Phần 1: Giáo Lý
Chúc mừng năm mới tới tất cả mọi người. Sẽ rất lợi lạc nếu nhân dịp năm mới chúng ta phát khởi được Bồ đề tâm với mong nguyện làm lợi lạc cho tất cả chúng sinh.
Hôm nay chúng ta sẽ quay trở lại với chương trình giảng dạy về Các pháp tu tiên yếu của Đại Thủ Ấn Năm Nhánh. Trong những bài trước, thầy đã giảng về các pháp tu tiên yếu thông thường và phi thường. Pháp tu tiên yếu thông thường chính là 4 niệm chuyển tâm và phần đầu tiên của Pháp tu tiên yếu phi thường bên trong chính là lễ lạy. Hôm nay chúng ta sẽ đến với Pháp tu tiên yếu phi thường thứ hai: trì tụng và thiền quán về Đức Kim Cang Tát Đỏa với mục đích tịnh trừ tất cả các bất thiện nghiệp.
Khi thực hành pháp tu này thì động cơ của chúng ta là vô cùng quan trọng. Động cơ của pháp tu này chính là Bồ Đề tâm và mong ước muốn làm lợi lạc cho tất cả chúng sinh. Với động cơ Bồ đề thì bất cứ việc gì chúng ta làm đều sẽ mang đến rất nhiều lợi lạc. Ngược lại nếu động cơ thực hành không tốt thì dù bên ngoài dường như ta đang thực hạnh thiện hạnh nhưng thực chất đó lại là một bất thiện hạnh do hành động này xuất phát từ một động cơ bất thiện. Đó là lý do vì sao thầy luôn luôn nói rằng động cơ [đúng đắn] là vô cùng quan trọng. Như vậy, hãy nghĩ rằng giờ đây con sẽ lắng nghe và học hỏi về pháp tu Kim Cang Tát Đoả với mong nguyện làm lợi lạc cho chúng sinh. Chúng ta lúc nào cũng nhắc đến động cơ Bồ đề, vậy động cơ Bồ đề nghĩa là gì? Đó là mong nguyện được đem lại lợi lạc cho mọi chúng sinh và an lập họ trong trạng thái giác ngộ toàn hảo tối thắng. Chúng ta cần phải thực hành với tâm nguyện như vậy. Khi đó mọi điều ta làm đều sẽ trở thành thiện hạnh.
Như thế, giờ đây hãy lắng nghe giáo pháp với tâm nguyện đem lại lợi lạc cho chúng hữu tình.
Mục đích thực hành Kim Cang Tát Đỏa chính là để tịnh trừ những bất thiện nghiệp, những che chướng và những điều bất thuận duyên của mình. Lợi lạc thật sự mà chúng ta sẽ đạt được là gì? Chúng ta đã bước chân vào cánh cổng của giáo lý Phật Đà và vì thế rốt ráo thì chúng ta sẽ đạt được giác ngộ. Nhưng hiện giờ có những chướng duyên ngăn trở chúng ta đạt thành quả vị. Những điều kiện bất thuận duyên này chính là các niệm tưởng và cảm xúc ô nhiễm trong tâm ta. Vì thế ta cần phải tịnh hoá chúng để đạt thành giác ngộ. Ta nói rằng pháp tu Kim Cang Tát Đoả chính là phát tu thù thắng nhất giúp hành giả tịnh trừ mọi bất thiện nghiệp và che chướng.
Nói tóm lại, do có những bất thiện nghiệp trong tâm mà chúng ta không thể đạt được nhiều thành tưụ trong thực hành và tu học. Có vài người học Pháp nhưng không thật sự hiểu Pháp, hoặc họ không có quá nhiều thôi thúc muốn thực hành, hoặc giả có những người không thể khởi phát tín tâm. Hoặc cũng có những có đạo hữu mặc dù đã trưởng dưỡng được tín tâm nhưng lại chẳng thể thực hành một cách chân chính và như thế để tâm tràn ngập hoài nghi. Nguyên nhân là do những ác nghiệp, những bất thiện duyên đã ngăn trở hành giả đạt được thành tựu.
Không chỉ trong đạo mà cả trong cuộc đời này, thứ ngăn cản chúng ta đạt được thành công cũng chính là những chướng duyên trong tâm. Ví dụ có những người gặp rất nhiều vấn đề như bệnh tật, khó khăn vân vân. Vì những chướng ngại này mà họ không thể nào đạt được thành công như những gì mình đã định. Dù chỉ là một công việc nhỏ nhoi trong đời thôi nếu có chướng duyên thì cũng sẽ không thật sự thành công. Những chướng duyên này ngăn trở những công việc trong cuộc đời ta, vậy thì không cần phải nói chúng sẽ còn cản trở chúng ta đến đâu trên con đường giác ngộ? Chắc chắn chúng sẽ là những trở ngại lớn, vì thế chúng ta cần phải tịnh hoá chúng.
Lại có những người bên ngoài khoẻ mạnh giàu sang nhưng trong tâm lúc nào cũng tràn đầy phiền não. Điều này cũng là bởi những che chướng trong tâm.
Lại có những người lúc nào cũng dễ dàng nổi cơn sân hận, sẵn sàng mắng nhiếc, gây hấn với người khác như thể có một công tắc tức thời cho sự sân hận của họ vậy. Họ luôn có những niệm tưởng sân hận, ghen tuông, đố kỵ tràn ngập trong tâm.
Những cảm xúc và niệm tưởng tiêu cực trong tâm ta chính là các dấu hiệu cho thấy tâm này bị che chướng sâu dày. Như thế trong cuộc đời này chúng ta sẽ không thể tìm thấy hạnh phúc, và đương nhiên cả những đời sau cũng thế. Vì thế, vì hạnh phúc tạm thời của cuộc đời này và hạnh phúc tột cùng rốt ráo trong những đời vị lai, chúng ta phải tịnh hoá những che chướng của mình.
Vậy câu hỏi đặt ra ở đây là, chúng ta có thể tịnh hoá nghiệp chướng được không? Chúng ta hoàn toàn có thể. Chư đạo sư thời quá khứ đã từng nói rằng, ‘Các nghiệp chướng chẳng có điểm nào tốt đẹp. Duy chỉ có một điểm tốt duy nhất là nếu chúng ta biết thành tâm sám hối chúng sẽ được tịnh hoá.’ Đây là một phẩm tánh tốt lành của các che chướng: chúng có khả năng được tịnh hoá.
Thực hành có thể giúp chúng ta tịnh hoá các che chướng chính là pháp thiền quán về Kim Cang Tát Đoả. Đây là pháp tu chúng ta sẽ cùng thực hành ngày hôm nay.
Giờ đây chúng ta đã có tâm nguyện thực hành sám hối để tịnh hoá tất cả nghiệp chướng, tuy nhiên chỉ nói thôi là chưa đủ. Chỉ nói rằng “Nguyện cho mọi che chướng của con đều được tịnh hoá” là không đủ. Từ tận đáy lòng chúng ta phải biết ăn năn sám hối về những bất thiện nghiệp của mình, chỉ khi đó chúng mới có thể được tịnh hoá. Nếu những lời khẩn cầu của ta là những lời ta dốc hết tâm can để phơi bày sám hối thì bất kỳ mọi tội lỗi nào cũng sẽ được tịnh hoá. Ví dụ, những sự đổ vỡ giới nguyện Biệt Giải Thoát, giới Bồ Tát, giới Mật Thừa,…tất cả mọi vi phạm giới nguyện đều có thể được tịnh hoá nương nhờ vào sự phát lồ sám hối thật chân thành và tha thiết từ sâu thẳm đáy lòng.
