Phần 1: Giáo Lý
1.1 Ý Nghĩa của Quy Y
Nguyện cầu cho tất cả các chúng sinh, vô lượng như hư không đều đạt được trạng thái Phật quả toàn hảo, vô song và với mục đích đó, giờ đây con nguyện xin lắng nghe giáo pháp và dấn thân vào thực hành để có thể trưởng dưỡng được tâm nguyện bồ đề như thế. Ngày hôm nay giáo Pháp chúng ta được lắng nghe chính là pháp hành tiên yếu của Đại Thủ Ấn năm nhánh.
Chúng ta đã nói về 4 pháp tu tiên yếu thông thường; đó chính là:
- Thân người trân quý;
- Cuộc đời là vô thường;
- Luân hồi là đau khổ;
- Nhân quả không sai trệch.
Trong các buổi trước chúng ta đã nói về 4 niệm chuyển tâm này, hôm nay chúng ta tiếp tục học về 4 pháp tu tiên yếu phi thường.
Những giáo huấn đầu tiên là giáo huấn về quy y – phần đầu tiên trong bốn pháp tu tiên yếu phi thường. Quy y là làm cho tâm của chúng ta trở thành một bình chứa toàn hảo cho giáo pháp như thầy đã nói trước. Mục tiêu của chúng ta là nhận ra được rằng thân người này rất khó khăn và trân quý để có được và chúng ta đã hiểu được điều đó rồi. Chúng ta cũng biết thân này chính là mục tiêu của sự tan hoại vì lẽ vô thường. Chúng ta cũng đồng thời hiểu ra rằng thế giới luân hồi trong sáu cõi này đều chỉ là đau khổ. Đồng thời, tất cả những hạnh phúc và đau khổ của chúng ta đều đến từ luật nhân quả mà thôi. Chúng ta đã có thể thấu hiểu 4 điều đó và chúng ta gọi 4 điều đó là 4 niệm chuyển tâm. Khi chúng ta đã hiểu 4 niệm chuyển tâm rồi thì chúng ta sẽ thấy rằng: Ôi tôi thật là may mắn và bây giờ tôi chẳng còn cơ hội nào khác nữa ngoại trừ việc thực hành. Chúng ta sẽ nghĩ rằng thân người này thật trân quý và cuộc đời này thật đau khổ, chúng ta phải tinh tấn thực hành giáo pháp, đó là niệm tưởng khởi lên trong tâm của bạn bởi vì không có ai muốn khổ đau, ai cũng muốn hạnh phúc cả. Như vậy làm sao chúng ta thoát khỏi khổ đau? Chỉ có 1 con đường duy nhất để thoát khổ chính là quy y Tam Bảo, và thông qua quy y chúng ta dấn thân vào thực hành giáo pháp. Khi chúng ta quy y Tam Bảo, dấn thân thực hành giáo pháp thì không cần bất kỳ một phương pháp nào khác nữa. Đó là lý do chúng ta quy y Tam Bảo bởi vì chúng ta muốn được giải thoát khỏi đau khổ. Chúng ta quy y Tam Bảo bởi vì Phật chính là người đã tịnh hóa và loại bỏ tất cả những nỗi đau, Ngài thực sự là Đấng Bảo Hộ duy nhất của tất cả chúng ta. Đó chính là lý do vì sao chúng ta quy y, nương tựa vào Ngài.
Để tâm của mình thành một bình chứa thích hợp để chúng ta có thể sẵn sàng thực hành giáo Pháp, chúng ta phải nương tựa vào Tam Bảo. Để dấn thân vào thực hành thì chúng ta phải rèn luyện tâm này bởi vì tâm của chúng ta thuở ban đầu chưa phải là một bình chứa thích hợp cho giáo Pháp. Để chuyển hóa tâm trở thành một bình chứa thích hợp thì chúng ta phải dùng phương pháp đầu tiên đó chính là Quy Y. Như thế nào để trở thành bình chứa thích hợp? Ví dụ khi các bạn ăn, uống thì các bạn muốn đựng vật thực trong một bình đựng sạch sẽ. Khi chúng ta nói đến vật dụng sạch sẽ, chúng ta không nói đến sự tịnh hóa từ ở bên ngoài như là tẩy rửa, lau dọn thân thể của mình mà ở đây chính là nói đến sự thanh tịnh của tâm. Chúng ta tịnh hoá tâm để trở thành một bình chứa thích hợp, và như thế chúng ta có thể tăng trưởng sự tín tâm vào Tam Bảo. ó chính là yếu tố để cho tâm của chúng ta trở thành một bình chứa thích hợp. Điều này có nghĩa là tín tâm này phải thực sự tới từ bên trong chứ không phải chỉ là lời nói chót lưỡi đầu môi. Không thể chỉ nói rằng ôi Tam Bảo thật là tuyệt vời, không phải chỉ như vậy là đủ. Chúng ta phải thật sự hiểu rằng Tam Bảo chính là cội nguồn quy y của chúng ta. Như thế, chúng ta phải thực hành trưởng dưỡng 3 loại tín tâm: tín tâm sáng tỏ, tín tâm tha thiết và tín tâm kiên định.
- Tín tâm sáng tỏ là lòng tín tâm đầu tiên chúng ta cần phải phát khởi. Lòng tin này phát khởi khi chúng ta học và hiểu được về những phẩm tánh của các Đấng Giác Ngộ. Khi chúng ta nhìn thấy hình tướng của Đức Phật, các bảo tháp hay là chúng ta thấy một đạo sư tâm linh nào đó thì một cách tự nhiên, tín tâm sẽ khởi lên trong tâm của chúng ta và một cách tự nhiên lòng sùng mộ cũng sẽ khởi phát. Khi chúng ta nghe âm thanh, nhìn thấy hình tướng của Đức Phật tự nhiên tâm của chúng ta thấy hoan hỷ. Đó chính là tâm hoan hỷ. Đây là tín tâm sáng tỏ, đây là yếu tố đầu tiên để chúng ta có thể tịnh hóa tâm này thành một bình chứa thích hợp.
- Tín tâm tha thiết. Khi chúng ta quy y Tam Bảo, chúng ta tha thiết muốn được giải thoát khỏi ba cõi thấp, khỏi sự đau khổ của sáu cõi luân hồi. Đó là sự ước nguyện chân thành, sâu sắc và cấp thiết. Đây chính là tín tâm tha thiết. Chúng ta đã thấu hiểu được nỗi khổ của ba cõi thấp. Chúng ta biết đó là do nghiệp nhân quả và chúng ta mong nguyện được giải thoát khỏi những đau khổ của luân hồi, để đạt được quả vị giải thoát vẹn toàn. Chúng ta biết rằng các chúng sinh trong sáu cõi luân hồi đều đau khổ cho nên chúng ta mong muốn được giải thoát họ khỏi đau khổ. Để làm được điều đó, chúng ta phải thực sự nỗ lực, phải quy y, để nương tựa vào Tam Bảo. Như vậy, chúng ta thực hành để đạt được đến trạng thái giác ngộ toàn hảo. Đó chính là mong nguyện tột bậc để được giải thoát khỏi luân hồi.
