ra con đường thoát khổ cho tất cả các chúng sinh tùy theo sở nguyện và căn cơ của họ, nhờ thế Ngài cứu độ chúng sinh khỏi sáu cõi luân hồi. Một vị đạo sư như thế là một vị Đạo sư có thể chỉ ra con đường cứu độ cho tất cả chúng sinh.

Một khi đã gặp được vị Đạo sư tâm linh chân chính như vậy thì các bạn hãy theo chân Ngài mà thực hành với tất cả lòng thành tâm hoan hỷ. Để có thể làm được như vậy, các bạn phải khởi phát được tín tâm và lòng sùng mộ tới vị đạo sư, các bạn phải nương tựa vào Ngài. Nếu không hoàn toàn nương tựa vào Ngài, không lắng nghe những giáo huấn cốt tủy, những lời dạy của Ngài thì các bạn không bao giờ có thể giải thoát khỏi luân hồi được. Chỉ khi nào các bạn lắng nghe giáo lý của vị đạo sư và thực hành theo thì các bạn mới có thể đạt thành giải thoát.

Mật Điển Kim Cang nói rằng từ nguyên thuỷ, bản tâm của ta đã luôn luôn hiện diện. Như thế có nghĩa là bản tâm ấy đã luôn luôn ở đó rồi. Tuy nhiên, nếu như chúng ta không tinh tấn, không nỗ lực thực hành thì sẽ không thể nhận ra được bản tâm của mình mặc dù nó vẫn luôn ở đó. Để có thể chứng ngộ bản tâm thì chúng ta phải dựa vào những giáo huấn của vị đạo sư. Để chúng ta nương tựa vào giáo huấn của các vị đạo sư với lòng sùng mộ và tín tâm thì điều đó một lần nữa phụ thuộc vào sự tịnh hóa nghiệp chướng và tích lũy được công đức của hành giả.

Như vậy, để chứng ngộ bản tâm [chúng ta cần phải có đủ ba yếu tố]:

  • Tịnh hoá nghiệp chướng
  • Tích luỹ công đức
  • Giáo huấn cốt tuỷ của vị đạo sư

Nếu như thiếu đi [bất kỳ] yếu tố nào ta cũng không thể chứng ngộ được bản tâm.

Điều này đã được nhắc đến trong kinh Thác Nước Mạnh Mẽ như sau: ‘Để chứng ngộ trí tuệ nguyên sơ đồng khởi hiện, con phải thực hành tích lũy công đức và tịnh trừ nghiệp chướng; đồng thời lãnh nhận được giáo huấn cốt tủy của vị đạo sư.’

Chỉ có như thế chúng ta mới có thể chứng ngộ được bản tánh. Vậy nếu chúng ta chỉ tịnh trừ nghiệp chướng và tích lũy công đức thôi thì có thể chứng ngộ được Đại Ấn hay không? Chỉ có hai yếu tố đó thôi thì không đủ. Mặc dù chúng ta đã tích luỹ công đức và tịnh hoá nghiệp chướng rồi, ta vẫn còn cần giáo huấn cốt tuỷ của đạo sư nữa.

Điều này chúng ta cũng đã nói trong các bài giảng trước rồi. Chúng ta thực hành lễ lạy, thực hành Kim Cang Tát Đỏa, là hai thực hành để tịnh trừ nghiệp chướng. Sau đó chúng ta thực hành cúng dường Mandala để tích lũy công đức. Thực hành như vậy vẫn chưa đủ, chúng ta còn phải dựa vào giáo huấn của vị Đạo sư nữa. Đó chính là lý do tại sao chúng ta có phần thực hành Đạo Sư Du Già [trong các pháp tu tiên yếu]. Chúng ta cần trưởng dưỡng và thực hành với tất cả lòng sùng mộ và tín tâm, chỉ khi đó chúng ta mới có thể chứng ngộ được bản tâm.

[Đại thành tựu giả] Maitripa đã nói rằng: ‘Nếu không nương tựa vào một vị đạo sư chân chính thì 2 loại thành tựu sẽ không thể được viên thành’. Điều này có nghĩa là chúng ta sẽ không thể đạt được giác ngộ thông qua bất kỳ phương pháp nào khác. Một vị đệ tử thì phải nương tựa vào đạo sư để đạt được 2 thành tựu bình phàm và phi phàm (đạt thành giác ngộ). Như vậy, để đạt được thành tựu thì chúng ta phải dựa vào một vị đạo sư chân chính có đầy đủ phẩm tánh.

Đối với một hành giả Kim Cang Thừa, khi đã theo chân một vị Đạo sư, chúng ta phải xác quyết rằng Ngài là một vị Đạo sư chân chính. Đã nhận Ngài làm Đạo sư gốc rồi, thọ nhận giáo huấn từ Ngài thì chúng ta phải quán chiếu, phải thiền định về điều Ngài dạy, điều này vô cùng quan trọng. Trong giáo huấn Kim Cương Thừa có nói rằng Đạo sư chính là pháp chủ của mọi Mandala. Ở khía cạnh bên ngoài hay trong Kinh thừa, đạo sư chính là hiện thân của Tam Bảo. Chúng ta hiểu về điều này như sau: Thân của đạo sư là Tăng, khẩu của đạo sư là Pháp và tâm của đạo sư là Phật. Ở khía cạnh bên trong hay theo như truyền thống Kim Cương Thừa thì chúng ta nói rằng đạo sư là hiện thân của Tam Căn (ba cội nguồn): Lama, Yidam và Dakini. Ở đây thân của đạo sư chính là Lama, khẩu của đạo sư là Yidam và tâm là Dakini. Ta cũng nói rằng Đạo sư là cội nguồn của mọi gia lực, Bổn tôn là cội nguồn của mọi thành tựu và Dakini (hay Hộ pháp) là cội nguồn của mọi công hạnh giác ngộ. Như vậy đạo sư là hiện thân của mọi ngôi báu: Tam Bảo, Tam Căn. Lại nói, theo truyền thống Kim Cang Thừa, đạo sư còn là hiện thân của Tam Thân: Thân của đạo sư chính là Ứng Hóa Thân, khẩu chính là Báo Thân và tâm chính là Pháp Thân. Như vậy, vị đạo sư là tất cả. Đó là lý do tại sao chúng ta cần phải theo chân một vị Đạo sư chân chính. Từ quan trọng ở đây là chân chính. Nếu không phải vị Đạo sư chân chính thì các bạn sẽ không đạt được thành tựu hoặc những phẩm tánh này bằng việc theo chân một vị Đạo sư bất kỳ nào đó.

Như vậy Đạo sư chính là hiện thân của mọi vị Phật, Pháp, Tăng Đoàn; Ngài là hiện thân của Đức Kim Cang Trì vĩ đại. Nói một cách ngắn gọn thì vị Đạo sư chính là tất cả.

Khi đã nương tựa vào một vị Đạo sư thì chúng ta phải khởi phát được lòng sùng mộ và tín tâm to lớn. Cùng với lòng sùng mộ và tín tâm đó, chúng ta dấn bước vào con đường thực hành. Làm được như thế thì rốt ráo ta sẽ chứng ngộ được bản tâm. Như vậy ta cần có lòng sùng mộ, tín tâm và tri kiến thanh tịnh; chỉ khi đó gia lực của vị đạo sư mới thấm nhuần vào tâm thức của chúng ta. Mật điển Kim Cang Thừa có nói rằng ‘chỉ cần nhớ nghĩ về vị đạo sư trong khoảnh khắc với lòng sùng mộ vĩ đại thì lợi lạc hơn nhiều so với việc quán tưởng về thân tướng của vị Bổn tôn trong nhiều đại kiếp’. Thường trong các thực hành Bổn tôn, chúng ta thường được yêu cầu phải quán tưởng về vị bổn tôn trong thời gian rất dài. Tuy nhiên nhớ nghĩ về đạo sư dù trong khoảnh khắc cũng đem lại lợi lạc hơn nhiều so với việc chúng ta quán tưởng về vị bổn tôn trong hàng ngàn triệu kiếp. Đồng thời, việc chúng ta khẩn cầu, lễ lạy, đảnh lễ vị Đạo sư với tín tâm sâu xa, ví dụ khấn nguyện rằng “Đạo sư xin hãy đoái tưởng đến con” thì đem lại lợi lạc hơn gấp nhiều lần so với việc trì tụng hàng trăm, hàng triệu lần câu minh chú của Bổn tôn.