Thời Đức Phật còn tại thế, có một vị đệ tử tên là Angulimala đã từng sát hại 999 mạng người. Cuối cùng, nhờ ăn năn hối lỗi và thành tâm sám hối mọi ác nghiệp của mình, tôn giả Angulimala đã trở thành một vị A la hán. Cũng vào thời Đức Phật còn tại thế, có một vị vua tên là vua Ajatashatru (vua A Xà Thế). Lúc đầu ngài là người tàn nhẫn và đã giết hại nhiều mạng người, tuy thế cuối cùng nhờ vào lòng ăn năn sám hối mà mọi nghiệp chướng của ngài được tịnh hoá. Như vậy, kể cả những ác nghiệp nặng nề như thế cũng có thể được tịnh hoá. Vì vậy, chúng ta cũng có thể tịnh hoá nghiệp chướng của mình nếu chúng ta thành tâm phát lồ sám hối mọi tội lỗi.
Những nghiệp chướng này có thể được tịnh hoá nhờ vào bốn năng lực đối trị. Cụm từ “đối trị” mang ý nghĩa là liều thuốc có thể tiêu huỷ và tịnh trừ hoàn toàn các nghiệp chướng của ta. Ví dụ, khi chúng ta bệnh tật, ốm đau thì ta sẽ dùng thuốc để đẩy lùi các căn bệnh này. Cũng như thế, liều thuốc đối trị với các ác nghiệp và che chướng của ta chính là Bốn năng lực sám hối, chính là:
- Năng lực hỗ trợ
- [Năng lực của] Sự ăn năn hối lỗi
- [Năng lực của] Lòng quyết tâm thề không tái phạm
- [Năng lực của] Phương thuốc đối trị
Nương nhờ bốn năng lực này mọi tội lỗi đều sẽ được tịnh hoá.
Ví dụ, Đức Milarepa lúc đầu là con người chất chồng tội lỗi. Ngài đã gây ra bao nhiêu ác hạnh, gây ra đau khổ cho người khác. Những gì Ngài đã làm thật sự là những ác nghiệp nặng nề. Dù vậy, khi nhận ra mọi tội lỗi của mình, Ngài đã phát lồ sám hối và đã thực hành thiện hạnh để đối trị với ác nghiệp của mình. Cuối cùng, Ngài đã tịnh hoá toàn hoàn mọi ác nghiệp và chứng đắc quả vị Kim Cang Trì nhất như.
- Năng lực hỗ trợ
Năng lực hỗ trợ đến từ các đối tượng mà chúng ta cúi đầu phát lồ sám hối. Những đối tượng này có thể là những thánh địa linh thiêng như Bồ Đề Đạo Tràng hay ba bảo tháp linh thánh ở Nepal; hay trước một hiện thân của Đức Phật như tôn tượng Thích Ca Jowo. [Ta cũng có thể sám hối với các pháp bảo linh thiêng, ví như] tại tu viện Gar có một chiếc kinh luân vô cùng vi diệu tên là Kinh Luân Gyanagma; hoặc cũng có thể là vị đạo sư gốc của ta, hay một vị đạo sư nào mà ta tôn kính. Đối trước chư vị, chúng ta cúi đầu phát lồ sám hối. Như thế năng lực hỗ trợ đến từ những đối tượng mà ta cầu xin chứng minh cho sự ăn năn sám hối của ta.
Ngày hôm nay, đối tượng chứng minh cho sự ăn năn sám hối của chúng ta chính là Đức Kim Cang Tát Đoả mà ta quán tưởng ngự trong không gian phía trên đỉnh đầu. - Năng lực của sự ăn năn hối lỗi
Năng lực thứ 2 là năng lực của sự ăn năn hối lỗi.
Trước hết ta phải nhận ra rằng ‘Con đã phạm phải một tội lỗi, một ác nghiệp nặng nề mà vì thế con sẽ bị đoạ sinh vào ba cõi thấp.’ Nhận thức được như vậy thì ta mới thật sự hối hận về việc mình đã làm.
Để có thể thật sự tịnh hoá được mọi tội lỗi thì tất cả các bước của thực hành sám hối cần phải được hoàn thiện. Nếu không thì các ác nghiệp của ta sẽ không thể hoàn toàn được tịnh hoá. Như vậy, một điều kiện – một bước của thực hành sám hối là phát khởi cảm xúc ăn năn hối hận mạnh mẽ vì những ác nghiệp mình đã phạm.
Trong Bài Cầu Nguyện Tái Sinh về Cõi Tịnh Độ Sukhavati [Tịnh Độ Cực Lạc] nói rằng:
Nếu không thực sự ăn năn hối cải thì phát lồ sám hối cũng chẳng thể tịnh hóa nghiệp tội, nên đối trước ác nghiệp đã tạo, con xin sám hối với niềm thất vọng, xấu hổ và ân hận sâu xa, chẳng khác nào thân thể mình đã bị tẩm đầy thuốc độc.Nếu nhiễm độc thì chúng ta sẽ sợ hãi, tức thời hối hận và phát khởi tâm ăn năn sâu sắc. Với tâm thái như thế, hãy nhớ nghĩ về mọi tội lỗi ta đã phạm từ vô thuỷ đến nay. Chắc chắn rằng trong những đời kiếp trước ta đã phạm phải rất nhiều ác nghiệp. Trong đời này cũng vậy, hãy nghĩ đến những gì ta đã làm với thân, khẩu hoặc ý. Nghĩ về tất cả những lỗi lầm ta đã phạm và khởi lên lòng hối hận sâu xa. - Năng lực của lòng quyết tâm thề không tái phạm
Hãy nghĩ rằng con sẽ không bao giờ phạm phải những lỗi lầm như vậy nữa.
Như vậy, bước đầu tiên là ta phải nhận thức được những tội lỗi của mình và thật sự ăn năn vì những sai lầm mà mình đã phạm. Tuy thế, chúng ta cũng phải phát nguyện rằng sẽ không bao giờ phạm phải những sai lầm này nữa, dù cho có phải trả giá bằng cả tính mạng của mình.
Nếu không thấy ăn năn, thì các ác nghiệp sẽ không được tịnh hoá. Tuy nhiên, nếu chúng ta chỉ biết hối hận thôi chứ không có quyết tâm từ bỏ các ác nghiệp này thì chúng cũng sẽ không hoàn toàn được tịnh hoá. Nếu các bạn thật sự hối hận thì chắc chắn các bạn sẽ phát nguyện được rằng ‘Con xin nguyện sẽ không phạm phải những lỗi lầm này một lần nào nữa dù có phải hy sinh mạng sống.’ Việc phát nguyện như vậy là vô cùng quan trọng vì nếu chỉ nói “con xin lỗi” thôi rồi xong thì sẽ không bao giờ là đủ mà phải thật sự cố gắng, nỗ lực để từ bỏ những ác hạnh này. - Năng lực của phương thuốc đối trị
Cuối cùng là năng lực của phương thuốc đối trị, là những phương pháp chúng ta thực hành để tịnh hoá nghiệp chướng. Có rất nhiều các thiện hạnh mà ta có thể làm như lễ lạy, tụng bài nguyện sám hối, cúng dường tam bảo, xây bảo tháp giác ngộ hoặc nhiễu tháp vân vân. Tất cả các thiện hạnh này đều là phương thuốc đối trị.