- Tín tâm kiên định là khi chúng ta có niềm tin không thể xoay chuyển vào Tam Bảo. Chúng ta biết rằng khi nương tựa vào Tam Bảo, ta chắc chắn sẽ được giải thoát khỏi đau khổ và đạt đến giác ngộ toàn hảo, toàn tri. Chúng ta hoàn toàn có sự tín tâm vào Tam Bảo. Đồng thời chúng ta nghĩ rằng bất kỳ điều gì chúng ta trải nghiệm, dù là niềm vui hay nỗi buồn, là đau khổ hay hạnh phúc thì nguồn quy y duy nhất cũng chỉ là Tam Bảo mà thôi. Chúng ta chỉ nương tựa vào Tam Bảo mà không nương tựa vào các đối tượng khác ngay cả cha hay mẹ hay bạn bè của mình. Và nghĩ về cái chết sắp đến 1 cách chắc chắn 100% rằng vẫn sẽ theo chân Tam Bảo, Tam Bảo sẽ không bao giờ quay lưng lại với ta. Điều đó là không bao giờ sai chệch được. Dù ta có đau khổ hay hạnh phúc thì nguồn quy y của chúng ta cũng chỉ có Tam Bảo mà thôi. Khi mà chúng ta nghĩ được như vậy thì ta sẽ khởi phát lên được một niềm tin chắc chắn, kiên định vào Tam Bảo.
Đây là điểm hết sức quan trọng: ta phải có niềm tin hoàn toàn vào Tam Bảo. Điều đó cũng có nghĩa là các bạn không được khởi phát lên sự nghi ngờ hoặc chần chừ nào ở trong tâm. Đây là yếu tố khiến cho tâm này trở thành một bình chứa thích hợp cho giáo Pháp.
Có đôi lúc chúng ta rơi vào trường hợp như sau, chúng ta nảy sinh nghi ngờ vì khi thực hành chúng ta không đạt được mục đích hay sự tiến bộ nào cả. Ví dụ, chúng ta cúng dường, thực hiện các thiện hạnh như phóng sinh hay thực hành Tara…. và nghĩ rằng khi đã thực hiện những thiện hạnh này rồi thì những điều chúng ta mong cầu sẽ đạt được như ý nguyện. Thế nhưng sự việc xảy ra là không phải lúc nào chúng ta cũng đạt được những điều mình mong muốn, khi đó ta có thể nghĩ rằng Tam Bảo không gia hộ cho chúng ta, hoặc vì tin theo Tam Bảo nên mới thành ra như thế và nhiều nỗi nghi ngờ khác. Ví dụ khi bị bệnh, khi ta phải đối mặt với chướng ngại hay khó khăn thì chúng ta lại nghĩ rằng tại sao ta thực hành nhiều như vậy mà ta chẳng nhận được những điều mà mình mong nguyện. Sự hoài nghi, nghi ngờ, hoài nghi này, dù là trong đời hay trong đạo cũng ngăn chặn khiến cho chúng ta không hoàn thành được bất kỳ việc gì cả, kể cả trong cuộc đời thế tục và cả trong thực hành giáo pháp. Như vậy, chúng ta không nên khởi lên bất kỳ một sự hoài nghi nào trong tâm [về gia lực của Tam Bảo]. Thực tế, do ngay từ đầu tâm chúng ta không thực sự có được sự kiên định vào Tam Bảo cho nên sự hoài nghi mới khởi phát. Và vì vậy sự thực hành của ta sẽ gặp rất nhiều chướng ngại.
Cách chúng ta nên thực hành là chúng ta phải thực sự buông bỏ để nương dựa hoàn toàn vào Tam Bảo. Chúng ta phải khởi lên lòng xác tín 100% vào Tam Bảo. Dù chúng ta đạt được hoặc không đạt được điều ta mong cầu thì cũng đừng bao giờ nghĩ rằng Tam Bảo không giúp đỡ cho ta nên không còn tin tưởng vào Tam Bảo nữa. Khi mới bắt đầu quy y, chúng ta hay có suy nghĩ là Tam Bảo thật là tuyệt vời, nhờ Tam Bảo gia hộ cho ta nên ta có được những điều mà ta mong cầu. Nhưng khi chúng ta gặp phải chướng ngại gì đó thì ta quay ra trách móc Tam Bảo, ta đánh mất niềm tin. Điều này xảy ra là vì ngay từ đầu lòng tín tâm vào Tam Bảo nơi bạn vốn không hề mạnh mẽ. Từ đó, nghi ngờ nảy sinh và khiến bạn dần dần mất đi động lực thực hành Pháp. Chúng ta không nên làm thế.
Để cho tâm này trở thành một bình chứa thích hợp thì chúng ta không được để cho tâm khởi lên bất kỳ một sự nghi ngờ nào như thế. Chúng ta phải thật sự hiểu được rằng, dù có bất kỳ điều gì xảy ra đi nữa thì chúng ta cũng phải hoàn toàn tin vào Tam Bảo. Tam Bảo không bao giờ sai chệch, không bao giờ suy chuyển và Tam Bảo chính là người bạn đồng hành duy nhất của ta, Tam Bảo sẽ luôn luôn bên cạnh tâm của chúng ta. Nếu chúng ta phát triển được niềm tin kiên định, không có bất kỳ sự hoài nghi nào như vậy thì tâm của ta sẽ trở thành một bình chứa thích hợp. Thực hành như thế thì mọi ước nguyện đều sẽ được viên thành, và gia lực của Tam Bảo sẽ thực sự thấm nhuần tâm thức ta.
Có đôi khi công việc của chúng ta không được như ý, hoặc có khi công việc được viên mãn, những điều đó xảy ra do bởi nhân quả của chúng ta. Thông thường những hành giả sơ cơ mới thực hành lúc đầu có rất nhiều lòng sùng mộ. Tuy nhiên khi họ gặp phải những chuyện không như ý ví dụ như doanh nghiệp không phát triển, hoặc khi bệnh tật xảy ra… thì họ nghi ngờ không biết những điều này xảy ra do có phải bởi họ đang thực hành giáo pháp không? Hay người Việt Nam chúng ta thường gọi là bị “đổ nghiệp” khi thực hành giáo pháp thì có đúng hay không? Điều này hoàn toàn không đúng! Những nghiệp quả hay chướng ngại xảy đến với ta là do cái nhân mà ta đã gieo trồng ở trong kiếp này hoặc những kiếp trước. Những sự hoài nghi về Tam Bảo là một bằng chứng cho thấy chúng ta chưa hoàn toàn tin sâu vào nhân quả, nghiệp báo và như vậy chúng ta chưa phải là một bình chứa thích hợp cho việc thực hành Pháp. Để trở thành một bình chứa phù hợp, chúng ta phải thực sự tin tưởng vào Tam Bảo.