Khi các bạn đã tìm được một vị Đạo sư như vậy rồi, các bạn phải lãnh nhận giáo huấn của ngài và thực hành. Ví dụ các bạn đã nhận giáo huấn về Quy Y thì các bạn phải thực hành giữ gìn ngũ giới. Khi các bạn thọ giới Bồ Tát thì các bạn phải học về giới Bồ Tát và thực hành theo giống như vậy. Khi các bạn nhận bất kỳ quán đảnh nào của Kim Cương Thừa thì hãy học và thực hành những giáo huấn về quá trình sinh khởi và hoàn thiện. Như thế nếu các bạn càng lúc càng thực hành sâu hơn theo hướng dẫn của vị Đạo sư thì tín tâm cũng sẽ dần tăng trưởng theo.

Nương tựa một vị Đạo sư [chính là làm theo lời Ngài chỉ dạy]. Giáo huấn Ngài trao cho chúng ta chính yếu nhất là về nhân quả. Ngài dạy cho ta đâu là những điều phải làm, đâu là những điều phải từ bỏ. Nhờ đó chúng ta sẽ tịnh hóa được các cảm xúc ô nhiễm và vô minh. Những điều ta không hiểu sẽ dần dần trở nên sáng tỏ, trí tuệ của ta sẽ tăng trưởng khi nhân được giáo huấn và gia lực của Ngài. Điểm quan trọng là các bạn phải áp dụng giáo Pháp [để xoay chuyển] tâm thức. Hay nói cách khác các bạn phải thực hành những giáo huấn của Ngài chứ không chỉ nói đơn giản như: “Ôi đạo sư của tôi thật là trân quý” hay “Đạo sư của tôi rất tuyệt vời”. Nói như vậy thôi thì không được gọi là sự sùng mộ chân chính. Chỉ kính trọng vị Đạo sư, tán thán Ngài không phải là sự sùng mộ chân chính mà chỉ là sự kính ngưỡng. Lòng sùng mộ toàn hảo nhất đối với Ngài là việc thực hành giáo pháp ngài đã truyền trao. Chúng ta phải làm theo bất cứ điều gì mà vị đạo sư yêu cầu, và hãy xem những giáo huấn ấy là chân lý. Trong số những giáo huấn của Đạo sư thì luật nhân và quả là quan trọng nhất. Khi chúng ta lắng nghe vị đạo sư và xem những lời giáo huấn của Ngài là chân chính thì chúng ta sẽ y chỉ thực hành với lòng sùng mộ và tín tâm sâu xa.

Đây là cách chúng ta chuyển hóa, thay đổi tâm của mình. Nếu như các bạn chỉ nghĩ rằng Đạo sư của mình thật tuyệt vời nhưng lại không lắng nghe và không làm theo giáo huấn của Ngài thì sự sùng mộ đó không thể thay đổi được tâm trí của các bạn. Kính ngưỡng cũng là rất tốt nhưng nó không đủ để thay đổi tâm của các bạn. Thay đổi tâm bằng cách nào? Chỉ khi nào các bạn làm đúng theo lời Ngài dạy, làm những việc cần làm và tránh làm những việc không nên làm, thì chỉ khi đó bạn mới lãnh nhận được rất nhiều lợi lạc.

Lại nói, khi vị Đạo sư đã dạy bạn nên làm gì rồi thì vị đệ tử thực sự phải khởi lên quyết tâm, phải nỗ lực hết sức để y chỉ thực hành. Đây chính là dấu hiệu của lòng sùng mộ và tín tâm chân chính. Đức Milarepa đã từng nói rằng: “Ta không có bất cứ của cải nào để dâng lên đạo sư cả, cúng phẩm cao quý nhất ta dâng lên Ngài chính là sự thực hành”. Đức Milarepa không có bất kỳ của cải nào cả nhưng Ngài đã dành trọn cuộc đời mình cho việc thực hành, đó chính là cúng phẩm tuyệt vời nhất dâng lên đạo sư của Ngài. Điều mà các bạn cần phải làm là nghe theo lời dạy của Đạo sư, xem tất cả những lời ngài nói là chân ngôn, là chân lý.

Tôn sư Garchen Rinpoche cũng đã từng nói rằng: “Các con lúc nào cũng mong cho thầy được trường thọ, sống lâu. Nói chung thì điều đó rất tuyệt vời nhưng cúng phẩm để cầu trường thọ tuyệt vời nhất chính là việc thực hành giáo pháp”. Vì thế, hãy thực hành nhiều nhất bất cứ khi nào bạn có thể. Dù bạn chỉ có thể làm được một thiện hạnh hoặc công đức nhỏ nhoi thôi thì đó cũng là những cúng phẩm dâng lên Đạo sư để cầu cho Ngài trường thọ. Hãy nghĩ rằng đây là những điều bạn phải làm, bạn phải thực hiện theo giáo huấn của Đạo sư thì chỉ với niệm tưởng đó thôi cũng đã là cúng phẩm tuyệt vời nhất. Điều này áp dụng với tất cả các thiện hạnh mà các bạn làm chứ không phải chỉ đơn thuần là thực hành một buổi lễ cầu trường thọ rồi nghĩ rằng như vậy là ta đã cúng dường xong. Thực sự các bạn phải áp dụng những giáo huấn của Đạo sư vào trong mọi khía cạnh của cuộc sống. Mỗi giờ mỗi khắc đều phải học hỏi và áp dụng giáo Pháp vào bất cứ khía cạnh nào của cuộc sống nhật thường tùy theo điều kiện, tùy theo khả năng. Như thế tự thân sự thực hành sẽ trở thành cúng phẩm và tịnh hoá nghiệp chướng của bạn. Đó là điều mà đức Milarepa đã nói, nó có cùng một ý nghĩa như vậy: “Sự phụng sự tuyệt vời nhất mà ta dành cho vị đạo sư đó chính là thực hành giáo pháp”. Đây là cách chúng ta nên làm theo với tư cách là những vị đệ tử chân chính. Khi đã gặp được đạo sư, thọ nhận giáo huấn của ngài rồi thì phải luôn trì giữ giáo huấn đó ở trong tâm và thực hành đúng theo những gì ngài dạy. Không phải đơn thuần là những cảm xúc của sự sùng mộ khởi phát lên trong tâm mà thực sự phải áp dụng các giáo huấn đó vào thực hành. Đây mới là điểm trọng yếu.

Tôn sư Garchen Rinpoche đã nói rằng: ‘Nếu như con đem lại lợi lạc cho chúng sinh thì điều đó sẽ trở thành cúng phẩm cầu trường thọ cho Đạo sư. Dù cho đó là lợi lạc to lớn hay nhỏ nhoi thôi đều sẽ trở thành cúng phẩm và sự phụng sự tuyệt vời nhất’.

Đức Gotsangpa đã nói rằng: ‘Có vô số các pháp tu trong giai đoạn sinh khởi nhưng không có pháp tu nào tuyệt vời hơn là thiền định về Đạo sư. Cũng như vậy, có vô số các pháp tu trong quá trình hoàn thiện, nhưng không có pháp tu nào tuyệt hơn là sự thiền định về đạo sư với lòng sùng mộ và tín tâm sâu sắc’.

Chúng ta cần phải phát khởi là tín tâm hoàn hảo, đây là điểm vô cùng quan trọng. Thường thì chúng ta rất dễ dãi với lòng sùng mộ của mình. Các bạn nghĩ rằng sùng mộ là nói rằng: “Ồ, ngài ấy thật là tuyệt vời” nhưng đó chỉ là những lời nói chót lưỡi đầu môi thôi chứ nó không hề đến từ sâu thẳm nơi tâm can cốt tuỷ. Lòng sùng mộ chân chính phải đến từ tín tâm quy ngưỡng, tri kiến thanh tịnh và lòng xác tín vẹn toàn vào vị đạo sư.