Trong ngữ cảnh của thực hành Kim Cang Tát Đoả thì phương thuốc đối trị chính là quá trình quán tưởng sinh khởi Đức Kim Cang Tát Đoả, trong đó có thực hành quán dòng cam lồ tịnh hoá và trì tụng minh chú của Ngài.
Nói tóm lại, thông qua bốn năng lực này mà mọi ác nghiệp đều sẽ được tịnh hoá. Đức Long Thọ nói rằng: ‘Dù trong quá khứ ngươi vì thất niệm đã phạm phải ác nghiệp gì thì giờ đây với chánh niệm ngươi cũng có thể tịnh hoá được chúng’. Giống như câu chuyện về Angulimala hay vua A Xà Thế chúng ta đã nhắc đến lúc trước. Lúc đầu, do không có chánh niệm nên các vị đã phạm phải nhưng sau này nhờ có chánh niệm tỉnh thức nên các vị mới tịnh hoá được mọi nghiệp chướng của mình.
Như vậy nếu chúng ta thực hành sám hối một cách chân chính thông qua bốn năng lực này thì mọi ác nghiệp của ta sẽ được tịnh hoá.
Phần 2: Hướng dẫn thực hành pháp tu Kim Cang Tát Đoả
Sau đây chúng ta đến với phần thực hành Kim Cang Tát Đoả giai đoạn sinh khởi.
Thông thường trong thực hành thiền định Bổn tôn thì phần quán tưởng Bổn tôn được gọi là giai đoạn sinh khởi. Phần này có một vài bước đặc biệt.
Nói chung có hai cách quán tưởng Đức Kim Cang Tát Đoả (hai giai đoạn quán sinh khởi): Quán tưởng Bốn Chày Kim Cang và cách Quán tưởng sinh khởi mang tên Ba Nghi Thức.
2.1 Quán Tưởng Sinh Khởi
Cách 1: Ba Nghi Thức
Trong Dharmakirti Shalung, phần [quán tưởng Ba Nghi Thức] được hướng dẫn như sau:
Trong không gian phía trên đỉnh đầu con hãy quán tưởng một đài sen và đĩa mặt trăng, trên có chủng tự HUNG [màu trắng]. Chủng tự HUNG chuyển hoá thành một chày kim cang năm chấu màu trắng có chủng tự HUNG ngay chính giữa. Ánh sáng từ chày kim cang phóng toả dâng cúng dường lên chư Phật và chư Bồ tát, đem lại lợi lạc cho mọi chúng sinh. Ánh sáng ấy quay lại chủng tự HUNG và chày kim cang chuyển hoá thành Đức Kim Cang Tát Đoả. Toàn thân Ngài toả sắc trắng rạng ngời như những ngọn núi tuyết, lấp lánh tựa mặt trời. Ngài có một mặt và hai tay, trên tay phải cầm một chuỳ kim cang năm chấu ở nơi tim, còn tay trái cầm chuông ở ngang bên hông. Hai chân ngài bắt chéo trong tư thế bán già và được điểm tô bằng trang sức ngọc ngà cùng lụa quý.
Đây là hướng dẫn trong văn bản Dharmakirti Shalung. Trong nghi quỹ Ngondro của chúng ta thì phần quán tưởng này cô đọng hơn nhưng cũng có hướng dẫn tương tự. (trang 26)
Phía trên đỉnh đầu con, trên tòa sen và trăng, chủng tự HUNG màu trắng xuất hiện. Ánh sáng rực rỡ phóng tỏa từ nơi chủng tự HUNG làm hoan hỷ chư Phật và chư Bồ tát trong mười phương, thu nhiếp trí tuệ, tình yêu thương, năng lực của các Ngài, và tan hòa trở lại vào chủng tự HUNG. Một lần nữa, ánh sáng phỏng tỏa đến trú xứ của sáu loại chúng sinh, tịnh hóa được các nghiệp tưởng bất tịnh, sự chấp ngã, và tập khí của họ, rồi lại thu nhiếp trở lại vào chủng tự HUNG. Chủng tự HUNG lúc này chuyển hóa thành Đạo sư – hiện thân của tất cả các Phật bộ – sắc trắng và sáng rõ, mang bảo trang Báo Thân. Tay phải Ngài cầm chùy “tỉnh giác – không tánh” ở nơi tim, còn tay trái cầm chuông “sắc tướng – không tánh” ở ngang bên hông. Hai chân Ngài bắt chéo trong tư thế bán già, Ngài an trú trong vòm ánh sáng cầu vồng.
Trình tự quán tưởng như sau:
- Quán tưởng chúng ta trong thân tướng bình phàm hiện tại.
- Trong không gian phía trên đỉnh đầu ta, cách tầm một sải tay chứ không phải ngay sát trên đỉnh đầu, là chủng tự PAM màu trắng.
- Chủng tự PAM tức thời chuyển hoá thành một đài sen tám cánh có màu trắng.
- Trên đài sen xuất hiện chủng tự AH.
- Tức thời, chủng tự AH hoá thành ánh sáng và chuyển hoá thành đĩa mặt trăng. Đài sen và đĩa mặt trăng có cùng kích thước.
- Trên đĩa mặt trăng là một chủng tự HUNG màu trắng. Lúc nãy chúng ta đã nhắc đến cách quán tưởng Ba Nghi Thức. Vậy nghi thức đầu tiên, bước đầu tiên chính là quán tưởng chủng tự HUNG màu trắng. Hãy quán tưởng chủng tự HUNG trắng sáng, hoàn toàn trong suốt, rạng ngời – đây là bước thứ nhất.
- Tức thời chủng tự HUNG chuyển hoá thành chuỳ kim cang màu trắng với chủng tự HUNG nơi trung điểm. Đây chính là bước quán tưởng thứ hai: phương tiện – hoá hiện của tâm giác ngộ.
- Ánh sáng phóng toả từ chủng tự HUNG cúng dường đến mười phương chư Phật và chư Bồ tát. Ánh sáng này thâu nhiếp gia lực của các Ngài về lại chủng tự HUNG nơi trung điểm chày kim cang.
- Một lần nữa ánh sáng lại phóng toả đến khắp chúng sinh trong sáu cõi, tịnh hoá mọi nghiệp chướng và tội lỗi của mọi chúng sinh. Tức thời, vạn pháp chúng sinh chuyển hoá thành chư Bồ tát nam và Bồ tát nữ. Ánh sáng ấy lại quay về chủng tự HUNG.
- Chủng tự HUNG tức thời chuyển hoá thành Đức Kim Cang Tát Đoả, sắc trắng rạng ngời.
- Đức Kim Cang Tát Đoả an trú trong không gian trên đỉnh đầu ta về tinh tuý chính là vị đạo sư gốc từ ái. Đây là bước thứ ba trong cách quán tưởng Ba Nghi Thức. Đến đây hoàn tất phần quán tưởng sinh khởi.
Lúc nãy chúng ta đã nói đến phần quán tưởng Ba Nghi Thức, vậy ba nghi thức – ba bước quán tưởng này biểu hiện như sau:
- Nghi thức về Khẩu: quán tưởng chủng tự gốc HUNG;
- Nghi thức về Ý: quán tưởng phương tiện – chuỳ kim cang Đức Kim Cang Tát Đoả cầm trên tay;
- Nghi thức về Thân: quán tưởng trọn vẹn thân tướng của Đức Bổn tôn.