Lại có trường hợp khi thực hành giáo Pháp thì mọi điều hanh thông ví như ta khỏi bệnh nhanh chóng, doanh nghiệp làm ăn phát đạt, bạn bè đến với ta vân vân. Khi đó có thể ta nghĩ Ôi Phật pháp nhiệm màu, hoặc ôi vị Thầy này thật sự có năng lực gia trì [mạnh mẽ] nhưng thật ra ngay cả những suy nghĩ này cũng có những khía cạnh nguy hiểm. Mặt tốt là bạn có lòng sùng mộ to lớn đối với giáo Pháp nhưng nó cũng có mặt nguy hiểm vì nếu bạn nghĩ rằng mọi việc tốt xảy ra với bạn đều nhờ năng lực của Tam Bảo, vậy nếu như mai kia công việc không được hanh thông thì bạn sẽ nghĩ ôi, Tam Bảo đã lấy lại lực gia trì rồi. Như vậy bạn sẽ có sự hoài nghi vào giáo Pháp. Nếu trong cuộc sống bạn đạt được những điều tốt lành thì dưới một góc độ nào đó bạn cũng có thể nghĩ rằng đây là nhờ Tam Bảo gia hộ. Tuy vậy, bạn phải thật sự hiểu rằng chính là quả của những nhân đời trước mà chín muồi trong đời này chứ không phải có một Đấng Sáng Tạo hay một vị trời nào đem đến cho bạn một phần thưởng do bạn đã làm việc tốt cả. Đừng bao giờ nghĩ như vậy. Tam Bảo thật sự gia hộ cho bạn như thế nào? Hãy nghĩ rằng do tín tâm vào Tam Bảo nên ta đã thực hành thiện hạnh trong những đời quá khứ, nên bây giờ phước báu trổ quả đơm hoa. Bằng cách này, chúng ta sẽ trưởng dưỡng được tri kiến thanh tịnh và tín tâm bất thối chuyển vào Tam Bảo.
Như vậy, tất cả những thuận lợi hoặc khó khăn đang xảy đến cho bạn thì hoàn toàn là do nhân quả các đời trước mà bạn đã gieo. Chúng ta phải hiểu mục đích khi thực hành giáo pháp của chúng ta là gì? Ta thực hành giáo pháp là để được giải phóng khỏi luân hồi, chứ không phải vì mong cầu những hạnh phúc tạm thời như là được khỏe mạnh, công việc tiến triển thuận lợi…. đó không phải là lý do chúng ta thực hành giáo pháp mà chỉ là những mong cầu của thế gian. Chúng ta thực hành Pháp là để thật sự được giải thoát khỏi biển khổ luân hồi. Trên con đường này, nếu như chúng ta làm các điều thiện thì tạm thời, chúng ta sẽ đạt được hạnh phúc còn nếu như chúng ta phạm các ác hạnh thì tạm thời chúng ta phải chịu khổ đau. Đó chính là chân lý của các pháp, đây là cách mà các bạn phải thực sự hiểu về ý nghĩa của [Tam Bảo]. Nếu chúng ta giữ suy nghĩ rằng những điều tích cực xảy đến với ta là do sự gia trì của Tam Bảo thì mặt nguy hiểm là chúng ta hoàn toàn có thể hiểu theo chiều hướng ngược lại nếu những điều không mong muốn xảy ra cho ta.
1.2 Ba Cội Quy Y
Khi chúng ta quy y nương tựa Tam Bảo thì cội quy y chính là Phật, Pháp và Tăng. Và lý do mà chúng ta phải quy y Tam Bảo là để giải thoát ta khỏi những đau khổ của luân hồi. ầu tiên chúng ta phải hiểu rằng đức Phật chính là bậc Giác Ngộ đã hoàn toàn được giải phóng khỏi luân hồi. Ngài sở hữu những phẩm tánh tuyệt vời của sự xả ly cùng các phẩm tánh giác ngộ: Ngài đã hoàn toàn được tự do khỏi những che chướng của các cảm xúc ô nhiễm trong tâm và là Bậc Giác Ngộ Toàn Tri Toàn Giác. Do đã hoàn toàn vượt thoát luân hồi nên giờ đây Ngài giải phóng những chúng sinh khác cũng thoát khỏi nỗi đau khổ của luân hồi. Đây chính là lý do tại sao chúng ta quy y Phật. Thứ hai, chúng ta quy y Pháp, cũng chính là những giáo huấn của ức Phật. Chúng ta nói rằng “Con nguyện xin quy y Pháp, siêu vượt mọi bám chấp.” Thứ ba, chúng ta nói “Con nguyện xin quy y tăng đoàn là tập hội tối thắng nhất”. Trên đây là ba cội quy y mà chúng ta gọi là Tam Bảo.
Ta quy y vào Đức Phật toàn hảo, là người sở hữu những phẩm tánh toàn hảo của sự giác ngộ để ta có thể giải phóng khỏi những đau khổ luân hồi. Và chúng ta đạt được giải thoát khỏi luân hồi là nhờ phương pháp Đức Phật đã trao chứ Ngài không giáng trần và nắm tay đưa chúng ta ra khỏi cõi luân hồi này. Đức Phật đã trao cho chúng ta phương pháp để giải thoát khỏi luân hồi và phương pháp đó chính là thánh Pháp. Đây là lý do chúng ta quy y Pháp. Như vậy khi quy y Pháp, chúng ta cũng theo chân Ngài để thực hành phương pháp để đạt đến giác ngộ. Giáo Pháp chính là con đường mà chúng ta đi trên đó để có thể đạt được giác ngộ. Ta gọi con đường đó là giáo pháp dẫn đến Phật quả.
Chúng ta đi trên con đường giáo pháp bằng sự thực hành và cùng đi trên con đường đó với chúng ta là những thành viên trong tăng đoàn. Có đôi khi chúng ta không biết đường đi nên bị lạc lối. Có khi chúng ta gặp phải những chướng ngại, khó khăn nào đó như gặp phải kẻ cướp hoặc thú dữ thì tăng đoàn chính là những người giúp đỡ chúng ta đi qua con đường ấy mà không phải chịu những tổn hại. Tăng đoàn là người giúp đỡ, dìu dắt chúng ta đi trên con đường thực hành giáo pháp. Tăng đoàn là những người bạn đạo, những vị đạo sư của chúng ta. Tăng đoàn là những ai thực hành thiện hạnh, là chư vị Bồ Tát xuất hiện xuyên suốt con đường thực hành giáo pháp của chúng ta. Như thế, đây là cách mà chúng ta hiểu về Phật Pháp và Tam Bảo trân quý.
1.3 Giới Quy Y
Khi quy y thì có những giới nguyện quy y chính và có nhiều giới nguyện quy y nhánh khác nữa. Hầu hết thì các bạn đã nhận được những lời nguyện quy y rồi cho nên thầy sẽ chỉ giải thích ngắn gọn về các giới nguyện quy y hay giới luật quy y.
1.3.1 Giới luật thông thường
- Khi đã quy y Phật thì chúng ta không nên quy y một vị thần hay tinh linh địa phương nào nữa.
- Khi đã quy y pháp thì chúng ta từ bỏ mọi ác hại tới những chúng sinh khác.
- Khi đã quy y tăng thì chúng ta không được theo chân, nghe theo những kẻ có tà kiến.
