Phần 1: Giáo Lý
Chào các đạo hữu, thầy rất hoan hỷ được gặp lại các đạo hữu ngày hôm nay. Thầy gửi lời chào cát tường tới tất cả các bạn.
Khi lắng nghe giáo pháp, xin hãy lắng nghe với tâm nguyện bồ đề. Như thầy đã giảng ở những buổi trước, chúng ta phải tránh mắc phải lỗi lầm của 3 cái bình. Ba lỗi lầm đó là:
- [Lắng nghe như chiếc bình lật úp] Phân tâm: chúng ta không được phân tâm, hãy lắng nghe giáo pháp thật chăm chú.
- [Lắng nghe như chiếc bình thủng lỗ] Nghe mà không nhớ được gì: phải nghiêm túc lưu trữ những kiến thức này. Đức Phật đã từng nói hãy lắng nghe giáo pháp thật rõ ràng và ghi nhớ những lời này trong tâm.
- [Lắng nghe như chiếc bình có độc] Nghe Pháp với động cơ sai lầm.
Bây giờ chúng ta quay lại với Pháp tu tiên yếu của Đại thủ ấn năm nhánh. Trong pháp tu tiên yếu có 3 phần: phần thông thường, phần phi thường và phần đặc biệt. Phần thông thường có đề cập đến 4 niệm chuyển tâm và chúng ta đã nói về điều thứ nhất, thứ hai và thứ ba và trong đó nói về sự đau khổ của cõi luân hồi này. Giờ đây ta đã có được thân người trân quý và thân người này hoàn toàn có thể bị tan rã, vô thường tới và chúng ta sẽ chết đi. Khi chúng ta qua đời thì đó cũng là cái quả của các nhân chúng ta tạo ra trong quá khứ. Chúng ta có thể hỏi là liệu tương lai có thật hay không? Ta nghĩ rằng cõi đời này ta hạnh phúc như vậy là đủ rồi và không cần phải nghĩ đến tương lai làm gì nhưng thực ra điều đó không đúng. Giờ đây chúng ta đã có được thân người trân quý rồi, chúng ta phải làm sao cho nó có ý nghĩa. Khi chúng ta chết đi thì chúng ta sẽ theo nghiệp lực của mình và tiếp tục bị trôi lăn trong sinh tử luân hồi. Như vậy khi chết đi không đơn giản là chúng ta biến mất khỏi cõi đời này mà còn có đời quá khứ và có đời tương lai nữa. Mặc dù trong đời này có thể bạn có được hạnh phúc nhưng nếu bạn hỏi rằng liệu có kiếp sau không thì câu hỏi đó là không đúng. Một cách chắc chắn là kiếp sau có tồn tại, giáo Pháp đã nói rằng có kiếp này, kiếp trước và kiếp sau và khi chúng ta chết đi thì tâm thức của chúng ta sẽ đi tiếp vào kiếp sau. Nghĩ rằng thân ta giống như ngọn đèn, khi ngọn đèn này đã cạn dầu thì nó sẽ tắt đi và hoàn toàn biến mất đó là nhận thức hoàn toàn duy vật. Người Phật tử chúng ta không nên có những suy nghĩ là không có những kiếp vị lai vì thực sự là có kiếp vị lai. Chúng ta có thể nghĩ rằng khi chúng ta vẽ một bức tranh lên tường và khi bức tường sụp đổ thì bức tranh cũng sụp đổ theo và như vậy, không có bức tường thì cũng không có bức tranh. Tương tự như vậy, người ta nghĩ rằng khi mà cái thân này chết đi thì cái tâm này cũng không tồn tại tuy nhiên điều này là không đúng. Kiếp tương lai là chắc chắn.
Ai là người biết về đời tương lai, đời quá khứ? Đức Phật đã dạy rằng có rất nhiều vị thánh Sư, những người đã tuân theo giáo pháp của ngài. Nếu như chúng ta quán xét về tâm của mình thôi thì chúng ta sẽ thấy được một chuỗi tương tục các tập khí ở trong tâm. Ví dụ có những đứa trẻ có khả năng nhớ về các kiếp trước của nó như thế nào từ khi nó còn nhỏ. Hay như có những đứa trẻ không phải là Phật tử nhưng vẫn có khả năng nhớ được cuộc sống đời trước ở đâu, cha mẹ đời trước của nó là ai, tên của nó và cha mẹ đời trước là gì vân vân. Thực sự có rất nhiều đứa trẻ nhớ được như vậy và đây đều là những câu chuyện có thật. Cho nên có những đứa trẻ có thể nhớ được là mình đã sinh ra trong một gia đình như thế nào, và khi có người kiểm tra để chứng thực lời nói của những đứa bé đó thì họ thấy thực sự là đúng. Đã có những gia đình như vậy ở vị trí đó, và biết chính xác là những đứa bé đó đã bị chết như thế nào. Khi kiểm chứng bằng cách hỏi những người trong làng thì thấy rõ ràng những điều đó là sự thực. Có nhiều trường hợp xảy ra rơi vào những gia đình không phải là Phật tử. Ở Tây Tạng thì có rất nhiều vị tái sinh được gọi là Tulku họ có khả năng nhớ lại những đời trước của mình. Có nhiều đứa trẻ có thể nhớ những đời kiếp trước của mình như thế nào một cách rất rõ ràng.