Cách 2: Bốn Chày Kim Cang
Cách quán tưởng thứ 2 như lúc nãy đã đề cập chính là cách quán tưởng Bốn Chày Kim Cang, tượng trưng cho bốn khía cạnh của Đức Kim Cang Tát Đoả: bên ngoài, bên trong, ẩn mật và như nhiên.
Kim Cang Tát Đoả bên ngoài chính là hiện tướng sáng tỏ của vị Đạo sư gốc trong hình tướng của Đức Kim Cang Tát Đoả.
Về hiện tướng của Ngài chúng ta hãy xem tôn ảnh trong nghi quỹ (trang 25). Tôn ảnh trong nghi quỹ còn minh hoạ rõ ràng màu sắc cùng phục sức và y áo của Ngài. Chúng ta có thể quán tưởng đúng theo hình ảnh minh hoạ này. Về tư thế chân, ta có thể quán tưởng theo hai cách. Có lúc Ngài an toạ trong tư thế kiết già, có khi trong tư thế bán già. Theo như nghi quỹ của chúng ta và trong bản văn gốc Dharmakirti Shalung thì Ngài an toạ trong tư thế bán già. Về các chi tiết còn lại thì bản văn gốc hướng dẫn như sau:
Toàn thân Ngài toả sắc trắng rạng ngời như những ngọn núi tuyết, lấp lánh tựa mặt trời. Ngài có một mặt và hai tay, trên tay phải cầm một chuỳ kim cang năm chấu ở nơi tim, còn tay trái cầm chuông ở ngang bên hông. Hai chân ngài bắt chéo trong tư thế bán già và được điểm tô bằng trang sức ngọc ngà cùng lụa quý.
Các ‘trang sức ngọc ngà cùng lụa quý chính là 13 bảo trang của Báo Thân Hỷ Lạc gồm:
- Năm bảo trang bằng lụa quý: thượng y lụa, đai lụa, khăn choàng lụa, hạ y lụa, mũ miện đính dải lụa.
- Tám trang sức bằng đá quý: vương miện khảm đá quý, bông tai quý, vòng tay quý, vòng cổ tay, vòng chân quý, vòng cổ ngắn, vòng cổ dài, thắt lưng khảm đá quý. Đối với các loại trang sức quý chúng ta hãy quán tưởng được làm bằng vàng, bạc, đá lưu ly, kim cương mã não và nhiều loại đá ngọc quý khác.
Đây là cách chúng ta quán tưởng phần sinh khởi.
Năm điểm trọng yếu trong thực hành thiền định bổn tôn
Đối với quán tưởng sinh khởi trong thiền định bổn tôn có 5 yếu tố vô cùng quan trọng chúng ta cần hiểu rất rõ. Điều này áp dụng với mọi thực hành bổn tôn:
- Quán tưởng rõ ràng
- Hồi nhớ thanh tịnh
- Kiêu hãnh cao thượng
- Tinh tuý rỗng rang
- Tự tánh bất phân
Quán tưởng rõ ràng:
Yếu tố thứ nhất là quán tưởng rõ ràng. Hôm nay chúng ta học về pháp thiền quán Kim Cang Tát Đoả vậy trước nhất chúng ta phải quán tưởng thật rõ ràng hình tướng của bổn tôn. Quán tưởng rằng đang an toạ trong không gian phía trên đỉnh đầu của chúng ta là vị Đạo sư gốc trong hình tướng của Bổn tôn Kim Cang Tát Đoả. Hãy quán tưởng rõ ràng các đặc điểm của Bổn tôn, thân tướng của ngài, toạ cụ, đệm ngồi cùng các trang sức bảo châu.
Ngay tức thì quán tưởng rõ ràng toàn bộ thân tướng là không hề đơn giản. Vì thế các bạn có thể quán tưởng theo từng phần. Ví dụ chúng ta có thể quán tưởng đầu tiên là đài sen, trên có đĩa mặt trăng. Sau đó tập trung vào từng phần trên thân tướng của Ngài: hai chân trong tư thế bán già hoặc kiết gìa vân vân. Như vậy các bạn có thể quán tưởng từ dưới lên, hoặc từ trên xuống đều được.
Hãy chăm chú quan sát các thangka và tôn ảnh Bổn tôn. Ngài đang an trụ trong tư thế nào? Trên tay Ngài cầm pháp bảo gì? Các bảo trang của Ngài là gì? Sau đó nhắm mắt lại và hồi tưởng lại hình ảnh của Ngài trong tâm thức. Khi quán tưởng, hay tập trung vào từng bộ phận, ví dụ tay phải cầm gì? Tay phải Ngài cầm chuỳ kim cang. Cầm như thế nào? Ngài cầm ngang vị trí tim. Cứ như thế cho đến khi hình ảnh quán tưởng hiển hiện rõ ràng trong tâm thức. Đây là yếu tố thứ nhất: quán tưởng rõ ràng.
Hồi nhớ thanh tịnh
Yếu tố thứ hai là hồi nhớ thanh tịnh. Vị bổn tôn hoá hiện với những đặc điểm hình tướng riêng biệt. Các đặc điểm này là biểu tượng bên ngoài cho các phẩm tánh bên trong tâm của Bổn tôn, chính là tâm xả ly và giác ngộ. Như vậy các phục sức và bảo châu trên thân tướng của Ngài mang ý nghĩa biểu tượng cho các phẩm tánh bên trong.
Mười ba bảo trang của Báo Thân Hỷ Lạc tượng trưng cho 13 cấp độ Kim Cang Trì. Chúng ta cần phải hiểu các đặc điểm này dưới ý nghĩa biểu tượng như thế, nếu không chúng ta sẽ nhìn các vị bổn tôn [với nhận thức phàm tục]. Ví dụ, có những vị bổn tôn mang hình tướng há miệng, nhe nanh. Lại có những vị bổn tôn đeo trang sức ngọc ngà lụa quý. Nếu không hiểu rõ về các biểu tượng này thì hành giả có thể sẽ nảy sinh nhận thức sai lầm, từ đó dẫn đến hoài nghi và tà kiến. Vì thế, chúng ta cần phải có sự hồi nhớ thanh tịnh.
Lấy ví dụ, nhìn một vị bổn tôn đeo vương miện có khảm kim cương ngọc quý có thể chúng ta nghĩ các Ngài cũng như chúng ta, cũng đeo bông tai, vòng vàng nhẫn bạc. Lại có đạo hữu có thể nghĩ rằng đây chỉ đơn thuần là đồ trang sức, hay đeo để tăng thêm công đức. Nhưng không hoàn toàn như vậy, mọi đặc điểm trên thân tướng của vị Bổn tôn đều mang hàm nghĩa sâu sắc. Bảo trang trên thân chư vị không giống với trang sức chúng ta đeo. Ví dụ nếu bạn vô cùng giàu có thì bạn có nhẫn kim cương, nếu giàu ít hơn một chút thì đeo nhẫn vàng, ít hơn nữa thì đeo nhẫn bạc nhẫn đồng vân vân. Chúng ta nghĩ về các loại đá quý chỉ như những món hàng trang sức đơn thuần. Trang sức tự thân chúng không có bất kỳ ý nghĩa nào với một vị Bổn tôn. Ngược lại, các bảo trang của vị Bổn tôn chính là hiện thân của các phẩm tánh giác ngộ nơi tâm của Ngài, là sự xả ly và chứng ngộ, được thể hiện bằng những biểu tượng bên ngoài.