Nếu lòng sùng mộ chỉ là hời hợt thì có thể xảy ra vài trường hợp nào đó làm thay đổi lòng sùng mộ của mình. Những trường hợp đó là gì? Ví dụ, khi mà vị Đạo sư làm điều gì đó các bạn không vừa lòng, hoặc bạn không muốn việc đó xảy ra như vậy, hoặc vị Đạo sư nói điều gì đó mà bạn không đồng ý. Có thể lúc đó bạn sẽ khởi phát lòng nghi ngờ như: “có lẽ Ngài ấy không phải là một vị Phật vì ngài ấy làm như vậy”, “Ngài ấy không làm giống như mình yêu cầu”, “Ngài ấy không nói giống như mình mong muốn”. Các bạn bắt đầu xét nét lỗi lầm về thân khẩu ý của Ngài. Tại sao lại như vậy? Tất cả là bởi vì ngay từ đầu lòng sùng mộ của các bạn không phải là lòng sùng mộ chân chính mà chỉ là lòng sùng mộ sai lầm, hư hoại. Khi những nhân duyên kết hợp thì mặt trái của lòng sùng mộ hư hoại này lập tức lộ ra. Điều đó cho thấy rõ ràng rằng lòng sùng mộ này ngay từ đầu vốn chỉ là giả tạm. Bởi vì nếu như lòng sùng mộ của ta là chân chính thì tín tâm của ta sẽ không thể nào bị lay chuyển. Như vậy, giả như nếu nhìn thấy lỗi của vị đạo sư tức thời ta sẽ nhận rằng đây là lỗi của mình chứ không thể nào là lỗi của thầy được. Cũng giống như một người bị bệnh vàng da (khiến cho mắt bị vàng) nhìn một con ốc tù và màu trắng thành màu vàng, ta nhận ra rằng lỗi là căn bệnh trong ta chứ chẳng phải là do con ốc tù và đó. Khi biết như vậy, bạn nhận ra rằng đây là những cảm xúc tiêu cực của bản thân chứ chẳng thể nào là lỗi của vị Đạo sư được. [Ta nhìn thấy lỗi lầm nơi Đạo sư] chính bởi lòng sùng mộ yếu ớt và những che chướng quá sâu dày trong chính tâm ta. Nếu ta không nhận ra được điều này thì ta sẽ bắt đầu phán xét Đạo sư của mình. Trong bài cầu nguyện Gọi Thầy Từ Chốn Ngàn Xa của Đức Jamyang Kongtrul Rinpoche có nói rằng:

Tuy Bổn sư là hiện thân đích thực của Phật, con lại nghĩ Thầy mình chỉ là người phàm thế.

Thực tế chúng ta phải nhìn thấy Đạo sư như là một vị Phật nhưng thường thì chúng ta chỉ nhìn thấy đạo sư như một người bình phàm mà thôi. Câu kệ lại nói:

Con đã quên đi lòng từ của Thầy khi Thầy trao truyền giáo lý thâm sâu,

Ngài đã ban cho chúng ta quán đảnh, khẩu truyền, giáo huấn. Trước khi gặp Ngài ta không biết gì về nhân quả, quy y. Nhờ có Thầy đã dạy cho ta về nhân quả, về Tam Bảo, nhờ có Thầy giờ đây ta mới biết cách thực hành. Như vậy, vị Đạo sư đã vô cùng từ ái đối với chúng ta, vậy mà chúng sinh thì hoàn toàn quên đi [công ơn sâu nặng] đó. Tất cả những gì ta xét nét là liệu vị Thầy có làm đúng như ta mong muốn hay không? Nếu như vị Đạo sư làm gì đó mà không đúng như mong muốn của ta thì ngay lập tức chúng ta thất vọng, bực mình và nghĩ rằng “Sao Thầy lại không làm theo những gì mình mong muốn!” Hoài nghi cứ thế chất chồng trong tâm và càng lúc chúng ta càng có nhiều câu hỏi, càng nhiều nghi ngờ và chánh kiến chuyển dần thành tà kiến.

Trong bài Khẩn cầu Thầy từ chốn ngàn xa lại nói rằng những tà kiến về công hạnh của đạo sư cứ thế che chướng tâm ta:

Niềm tin của con giảm thiểu nếu Thầy không ban cho con điều con muốn. Có mắt như mù, con xét đoán Thầy với lòng nghi mạn.

Nói ngắn gọn, khi chúng ta thấy lỗi lầm thì chúng ta phải hiểu được rằng đây chính thực là lỗi của ta. Đây là dấu hiệu cho thấy rằng lòng sùng mộ và tín tâm của chúng ta thật nhỏ bé và không hoàn toàn chân chính. Chúng ta đừng nên như vậy. Khi đã tìm được vị Đạo sư [chân chính], hãy hoàn toàn hàng phục và quy ngưỡng Ngài. Điều này có nghĩa là nếu chúng ta hoàn toàn tin tưởng vào vị Đạo sư, ta sẽ nhất nhất tuân theo lời Ngài dạy và sẽ không bao giờ khởi lên suy nghĩ rằng Ngài ấy đã sai rồi. Nếu [cho rằng] ta nhìn thấy lỗi lầm [của vị Dạo sư] thì phải lập tức nhận ra rằng đây là lỗi của ta! Nội việc tìm thấy một lỗi lầm [của người khác] đã có nghĩa là ta đang mắc lỗi rồi; đó là bởi vì ta thật vô minh, kiêu căng, ngạo mạn! Vị Đạo sư không hề có lỗi, lỗi là ở chính tâm thức ô nhiễm của ta. Như vậy, các đệ tử phải khởi phát được lòng sùng mộ chân chính vào vị Đạo sư.

Khẩn Cầu Thầy Từ Chốn Ngàn Xa tiếp tục nói rằng:

Con vẫn theo chân Thầy mà lòng quy ngưỡng dần dần phai nhạt. Tình yêu thương và tri kiến thanh tịnh với bạn đồng tu cũng biến tan theo.

Lúc đầu ta có lòng sùng mộ, tín tâm vào giáo Pháp và sau đó chúng ta gặp gỡ một vị Đạo sư chân chính. Rồi đến một ngày những vọng tưởng xuất hiện đầy rẫy trong tâm, có thể vị Đạo sư đã làm gì đó khiến cho bạn không vui và lòng sùng mộ trong bạn dần dần suy giảm. Càng lúc lòng sùng mộ của bạn càng bị che chướng bởi chính những ô nhiễm trong tâm. Điều này cũng tương tự đối với các đạo hữu của bạn. Thật ra các bạn cũng cần phải có tri kiến thanh tịnh và tín tâm về các bạn đồng tu giống như các bạn tín tâm vào vị Đạo sư vậy. Ở đây thầy đang nói tới các đạo hữu có cùng một vị Đạo sư gốc. Các bạn cần phải khởi phát được tình yêu thương bao la vĩ đại, tín tâm và tri kiến thanh tịnh với về các bạn đồng môn; y như cách các bạn tín tâm và yêu thương đạo sư vậy.