Như vậy khi chúng ta chết đi thì chúng ta từ bỏ cuộc đời này và sẽ theo nghiệp lực của chúng ta mà lấy một thân thể khác trong sáu cõi luân hồi. Dù là chúng ta tới cõi nào thì cũng chỉ toàn là đau khổ. Bản chất của luân hồi là đau khổ nên chúng ta đừng nghĩ rằng cuộc đời này là quan trọng còn cuộc đời sau thì chẳng quan trọng gì cả. Bởi vì, cũng như cuộc đời này, thân thể của chúng ta rất quý giá, và khi chúng ta chuyển qua cuộc đời kế tiếp thì cái thân thể này của chúng ta cũng rất quý giá đối với ta. Ví dụ đời này chúng ta xem chúng ta có một cơ thể khỏe mạnh, một cơ ngơi, một doanh nghiệp to lớn là quan trọng thì cũng tương tự như vậy, kiếp sau của chúng ta cũng có những mối quan tâm như thế.
Như vậy trong đời này thì chúng ta cũng sẽ phải trải qua rất nhiều đau khổ và cái lý do phải đau khổ là vì chúng ta có nghiệp chướng. Chúng ta tái sinh với thân người là do chúng ta có nghiệp chướng và vì vậy nên chúng ta trải nghiệm cả đau khổ và hạnh phúc nhưng về mặt rốt ráo, chúng ta tái sinh vào cuộc đời này hay ở bất cứ đâu thì cũng chỉ là đau khổ vì bản chất của luân hồi là đau khổ. Khi chúng ta nói về 6 cõi luân hồi thì chúng ta nói về 3 cõi thấp và 3 cõi cao. Dù cho chúng ta có tái sinh vào đâu đi chăng nữa thì chỉ có đau khổ mà thôi.
Bây giờ, chúng ta sẽ nói về sự đau khổ của cả 6 cõi trong luân hồi.
I. Cõi Địa Ngục
Trong sáu cõi luân hồi thì đầu tiên là 3 cõi thấp, cõi thấp đầu tiên là cõi địa ngục. Trong địa ngục thì chia ra làm 18 tầng địa ngục khác nhau. Trong 18 tầng địa ngục thì có 8 địa ngục nóng, 8 địa ngục lạnh, (4)địa ngục cận biên và (2) địa ngục cô độc.
- Đầu tiên ở tầng địa ngục thứ nhất: Địa ngục chết đi sống lại. Các chúng sinh tái sinh lại ở tầng địa ngục này thì một cách tự nhiên họ sẽ nảy sinh lòng thù hận, căm ghét lẫn nhau. Bởi vì nghiệp lực nên họ trải qua nhiều mê lầm, rồi rắm. Họ nhìn thấy nhau và tự nhiên nổi cơn sân hận và chém giết nhau bằng vũ khí cho đến khi họ chết đi. Cứ như thế khi họ chết đi thì có một giọng nói ra lệnh cho họ hãy sống lại và như vậy các chúng sinh ở trong địa ngục lại sống lại một lần nữa và lại tiếp tục chém giết nhau. Cho nên các chúng sinh ở địa ngục này được gọi là địa ngục [chết đi] sống lại. Cứ như vậy, các chúng sinh cứ chết đi sống lại, sân hận và chém giết nhau và cứ liên tục như thế trong nỗi đau khổ không bao giờ chấm dứt.
- Địa ngục thứ 2 gọi là địa ngục 1 lằn đen. Ở mỗi tầng địa ngục, các chúng sinh phải hứng chịu những hình phạt khác nhau theo những tội lỗi họ đã phạm phải. Giống như kẻ phạm tội phải chịu những hình phạt theo tội trạng của mình thì những chúng sinh ở những cõi địa ngục khác nhau sẽ chịu những hình phạt khác nhau. Ở trong cõi địa ngục 1 lằn đen thì thân thể của họ sẽ có 1 vạch đen đánh dấu. Họ bị chặt đứt người ở chỗ vạch đen đánh dấu này bằng cái rìu nóng, giống như con dao nóng mà chặt tờ giấy vậy. Khi mà chúng ta nói về cõi địa ngục thì nó có rất nhiều nỗi đau khổ. Có những cuốn sách đã miêu tả chi tiết từng địa ngục sẽ phải chịu những đau khổ nào. Chúng ta hãy tưởng tượng mình dùng cưa máy mà cắt một khối gỗ thì các chúng sinh ở cõi địa ngục một vạch đen này cũng bị cắt giống như vậy. Ngay khi bị cắt đôi như vậy thì thân thể họ lại liền lạc lại và họ lại bị cắt nữa. Như vậy hãy tưởng tượng họ phải chịu đau khổ như thế nào. Nếu chúng ta chỉ bị vết thương nhỏ ở tay thì chúng ta cũng đã đau đớn lắm rồi còn những chúng sinh ở cõi này thì cứ liên tục bị cắt ra thành nhiều mảnh như vậy thì họ phải chịu sự thống khổ lớn đến nhường nào.