Lý do chúng ta không quy y thánh thần địa phương nào là vì các vị không thể giải phóng chúng ta khỏi luân hồi được do chính các vị vẫn còn đang tại luân hồi. Chỉ có duy nhất đức Phật mới có thể giải thoát chúng ta khỏi luân hồi do Ngài đã hoàn toàn được giải thoát. Ta có thể nghĩ rằng những vị thần khác như long thần (Naga) hay thánh thần địa phương, yêu ma, tinh linh, hộ pháp địa phương vân vân có thể giúp ta nhanh chóng đạt được sở cầu nhưng họ thật sự không phải là cội quy y của chúng ta, không thể là nơi ta nương tựa do các vị vẫn đang bị ràng buộc bởi phiền não khổ đau. Vì thế trong 37 Pháp Tu Bồ Tát có nói:
Bị trói buộc trong ngục tù của luân hồi sinh tử, làm sao các vị trời phàm tục có thể cứu độ được ta? Bởi vậy có quy y thì hãy quy y nơi Tam Bảo – nơi nương tựa chân thật. Đó là pháp tu Bồ tát.
Đây là ý nghĩa của giới luật quy y thứ nhất. Hôm trước chúng ta có nói rằng hầu hết các vị thần ở trên thế gian này, kể cả những vị thánh hùng mạnh nhất thì họ cũng là những chúng sinh ngạ quỷ sinh lang thang ở giữa các tầng không và bởi vì thuộc cảnh giới ngạ quỷ cho nên chắc chắn họ không thể bảo vệ cho chúng ta được.
Chúng ta đã quy y pháp thì chúng ta phải từ bỏ việc làm tổn hại tới những chúng sinh khác. Chúng sinh ở đây có nghĩa là con người và cả các con vật chúng ta cũng không được tổn hại họ bằng bất cứ giá nào.
Khi chúng ta đã quy y Tăng đoàn thì chúng ta đừng bao giờ dính líu hoặc kết thân với những người có tri kiến sai lầm. Ở đây là nói đến những người mà lúc nào cũng làm điều xấu, hãm hại người khác. Chúng ta nên tránh xa họ vì nếu chơi thân với họ thì dần dần chúng ta sẽ bị ảnh hưởng, chúng ta sẽ đánh mất đi tín tâm của mình, đánh mất đi sự tin sâu nhân quả của mình và bắt đầu làm hại người khác. Đó chính là lý do vì sao chúng ta không nên có mối quan hệ mật thiết với những người như thế.
1.3.2 Ba giới đặc biệt
Khi chúng ta quy y đức Phật thì bất cứ khi nào chúng ta nhìn thấy một biểu tượng của đức Phật như Thangka, tượng, khuôn mặt Phật… thì chúng ta phải xem những vật biểu trưng đó thực sự như một vị Phật.
Khi đã quy y Pháp thì không bao giờ chúng ta được từ bỏ giáo Pháp, chúng ta phải thể hiện sự kính ngưỡng dù chỉ nghe 1 âm tự của kinh điển. Điều này cũng đúng với bất kỳ kinh sách hay nghi quỹ thực hành nào, chúng ta phải thật sự trân quý kinh sách và xem chúng thật như là lời của đức Phật vậy.
Thông thường chúng ta không đặt nhiều sự kính ngưỡng đối với kinh điển. Có một vài đạo hữu không biết thể hiện lòng kính ngưỡng kinh điển. Nhưng bởi vì tất cả chúng ta đều đã quy y Tam Bảo nên thật sự rất quan trọng là ta phải thực sự tôn quý kinh sách. Ví dụ khi nhìn một bức Thangka thì chúng ta rất kính ngưỡng nhưng chúng ta cũng phải có sự trân quý y như vậy đối với kinh sách, với nghi quỹ. Thầy thấy vài lần trong các buổi thực hành có một vài đạo hữu đặt kinh sách, nghi quỹ dưới bàn rồi đặt đồ ăn, đồ cúng tsog, thậm chí điện thoại… lên trên. Không nên đặt để bất kỳ cái gì lên kinh sách cả. Phải tôn quý kinh sách vì chúng ta phải hiểu được rằng con đường đạt đến giải thoát chính là nằm trong những quyển kinh đó. Đức Phật đã nói rằng trong tương lai vào 500 năm cuối thời đại mạt pháp ta sẽ xuất thế dưới hình dạng của kinh điển cho nên chúng ta thật sự phải xem kinh sách là hiện thân của đức Phật. Vì thế, không được để kinh sách ở những nơi thấp, cũng không được để những vật khác đè lên kinh sách (cốc, ly, điện thoại…)
Thầy rất hay nhắc về điều này nhưng các đệ tử cũng rất hay quên nên có khi thầy thấy các đệ tử vẫn bỏ ly cà phê hoặc những vật dụng cá nhân lên trên kinh sách. Chúng ta thật sự không được làm như vậy, phải vô cùng chánh niệm để nhắc nhở bản thân. Chúng ta kính ngưỡng kinh điển và đặt chúng ở những nơi cao chứ không được đặt ở những nơi thấp và tuyệt đối không được đặt bất kỳ các vật dụng nào lên trên kinh sách.
Giới nguyện phi thường thứ 3: khi đã quy y Tăng đoàn con sẽ luôn luôn kính quý Tăng đoàn và xem những vị trong tăng đoàn chính là những vị bồ tát trên thập địa. Nhưng như thế vẫn chưa đủ mà phải xem bất cứ vật gì thuộc về tăng đoàn, dù là những vật rất nhỏ thì chúng ta cũng cần phải kính quý những vật đó. Bất kỳ một đồ vật nào thuộc về tăng đoàn như phẩm cúng dường… tất cả những phẩm vật thuộc về tăng đoàn thì chúng ta đều phải tôn trọng một cách cao nhất. Đây là một thực hành chánh niệm Đó là hành động nhỏ thôi nhưng có một ý nghĩa hết sức quan trọng. Nó liên kết với tri kiến thanh tịnh, chánh niệm và sự sùng mộ của chúng ta đối với Tam Bảo.
1.3.3 Năm giới bổ sung
Và cuối cùng là năm giới luật bổ sung.
- Bất cứ khi nào các bạn ăn hay uống cái gì đó thì đầu tiên hãy dâng cúng lên chư Phật. Đây là chính là sự thực hành cúng dường liên tục, nhanh chóng.
- Khi các bạn gặp chướng ngại ví dụ về bệnh tật trong thân thể hay công việc thì đừng đi tìm thầy bói hay thầy cúng để giải sao, giải hạn gì cả mà hãy tin tưởng vào Tam Bảo.
- Không bao giờ được xa rời Tam Bảo dù phải trả giá bằng chính mạng sống của mình. Ví dụ như có ai đó dụ dỗ bạn bằng cách cho bạn quà cáp thì cũng không bao giờ từ bỏ Tam Bảo.
- Bất cứ nơi chốn nào chúng ta đi thì hãy xem mình đang công phu lễ lạy Tam Bảo, lễ lạy đức Phật hoặc mình đi nhiễu xung quanh đức Phật.
- Lúc nào cũng nhớ nghĩ đến những phẩm tánh tốt đẹp của Tam Bảo, hãy nhớ nghĩ về quy y trong cả ba thời ngày và đêm.