Ví dụ, một khuôn mặt của Đức Kim Cang Tát Đoả là biểu trưng cho Pháp tánh nhất như. Màu trắng của thân thể Ngài là biểu trưng cho sự thuần tịnh hoàn toàn vắng bặt mọi ô nhiễm. Hai tay Ngài là biểu trưng cho phương tiện và trí tuệ hợp nhất nơi dòng tâm thức của vị Bổn tôn, đồng thời cũng là biểu trưng cho Nhị đế. Chuông chuỳ kim cang trên tay Ngài cũng là biểu tượng của phương tiện và trí tuệ. Búi tóc trên đỉnh đầu Ngài biểu trưng cho cảnh giới tâm toàn thiện. Các bảo trang trên thân là sự hiển bày của trí tuệ nguyên sơ, cũng là dấu hiệu Ngài đã hoàn toàn chuyển hoá ngũ diệu dục thành [ngũ] trí. Tư thế chân của Ngài, bán già hay kiết già, cho ta thấy rằng Ngài không hề bị dính mắc vào cả hai thái cực [của vạn pháp]: bằng trí tuệ, ngài buông bỏ mọi bám chấp vào luân hồi và bằng lòng từ bi Ngài buông bỏ cả trạng thái an bình của niết bàn. Đài sen là biểu trưng cho tâm vô cấu nhiễm, thanh tịnh khỏi mọi che chướng của luân hồi. Mặt trăng chính là biểu trưng cho sự mát lành xua tan đi cơn thiêu đốt của các cảm xúc ô nhiễm.
Như vậy, chúng ta cần phải hiểu rằng mọi đặc điểm trên thân tướng của vị bổn tôn đều là những biểu hiện bên ngoài của những phẩm tánh giác ngộ trong tâm của Ngài. Hiểu được điều này chính là yếu tố thứ hai: hồi nhớ thanh tịnh. Hành giả nào chưa hiểu được điều này thì chúng ta sẽ đi lạc lối trong thực hành của mình. Ta nói rằng ‘các bạn có thể quán tưởng rõ ràng nhưng nếu không hiểu, không có yếu tố hồi nhớ thanh tịnh tối quan trọng này thì vị Bổn tôn sẽ trở thành phàm tục và hành giả có nguy cơ đoạ sinh vào cõi ngạ quỷ.’
Có thể các bạn không hiểu hết về ý nghĩa biểu tượng của tất cả mỗi đặc điểm trên, chỉ cần các bạn biết rằng đây là những biểu tượng của các phẩm tánh giác ngộ nơi Bổn tôn, ví như phương tiện và trí tuệ cùng tâm xả ly và chứng ngộ của Bổn tôn, chỉ cần các bạn biết như vậy là được.
Kiêu hãnh cao thượng
Thông thường khi nói về lòng kiêu hãnh ta sẽ nghĩ đến tánh kiêu mạn trong ngũ độc và xem đây là một cảm xúc cần phải từ bỏ. Vì kiêu mạn chúng ta phạm phải nhiều ác nghiệp. Tuy nhiên, lòng kiêu hãnh chúng ta đề cập đến trong ngữ cảnh của thực hành thiền định Bổn tôn không phải là một cảm xúc ô nhiễm. Lòng kiêu hãnh này chính là sự xác quyết rằng Đức Kim Cang Tát Đoả thật sự đang an toạ trong không gian ngay trên đỉnh đầu chúng ta đây, và ta hoàn toàn tin tưởng vào điều đó.
Quán tưởng không phải là nghĩ rằng “Mặc dù không có Ngài ở đó nhưng mình vẫn phải tưởng tượng rằng Ngài đang hiện diện”. Nếu nghĩ như vậy thì đây là một sai lầm. Bạn cần phải quán xét lại tư tưởng của mình và thật sự tin rằng Ngài đang hiện diện. Khi bạn có được lòng xác quyết này thì các cảm xúc ô nhiễm của bạn mới thật sự được tịnh hoá. Bạn phải thật sự xác quyết rằng Ngài sẽ tịnh hoá mọi cảm xúc ô nhiễm và nghiệp chướng của ta.
Bạn cần phải thật sự tin tưởng vào điều này đến mức nếu có người nào đó nói với bạn rằng “Ôi trên đỉnh đầu của bạn có Đức Kim Cang Tát Đoả” thì bạn cũng chẳng lấy gì làm ngạc nhiên. Nếu bạn ngạc nhiên nghĩa là phần nào bạn vẫn còn hồ nghi và chưa tin tưởng. Bạn phải xác quyết nói rằng: “Đương nhiên rồi!” bởi bạn biết rõ ràng rằng Ngài vốn đã và đang hiện diện.
Có câu chuyện về Tổ Marpa như sau. Các đệ tử của Đức Marpa có khi không nhìn thấy Ngài mà chỉ thấy nước, lửa, Charkrasamvara hay Vajrayogini vân vân. Các đệ tử hỏi Marpa rằng: “Nhiều khi con không nhìn thấy Ngài mà chỉ thấy các vị Bổn tôn”. Đức Marpa trả lời rằng: “Đúng vậy, đó là những lúc ta đang an trụ trong thiền định bổn tôn. Nếu nghiệp của con là thanh tịnh thì con sẽ nhìn thấy được Bổn tôn.”
Tinh tuý rỗng rang
Khi quán tưởng bổn tôn, không nên quán tưởng các Ngài với thân tướng bình phàm được cấu thành bởi vật chất như máu thịt và xương. Chư bổn tôn dù hoá hiện, ta có thể nhìn thấy chư vị nhưng là rỗng rang về bản thể.
Lấy ví dụ, khi nhìn vào một tôn tượng hoặc một thangka, ta thấy rõ rằng đây là một vật thể phẳng, rắn chắc. Chúng ta không nên quán tưởng chư Bổn tôn phẳng lỳ như thangka, cũng không cứng ngắt như một bức tượng như thế. Nói chung, ta phải quán tưởng các Ngài hoá hiện hoàn toàn sống động như một người đang đứng trước mắt ta nhưng không phải bằng xương bằng thịt bình phàm. Hoá hiện sống động như thật, nhưng không phải dưới thân xác phàm tục mà là thân ánh sáng, rỗng rang, không có tự tánh thực hữu.
Làm thế nào chúng ta có thể quán tưởng rõ ràng nhưng đồng thời cũng thấu suốt về tinh tuý rỗng rang của Bổn tôn? Để hiểu về điều này chúng ta có thể dùng ba hình ảnh minh hoạ cho tự tánh huyễn ảo [của các pháp].
1/ Chư bổn tôn dù hoá hiện rõ ràng nhưng không có tồn tại thực hữu, như ảnh phản chiếu trong gương.
Trong cách thứ 1, ta hiểu rằng tất cả đều có thể được phản chiếu trong gương. Ví như trong phòng zoom này, các bạn có thể nhìn và nghe thấy thầy nhưng không thể chạm vào thầy được. Thầy xuất hiện trước mắt các bạn nhưng các bạn không thể chạm vào người thầy được, cũng giống như ảnh phản chiếu trong gương. Hoặc cũng như trong một bộ phim, bạn thấy các nhân vật xuất hiện và đi lại, hay nhìn thấy một vật vô cùng đẹp đẽ khiến bạn nổi lên suy nghĩ muốn sở hữu chúng. Tuy vậy bạn chẳng thể lấy vật ấy ra khỏi màn hình được. Cũng tương tự, chư vị Bổn tôn hoá hiện sống động rõ ràng nhưng lại không hề có tồn tại thực hữu.