- Địa ngục thứ 3 là địa ngục nghiền nát. Các chúng sinh ở địa ngục này bị nghiền nát bởi những vật dụng khác nhau như những thanh sắt, những ngọn núi hoặc những ma vương đến và cầm những thanh sắt nung đỏ, những chúng sinh địa ngục sẽ bị dồn lại ở giữa và nghiền bằng những chùy sắt nung đỏ như vậy. Sau khi nghiền nát, họ sẽ lại tái sinh và lại tiếp tục bị nghiền nát như vậy. Đây là nghiệp quả của sự giết chóc, sát sinh trong đời trước cho nên giờ đây thân thể của họ bị nghiền nát như vậy. Cũng có khi họ bị nghiền nát giống như bị nghiền giữa 2 cái xe vậy, và các chúng sinh ở đây cứ phải chịu cảnh nghiền nát rồi tái đi tái lại như thế.
- Địa ngục thứ 4 là địa ngục gào thét hay địa ngục than khóc. Đây là địa ngục mà các chúng sinh bị nhốt bị đun nóng, bị thiêu đốt cho nên họ kêu rên thảm thiết. Họ liên tục bị thiêu, bị nghiền và kêu gào như vậy.
- [Địa ngục thứ 5 là địa ngục gào khóc nặng nề] Các chúng sinh ở cõi địa ngục thứ 5 cũng bị thiêu và nghiền nát như vậy nhưng nó nặng nề hơn và lửa thiêu cháy họ dữ dội hơn, vì vậy họ gào thét thống khổ hơn để được cứu rỗi.
- Tiếp theo là tầng địa ngục 6 là địa ngục nóng. Các chúng sinh ở địa ngục này được cho vào 1 cái vạc dầu lớn và đun sôi trên lửa. Có những chúng sinh nổi lên trên vạc dầu thì bị những tay sai địa ngục dùng búa và nện vào ngay đầu của họ khiến cho họ bị bất tỉnh, bị chết rồi chìm xuống phía dưới.
- Cõi địa ngục thứ 7 là cõi địa ngục vô cùng nóng. Cũng tương tự như cõi thứ 6 nhưng ngọn lửa ở cõi thứ 7 này dữ dội hơn rất nhiều và khi họ nổi lên trên vạc dầu sôi thì bị những tay sai cầm cây chĩa ba xuyên thẳng vào người khiến họ đau đớn hơn bội phần.
- Cõi địa ngục thứ 8 là địa ngục đau khổ không ngừng dứt [địa ngục vô gián]. Đây là cõi địa ngục tệ hại nhất nơi mà sự đau khổ không bao giờ chấm dứt được. Đây là nơi mà chúng sinh bị lửa đốt không ngừng nghỉ.
Như vậy chúng ta đã vừa nghe miêu tả về 8 địa ngục nóng. Tiếp theo là 4 địa ngục lân cận. Khi mà các chúng sinh ở cõi địa ngục nóng, bằng cách nào đó trốn thoát ra khỏi địa ngục nóng thì họ nghĩ rằng mình đã tới được một nơi tốt đẹp hơn nhưng khi mà họ chạy tới đó rồi thì họ lại tiếp tục bị thiêu đốt, bị đun nóng. Hoặc họ nhìn thấy hình ảnh các đầm lầy đầy giòi bọ lúc nhúc. Rồi có lúc thì những hình ảnh tươi đẹp đó biến thành những lưỡi dao sắc bén ở dưới chân họ và khi bước đi thì họ bị dao cắt. Tóm lại, bất cứ nơi nào họ đi thì cũng đều chịu đựng nỗi đau khổ vô cùng kinh khiếp.
Khi mà chúng ta nói về thọ mạng của những chúng sinh trong cõi địa ngục thì quãng thời gian mà họ phải chịu thì phải đến hàng tỉ hàng tỉ năm so với cõi đời người. chính xác thì mỗi cõi địa ngục sẽ hơn cõi người 60 nghìn năm. Tóm lại, thọ mạng của những chúng sinh sẽ rất dài.
Sau cac địa ngục lân cận là tám địa ngục lạnh. Đó là những địa ngục sưng tấy, địa ngục sưng tấy vỡ ra, địa ngục răng đánh lập cập và cuối cùng là các địa ngục than khóc.
Nói chung tất cả chúng sinh tái sinh vào cõi địa ngục đều do nghiệp quả tương ứng của mình và sẽ phải chịu sự đau khổ của lạnh lẽo hay nóng bỏng. Cũng như là chúng ta chịu sự lạnh lẽo như tuyết rơi ngoài trời nhưng ở đây còn lạnh lẽo hơn nhiều lần. Ví dụ, trong những tầng địa ngục thì mỗi lần đi lên thì sự lạnh lẽo sẽ tăng theo nhiều lần cũng tương tự như các bạn mở ngăn đá của tủ lạnh vậy. Cứ mỗi tầng thì sự lạnh lẽo sẽ tăng lên nhiều nhiều lần.