Trong Mật thừa, giới nguyện chính là sự sống. Điều này có nghĩa là đương nhiên cả đạo sư và đệ tử đều phải có mật nguyện thanh tịnh. Tuy nhiên không phải đơn thuần là vị đệ tử có giới nguyện với đạo sư không thôi mà còn phải giữ giới nguyện với các bạn hữu nữa. Các vị Đạo sư Kagyu trong quá khứ cũng đều thực hành như vậy. Đức Marpa có lòng sùng mộ vĩ đại và tri kiến thanh tịnh đối với Thầy của mình là Đức Naropa, nhưng đồng thời Ngài cũng có tri kiến thanh tịnh và lòng sùng mộ tới các vị đệ tử khác của đức Naropa nữa. Cũng như vậy, Đức Milarepa có lòng sùng mộ đến Đức Marpa và đối với các đệ tử của Đức Marpa Ngài cũng đều có cùng một lòng sùng mộ. Sơ Tổ truyền thừa Drikung Jigten Sumgon không những có lòng sùng mộ vô biên đến Thầy mình là Đức Phagmo Drukpa, mà còn sùng kính tất cả các đệ tử khác của Đức Phagmo Drupa và xem chư vị đều là những hóa hiện của Thầy mình vậy. Vì thế, Ngài thật sự đã đảnh lễ tất cả các đệ tử của Tổ Phagmo Drukpa và đối xử với các vị ấy bằng tất cả lòng thành kính. Lúc đầu các vị đệ tử khác nghĩ rằng Ngài ấy đang giả vờ, làm ra vẻ mình là một hành giả tốt nên chỉ trích Đức Jigten Sumgon. Chư vị đã nói rằng Tổ Jigten Sumgon là một kẻ dối gian, giả tạo. Nhưng dần dần, chư vị biết được rằng Tổ Jigten Sumgon làm như vậy vì Ngài thật sự có lòng sùng mộ và tri kiến thanh tịnh về chư vị đồng tu đến mức Ngài thật sự xem chư vị là những hoá hiện của Đức Phagmo Drukpa.

Đây là cách các bạn hữu, những bạn đồng tu có cùng vị Thầy gốc chúng ta cần phải nhận thức. Thật sự nếu ta có lòng sùng mộ vĩ đại đến đạo sư, nếu ta nghĩ rằng mình thật sự sùng mộ đạo sư, vậy hãy quán xét tâm ta. Tự hỏi rằng liệu mình có bao nhiêu tri kiến thanh tịnh, bao nhiêu yêu thương đến với tất cả các đạo hữu của mình? Điều này có liên hệ mật thiết với mật nguyện giữa ta và Tôn sư. Nếu thấy rằng các bạn thật sự yêu thương và nhìn nhận mọi đạo hữu đồng môn với tri kiến thanh tịnh thì đây là dấu hiệu cho thấy lòng sùng mộ đạo sư của bạn thật tuyệt vời. Điều này cũng là dấu hiệu cho thấy mật nguyện của các bạn là thanh tịnh: mật nguyện của đạo sư và đệ tử, và mật nguyện giữa các đệ tử đồng môn đều là thanh tịnh. Điều này có kết nối với tình yêu thương và tín tâm mà các bạn dành cho các đạo hữu của mình. Đây là dấu hiệu rõ ràng nhất của một lòng tín tâm chân chính và mật nguyện thanh tịnh. Nó rõ ràng giống như khi đốt lửa thì dấu hiệu của lửa sẽ là khói vậy. Nó liên quan với nhau như vậy đấy. Nếu các bạn có tình yêu thương chân thành, tín tâm và tri kiến thanh tịnh đến các bạn đồng tu thì đây chính là dấu hiệu của mật nguyện với Tôn Sư. Khi đó các bạn có thể chắc chắn rằng mật nguyện của ta là thanh tịnh. Ngược lại, nếu các bạn chỉ lo giữ mật nguyện với Đạo sư, không thật sự tin tưởng, yêu thương và giữ gìn tri kiến thanh tịnh đến các bạn hữu thì ngay khi họ nói điều gì trái ý bạn, bạn tức thời sẽ nghĩ xấu về họ. Đây là dấu hiệu nhận biết mật nguyện của các bạn là mật nguyện không hoàn toàn thanh tịnh.

Nói một cách ngắn gọn, mật nguyện của đệ tử và Đạo sư, tri kiến thanh tịnh, lòng sùng mộ của bạn dành cho vị Đạo sư như thế nào thì cũng phải như vậy đối với đạo hữu của bạn, những người có cùng vị Đạo sư gốc. Trong các buổi quán đảnh, Tôn sư Garchen Rinpoche thường dùng chuỗi tràng để cho chúng ta thấy rõ về mật nguyện. Ngài nói rằng hạt mẫu châu là vị Đạo sư, các hạt châu là các đệ tử và sợi dây xâu các hạt lại với nhau này chính là mật nguyện. Đây là cách chúng ta kết nối với nhau thông qua sợi dây mật nguyện. Thực sự, sợi dây mật nguyện này chính là sợi dây của lòng tín tâm, tình yêu thương và tri kiến thanh tịnh giữa mỗi người chúng ta. Vì thế, có lòng tín tâm vào các đạo hữu có mối liên hệ trực tiếp đến mật nguyện với Tôn sư.

Phần 2: Hướng Dẫn Thực Hành

2.1 Quán Sinh Khởi

Tiếp theo thầy sẽ hướng dẫn thực hành thiền định và quán tưởng Đạo Sư Du Già theo như nghi quỹ.

Đầu tiên, chúng ta bắt đầu với việc quán tưởng cây quy y, ruộng phước giống như chúng ta đã thực hành trước đây. Hãy quán tưởng như sau:

  • Quán tưởng một ngai tòa khảm châu báu được nâng bởi 8 con sư tử.
  • [Trên ngai toà xuất hiện chủng tự PAM], chủng tự PAM chuyển hoá thành một đài sen,
  • [Trên đài sen là chủng tự AH] Chủng tự AH chuyển hóa thành một đĩa mặt trăng
  • [Trên đĩa mặt trăng là chủng tự RAM] Chủng tự RAM chuyển hoá thành đĩa mặt trời.
  • Trên đĩa mặt trời là Đức Kim Cang Trì đang an trú, về tinh tuý chính là Đạo sư gốc của chúng ta. Thân Ngài có màu xanh, có một mặt và hai tay; tay phải cầm chùy kim cang 5 chấu và bên tay trái cầm chuông ở nơi tim. Tóc Ngài được búi thành 1 búi trên đỉnh đầu. Toàn thân Ngài được điểm tô bởi [13] phục sức của Báo thân như trang sức được làm từ xương, vương miện cẩn đá quý, vòng tay, vòng chân, dây thắt lưng, bông tai, trên thân khoác những y áo bằng lụa quý. Ngài được phú cho 32 hảo tướng chính và 80 tướng phụ của một vị Phật. Ngài an toạ trong tư thế kiết già.
  • Phía trên đỉnh đầu Ngài là chư vị đạo sư của dòng truyền thừa Drikung, vị này an toạ phía trên vị kia cho đến tận trên cùng là Đức Kim Cang Trì Vajradhara.

Trong bản văn gốc Dharmakirti Shalung thì phần quán tưởng này cũng giống như nghi quỹ của chúng ta. Sau khi chúng ta quán tưởng cây quy y, chúng ta đến phần Đảnh lễ đạo sư (Nghi quỹ ở trang 41):

Đối trước Đạo sư vinh quang, đấng tối tôn của bốn thân [Phật], con xin cúng dường thân-khẩu-ý, [ở các mức độ] ngoại tại, nội tại, và khác nữa, rồi dâng lên toàn bộ những gì được ưa thích làm phẩm vật cúng dường. Do bởi con đã cúng dường Đạo sư hương vị đại bình đẳng, vô giới hạn – mà người dâng cúng và người thọ nhận đều mang tánh bình đẳng như nhau, xin hãy ban cho con thành tựu công hạnh không cần dụng công.