1.4 Lợi lạc của quy y
Trong Bảy Mươi Kệ Quy Y nói về những lợi lạc của việc quy y như sau: nếu như lợi ích của việc quy y là có hình tướng thì tất cả không gian trong vũ trụ này cũng đều quá nhỏ để có thể chứa đựng được vật ấy. Kể cả đại dương bao la nhất cũng không thể chứa đựng được mọi lợi lạc của việc quy y Tam Bảo.
Khi quy y và nương tựa vào Tam Bảo chúng ta được xem là một Phật tử và chính thức bước chân đi trên con đường đạo, còn chúng ta chưa quy y thì chưa phải là một Phật tử. Trong tác phẩm Gongchig Duy Chỉ Một Ý Chỉ Tổ Jigten Sumgon có nói rằng, sự khác nhau giữa Phật tử và người không phải là Phật tử chính là quy y. Khi chúng ta quy y thì chúng ta được xem là những người con của Phật và đi theo chân Phật.
Lại nói, giới nguyện quy y chính là nền tảng của tất cả các giới nguyện. Chúng ta nhận giới nguyện Nyungne hay Nyingne, giới nguyện Bồ Đề, giới Tỳ Kheo hay Tỳ Kheo Ni… thì giới nguyện quy y chính là nền tảng để trưởng dưỡng những giới nguyện khác. Nếu chúng ta không có giới nguyện quy y thì chúng ta không thể nhận lãnh những giới nguyện khác được.
Tổ Atisa cũng nói về 8 lợi lạc của việc Quy y như sau: Khi quy y thì tất cả mọi nghiệp chướng, che chướng của con đều được tịnh hóa. Con sẽ không bị làm hại bởi loài người hay loài phi nhân. Con sẽ hoàn thiện được những thiện hạnh vĩ đại, tích lũy công đức rộng lớn vô biên. Con cũng sẽ viên thành tất cả những điều con mong muốn. Khi con chết đi, con sẽ không bị rơi vào 3 cõi thấp và cuối cùng con sẽ nhanh chóng đạt được quả vị giác ngộ.
Phần 2: Hướng Dẫn Thực Hành
Một khi đã thọ giới quy y nương tựa vào Tam Bảo thì điều tiếp theo chúng ta phải bắt đầu thực hành. Việc thực hành quy y sẽ bắt đầu bằng việc quán tưởng cây quy y.
2.1 Quán sinh khởi
Nghi quỹ Ngondro trang 21 & 22:
Trong không gian phía trước, Đạo sư xuất hiện trong hình tướng Phật Kim Cang Trì – đấng chiến thắng hiện hữu khắp các Bộ Phật. Ngài an tọa trên đài sen và trăng, ở trên một chiếc ngai quý đặt chính giữa cây như ý vươn lên từ mặt hồ. Xung quanh là một đại dương thánh chúng các vị Đạo sư Kagyu. Phía trước Ngài là đấng Thế tôn Chakrasamvara cùng với tập hội Bổn tôn thuộc bốn hay sáu bộ mật điển. Phía bên phải Ngài là chư Phật của ba thời, đầy đủ các tướng chính và phụ, cùng với hàng ngàn vị Phật của Hiền kiếp này. Phía sau Ngài là Bát Nhã Ba La Mật Đa – đại mẫu – và các luận giảng Kinh điển, Mật điển, từ đó các âm thanh giáo pháp phát ra vang lừng một cách tự nhiên. Phía bên trái của Ngài là các vị bồ tát Hộ pháp của tam [Phật] Bộ, bao quanh là tập hội tăng đoàn cao quý của tam Thừa. Vòng xung quanh tất thảy là biển lớn tập hội các vị Hộ pháp thệ nguyện, tụ hội như những đám mây cuồn cuộn trong bầu trời.
Để bắt đầu, hãy quán tưởng không gian xung quanh chúng ta là một không gian vô cùng thanh tịnh như cõi tịnh độ Phật điền. Trước mặt hành giả là một đại dương rộng lớn, nước trong đại dương ấy mang những phẩm tánh tuyệt hảo. Chỗ hành giả đang ngồi giống như phần cát ôm lấy bờ biển, đây không phải cát hay đất bình thường mà trên đất ấy phủ đầy hoa, với những đồng cỏ xanh mướt và những cội cây. Nơi này chỉ có những chúng sinh với giọng nói và dung mạo tuyệt vời vân vân, hãy quán tưởng như thế.
Từ xa xuất hiện một cây như ý to lớn, vĩ đại nhô lên từ mặt đại dương. Cây như ý này có 4 nhánh và 1 nhánh trung tâm. Trên mỗi cành đều ngập tràn cây lá sum suê.
Nhánh chính (cũng chính là thân cây) là trục cao nhất, 4 nhánh 4 phía thì hơi thấp hơn một chút. Trên nhánh cây cao nhất là một ngai tòa bao quanh bởi 8 con sư tử. Trên ngai tòa là một đài sen, trên có đĩa mặt trời và mặt trăng. An tọa trên đĩa mặt trời và mặt trăng là vị đạo sư an bình và vô cùng từ ái của chúng ta. Ngài là Đạo sư gốc, người đã chỉ cho ta con đường thực hành giáo Pháp, chỉ cho chúng ta điều gì nên làm, điều gì không nên làm. Như vậy đạo sư gốc của bạn là ai thì bạn quán tưởng vị đó và khởi lên lòng sùng mộ vĩ đại đến Ngài. Đạo sư gốc hóa hiện trong hình tướng Phật Kim Cang Trì.
Vị Đạo sư gốc hóa hiện trong hình tướng Phật Kim Cang Trì toàn thân xanh thẫm. Ngài có một mặt, mang vẻ an bình và mỉm cười từ ái. Hai chân bắt chéo trong tư thế kiết già, trên tay Ngài cầm chuông và chày kim cang.
Đức Phật Kim Cang Trì hóa hiện dưới hình tướng của Báo Thân với 13 bảo trang của Báo Thân điểm tô thân tướng:
- Năm phục sức lụa quý gồm: mũ miện cẩn lụa quý, khăn choàng lụa quý, thượng y lụa, đai lụa và hạ y lụa.
- Tám món trang sức quý gồm: mũ miện cẩn đá quý, hoa tai ngọc quý, vòng cổ ngắn, vòng cổ dài, vòng đeo tay, vòng đeo cổ tay, vòng chân ngọc quý và thắt lưng khảm đá quý.
Ngài về tinh tuý là Đạo sư gốc của chúng ta. Như vậy ở thân cây chính giữa là đức Kim Cang Trì. Ở phía trên Ngài chính là chư vị đạo sư của dòng truyền thừa Drikung Kagyu, vị này an toạ phía trên vị kia, tiếp nối cho đến Đức Kim Cang Trì ở vị trí cuối cùng. Theo như bài Khấn Nguyện Chư Đạo Đư Dòng Truyền Thừa, chúng ta bắt đầu từ Đức Kim Cang Trì, Đức Tilopa, Đức Naropa, Đức Marpa, Đức Milarepa, Đức Gampopa, Đức Phagmodrugpa, Đức Jigten Sumgon tiếp tục đến Nhị vị thủ ngôi đời 36 và 37 hiện tại cho đến Đạo sư gốc của ta.
Trong truyền thống Drikung Kagyu chúng ta có 3 nhánh truyền thừa được thể hiện trong cây quy y này.