- Địa ngục sưng tấy: là địa ngục đầu tiên trong tám địa ngục lạnh. Ở đây rất lạnh, da thịt của các chúng sinh ở đây bị đông lại và sưng tấy thành những cục mủ khắp người.
- Địa ngục sưng tấy vỡ ra: Ở địa ngục thứ hai thì sự lạnh nặng nề hơn rất nhiều nên các cục sưng đó bị vỡ ra và chảy dịch máu, mủ ra ngoài. Mỗi một cấp địa ngục thì được đặt tên dựa trên những đau khổ mà chúng sinh ở đó phải trải qua.
- Địa ngục răng nghiến lập cập: địa ngục tiếp theo thì lạnh lẽo tới nỗi chúng sinh tại đó không thể thốt ra được âm thanh nào ngoại trừ tiếng răng đập lộp cộp với nhau.
- Địa ngục thứ 4 và thứ 5 là địa ngục đặt tên do những âm thanh mà chúng sinh ở địa ngục đó phát ra khi phải chịu đựng sự lạnh lẽo cùng cực. Họ kêu gào than khóc nên địa ngục đó được gọi là [4] địa ngục than khóc và
- [5] địa ngục rên xiết.
- [Địa ngục lở loét như hoa utpala] địa ngục tiếp theo thì những vết bỏng lạnh đó bị lở loét ra như là một bông hoa upala. Chúng sinh ở đó bị lạnh đến nỗi nhưng vết thương nứt toác ra, rộng như là một bông hoa upala nở 4 cánh.
- Cõi tiếp theo thì vết nứt nở rộng ra như một bông hoa upala 8 cánh.
- Cõi địa ngục lạnh cuối cùng thì vết nứt như một bông hoa khổng lồ 16 cánh. Như vậy sự lạnh lẽo tăng cấp độ dựa vào sự nở loét của những vết thương trên da thịt của các chúng sinh trong đó.
Vậy thọ mạng của chúng sinh trong những cõi này phải chịu đựng thì như thế nào? Ta có 1 cách so sánh như sau: có 1 nhà kho hoặc 1 thùng lớn có khả năng chứa được 100kg hạt giống. Cứ mỗi 100 năm thì chúng ta lấy ra một hạt giống trong đó (hạt giống nhỏ như hạt mè) thì khi hạt mè cuối cùng được lấy ra thì mới chấm dứt thọ mạng của các chúng sinh ở cõi này.
Cứ mỗi một cấp độ của địa ngục tăng lên thì thọ mạng của chúng sinh ở địa ngục đó lại kéo dài hơn ra. Như vậy khi chúng ta cộng 8 cõi địa ngục nóng, 8 cõi địa ngục lạnh cộng thêm với địa ngục lân cận và địa ngục cô độc nữa là 18 địa ngục. Địa ngục cô độc là nơi mà chúng sinh tái sinh vào đó thì không có hình tướng rõ ràng. Ví dụ, họ có thể tái sinh ở chỗ bị kẹt giữa các hốc đá và suốt đời phải chịu sự đau khổ kéo dài cả trăm năm hay cả 1 đại kiếp. Laị có những cõi địa ngục cô độc mà chỉ kéo dài một vài ngày thôi thì các cõi địa ngục này gọi là địa ngục không thường xuyên.
Như vậy nghiệp quả để phải chịu sự tái sinh ở những cõi địa ngục như vậy là gì? Đó chính là sự sân hận và đã giết hại rất nhiều chúng sinh bằng sự sân hận. Đây là kết quả bộc phát của 1 tâm tà ác khủng khiếp ví dụ như việc giết hại rất nhiều chúng sinh hết lần này đến lần khác. Như vậy chúng sinh trong cõi địa ngục chính là những chúng sinh có tư tưởng cực kỳ độc ác, luôn muốn giết hại thật nhiều thật nhiều các chúng sinh khác. Ngắn gọn lại, lý do tại sao chúng ta phải đi vào miêu tả chi tiết những cõi địa ngục này là để cho chúng ta hiểu được về những sự đau khổ mà chúng sinh ở đây phải chịu và nhờ vậy chúng ta sợ hãi và tránh những cái nhân có thể dẫn chúng ta tái sinh vào những cõi địa ngục này.
Có vài người nói rằng tôi không giết hại ai hết thì tôi sẽ không bị tái sinh vào địa ngục đâu. Nhưng chúng ta đâu biết chúng ta đã làm gì ở những kiếp quá khứ? Lại nữa, khi chúng ta quán xét tâm của mình thì có bao nhiêu sự sân hận xảy ra trong tâm này? Có bao lần chúng ta nảy ra suy nghĩ làm hại người khác? Ngay cả khi chúng ta không thực sự giết hại ai cả nhưng nếu đã có suy nghĩ làm hại người khác thì đấy cũng là cái nhân đẩy chúng ta vào địa ngục.