Ở đây, ‘Đạo sư vinh quang’ chính là vị Đạo sư gốc đang hoá hiện trong thân tướng của Đức Kim Cang Trì. ‘Đấng tối tôn của bốn thân Phật’ chính là hiện thân của tứ thân: Báo Thân, Hóa Thân, Pháp Thân và Tự Tánh Thân. ‘Con xin cúng dường Thân Khẩu Ý’ nghĩa là con xin dâng cúng toàn bộ Thân Khẩu Ý của con lên Ngài. Trong câu kệ có đề cập đến các [cúng phẩm] ‘ngoại tại, nội tại và khác nữa’. Phần này ý muốn nói đến tất cả những [cúng phẩm] hiện hữu và được bày biện ở trong tâm trí. Phần này cũng tương tự như phần cúng dường Thất chi nguyện, hay cũng giống như phần thực hành Mandala chúng ta đã được học lần trước. Hãy quán tưởng một mandala với Tam Thiên Đại Thiên Thế Giới, mỗi một thế giới bên ngoài với Núi Tu Di và các đại châu, tiểu châu cùng tất cả các chúng sinh bên trong, hãy cúng dường tất cả những cúng phẩm ấy. Con xin cúng dường thân khẩu ý của con, tất cả những gì hiện hữu cùng những cúng phẩm biện bày hoặc quán tưởng trong tâm: ví như các bạn có thể quán tưởng vô lượng cúng phẩm, hoặc các thiên nữ cúng dường đang dâng lên các cúng phẩm. Ta cũng có cúng dường như nhiên nữa. Đối với cúng dường cấp độ như nhiên, không có bất kỳ sự khác biệt nào giữa người cúng và vật dâng cúng. Như thế, hành giả cúng dường trong cảnh giới Đại Thủ Ấn. Khi an trú trong cảnh giới Đại Thủ Ấn, không có các cúng phẩm nào có tự tánh thực hữu, kể cả đối tượng dâng cúng dường và nhận cúng dường cũng đều không có tự tánh thực hữu. An trú trong cảnh giới bản tâm như nhiên chính là cúng dường [cấp độ] như nhiên. Như thế, hãy cúng dường với mọi cúng phẩm.

Nói một cách ngắn gọn, các bạn cúng dường toàn bộ lên Đấng Đạo sư: thân thể con, niềm vui cùng tất cả những gì con sở hữu mà không giữ lại gì. Đây chính là phần Kính Lễ Đạo Sư dòng truyền thừa. Lời nguyện mà chúng ta cần tích lũy chính là câu trì tụng ở trang 43 trong nghi quỹ:

Đối trước đấng Kim Cang Trì vĩ đại, đấng Tilopa, Naropa, Marpa, Milarepa, Gampopa, Phagmo Drupa, Tổ Jigten Sumgon, và Đạo sư gốc – người luôn từ ái với con ở cả ba phương diện, và đối trước tất cả các vị Đạo sư của dòng truyền thừa cùng các vị Đạo sư gốc khác – con khẩn nguyện các Ngài. Xin hãy ban gia trì để giúp con từ bỏ được chấp ngã. Xin hãy ban gia trì để giúp con trưởng dưỡng được tâm yêu thương và bi mẫn. Xin hãy ban gia trì để giúp con trực ngộ được chân tánh vô ngã. Xin hãy ban gia trì cho con đạt giác ngộ trong một đời.

Đây là phần khẩn nguyện mà chúng ta phải trì tụng đủ 100 nghìn lần. Khi khấn nguyện tới tất cả các vị đạo sư của dòng truyền thừa, chư Thầy tổ ta phải nhận ra được rằng Tôn sư chính là hiện thân của tất cả các vị Đạo sư.

Điều mà chúng ta khẩn nguyện là gì? Chắc chắn là giờ đây chúng ta đang có rất nhiều những cảm xúc tiêu cực trong tâm vì chấp ngã. Bằng việc khấn nguyện các vị Đạo sư thì các cảm xúc tiêu cực trong ta đã được tịnh hóa. Nói một cách đơn giản ý nghĩa của cả đoạn khấn nguyện này là “Xin hãy tịnh trừ toàn bộ những niệm tưởng tiêu cực của con, xin hãy tịnh hóa chấp ngã của con vì đó là nguồn cội gây ra mọi khổ đau phiền não”. Bất kỳ khổ đau nào cũng xuất phát từ tâm chấp ngã. Trong tương lai, chính vì có tâm chấp ngã mà chúng ta phải đoạ sinh vào ba cõi thấp. Chấp ngã thực sự là nguyên nhân gây ra khổ đau nên ta khẩn nguyện các Ngài ban gia lực để ta có thể từ bỏ được tâm chấp ngã. Điều chúng ta mong muốn là trưởng dưỡng được tâm yêu thương và lòng từ bi, vì thế ta cầu nguyện rằng: “Xin các Ngài ban gia trì để con trưởng dưỡng được tâm yêu thương và bi mẫn”. Gia lực của các Ngài chính là tình yêu thương và lòng từ bi trong tâm thức của con. Bởi vì chỉ có tình yêu thương thì chúng ta mới có được hạnh phúc trong đời này và những đời vị lai. Hãy nhận ra rằng tình yêu thương và lòng từ bi thật sự là vô cùng trân quý, vì thế con phải có được tình yêu thương và lòng bi mẫn bằng mọi giá. Vì vậy xin hãy ban cho con gia lực với tình yêu thương và lòng từ bi, xin hãy ban gia lực để con tịnh trừ được chấp ngã, xin hay ban gia lực để con chứng ngộ [cảnh giới] vô ngã. Nói một cách ngắn gọn, chúng ta muốn chứng ngộ Đại Thủ Ấn cho nên ta nhất tâm khẩn nguyện đạo sư, xin hãy ban gia trì để con nhận được chân tánh vô ngã và đạt được giác ngộ trong một đời. Chúng ta khẩn nguyện là ‘xin hãy ban gia lực để chúng ta trực nhận được chân tánh vô ngã, xin hãy ban gia trì cho con đạt được giác ngộ trong một đời.’

Đây chính là ý nghĩa trọn vẹn của việc thực hành Đạo Sư Du Già. Vì sao chúng ta phải thực hành Đạo Sư Du Già? Chúng ta xin các ngài gia lực để cho chúng ta chứng ngộ vô ngã và phát khởi Bồ Đề tâm. Tóm lại, chúng ta xin các ngài ban gia lực để thành tựu cảnh giới Đại Thủ Ấn. Trong câu khấn nguyện chúng ta liên tục nhắc lại ý này: “Xin hãy ban gia trì…”

Giống như chúng ta đã nói trước đây, [để chứng đắc quả vị Đại Thủ Ấn] cần thì có 2 yếu tố:

  • Thứ nhất là chúng ta phải có được lòng sùng mộ chân chính với vị đạo sư và từ lòng sùng mộ này khởi phát thành tín tâm và tri kiến thanh tịnh.
  • Nhờ lòng sùng mộ chân chính, ta sẽ nhận được gia trì của vị đạo sư. Khi đã được ban gia lực thì ta sẽ dần tiến đến [quả vị] chứng ngộ vô ngã.

Như vậy, ta cần phải chứng ngộ vô ngã và trưởng dưỡng Bồ Đề tâm.

Đối với hành giả thì chúng ta cần phải có một lòng quyết tâm, nỗ lực và tinh tấn thực hành để có thể trừ bỏ được cảm xúc tiêu cực và tâm chấp ngã. Ta phải nỗ lực để trưởng dưỡng được tình yêu thương và lòng bi mẫn để nhận ra được chân lý vô ngã.

Ở đây, thực sự chúng ta phải nỗ lực, phải có sự tinh tấn thực hành mới chính là lòng sùng mộ vĩ đại. Với lòng sùng mộ vĩ đại như vậy, các bạn hãy khẩn nguyện chư đạo sư. Giờ đây, vào khoảnh khắc này, lòng sùng mộ khởi phát lên trong tâm của các bạn nhưng mà tâm này lúc nào cũng biến hoại nên không chắc là sau này lòng sùng mộ có còn nữa hay không. Tâm này biến chuyển mỗi thời mỗi khắc.