- Đầu tiên là dòng truyền thừa Thực Hành Gia Trì cũng chính là dòng truyền Kim Cang Thừa – Mật Chú truyền từ Đức Tilopa, Naropa…được thể hiện trên nhánh cây chính giữa.
- Ở nhánh cây bên phải [của Thầy trong video – ngược hướng với người xem] là dòng truyền thừa Tri Kiến Thâm Sâu, cũng chính là dòng Đại Thừa theo truyền thống Kinh thừa, khởi nguồn từ Đức Phật Thích Ca Mâu Ni truyền xuống cho Đức Văn Thù, Đức Long Thọ, Đức Atisa vân vân… được biểu trưng qua một vài hình ảnh các vị Đạo sư.
- Ở phía bên tay trái là dòng truyền thừa Công Hạnh Bao La, cũng chính là dòng Đại Thừa – Kinh Thừa của Chư Bồ Tát. Cũng khởi nguồn từ Đức Phật tới đức Phật Di Lặc rồi tới Tổ Asanga vân vân.
Như vậy trong truyền thống Kagyu chúng ta có 3 dòng truyền, 1 của Mật thừa và 2 của Kinh thừa. Đây chính là điểm đặc biệt của truyền thừa Drikung Kagyu được thể hiện qua cây quy y. Hãy quán tưởng tất cả chư Đạo sư của dòng truyền thừa vân tập xung quanh vị Đạo sư gốc. Chúng ta có thể quán tưởng bất cứ vị đạo sư nào của dòng truyền thừa Drikung mà chúng ta quen biết hoặc nhận quán đảnh, nhận giáo huấn… Hãy quán tưởng các vị trùng trùng điệp điệp vây quanh không gian chính giữa.
Lại nói, trong dòng truyền thừa Thực Hành Gia Trì thì có 2 nhánh truyền thừa. Nhánh truyền thừa dài và nhánh truyền thừa ngắn. Nhánh truyền thừa ngắn thì khởi nguồn trực tiếp từ Đức Kim Cang Trì tới đức Tilopa, còn nhánh truyền thừa dài là bởi Đức Tilopa nhận được giáo huấn từ nhiều vị đạo sư khác nữa. Tuy nhiên, thông thường dòng truyền thừa mà chúng ta nhắc tới chính là nhánh trực tiếp đến từ Đức Phật Kim Cang Trì. Ở đây Thầy có một cuốn sách được biên soạn bởi Bậc Thủ Ngôi – Sư Tổ Chetsang Rinpoche, chúng ta có thể tìm đọc để chiêm ngưỡng tôn ảnh của các vị Đạo sư.
Tiếp theo chúng ta quán tưởng nhánh cây phía trước. Trên nhánh cây là ngai toà sư tử, trên có đài sen, đĩa mặt trời và mặt trăng. Bên trên ngai toà là Bổn tôn chính của truyền thừa Kagyu, Đức Chakrasamvara. Tuy nhiên ở phần này chúng ta có thể quán tưởng tại vị trí này bất cứ vị Bổn tôn nào trong bốn cấp độ Mật Thừa, bất kỳ vị bổn tôn nào chúng ta đang thực hành, ví như Đức Độ Mẫu Tara hoặc Đức Quán Thế Âm Chenrezig. Thật ra tất cả các vị Bổn tôn đều thuộc về một trong bốn cấp độ Mật Thừa.
Tiếp theo quán tưởng nhánh cây bên phải [của cây quy y]. Trên nhánh cây bên tay phải là những con sư tử, trên sư tử là những ngai tòa trên có đĩa mặt trăng và mặt trời. An toạ trên đĩa mặt trăng và mặt trời là đức Phật Thích Ca Mâu Ni, vị Phật của hiền kiếp này. Vòng xung quanh Ngài là tập hội thánh chúng chư Phật của hiền kiếp này.
Nhánh cây phía sau là tuyển tập tất cả kinh điển của Đức Phật. Thầy đang cho chúng ta xem xếp kinh điển thành chồng như thế nào ở trên kệ. Nhãn của từng cuộn kinh được xếp chồng lên nhau và hướng mặt về phía chúng ta. Tất cả các cuộn kinh đều tỏa ra âm thanh vi diệu của các chủng tự, nguyên âm và phụ âm Phạn Ngữ. Thầy đang làm mẫu cho chúng ta thấy vài quyển thôi chứ thực sự là hàng trăm, hàng ngàn cuộn kinh được quấn ở trong những dải gấm quý. Ngay nơi tâm điểm của núi Kinh điển này chính là Bát Nhã Ba La Mật Đa Đại Mẫu. Mỗi cuộn kinh sẽ có một nhãn tên, khi các cuộn kinh xếp chồng lên nhau thì các nhãn này hướng về phía chúng ta. Nhãn này được dùng để viết tựa đề của các cuốn kinh cho nên các bạn không thể để kinh sách nằm ngang được mà phải để dọc thì mới nhìn thấy tựa đề của cuộn Kinh được.
Sau đó chúng ta quán tưởng tiếp nhánh cây ở bên trái [của cây quy y] là vô vàn chư Bồ Tát. Có 8 vị Đại Bồ Tát như đức Văn Thù, Quán Thế Âm, Kim Cang Thủ… cùng những vị Bồ Tát trên thập địa và các vị Thanh Văn và Độc Giác là hiện thân của tăng đoàn của cả ba thừa.
Ở phía dưới, vòng xung quanh là chư vị Hộ Pháp như Hộ Pháp Mahakala Tứ Thủ, Hộ Pháp Achi và rất nhiều các vị Hộ pháp trí tuệ khác nhằm bạt trừ những chướng ngại trên con đường tu tập của chúng ta. Đây là cách các bạn quán tưởng cây quy y.
Hãy quán tưởng cây quy y xuất hiện ở phía trước bạn. Nếu các bạn không quán tưởng được toàn bộ chi tiết một cách rõ ràng thì các bạn phải có tỉnh giác, phải có niềm tin rằng thực sự các Ngài đang ở đây, các vị Đạo sư, Bổn tôn, các vị Hộ pháp. Thật là tuyệt vời nếu chúng ta có thể quán tưởng từng vị một cách rõ ràng như hướng dẫn, nếu không thì chúng ta phải thực sự tin tưởng là các Ngài đang hiện hữu trong không gian phía trước. Đối trước chư vị, chúng ta hãy quy y, lễ lạy.
Khi chúng ta đã quán tưởng được cây quy y như thế, chúng ta sẽ trì tụng lời nguyện quy y để phát nguyện quy y nơi Phật, Pháp, Tăng. Đây chính là ba cội quy y bên ngoài. Trong truyền thống Kim Cang Thừa, chúng ta còn có ba cội quy y bên trong, chính là Đạo sư (Lama), Bổn tôn (Yidam) và Thánh nữ (Daikini). Chúng ta nói rằng gốc rễ của tất cả mọi gia lực là từ Đạo sư, gốc rễ của mọi thành tựu là từ Bổn tôn và gốc rễ của mọi công hạnh giác ngộ chính là từ chư Thánh nữ – chư vị Hộ Pháp. Theo truyền thống Đại thừa thì chúng ta quy y tam bảo là Phật, Pháp, Tăng và theo truyền thống Kim Cang Thừa chúng ta cũng đồng thời quy y tam căn là Đạo Sư (Lama), Bổn Tôn (Yidam) và Thánh nữ (Dakini).