II. Cõi Ngạ Quỷ
Tiếp theo là sự đau khổ của chúng sinh ở cõi ngạ quỷ. Chúng sinh ở cõi ngạ quỷ thì chia ra làm 2 loại. Chúng sinh cõi ngạ quỷ sinh sống ở đại dương bao la và chúng sinh ngạ quỷ ở đất liền.
Đối với chúng sinh ở cõi ngạ quỷ thì cũng có chúng sinh chướng ngại ở bên ngoài và chúng sinh chướng ngại ở bên trong. Có sự phân biệt như vậy để thấy rằng mỗi chúng sinh sẽ chịu những sự đau khổ khác nhau [do có nhân khác nhau]. Ví dụ chúng sinh có chướng ngại bên ngoài thì có thể họ phải chịu sự đau khổ, đói khát trong hàng trăm, hàng nghìn năm. Trong suốt khoảng thời gian đó, họ có thể không tìm thấy được một giọt nước nào hoặc thậm chí họ cũng không thể nghe thấy được âm thanh của nước. Như vậy họ luôn luôn chịu sự đau khổ của cơn khát cháy cổ và đói lả đi. Và tất cả thời gian họ chỉ có mòn mỏi đi tìm thức ăn và nước uống. Trong người của họ có sự bùng cháy của cơn khát. Hãy tưởng tượng xem sự đau khổ đó lớn như thế nào và khó khăn như thế nào. Nếu chúng ta chỉ nhịn uống nước 1 ngày, hoặc 3 ngày thì chúng ta đau khổ như thế nào. Thậm chí có những người chưa từng nhịn ăn ngày nào trong đời cả. Ví như các bạn tham gia Nyungne thì các bạn sẽ thấy sự khó khăn như thế nào khi chúng ta không ăn, không uống trong 1 ngày thôi. Những cái đó tuy có khó khăn thật nhưng không thể so sánh với sự đau khổ của chúng sinh trong cõi ngạ quỷ phải chịu đựng. Bởi vì những chúng sinh đó không phải chịu đựng chỉ trong một vài ngày mà trong rất nhiều năm, hàng trăm hoặc hai trăm năm họ không hề nghe thấy âm thanh của nước hay mùi vị của thức ăn. Bởi vì cái nghiệp chướng của họ mà họ không thể chết được mà cứ phải sống để chịu đựng sự đau khổ đọa đày kéo dài như vậy.
Có khi các chúng sinh ở cõi ngạ quỷ nhìn thấy có 1 hồ nước nhưng khi họ tới nơi thì hồ nước này đã biến đi rồi. Cũng có khi họ thấy trước mặt là một khu rừng xanh mướt nhưng khi đi tới nơi thì tất cả chỉ là cát bụi và chẳng có gì ở đó cả. Suốt khoảng thời gian dài đó, họ phải chịu đựng sự đau khổ tột cùng của đói và khát và cứ phải mải miết đi tìm thức ăn và nước uống. Có đôi khi họ tìm được thức ăn rồi nhưng những người khác lại cướp đi thức ăn của họ, họ lại bị đánh, bị giết… nên họ cũng chẳng thể ăn được nên sự đau khổ của đói và khát cứ triền miên như vậy.
Và cũng có những chúng sinh trong cõi ngạ quỷ trải nghiệm sự lẫn lộn giữa lạnh và nóng. Ví dụ như thức ăn nóng thì họ lại cảm thấy vô cùng lạnh lẽo và thức ăn lạnh thì lại quá nóng hay là vào mùa đông thì họ lại thấy rất nóng còn vào mùa hè thì lại thấy vô cùng lạnh lẽo. Đối với những chúng sinh ấy, mặt trăng vốn vô cùng mát dịu thì lại trở lên vô cùng nóng còn mặt trời nóng thì lại rất lạnh lẽo. Họ luôn phải trải nghiệm sự thống khổ của sự lẫn lộn giữa lạnh và nóng.
Và tiếp theo là chúng sinh ngạ quỷ với những chướng ngại ở bên trong. Ở đây là nói đến sự dằn vặt về thân thể. Chúng sinh ở cõi này có những sự biến dạng về thân thể rất kinh khủng. Miệng thì nhỏ như một cây kim hoặc là rất bé, rất chặt nhưng bụng thì to như quả bóng và lúc nào cũng đói khát mà lại chẳng có gì để bỏ vào bụng cả. Chân và tay thì lại mảnh dẻ như cọng cỏ nên không thể đi để tìm thức ăn, nước uống được, thậm chí có tìm được thì họ cũng không thể ăn được do họng quá nhỏ thức ăn không thể qua lọt mà bụng họ thì lại quá to cho nên lúc nào cũng chịu cảnh đói khổ là như thế. Bởi vì tay chân khẳng khiu nên không thể chống đỡ được thân hình dị dạng này. Chân không thể chống được cái bụng bự như quả núi của họ. Trong đời này chúng ta có thể đã nhìn thấy được sự đau khổ giống như vậy như ở những đất nước nghèo đói khi mà thân thể họ chỉ có da bọc xương thôi, chân tay thì khẳng khiu, bụng thì to nhìn rất đáng sợ nhưng những chúng sinh ở cõi ngạ quỷ thì còn đáng sợ hơn gấp nhiều lần. Những người dân ở đất nước nghèo đói thì mặc dù chân tay khẳng khiu nhưng cái miệng và họng của họ cũng bình thường nên khi tìm được thức ăn nước uống thì họ có thể ăn được bình thường còn chúng sinh ở cõi ngạ quỷ thì do cấu trúc miệng quá nhỏ, quá chặt nên kể cả có tìm được thức ăn thì họ cũng không thể ăn được. Đây là hậu quả họ phải gánh chịu ở cõi ngạ quỷ này.