2/ Chư bổn tôn hoá hiện như bóng trăng dưới nước.
Trong cách thứ 2, bổn tôn hoá hiện cũng như bóng trăng trên mặt nước. Trong đêm trăng sáng, ta có thể thấy ảnh phản chiếu của mặt trăng trên mặt nước nhưng chúng ta không thể lấy mặt trăng ra được. Bạn sẽ không thể chạm vào nó bởi nó thật không phải là mặt trăng, tuy vậy bóng ấy vẫn giống hệt mặt trăng vì bạn có thể nhìn thấy nó. Bóng trăng ấy cũng toả ánh sáng rực rỡ, rạng ngời và nếu ai nói rằng ‘không có trăng ở đó’ thì cũng không đúng vì nó rõ ràng hoá hiện rực rỡ như vậy nhưng lại không thể chạm được vào. Như vậy, trăng ấy ở [trên mặt nước] nhưng cũng không [ở trên mặt nước], cũng như Bổn tôn Kim Cang Tát Đoả hoá hiện trên đỉnh đầu bạn vậy. Về tinh tuý Ngài là rỗng rang, nhưng Ngài cũng đang thật sự hoá hiện. Bạn nhìn thấy Ngài toả sắc rạng ngời nhưng cũng giống như bóng trăng trên mặt nước, Ngài là rỗng rang về tự tánh.
3/ Chư bổn tôn hoá hiện rõ ràng sắc nét như cầu vồng trên không.
Trong cách thứ 3, vị bổn tôn hoá hiện rõ ràng như một cầu vồng. Rõ ràng sắc nét có nghĩa là màu trắng rõ ràng sắc trắng, màu đỏ cũng rõ ràng sắc đỏ, trang sức và y áo cũng như kiểu tóc của Ngài thật sự hiển hiện rõ ràng và sống động trước mắt ta như cầu vồng bảy sắc. Tuy nhiên nếu như ta muốn chạm vào dải màu cầu vồng ấy, ví như có ai đó muốn lấy dải cầu vồng này dệt thành áo thì chẳng thể nào làm được. Cũng như vậy, hình tướng của Đức Kim Cang Tát Đoả hoá hiện rõ ràng nhưng lại không hề có tự tính thực hữu, hoá hiện ấy vốn là rỗng rang như cầu vồng. Hiện tướng của Ngài không phải được cấu thành từ máu thịt hay từ bất kỳ các chất liệu vật lý nào, chỉ là một thực thể ánh sáng.
Đây là cách chúng ta nên quán tưởng các vị bổn tôn: hoá hiện nhưng cũng rỗng rang, bạn có thể nhìn thấy hình tướng của chư vị, rõ ràng nhưng lại không có thực thể. Vì thế, không nên bám chấp vào những hiện tướng này và nghĩ rằng có “một vật thể gì ở đó”. Đó không phải là tự tánh [hiện tướng của bổn tôn]. Mặc dù không có thực thể, chư vị vẫn hiện hữu vô cùng sống động rõ ràng.
Tự tánh bất phân
Yếu tố thứ năm, tự tánh bất phân có nghĩa là ta, hành giả, và bổn tôn Kim Cang Tát Đoả là bất khả phân. Đây là trọng điểm cực kỳ quan trọng vì thông thường chúng ta hay nghĩ rằng Bổn tôn và ta là cách biệt. Tuy vậy, điều này hoàn toàn sai lầm vì về bản chất ta và ngài là không hề cách biệt.
Bổn tôn chúng ta quán tưởng đang an trú trong không gian trên đỉnh đầu cùng với ta là bất khả phân. Kể cả khi chúng ta có muốn cách biệt với Ngài cũng không thể vì tất cả là tâm ta. Chúng ta quán tưởng hình tướng của Ngài, và hình tướng ấy hoá hiện là từ trạng thái tâm nhập định. Vậy hình tướng ấy chính là một hoá hiện của chính tâm ta, bất khả phân với ta, như là một sự hiển bày khởi sinh từ năng lực phô diễn của chính tâm này. Đức Kim Cang Tát Đoả không giáng trần từ cõi tịnh độ xa xôi nào đến đây rồi tan nhập vào ta mà từ khởi thuỷ, ta và Ngài vốn là bất khả phân về bản tánh.
Thầy xin lấy một ví dụ từ chính kinh nghiệm bản thân. Hãy quán xét củi và lửa. Nếu dùng củi để đốt lửa thì khi lửa bốc lên từ củi ta sẽ không thể nào tách biệt chúng với nhau được nữa. Khả năng sinh ra lửa vốn đã có sẵn trong những thanh củi. Vì có khả năng này nên chúng ta mới có thể taọ ra lửa từ củi. Vì thế, khả năng này, tiềm năng tạo ra lửa, chính là bản tánh sẵn có tiềm tàng trong những thanh củi gỗ. Cũng như thế, Phật tánh của chúng ta chính là vị Bổn tôn. Thông qua năng lực phô diễn của Phật tánh, chư bổn tôn (ở đây là bổn tôn Kim Cang Tát Đoả) hoá hiện trên đỉnh đầu của ta. Vì vậy, không có gì nằm ngoài sự hiển bày của chính tâm này, và như thế, cùng với ta, là bất khả phân. Đây chính là điểm trọng yếu thứ 5, tự tánh bất phân.
Điểm này rất quan trọng dù bạn thực hành bất kỳ pháp tu bổn tôn nào. Đức Long Thọ đã nói rằng ‘Vị bổn tôn chính là tâm ta. Hình tướng của Ngài chính là một hoá hiện của tâm ta.’
2.2 Thỉnh Mời
Tiếp theo hãy quán tưởng như sau:
- Quán tưởng trên đỉnh đầu là Đức Kim Cang Tát Đoả, về bản tánh vốn là đạo sư gốc của ta.
- Tại mi tâm của Đức Kim Cang Tát Đoả, là vị trí giữa hai đầu lông mày là chủng tự OM màu trắng, biểu trưng cho thân giác ngộ của mọi chư Phật.
- Tại vị trí họng là chủng tự AH màu đỏ, biểu trưng cho khẩu giác ngộ.
- Tại vị trí tim là chủng tự HUNG màu xanh, biểu trưng cho tâm kim cang của mọi chư Phật.
- Ánh sáng phóng toả rực rỡ từ ba chủng tự trên thân Ngài thỉnh mời tất cả chư Phật và chư Bồ tát khắp mười phương và ba thời. Chư vị đồng hiện trong hình tướng của Đức Kim Cang Tát Đoả. Như thế chúng ta đã nhận được gia lực từ chư vị.
- Tụng DZA HUNG BAM HO, và các Ngài tan nhập vào Đức Kim Cang Tát Đoả trên đỉnh đầu ta. Đây là quá trình tan nhập của chư vị Thệ Nguyện Tôn và Trí Tuệ Tôn, được thực hiện thông qua nghi thức thỉnh mời.
- Chư bổn tôn quán đảnh, chính là năm vị trong Ngũ Bộ Phật thỉnh mời trong nghi thức này, ban cho ta quán đảnh bình từ cam lồ trong tịnh bình các Ngài cầm trên tay. Sau đó, chư vị cũng tan nhập vào Đức Kim Cang Tát Đoả.