Ở đây khi chúng ta trì tụng câu kệ [tích luỹ] thì chúng ta không chỉ nói những lời chót lưỡi đầu môi thôi mà chúng ta phải thực sự phải khởi lên được lòng sùng mộ sâu sắc với Tam Bảo. Về thực hành quy y thì bình thường chúng ta sẽ trì tụng và lễ lạy 100 nghìn lần, một lần tụng đọc là một cái lễ lạy. Lời nguyện nằm ở nghi quỹ trang 22:
Namo! [từ nay] cho đến khi đạt được giác ngộ, con xin quy y nơi Bản thể [Không] – chính là Pháp Thân, nơi Đạo sư và chư Phật; con xin quy y nơi Tánh [chiếu soi] – chính là Báo Thân, nơi Bổn tôn và Giáo pháp; con xin quy y nơi lòng Đại bi [trùm khắp] – chính là Hóa Thân, nơi chư Thánh nữ và Tăng đoàn.
Đây chính là câu mà chúng ta phải tích lũy 100 nghìn lần cùng với lễ lạy. Nếu các bạn có thể tụng đọc một cách rõ ràng, rành mạch thì rất tốt. Các bạn nên trì tụng rõ ràng và đọc to miễn là không ảnh hưởng tới những người xung quanh. Lý do tại sao chúng ta phải làm vậy là do chúng ta phải hòa nhập tâm ta với Tam Bảo, để chúng ta có thể tiếp cận, tiếp nối và lại gần hơn với Tam Bảo. Như thế thì sẽ là không đủ nếu chúng ta chỉ đọc không thôi vì có thể miệng chúng ta trì tụng nhưng tâm của chúng ta lại rong ruổi. Như vậy tâm của chúng ta không kết nối được với Tam Bảo. Ở phần này, khi các bạn thực hành lễ lạy thì thật sự tâm phải an trụ với thực hành. Đó chính là cách thức các bạn kết nối tâm với Tam Bảo.
Khi chúng ta thực hành như vậy thì kết quả là chúng ta sẽ trưởng dưỡng được hoàn toàn, đặt 100% niềm tin vào Tam Bảo và sẽ không có mầm mống của sự hoài nghi ở trong ta. Chúng ta chỉ có lòng tin xác tín vào Tam Bảo mà thôi. Lúc đó chúng ta thực sự có một lòng tin rằng Tam Bảo chính là nơi mà chúng ta quy y, nương tựa và không còn một nơi chốn nào nữa để ta nương náu câỵ nhờ. Lúc đó, bạn sẽ là một bình chứa thích hợp cho giáo Pháp. Ở đây, mục đích là để ta khởi phát được niềm tin hoàn toàn vào Tam Bảo. Cũng giống như là chúng ta có một người bạn thân mà chúng ta hoàn toàn tin tưởng vì bạn biết rằng người ấy là một người tốt và bạn hoàn toàn có thể tin cậy được. Bởi vì như thế nên chúng ta khởi phát được sự tín tâm. Cũng như thế khi chúng ta thực hành lễ lạy, chúng ta sẽ trưởng dưỡng được niềm tin vào Tam Bảo.
Khi lễ lạy chúng ta cần tích luỹ 100 nghìn lần lễ lạy dài. Có 2 hình thức là lạy dài và lạy ngắn. Lễ lạy ngắn được thực hiện khi chúng ta đi chùa, khi đảnh lễ các vị Lama ở tu viện. Chúng ta quỳ xuống, chạm hai tay và trán xuống đất chứ không chạm hết thân thể xuống đất [Lễ lạy năm vóc sát đất]. Lễ lạy dài thì chúng ta phải nằm thẳng người về phía trước, toàn thân chạm đất. Đây là cách lễ lạy khi thực hành Ngondro.
Rinpoche thị phạm thực hành lễ lạy tụng chú.
Khi bạn chắp hai tay vào nhau thì các đầu ngón tay không chạm vào nhau hoàn toàn mà hơi hở ra như nụ một bông hoa sen hơi hé nở. Hai tay không chạm phẳng lì vào nhau mà hơi khum khum lại. Đầu tiên bạn để 2 tay trên đỉnh đầu, không nghiêng ngả mà phải thật sự để thẳng trên đỉnh đầu, vị trí thứ 2 là ở dưới họng và vị trí thứ 3 là ở tim. Sau đó các bạn quỳ xuống và duỗi thẳng người tới phía trước theo nghi thức lễ lạy dài.
Khi các bạn lễ lạy, chúng ta phải lễ lạy với tất cả thân khẩu ý chí thành. Chúng ta thực hành với toàn bộ thân khẩu ý với ý nghĩa như sau: khi lạy dài thì thân chúng ta lạy xuống, miệng trì tụng câu chú quy y và tâm trưởng dưỡng lòng sùng mộ và tín tâm. Đó là cách ta hợp nhất cả thân khẩu ý trong cùng một thực hành.
Khi các bạn chạm tay trên đỉnh đầu, hãy nghĩ rằng giờ đây ta đã tịnh trừ được mọi nghiệp chướng về thân ví như sát sinh, trộm cắp… khi chạm vào họng thì nghĩ rằng ta đã tịnh trừ được nghiệp chướng thuộc về khẩu như nói dối, nói lời hung ác, tầm phào… khi chúng ta chạm vào tay vào ngực thì chúng ta nghĩ rằng đã tịnh trừ được nghiệp chướng thuộc về tâm ví dụ như tà kiến, tư tưởng xấu ác, tham lam.
Khi các bạn nằm xuống trong nghi thức lạy dài thì 5 bộ phận của cơ thể phải chạm đất: trán, hai cánh tay và hai chân. Điều này tượng trưng cho 5 cảm xúc ô nhiễm tham, sân, si, mạn nghi và ác kiến. Các bạn hãy quán tưởng rằng khi 5 bộ phận cơ thể chạm xuống đất thì tất cả các cảm xúc ô nhiễm đều được tịnh trừ. Khi các bạn đứng lên thì hãy nghĩ rằng giờ đây các bạn đã nhận được năng lượng gia trì từ thân, khẩu, ý, công hạnh giác ngộ của chư Phật.
Hãy quán tưởng rằng không phải chỉ có một mình bạn thực hành mà còn có rất nhiều những người khác: đó chính là kẻ thù, bạn bè, chúng sinh trong sáu cõi luân hồi đều đang đứng xung quanh bạn và cùng thực hành lễ lạy. Nói chung, tất cả mọi người đều được thực hành cùng với nhau như đang ở trong một quảng trường rộng lớn hoặc một cái chợ lớn. Tất cả chúng sinh cùng nhau lễ lạy với thân, tụng niệm lời quy y với khẩu và khởi lên lòng tin mạnh mẽ trong tâm.
Khi mà các bạn thực hành lễ lạy thì chúng ta chỉ tập trung vào việc đó thôi chứ không vừa lễ lạy vừa nói chuyện với người khác hay là vừa lạy mà lại vừa nhìn ngó người này người kia xem người khác đang làm gì. Chúng ta không nên làm như thế.