Cũng có những ngạ quỷ bị nhiều chướng ngại khác nhau. Có những ngạ quỷ không tìm được thức ăn và nước uống, nhưng khi tìm được rồi thì những thức ăn, nước uống mà họ ăn vào trở thành sắt nung chảy khiến cho cổ họng và cả thân thể của họ bùng cháy như ngọn lửa. Hãy tưởng tượng khi bạn uống phải nước nóng thì lưỡi và cổ họng của bạn bị phỏng và rất đau đớn, khó chịu, đó chỉ là uống nhầm nước nóng thôi chứ nếu nuốt phải sắt nung chảy thì còn kinh khủng đến nhường nào. Vậy mà chúng sinh ở cõi ngạ quỷ phải gánh chịu những đau khổ đó. Bất cứ khi nào họ ăn và uống thì đều cảm nhận sự thống khổ như là uống/nuốt phải sắt nóng chảy như vậy nhưng mà do nghiệp lực mà những chúng sinh này không thể chết đi mà cứ phải sống để chịu đựng sự đau khổ tột cùng đó.
Còn về thọ mạng của chúng sinh ở cõi ngạ quỷ thì như thế nào? Nếu chúng ta tính theo ngày tháng ở cõi người thì thọ mạng ở cõi ngạ quỷ tương đương với 15 nghìn năm ở cõi người. Trong suốt 15 nghìn năm đó thì họ phải chịu đựng sự đau khổ của đói khát.
Vì nghiệp chướng gì mà chúng ta bị đọa sinh vào cõi ngạ quỷ? Đó chính là thói bủn xỉn, keo kiệt. Khi mà bạn tích lũy được nhiều tiền bạc nhưng lại không muốn chia sẻ cho bất cứ ai hết [thì đây chính là bủn xỉn]. Ví dụ, mặc dù các bạn có nhiều tiền bạc nhưng bạn lại không muốn giúp đỡ người khác, không có tính rộng rãi, hào sảng và cũng không biết cúng dường Tam Bảo. Ngay cả đối với bản thân mình cũng không dám ăn ngon vì sợ bị mất tiền. Lúc nào chúng ta cũng bị trói buộc vào sự keo kiệt, bủn xỉn như thế thì đó chính là cái nhân của [quả đoạ sinh vào cõi] ngạ quỷ.
Lại còn có những loại ngạ quỷ sinh di chuyển trong không trung nữa. Những chúng sinh này thường chúng ta hay gọi là vong. Những chúng sinh có khả năng kỳ dị, ma lực… thì cũng đều là chúng sinh ở cõi ngạ quỷ. Kể cả những vị thần địa phương, các tinh linh địa phương hoặc các chúng vong linh ở những vùng đặc biệt như ở trên núi hay ở trong rừng thì đều thuộc cõi ngạ quỷ. Một vài người khi họ chết thì họ tái sinh xấu thì chúng ta hay nói là họ thành ma rồi… Có một vài ngạ quỷ có khả năng đặc biệt và họ giúp đỡ người khác thì gọi là tinh linh địa phương hay vị thần địa phương. Còn có những tinh linh có năng lực đặc biệt mà đi hại người thì chúng ta gọi họ là yêu ma, quỷ quái. Những vong linh này đều thuộc về cõi ngạ quỷ cả. Những đối tượng như vậy thì có rất nhiều sân hận, đôi khi họ cũng giúp đỡ chúng ta nhưng do họ chứa rất nhiều sự sân hận nên những điều họ đem lại cũng chỉ toàn là đau khổ mà thôi.
Cũng có người ở cõi đời này họ có rất nhiều tiền bạc hay quyền lực nhưng họ lại gây hại cho các chúng sinh khác nên khi chết đi, họ hóa hiện thành ngạ quỷ có năng lượng tiêu cực.
III. Cõi Súc Sinh
Tiếp theo là nỗi đau khổ của chúng sinh ở cõi súc sinh. Có rất nhiều súc sinh sống ở những chốn khác nhau như là dưới nước, trên núi, bay ở trên trời vân vân. Trong số những súc sinh này, ta lại chia ra thành động vật ăn cỏ, động vật ăn thịt, động vật được con người nuôi dưỡng và thuần hóa. Như vậy có rất nhiều loại động vật khác nhau.