2.3 Cúng Dường và Tán Tụng
Tiếp theo là phần cúng dường hoa, hương, đèn, vân vân. Đây là cúng dường bên trong, bên ngoài, ẩn mật và như nhiên. Khi đã cúng dường, chúng ta tán dương thân khẩu ý giác ngộ của Đức Kim Cang Tát Đoả.
2.4 Tịnh Hoá:
Tiếp theo là phần quán tưởng dòng cam lồ tịnh hoá:
- Tại vị trí tim của Đức Kim Cang Tát Đoả trên đỉnh đầu ta là một đài sen tám cánh màu trắng trên có đĩa mặt trăng.
- Trên đĩa mặt trăng là chủng tự HUNG màu trắng, vòng xung quanh là các chủng tự của minh chú trăm âm.
Như vậy thầy nhắc lại, [từ đầu] chúng ta quán tưởng trên đĩa mặt trăng là chuỳ kim cang năm chấu (xin lưu ý tất cả chuỳ kim cang quán tưởng trong pháp tu này đều là chuỳ kim cang năm chấu và tất cả đều là màu trắng: chuỳ kim cang, Đức Kim Cang Tát Đoả và chủng tự HUNG đều có màu trắng). Chủng tự HUNG màu trắng chúng ta quán tưởng lúc đầu chính nền tảng khởi sinh Đấng Kim Cang Tát Đoả, về bản tánh vốn là vị Đạo sư gốc của ta. Đức Kim Cang Tát Đoả, Đạo sư gốc lại là nền tảng hoá hiện hàng trăm vị Phật của các Phật bộ, được biểu trưng thông qua câu minh chú trăm âm.
Quán tưởng rõ ràng chuỗi minh chú trăm âm xoay theo chiều kim đồng hồ xung quanh chủng tự HUNG (xoay từ trái sang phải). Như đã nói lúc đầu, Bổn sư gốc hoá hiện trong thân tướng của Đức Kim Cang Tát chính là Đức Kim Cang Tát Đoả bên ngoài [trong cách quán tưởng Bốn Chày Kim Cang] Phần quán tưởng này, với chủng tự HUNG và chuỗi minh chú xung quanh chính là Đức Kim Cang Tát Đoả bên trong.
- Từ chủng tự HUNG và chuỗi minh chú, ánh sáng vô lượng phóng toả dâng cúng dường đến chư Phật và chư Bồ tát.
- Ánh sáng ấy thu nhiếp về lại chủng tự HUNG, đem đến gia lực từ thân, khẩu, ý giác ngộ của chư vị. Gia lực này tan nhập vào trong chủng tự HUNG cùng Đức Kim Cang Tát Đoả. Nương nhờ gia lực này, Đức Kim Cang Tát Đoả bừng sáng rạng ngời, uy lực dũng mãnh chấn nhiếp muôn phương.
Tiếp theo, hãy quán tưởng như thế khi chúng ta trì tụng minh chú tích luỹ túc số:
- Từ chủng tự HUNG và chuỗi tràng minh chú tại tâm điểm của Đức Kim Cang Tát Đoả tuôn trào cam lồ tịnh hoá.
- Cam lồ ấy tràn xuống, tiến nhập vào thân ta từ đỉnh đầu và lấp đầy châu thân, tịnh hoá mọi nghiệp chướng mà ta đã tích luỹ qua ba cửa thân khẩu ý.
- Cam lồ ấy xuất khỏi thân ta dưới dạng khói đen, máu, mủ, côn trùng và thú vật như rắn, rết, cá, ếch, yêu ma quỷ quái vân vân. Thông thường chúng ta hay nghĩ rằng trong cơ thể hay tâm mình có tà ma chiếm cứ, chúng ta có thể nghĩ như vậy trong thực hành này và quán tưởng rằng tất cả đều bị tống xuất ra khỏi cơ thể ta từ cửa dưới và hai lòng bàn chân.
- Khi những che chướng này được tống xuất khỏi cơ thể ta, quán tưởng rằng mặt đất dưới chân ta mở lớn và xuất hiện Tử Thần Dạ Ma đang há miệng nhe răng.
- Tất cả bệnh tật, nghiệp chướng, tà ma đều bị Dạ Ma nuốt gọn. Mọi nghiệp chướng nay đã được tịnh hoá, thân ta trở nên hoàn toàn thuần tịnh, chẳng còn bất cứ nhiễm ô nào.
- Tử thần Dạ Ma ngậm miệng lại, Ngài vô cùng hoan hỷ hài lòng. Dạ Ma xuất hiện chính là vì nghiệp quả trong quá khứ của ta. Vì thế, thông qua thực hành này, quán tưởng rằng giờ đây Ngài đã hoàn toàn hài lòng mãn nguyện.
- Thân ta lúc này đã hoàn toàn thuần tịnh, trắng trong và được lấp đầy bởi cam lồ tịnh hoá. Thân ta như một bình chứa pha lê, trong chứa đầy sữa chua hoặc sữa trắng muốt và thanh tịnh.
Quán tưởng như thế khi chúng ta trì tụng câu minh chú trăm âm tích luỹ túc số. Chúng ta có thể tập trung vào từng phần khác nhau của hình ảnh quán tưởng trong lúc thực hành. Có lúc chúng ta tập trung vào dòng cam lồ đang tuôn trào xuống đỉnh đầu ta. Có lúc chúng ta tập trung quán tưởng các bất thiện nghiệp được tống xuất ra khỏi thân thể dưới dạng những chất bất tịnh như máu mủ, hoặc tập trung vào hình ảnh Dạ Ma nuốt gọn những ô nhiễm này. Như vậy, chúng ta có thể thay đổi, tập trung vào từng phần khác nhau trong suốt quá trình thực hành.
Trong bản văn gốc viết:
Quán tưởng rõ ràng với định tâm bất loạn. Từ trái tim của Đức Kim Cang Tát Đoả, dòng cam lồ tuôn trào thông qua ngón chân trái của Ngài.
Như vậy trong bản văn gốc thì ta quán tưởng rằng dòng cam lồ tuôn trào thông qua ngón chân cái của Ngài. Một vài nghi quỹ khác thì dạy rằng cam lồ tuôn trào từ thân Ngài. Ta quán tưởng theo cách nào cũng được. Khi tràn vào thân thể ta, cam lồ ấy tịnh hoá mọi bất thiện nghiệp, tội lỗi và che chướng từ vô thuỷ, trong mọi đời kiếp và tống xuất ra dưới dạng khói đen qua các cửa dưới cùng lỗ chân lông trên cơ thể. Cuối cùng, ta trở thành một bình pha lê trong suốt, trắng ngần và thanh sạch. Phần quan trọng nhất của quán tưởng trong lúc ta trì tụng minh chú trăm âm nhiều nhất có thể chính là định lực tập trung vào hình ảnh quán tưởng.
Cuối cùng, khi ta đã hoàn toàn được tịnh hoá khỏi mọi nghiệp chướng, đây chính là Kim Cang Tát Đoả ẩn mật.
2.5 Hoá Tán
Cuối cùng, sau khi đã quán tưởng và thực hành như vậy, ta đảnh lễ Đức Kim Cang Tát Đoả như câu kệ sau:
Lạc lối trong đêm tối của vọng tâm, con đã phá vỡ và vi phạm mật nguyện. Đạo sư, đấng bảo hộ, xin là nơi nương tựa của con! Đấng thủ hộ kim cang, hiện thân của lòng đại bi, bậc tối tôn của toàn bộ chúng sinh, con xin quy y nơi Ngài!