Sau khi chúng ta đã hợp nhất thân khẩu ý trong cùng 1 lạy thì chúng ta trì chú lời cầu nguyện quy y. Chúng ta nên lễ lạy càng nhiều càng tốt trong ngày và ghi lại những lễ lạy chúng ta thực hiện trong ngày cho tới khi chúng ta tích lũy được đủ 100 nghìn lễ lạy.
Nếu các bạn có thể thuộc lòng được câu nguyện quy y thì càng tốt để các bạn đi tới đâu cũng có thể thực hành. Hoặc là khi các bạn gặp chuyện sợ hãi, thất kinh thì các bạn luôn nhớ nghĩ về Tam Bảo và trì tụng câu quy y này ngay lập tức.
Tổ Atisa đã nói rằng khi con quy y thì không có bất kỳ một tinh linh nào có thể hãm hại con được. Vì vậy, khi các bạn quy y thì rất lợi lạc. Chỉ cần tụng đọc lời nguyện quy y cũng đã rất lợi lạc rồi. Nếu các bạn thuộc lòng thì có thể tụng và lạy cùng lúc chứ không cần phải nhìn vào nghi quỹ.
2.2 Quán Hoà Tan
Vào cuối thời thực hành, chúng ta đọc câu cuối của trang 23:
Xin hãy ban gia lực để tâm con và tâm mọi chúng sinh – vô lượng như hư không – hướng theo giáo pháp. Xin hãy ban gia lực để giáo pháp dẫn vào con đường tu. Xin hãy ban gia lực để đường tu xua tan mê lầm. Xin hãy ban gia lực để mê lầm chuyển hóa thành trí tuệ.
Khi trì tụng xong câu này thì chúng ta quán hòa tan. Khởi sự bằng cách quán tưởng hòa tan cây quy y. Bắt đầu từ phía trước của cây quy y rồi từ bên trái sang bên phải rồi vào đến chính giữa. Quán tưởng tất cả các vị đạo sư tan nhập vào vị đạo sư gốc đang trong hình tướng Đức Kim Cang Trì và hóa hiện thành ánh sáng và tan nhập vào chúng ta. Giống như nước hòa với nước, sữa hòa với sữa. Như vậy chúng ta và ngài hòa làm một. Thiền định trong trạng thái đó trong chốc lát và cuối cùng thì chúng ta kết thúc thời thực hành ở đây.
Phần 3: Hỏi và Đáp
1. Nếu như con đã hoàn thành túc số 100 nghìn lễ lạy nhưng con vẫn chưa quán tưởng được cây quy y thì con có cần phải lễ lạy lại nữa không? Con có thể vừa thực hành lễ lạy và vừa thực hành Kim Cang Tát Đỏa cùng một lúc không?
Nếu như sự quán tưởng chưa rõ ràng thì có nghĩa là bạn có che chướng sâu dày, các bạn có thể thực hành thêm lần nữa.
Còn về thực hành kết hợp lễ lạy và Kim Cang Tát Đoả thì các bạn hoàn toàn có thể thực hành 2 phần này với nhau. Có thể là buổi sáng các bạn thực hành lễ lạy, buổi chiều thực hành Kim Cang Tát Đoả. Hoặc có thể thực hành 2 phần này trong cùng 1 buổi thực hành.
2. Khi con thực hành quán tưởng thì con có rất nhiều các tư tưởng phiền não quấy nhiễu. Mặc dù con đã hết sức cố gắng để tập trung vào lễ lạy, quán tưởng và trì tụng minh chú nhưng các cảm xúc tiêu cực này cứ tiếp tục quấy nhiễu con. Vậy con có nên tiếp tục thực hành như là một hình thức tịnh hóa nghiệp chướng và cúng dường cảm xúc ô nhiễm đó lên Tam Bảo không?
Chúng ta không nên dừng lại khi có những tư tưởng phiền não vì sự thực là chúng ta không bao giờ có thể chấm dứt được tư tưởng phiền não đó. Có một điểm tốt là bạn ý thức được rằng mình đang có tư tưởng phiền não này và như chúng ta đã biết những phiền não này là nhân của tất cả đau khổ trong các cõi thấp. Ví dụ, lúc trước có câu hỏi như sau: nếu bị tái sinh vào các cõi thấp thì chúng ta phải làm sao? Khi nghĩ được như vậy thì chúng ta có thể quán chiếu về vô thường và sự đau khổ của luân hồi. Khi những cảm xúc tiêu cực khởi phát thì các bạn quán chiếu về những tư tưởng ấy và cả sự sợ hãi về những cảm xúc tiêu cực đó. Các bạn có thể khấn nguyện Đạo sư gốc của mình trong tâm và khởi lên lòng sùng mộ đạo sư. Nói chung có rất nhiều cách thức để loại trừ cảm xúc phiền não. Nhận thức được những cảm xúc phiền não khi chúng đang khởi phát và những tác hại của chúng là điều rất tốt.
Lý do để chúng ta thực hành là vì chúng ta còn có rất nhiều cảm xúc tiêu cực. Nếu đã hoàn toàn dứt bặt được cảm xúc tiêu cực thì chúng ta còn thực hành làm gì nữa đây. Vì vậy, việc có cảm xúc tiêu cực không phải là lý do để chúng ta dừng việc thực hành. Ngược lại, ta càng phải thực hành nhiều hơn mới đúng. Ai cũng có những cảm xúc này và khi cảm xúc càng khởi lên thì chúng ta càng phải thực hành nhiều hơn nữa. Cũng giống như khi các bạn học tiếng anh hoặc ngoài ngữ khác. Khi các bạn thấy khó thì các bạn lại càng phải học chăm chỉ hơn chứ nếu nghĩ rằng ôi khó quá và không học nữa thì không bao giờ các bạn có thể học giỏi được ngoại ngữ đó cả. Ngược lại nếu các bạn cứ thực hành thì một ngày kia, các bạn có thể sử dụng được thành thạo ngoại ngữ đó. Cũng như vậy đối với việc thực hành pháp, lúc đầu các bạn sẽ gặp phải rất nhiều khó khăn nhưng đừng nản chí mà cứ tiếp tục thực hành. Không dễ dàng để tích lũy được 100 nghìn lạy, chúng ta không thể làm được trong 1 ngày, 1 tháng… đó là lý do vì sao chúng ta phải tích lũy từ từ. Lúc đầu chúng ta phát nguyện lạy 10 lạy rồi từ từ chúng ta sẽ tăng dần lên và cứ từ từ chúng ta tăng dần lên cho đến khi tích lũy đủ 100 nghìn lạy. Đó chính là cách thức đúng đắn để chúng ta hoàn tất phần thực hành này. Đó là cách mà chúng ta tích lũy bất cứ một thiện hạnh nào, dù lớn hay nhỏ thì chúng ta cũng sẽ tích lũy như vậy. Những cảm xúc ô nhiễm khởi lên thì cũng thế, cùng với sự thực hành, mỗi ngày chúng ta sẽ giảm dần giảm dần các cảm xúc này rồi một ngày chúng ta sẽ diệt trừ được chúng.