Những chúng sinh sống ở dưới nước thì chúng ăn thịt những con vật khác, cá lớn thì nuốt cá bé. Thậm chí ngay cả những con bé nhất thì nó cũng phải kiếm ăn bằng cách đi ăn những con vật khác nữa. Những sinh vật này phải ăn thịt lẫn nhau để sống nên suốt đời phải chịu sự đau khổ của việc ăn và bị ăn. Có những loài trở thành mồi của con người, loài người giết chúng để làm thức ăn, lấy máu, lấy da làm thực phẩm, làm thuốc hoặc làm quần áo. Rồi cũng có những con vật rượt đuổi săn bắt nhau như rắn, cóc mà khi ăn thì chúng nuốt sống những con vật khác. Có những con vật ở núi như gấu, hổ… thì săn những con vật khác để ăn nhưng nó cũng lại làm mồi cho những loài động vật khác.
Con người cũng săn bắt những động vật này để làm thức ăn, lấy máu, lấy lông nên cuộc đời của chúng là những chuỗi ngày đau khổ của giết và bị giết. Nỗi thống khổ của cõi súc sinh thì thật là đau khổ, chúng ta thực sự có thể nhìn thấy sự đau khổ của chúng. Có thể chúng ta không cảm nhận trực tiếp được sự đau khổ ở cõi địa ngục hay ngạ quỷ do chúng ta chỉ có thể hiểu biết chút ít về những cõi này còn những chúng sinh ở cõi súc sinh thì chúng ta có thể nhìn tận mắt sự đau khổ cùng cực của chúng.
Đây chính là những nỗi thống khổ của chúng sinh ở ba cõi thấp địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh. Cái nhân để rơi vào cõi thấp là do những niệm tưởng tiêu cực và ác hạnh mà chúng ta đã phạm. Trong 37 Pháp Tu Bồ Tát có nói rằng:
Đấng Thế Tôn đã dạy rằng tất cả những nỗi thống khổ không thể chịu nổi của ba cõi thấp đều là quả báo của những ác nghiệp. Vì vậy đừng bao giờ làm việc ác dù có phải mất mạng. Đó là pháp tu Bồ tát.
Khi chúng ta nghĩ về nỗi đau khổ của chúng sinh ở cõi địa ngục, ngạ quỷ, chúng ta có thể tự hỏi rằng liệu những cõi này có thật sự tồn tại không và sự thống khổ ở đó có thật không? Câu trả lời chính là đó đều là sự thật: các cõi thấp và sự thống khổ ở những cõi thấp là thật. Cho nên bất kỳ khi nào chúng ta phạm lỗi mà chúng ta không tịnh hóa, không sám hối thì chắc chắn chúng ta phải chịu quả của những ác hạnh đó.
Vậy cái nhân để tái sinh vào cõi súc sinh là gì? Đó là sự si mê, sự mê mờ về nhân quả và không tin vào luật nhân quả, không hiểu về phẩm tánh của Tam Bảo, không tin tưởng về lợi lạc của sự thực hành thiện hạnh và sự tai hại của ác hạnh. Sự thiếu hiểu biết, si mê này chúng ta gọi là sự vô minh, mê lầm. Khi sự vô minh này quá mạnh mẽ thì chúng ta bị tái sinh vào cõi súc sinh và khi đã đoạ sinh vào cõi súc sinh thì chúng ta chịu sự đau khổ của việc bị giết hại, bị săn bắn cho nên sự đau khổ này thực sự vô cùng kinh khủng.
Chúng ta phải tự quán xét bằng cách nhìn vào tâm của mình và tự hỏi xem có khả năng nào mà chúng ta bị tái sinh vào cõi súc sinh hay không? Thực sự khi chúng ta quán xét tâm của mình thì chúng ta thấy tâm của mình tràn ngập sự vô minh. Chúng ta có thực sự hiểu và tin vào nhân quả hay không? Chính sự vô minh và mê mờ đó là cái nhân đẩy chúng ta vào cõi súc sinh. Chính bởi vì ta nhận ra sự vô minh của mình nên giờ đây chúng ta phải học về nghiệp nhân quả. Đã học về nghiệp nhân quả rồi thì chúng ta phải làm theo, phải từ bỏ những việc không nên làm và làm những việc cần làm. Đó chính là cách mà chúng ta xoay chuyển tâm của mình. Đừng bao giờ phạm ác hạnh kể cả chúng ta phải trả giá bằng mạng sống của mình. Chúng ta tự hứa với bản thân mình không bao giờ làm ác hạnh, phải hứa được với bản thân mình như vậy.
IV. Cõi Người
Tiếp theo chúng ta sẽ học về sự đau khổ của 3 cõi cao: cõi người, atula và cõi thiên.
Cõi cao đầu tiên là cõi người. Mặc dù chúng ta đã có được thân người trân quý nhưng chúng ta vẫn phải chịu sự đau khổ của sinh, lão, bệnh và tử. Cho nên, bất cứ ai ra đời đều phải chịu sự đau khổ này cả.