Với lòng chí thành, ta cúi xin Đức Kim Cang Tát Đoả tịnh hoá mọi nghiệp chướng của mình. Khi đã thỉnh cầu đức Kim Cang Tát Đoả với tâm chí thành và lòng sùng mộ như thế, Ngài từ bi hồi đáp chúng ta với tình yêu thương:
Đáp lại lời thỉnh cầu ấy, đấng Kim Cang Tát Đoả nói: “Hỡi đứa con may mắn, toàn bộ bất thiện nghiệp, che chướng, sai lầm và sa đoạ của con giờ đây đều được tịnh hoá.” Sau khi đã tha thứ cho con theo cách ấy, Đấng Kim Cang Tát Đoả tan hoà vào trong con, [con và Ngài] hợp nhất làm một.
Đức Kim Cang Tát Đoả đã trao cho chúng ta gia lực và Ngài tan nhập thành ánh sáng. Thân, khẩu, ý của Ngài trở thành ánh sáng và tan nhập vào thân, khẩu, ý của ta. Như thế, thân, khẩu, ý của ta trở thành bất khả phân với Ngài. Không còn bất kỳ niệm tưởng như ta ở đây, Đức Kim Cang Tát Đoả ở kia nữa mà đã trở thành không cách biệt. Thiền định trong ít phút trong cảnh giới bất phân, như nước hoà vào nước, sữa hoà vào sữa. Cảnh giới này là Đức Kim Cang Tát Đoả như nhiên. Đến đây là hoàn tất quá trình quán tưởng Bốn Chuỳ Kim Cang.
Có một điểm về quán tưởng ba chủng tự OM AH HUNG xin các bạn lưu ý: chúng ta không quán tưởng ba chủng tự này như dán lên trên trán, cổ và tâm điểm của ta. Thay vào đó, chúng ta phải quán chủng tự OM ở bên trong trán ta; chủng tự AH ở bên trong cổ họng của ta, tại vị trí đường kinh mạch đi xuyên qua cuống lưỡi; chúng tự HUNG ở bên trong tâm điểm của ta. Các chủng tự này có tự tánh của ánh sáng, vì thế trong suốt như một tấm gương không hề nhiễm ô. Hãy quán tưởng như thế.
Chúng ta cũng quán tưởng đức Kim Cang Tát Đoả an trú trên đỉnh đầu của các chúng sinh khác, với nước cam lồ tịnh hoá nghiệp chướng của chúng sinh ấy giống như quán tưởng bản thân ta.
Như thế khi thực hành hãy nhất tâm vào quán tưởng mà không phân tán tư tưởng.
Đến đây hoàn tất phần hướng dẫn thực hành pháp thiền quán Kim Cang Tát Đoả. Nếu muốn thực hành, tốt hơn là các bạn nên nhận quán đảnh quán đảnh Kim Cang Tát Đoả. Nếu chưa có cơ hội nhận quán đảnh ngay lúc này, thì bạn cũng có thể thực hành nhưng hãy cố gắng nhận quán đảnh ngay khi có cơ hội.
Phần 3: Hỏi và Đáp
Là một hành giả thì con có một vài kiến thức về pháp nhưng để cho kiến thức đó in sâu vào trong tâm khảm của con thì con nên tu như thế nào để con ứng dụng kiến thức đã học và mang kiến thức đó vào trong tim của mình.
Điều đầu tiên là chúng ta phải thực sự tin sâu vào nhân quả. Nếu chúng ta tin sâu nhân quả thì một ngày kia chúng ta có bị ngã bệnh thì chúng ta biết rằng bệnh này chính là quả của ác nghiệp mà chúng ta đã gieo. Như vậy, Pháp ấy đã in sâu vào tâm khảm của chúng ta.
Tất cả những điều chúng ta trải qua như sinh lão bệnh tử đều là những nghiệp duyên của chúng ta. Tái sinh cõi cao hay đoạ sinh cõi thấp cũng đều như vậy. Trong đời này thì tất cả những gì chúng ta trải qua, những phiền não, những điều không như ý thì đều là kết quả của ác nghiệp mà chúng ta gây ra. Khi chúng ta thấy người khác gặp khó khăn thì chúng ta biết là do nghiệp của họ và đến khi chúng ta gặp khó khăn thì chúng ta biết là do nghiệp của mình. Những nghiệp đó thì gây ra bởi nhiều nguyên nhân, hoặc là chúng ta dùng vũ lực với họ trong đời này hoặc đời trước, hoặc chúng ta làm họ tổn thương bằng lời nói, hoặc bằng ý nghĩ xấu mà chúng ta nghĩ về họ thì đó cũng là một cái nghiệp rồi. Những nghiệp này sẽ trổ ra thành các quả, là những chướng ngại phiền não ta gặp phải ở đời này.
Nghiệp chính là luật nhân quả. Ví dụ, nếu chúng ta mắng một người nào đó thì họ cũng sẽ nói những lời xấu ác với chúng ta hoặc chúng ta không tôn trọng người khác thì người khác cũng không tôn trọng chúng ta. Đó là sự xoay vần của nhân quả.
Như thế, hãy quán chiếu về nhân quả và về lòng từ bi. Chúng ta phải tự quán xét xem chúng ta có bao nhiêu lòng bi mẫn, chúng ta phải trưởng dưỡng lòng bi mẫn bằng cách khấn nguyện đến đạo sự gốc. Nếu chưa có đạo sư gốc thì chúng ta khấn nguyện lên Tam bảo. Khởi phát lòng sùng mộ nơi Tam bảo và bằng việc quán chiếu và tin sâu nhân quả như thế thì dần dần giáo pháp, giáo lý mà chúng ta được học sẽ thấm sâu vào trong ta.
Bình thường thì chúng ta có các tập khí, các dấu vết về nghiệp từ kiếp sống trước khiến ta khó lòng tin sâu nhân quả. Vì thế dù có học và thực hành Pháp nhưng giáo Pháp vẫn chẳng thể xoay chuyển tâm ta. Đó là do nghiệp chướng của ta vẫn còn quá sâu dày. Điều này đã ngăn trở giáo Pháp thấm nhập vào tâm ta. Đây là lý do ta càng cần phải thực hành sám hối, tịnh hoá nghiệp chướng và tích luỹ công đức. Như vậy dần dần ta sẽ càng tin sâu hơn vào nhân quả và giáo Pháp càng lúc càng thấm nhuần tâm ta.
2.Các chúng sinh địa ngục không có bất kỳ cơ hội nào để thực hành pháp. Vậy làm sao chúng sinh ấy được tái sinh vào cõi cao hơn? Bao giờ thì mới kết thúc quả báo ở địa ngục?
Như đã nói trong các bài trước, khi đã đoạ sinh vào ba cõi thấp thì sẽ rất khó để đạt được giải thoát. Chúng ta đã được nghe rằng các chúng sinh ở ba cõi thấp phải chịu đau khổ như thế trong những kiếp rất dài. Tất cả những điều này xảy ra là do họ không tin tưởng vào nhân quả. Tuy vây chúng sinh ấy vẫn có thể đạt được giải thoát. Đó là khi nghiệp quả dẫn đến sự tái sinh vào cõi thấp của họ hoàn toàn cạn kiệt. Chúng ta nói đó là lúc họ có thể trả hết quả báo của mình.