Lại nói, có khi lòng sùng mộ khởi phát mạnh mẽ thì tạm thời chúng ta thực sự thấy được rằng cái tôi không hề tồn tại, ta chứng ngộ được cảnh giới vô ngã [trong sát na đó]. Đó là khoảnh khắc lòng sùng mộ mãnh liệt khởi phát trong tâm ta. Ví dụ, trong lúc thực hành, có khi ta quán chiếu nội tâm và một cảm xúc mãnh liệt của lòng sùng mộ khởi phát. Có khi đó là một cảm xúc vô cùng đặc biệt mà chúng ta chưa từng trải nghiệm trước đây, một cảm xúc mãnh liệt khởi phát lên trong tâm trí khiến mọi lỗ chân lông trong thân ta dựng đứng, toàn thân nổi gai ốc và khiến ta dâng tràn nước mắt. Đôi khi chúng ta cảm nhận được những cảm xúc cực kỳ mãnh liệt như thế phải không? Đây là điểm trọng yếu: một cảm xúc. Trong sát na khi cảm xúc mãnh liệt ấy bùng phát, chấp ngã hoàn toàn ngừng bặt và tình yêu cùng lòng từ bi có thể trào dâng và nảy nở. Chính trong sát na ấy mà ta có thể thấy được tự tánh vô ngã của bản tâm. Vì thế ta nói rằng nhờ có lòng sùng mộ mà ta có thể chuyển hoá tâm này. Điều đặc biệt có thể thay đổi, có thể chuyển hoá tâm thức ta chính là cảm xúc mãnh liệt đó. Khi trụ được trong cảm xúc mạnh mẽ ấy, có thể ta sẽ thực sự thoáng thấy tự tánh vô ngã của tâm, ta đã chứng ngộ Đại Ấn. Đây thật sự là cách chúng ta đạt được giác ngộ Đại Ấn.

Thông thường chúng ta có rất nhiều cảm xúc tiêu cực và ta thúc thủ chẳng thể tự mình chiến thắng hay vượt qua được những che chướng này. Thế nhưng vào khoảnh khắc ta cảm nhận được lòng sùng mộ mãnh liệt đến đạo sư thì mọi cảm xúc bình phàm và niệm tưởng ô nhiễm đều bị cắt đứt. Đó là lúc gia lực đạo sư thâm nhập vào tâm ta để ta thấy được cảnh giới Đại Thủ Ấn. Đó là lý do vì sao thực hành này lại cực kỳ quan trọng. Ở đây điểm trọng yếu là ‘cảm xúc mãnh liệt’ chứ không chỉ là những lời tụng niệm máy móc về lòng sùng mộ bởi như thế chẳng phải là lòng sùng mộ chân chính. Lòng sùng mộ phải thật sự khởi phát trong tâm chúng ta, [cảm xúc ấy lớn lao] đến mức làm cho toàn thân ta run rẩy, từng lỗ chân lông dựng đứng và nước mắt tràn mi. Chỉ khi cảm xúc mãnh liệt này sinh khởi thì khi đó gia lực của Đạo sư mới thật sự thấm nhuần tâm thức ta.

Đức Jigten Sumgon đã nói rằng “Khi mặt trời của lòng sùng mộ toả rạng trên đỉnh núi tuyết Tứ thân của Đạo sư, suối nguồn gia trì sẽ khởi hiện”. Mặc dù chúng ta có một tảng băng như trên đỉnh núi tuyết, nếu mặt trởi chiếu toả trên đỉnh núi thì mọi băng giá sẽ tan chảy và như thế, một dòng suối sẽ hiện ra. Ngọn núi tuyết này gia lực của đạo sư, được làm tan ra nhờ mặt trời của lòng sùng mộ. Khi lòng sùng mộ chiếu toả thì suối nguồn gia trì vô tận sẽ tan nhập vào tâm ta. Nói tóm lại, lòng sùng mộ trong ta càng mạnh mẽ thì gia lực ta thọ nhận cũng sẽ tăng theo. Cũng như mặt trời càng chiếu soi rực rỡ thì tuyết tan càng nhiều hơn, lòng sùng mộ ta càng mạnh mẽ thì suối nguồn gia trì lại càng thấm đẫm tâm ta. Suối nguồn gia trì càng thấm đẫm tâm ta thì ta sẽ càng tịnh trừ được nhiều nghiệp chướng. Ta đã nói rằng ‘nhớ nghĩ về vị đạo sư trong khoảnh khắc cũng đem lại lợi lạc hơn nhiều so với việc thiền định về bổn tôn trong hàng trăm ngàn đại kiếp’. Hãy nhớ rằng ‘nhớ nghĩ về đạo sư’ ở đây không chỉ đơn thuần là một ý niệm. [Lòng sùng mộ ấy] Phải là một cảm giác mãnh liệt và chân thật đến từ chân tâm cốt tuỷ chứ không chỉ là những lời tụng niệm máy móc, vô hồn.

Hãy an trụ trong trạng thái đó và tích luỹ 100,000 lần lời cầu nguyện.

Như vậy thông qua lòng sùng mộ mà thực hành Đạo Sư Du Già của chúng ta trở thành một thực hành chân chính, là thực hành đúng nghĩa. Trong Gongchik Duy Chỉ Một Ý Chỉ có nói rằng: “sự giác ngộ tùy thuộc hoàn toàn vào lòng sùng mộ của con”. Chúng ta thực sự muốn phát khởi các phẩm tánh của sự giác ngộ thì phương pháp để các bạn nhận ra được tự tánh của tâm chính là phát khởi lòng sùng mộ tới vị đạo sư. Bởi vì thông qua gia lực của vị đạo sư mà các bạn sẽ nhận ra được chân tâm bản tánh . Tinh tuý của thực hành chính là tín tâm và lòng sùng mộ. Nếu như các bạn không có tín tâm và lòng sùng mộ thì dù cho có cố gắng đến đâu đi chăng nữa thì quả của sự thực hành sẽ rất là nhỏ nhoi, không đáng kể. Tương tự như việc bạn muốn trồng một cái cây từ một hạt mầm bị cháy thì không thể nào thành công được. Điều này cũng giống một hành giả chẳng có đức tin và lòng sùng mộ, chẳng khác nào một hạt mầm đã cháy, những phẩm tánh sẽ không thể khởi phát trong tâm.

Đức Di Lặc Tôn Phật đã nói rằng: “Sự chứng ngộ tối thượng là sự chứng ngộ bản tâm tự sinh, cũng chính là chân lý, đều đến từ lòng sùng mộ và tín tâm”. Điều này cũng giống như đôi mắt để chúng ta thấy được mặt trời vậy. Cho dù mặt trời có rực rỡ như thế nào đi nữa, nếu bị mù thì chúng ta sẽ không thể thấy được gì cả. Cũng như thế, mặc dù chân tâm vẫn luôn luôn hiện hữu nhưng do không có lòng sùng mộ lẫn tín tâm nên ta không thể thấy được chân tâm. Như thế, chúng ta phải trưởng dưỡng được lòng sùng mộ và tín tâm lớn lao. Chỉ có như thế thực hành Đạo Sư Du Già mới trở thành chân chính. Chúng ta trưởng dưỡng lòng sùng mộ và tín tâm bằng việc liên tục rèn luyện cái tâm này. Đó là lý do tại sao chúng ta phải tích lũy nhiều túc số như vậy: chúng ta phải huân tập cái tâm này phát khởi và trưởng dưỡng tín tâm cùng lòng sùng mộ. Nếu lòng sùng mộ của ta không mạnh mẽ thì những nhân duyên khác nhau sẽ làm cho ta đánh mất đi lòng sùng mộ và nảy sinh tà kiến. Nếu có tà kiến ở trong tâm thì chúng ta sẽ gặp những chướng ngại trong quá trình thực hành. Chúng ta sẽ đánh mất lòng sùng mộ. Dần dần, hoài nghi sẽ càng lớn lên trong tâm như lúc nãy chúng ta đã nói: “Đạo sư đang làm cái gì vậy nhỉ?”, hoặc khi Ngài làm gì đó trái với ý kiến của ta thì ta sẽ không thể nào giữ được tri kiến thanh tịnh về Đạo sư nữa, toàn bộ lòng sùng mộ của ta hoàn toàn đổ sông đổ biển. Vì vậy chúng ta phải luôn luôn nỗ lực hết mình để trưởng dưỡng lòng sùng mộ của mình, khiến tâm ấy dần dần tăng trưởng hơn. Để làm như thế, phải nghiêm túc quán xét tâm của mình.

Chúng ta đã nhận nhiều quán đảnh, khẩu truyền lẫn hướng dẫn khác nhau. Mặc dù đã nhận nhiều Pháp như thế nhưng trong tâm chúng ta vẫn tràn đầy các niệm tưởng tiêu cực. Không cần phải là từ đạo sư gốc, các bạn có thể nhận Pháp từ nhiều vị đạo sư khác nhau, tuy nhiên việc [nhận Pháp] là điều các bạn cần phải hết sức cẩn trọng. Bạn có thể nhận quán đảnh, nhận giáo huấn từ nhiều vị Thầy khác nhau, điều này là lựa chọn của bạn. [Tuy nhiên] các bạn nên quán xét vị đạo sư kỹ càng trước khi thiết lập mối kết nối với Ngài, việc này là hoàn toàn đúng đắn và cần thiết. Hãy [nghiêm cẩn] quán xét và tự đưa ra quyết định rằng liệu ta có nên theo chân vị Đạo sư này để học Pháp, nhận quán đảnh hay không? Quyết định này hoàn toàn là ở bạn. Nhưng, một khi các bạn đã quyết định rồi và đã nhận quán đảnh lẫn giáo huấn từ vị đạo sư rồi thì có nghĩa là các bạn đã thọ giới nguyện. Như vậy bạn phải giữ gìn giới nguyện của mình. Vì sao? Bởi phá huỷ mật nguyện là nguyên nhân khiến ta đoạ vào ba cõi thấp, gây cho ta nhiều đau khổ. Điều này đã được giải thích rất chi tiết trong các Kinh điển. Đây không phải sự trừng phạt [khi phá vỡ mật nguyện] mà chỉ là lẽ tất nhiên. Lòng sùng mộ và mật nguyện có liên hệ trực tiếp với nhau. Như đã nói lúc trước, cả Đạo sư và đệ tử đều có giới nguyện. Đạo sư phải giữ gìn giới nguyện của Đạo sư, đệ tử cũng phải giữ gìn giới nguyện của đệ tử. Việc tự quán xét và kiểm tra tâm của mình là vô cùng quan trọng. Có khi chúng ta sẽ gặp phải rất nhiều các [chướng] duyên khác nhau, như gặp một người bạn xấu và bạn sẽ bị họ ảnh hưởng. Ví dụ khi người bạn này chỉ trích vị Đạo sư hoặc các công hạnh của Ngài chẳng hạn, điều này làm cho các cảm xúc ô nhiễm và niệm tưởng tiêu cực trong tâm bạn tăng dần. Đây là điều đã được nhắc đến trong bài nguyện Gọi Thầy Từ Chốn Ngàn Xa. Chính những tà kiến và nghi mạn trong tâm sẽ làm lu mờ lòng sùng mộ của ta, lu mờ tâm trí ta. Vì thế, các niệm tưởng tiêu cực và cảm xúc ô nhiễm càng lúc càng chồng chất. Hãy hết sức cẩn thận tránh để xảy ra những trường hợp như thế. Trong 37 Pháp Tu Bồ Tát nói rằng:

Nương tựa thiện hữu tri thức, lỗi lầm của ta sẽ được tiêu trừ, và đức hạnh của ta sẽ tăng trưởng như vầng trăng đang dần tròn đầy. Hãy trân quý thầy bạn tâm linh hơn cả chính thân xác mình. Đó là pháp tu Bồ tát.

Theo chân một vị đạo sư sẽ khiến cho các phẩm tánh trong ta tăng trưởng. Nhưng nếu ta bắt đầu không còn nhìn thấy những phẩm tánh của vị Đạo sư nữa mà chỉ chăm chăm dò xét lỗi lầm của Ngài, vậy thì tốt hơn hết là hãy cách xa vị thầy ấy một chút. Không phải lúc nào cũng cần phải kề cận hoặc liên hệ với vị ấy. Đó là bởi vì khi đó bạn đã trở nên quá che chướng, quá xét nét, bạn kết tội vị Đạo sư và than phiền về Ngài, bạn kể lể những điều này cho người khác. Đây thật sự là một sự suy đồi nặng nề, một mất mát to lớn. Vì sao? Ngay từ đầu bạn đã thiết lập kết nối với Pháp, đây là mật nguyện. Nếu bạn trở nên phán xét, tiêu cực thì điều này sẽ ảnh hưởng đến giới nguyện của bạn, giới nguyện của bạn sẽ giảm sút, sẽ vấy bẩn. Mật nguyện vấy bẩn khi bạn bắt đầu chỉ nhìn thấy lỗi lầm của vị Đạo sư. Mặc dù nhìn thấy lỗi [của Đạo sư] nhưng làm sao biết được rằng đó là lỗi của Ngài hay thật ra đó là sai lầm của chính tâm ta? Chúng ta cần phải hết sức cẩn thận về điều này.

Lấy ví dụ, có những đệ tử cực kỳ sùng mộ Đạo sư của họ và cứ cho rằng bạn nhìn thấy lỗi lầm của vị ấy. Bạn bắt đầu kể lể cho họ về những sai sót này, nói rằng: “Vị Đạo sư này thật tệ” hay vị ấy đã làm như thế này, thế kia. Nghe theo lời bạn, những đệ tử này bắt đầu tìm tòi lỗi lầm của vị Đạo sư và cũng trở nên đầy phán xét. Cái sai ở đây trước nhất là bạn đang làm hại chính bản thân bạn. Tiếp theo là bạn đang làm tổn hại đến Giáo Pháp. Bạn còn làm thoái chuyển tín tâm của người khác vào thực hành Pháp nữa. Hãy hết sức cẩn thận vì nếu làm như thế ta đã và đang dựng lên nền tảng của bất thiện nghiệp. Vì vậy, hãy vô cùng cẩn trọng.

Những điều này liên hệ trực tiếp với mật nguyện và thực hành Đạo sư Du Già. Chúng ta thực hành Đạo Sư Du Già là để thỉnh cầu gia lực của Đạo sư, và để có thể đón nhận gia lực của Đạo sư thì tối quan trọng là hành giả cần phải nuôi dưỡng tri kiến thanh tịnh, tín tâm và lòng sùng mộ. Mật nguỵện thanh tịnh chính là lòng sùng mộ chân chính, và mật nguyện này liên hệ trực tiếp đến thành tựu chứng ngộ Đại Ấn của hành giả. Vì thế, hãy vô cùng cẩn trọng. 37 Pháp Tu Bồ Tát vì thế nói rằng “hãy trân quý thầy bạn tâm linh hơn cả chính bản thân mình” là vì vậy.

2.2 Quán Hoà Tan

Phần quán hòa tan nằm ở nghi quỹ tiếng Việt trang 44.

Sau khi đã nhất tâm, nhiệt thành khẩn nguyện Đạo sư gốc – người đại diện cho tất cả chư Phật, ánh sáng tứ sắc phóng tỏa từ bốn điểm trên thân Ngài và tan hòa vào bốn điểm trên thân con. Qua đó con nhận được bốn quán đảnh. Bốn che chướng dần được tịnh hóa, và con đạt được bốn thân [Phật]. Sau đó Đạo sư gốc tan hòa vào con và con an nghỉ trong trạng thái bất khả phân với Ngài.

Ở phần này, chúng ta hoà tan tất cả [những gì đã quán tưởng ở giai đoạn sinh khởi]. Dòng truyền thừa bắt đầu từ Đức Kim Cang Trì tan nhập vào Đức Tilopa, vị này tan hoà vào vị kia cho đến cuối cùng chỉ còn lại duy nhất là Đạo sư gốc của ta.

Đạo sư gốc trong hình tướng của Đức Kim Cang Trì đang an trụ trong không gian phía trước.

Quán tưởng rằng:

  • Từ trán của Ngài ánh sáng trắng phóng toả và tan nhập vào trán của ta. Như thế, ta đã tịnh hoá được các lỗi lầm đã phạm trong trạng thái thức giấc. Tất cả nghiệp chướng về thân giờ đây hoàn toàn được tịnh hoá, ta đã nhận được quán đảnh Tịnh bình. Và như thế, ta đã được ban cho gia lực để [thành tựu] Thân Kim Cang từ Ứng Hoá Thân Phật. Đây chính là phần nhận bốn quán đảnh – Tứ thân Phật, để tịnh hoá bốn loại che chướng. Trên đây là quán đảnh Tịnh bình, trong Tứ thân là [gia lực từ] Ứng Hóa Thân Phật.
  • Từ cổ họng của Đạo sư Kim Cang Trì, ánh sáng đỏ tan nhập vào cổ họng của ta, tịnh trừ được những nghiệp chướng trong trạng thái ngủ mơ. Ta đã nhận được quán đảnh bí mật, và được ban cho gia lực để [thành tựu] Khẩu Kim Cang từ Báo Thân Phật.
  • Từ luân xa tim của Đạo sư Kim Cang Trì, ánh sáng xanh tan nhập vào luân xa tim của chúng ta và tịnh hóa nghiệp chướng của trạng thái ngủ sâu. Ta đã nhận được quán đảnh trí huệ, những nghiệp chướng thuộc về tâm giờ đây được tịnh hóa. Và như thế, ta được ban cho gia lực để [thành tựu] Tâm Kim Cang từ Pháp Thân Phật.
  • Từ luân xa rốn của Đạo sư Kim Cang Trì, ánh sáng màu vàng phóng tỏa và tan nhập vào luân xa rốn của chúng ta. Giờ đây tất cả che chướng của sự chuyển di thần thức đã được tịnh hoá. Ta đã nhận được quán đảnh thứ 4 và như thế được ban cho gia lực để [thành tựu] Tuệ Kim Cang Nguyên Sơ của Tự Tánh Thân Phật.
  • Cuối cùng, Đạo sư tan thành một quầng sáng và sau đó Ngài tan nhập vào trong ta, ta và Ngài đã hoàn toàn tan hoà làm một. Như vậy, chúng ta đã hòa nhập thân khẩu ý bình phàm của ta vào thân khẩu ý giác ngộ của đạo sư. Giờ phút này ta và ngài hoàn toàn đồng đẳng.

“Tan hoà thành một với tâm giác ngộ của Đạo sư” nghĩa là gì? Điều này có nghĩa là hãy luôn trì giữ chánh niệm trong mỗi mỗi phút giây. Hãy giữ gìn chánh niệm và luôn thiền định về Đạo sư trong tất cả mọi hoạt động của cuộc sống nhật thường.

Khi ngồi yên, hãy quán tưởng vị đạo sư trên đỉnh đầu.

Khi đi lại, hãy quán tưởng vị đạo sư đang đi nhiễu trên vai phải.

Khi đi ngủ, hãy quán tưởng vị đạo sư đang ở trên tim.

Khi đang ăn, hãy quán tưởng vị đạo sư nơi cổ.

Thông thường, khi nói về chánh niệm thì chánh niệm ở đây là chánh niệm về vị đạo sư, đó là lý do vì sao ta nói rằng nếu không bao giờ xa lìa chánh niệm ta cũng sẽ không bao giờ xa lìa vị đạo sư. Khi có chánh niệm ta cũng sẽ không để cho cảm xúc ô nhiễm điều khiển tâm trí. Chánh niệm chính là Đạo sư. Như đã đề cập trước đây, Đức Gotsangpa cũng nói rằng: “Chứng ngộ được bản tâm là thực hành Đạo Sư Du Già tối thượng. An trú trong cảnh giới ấy với định tâm bất loạn thì tự thân trạng thái đó sẽ trở thành lời khấn nguyện đến đạo sư.”

Bằng cách đó, lúc nào chúng ta cũng không chia cách với vị đạo sư. Thông thường với tư tưởng phân biệt bình phàm của chúng ta, ta nghĩ rằng đạo sư là một một Đấng cao quý, bằng xương bằng thịt, ở một vị trí xa xôi cách biệt với ta. Thực tế không phải như vậy, vị Đạo sư không ở đâu xa mà ở trong chính tâm ta, tâm ta và Ngài không hề chia cắt. Với lòng sùng mộ, tín tâm và chánh niệm, ta nhận ra thật nghĩa ấy. Ta nhận ra rằng Đạo sư chẳng hề ở bên ngoài mà Ngài chính là tâm ta, Ngài là chánh niệm của ta. Như thế, nếu chúng ta tinh tấn thực hành Đạo Sư Du Già thì Ngài sẽ không bao giờ xa cách ta. Đây chính là thực hành Đạo Sư Du Già chân chính. Sơ Tổ Jigten Sumgon đã nói rằng “Ta là một hành giả du già đã chứng ngộ được rằng tâm ta, tâm của vị Đạo sư và tâm của chư Phật đồng là một. Trong sáu thời ngày và đêm, hãy luôn luôn nhớ nghĩ đến Đạo sư với lòng sùng mộ to lớn. Như thế, ta sẽ không bao giờ xa lìa khỏi Đạo sư.”

Nếu chúng ta không bao giờ xa rời lòng sùng mộ của mình thì ta cũng sẽ không bao giờ xa lìa vị Đạo sư. Đức Milarepa đã nói rằng “Chưa một phút giây nào ta xa lìa lòng sùng mộ sâu sắc và lòng khát khao quy ngưỡng Đạo sư, là hiện thân của chư Phật ba thời.” Điều này có nghĩa là Đức Milarepa chưa bao giờ xa rời lòng sùng mộ. Như thế, nếu các bạn không bao giờ xa rời lòng sùng mộ thì bạn cũng sẽ không bao giờ xa lìa vị đạo sư. Cũng như thế, chánh niệm nảy sinh từ đó. Nếu có chánh niệm, bạn cũng sẽ không bao giờ xa lìa Đạo sư. Đây chính là thực hành Đạo Sư Du Già tuyệt vời nhất.

Có đôi khi ta để cho các cảm xúc tiêu cực điều khiển tâm trí. Mặc dù có lòng sùng mộ đạo sư nhưng có lúc tâm chúng ta bị che chướng khiến lòng sùng mộ ấy hư hoai và những niệm tưởng bất thiện khởi lên trong tâm thức. Nếu trường hợp này xảy ra, hãy tức thời sám hối nghiệp chướng. Tức thời nhận ra những cảm xúc và niệm tưởng bất thiện bằng chánh niệm, và sau đó tịnh hoá chúng bằng thực hành tịnh hoá.

Kết thúc phần giảng pháp về Đạo Sư Du Già.

đóng góp cho DAC

Các trung tâm Pháp thật vô cùng trân quý và trung tâm có thể hoạt động hoàn toàn phụ thuộc vào sự ủng hộ của các vị đệ tử. Mặc dù chúng ta đã thành lập trung tâm nhưng nếu không có được sự ủng hộ của tăng đoàn thì trung tâm sẽ không thể tồn tại trong tương lai. Nếu con ủng hộ cho các trung tâm Pháp thì con sẽ nhận được phước báu lớn lao trong đời này và cả đời vị lai. Và phước báu là cội nguồn của hạnh phúc.


Kyabje Garchen Rinpoche

đọc thêm

Achi Chokyi Drolma

Hộ Pháp Achi Chokyi Drolma

Achi Chokyi Drolma là một Hộ Pháp vĩ đại trong Phật Giáo. Ngài là hiện thân của Kim Cang Du Già Thánh Nữ, hoá hiện của trí tuệ và công hạnh của tất cả chư Phật. Ngài là thánh mẫu thiêng liêng của mọi chư Phật, đã hiện thân từ lòng đại bi dưới hình tướng của chư vị Dakini trong Ngũ Phật Bộ. Để đem lại lợi lạc cho mọi chúng sinh trong luân hồi, Ngài đã thị hiện muôn vàn hình tướng tại những thời – không khác nhau.

ĐỌC THÊM