Như thế nào là nỗi đau khổ của sinh ra? Có thể các bạn nghĩ sinh ra thì có gì mà đau khổ? Khi mà chúng ta ở trong tử cung của người mẹ chúng ta có thể nghĩ chỗ đó rất ấm áp, an toàn nhưng thực ra nó không hoàn toàn như vậy đâu. Em bé ở trong thai mẹ thì rất chật hẹp và bất cứ việc làm gì của mẹ thì đều sẽ ảnh hưởng tới thai nhi. Khi người mẹ ăn cay thì thai nhi sẽ thấy nóng như lửa đốt hoặc khi người mẹ uống đồ lạnh thì thai nhi sẽ cảm giác như bị nhúng vào chậu nước đá. Cho nên kể cả khi ở trong thai mẹ thì thai nhi thì vẫn phải chịu sự đau khổ hết sức lớn lao. Khi mà các bạn ở trong bụng mẹ thì cơ thể của các bạn lớn dần theo thời gian. Điều này đã được giải thích ở kinh điển rồi. Khi mà các bộ phận trên cơ thể của bạn dần hình thành như mở mắt ra, ngón tay, ngón chân động đậy… khi các bộ phận trên cơ thể hình thành thì thai nhi sẽ cảm giác như bị châm bị chích. Ví dụ như mắt mở ra thì như là bị nhậm mắt vậy, rất là đau khổ nên thai nhi 9 tháng ở trong bụng mẹ thì không phải là không có đau khổ gì đâu. Mọi người cứ nói thai nhi ở trong bụng mẹ thì an toàn, ấm áp, hạnh phúc nhưng thật ra thì không hoàn toàn như vậy đâu.
Sau khi mà chúng ta ra đời, chúng ta lớn lên thì phải chịu sự đau khổ của việc già đi. Có những lúc ta chợt nhận ra mình đã già đi thì ta sẽ thật đau khổ, buồn bã vì chuyện đó. Chúng ta cảm thấy sợ tuổi già vì khi tuổi già đến thì hoạt động của thân thể dần dần kém đi. Chúng ta không nhìn rõ, không nghe rõ, lưng thì còng xuống, không đứng thẳng được. Chúng ta không thể tự chăm sóc bản thân mình, những người xung quanh khinh thường mình… nỗi đau khổ của việc già đi cũng rất to lớn.
Tiếp theo là bệnh khổ. Khi bị bệnh thì chúng ta rất đau khổ rồi nhưng thậm chí khi chúng ta còn đang khỏe mạnh thì chúng ta cũng luôn phải nghĩ làm thế này, làm thế kia để không bị bệnh. Không biết bao giờ mình bị bệnh đây? Rồi khi chúng ta bị bệnh thì chúng ta tìm đủ mọi cách để chạy chữa, phẫu thuật… để trị bệnh. Nếu như chúng ta may mắn hết bệnh sau khi giải phẫu xong thì chúng ta cũng phải hết sức cẩn thận như kiêng ăn uống, không được làm cái này, cái kia, uống thuốc đúng giờ… bởi vậy nên sự đau khổ trong tâm về bệnh tật là vô cùng to lớn, chưa kể là sự đau khổ về thể chất khi mà chúng ta bị bệnh tật nữa. Nỗi đau khổ này còn kéo tới những điều khác như ta không có tiền để chạy chữa, không tìm được người giúp đỡ chúng ta … nên sự đau khổ này còn lây lan sang những người xung quanh chúng ta nữa.
Khi bác sĩ báo với bạn rằng bạn bị mắc bệnh nan y, không có thuốc chữa thì sự sợ hãi cả về thân và tâm xâm chiếm lấy bạn. Bạn bắt đầu lo lắng chạy khắp nơi để tìm thầy, tìm thuốc chữa bệnh. Nếu như bạn giàu có thì bạn nghĩ mình có nhiều tiền, chắc chắn mình sẽ tìm ra được cách để chữa khỏi căn bệnh của mình. Thế nhưng nếu bác sĩ nói là không có cách gì để chữa thì sự sợ hãi trong bạn nó trở nên khủng khiếp như thế nào. Nói tóm lại, khi bị bệnh thì bạn, không ít thì nhiều, đều phải chịu đựng những nỗi đau khổ khác nhau nhưng nói chung sự đau khổ của bệnh tật thì rất nặng nề.
Rồi đến sự đau khổ của cái chết. Trong bốn nỗi đau của sinh, lão, bệnh, tử thì điều mà chúng ta sợ hãi nhiều nhất đó là nỗi sợ cái chết. Tự thân cái chết nó đã khởi lên rất nhiều đau khổ rồi. Trước khi chết thì ta sợ hãi cái chết rồi thì ngay trong quá trình chết chúng ta cũng sẽ kinh nghiệm sự sợ hãi rất khủng khiếp. Sau khi chết đi rồi, do nghiệp lực mà chúng ta cũng kinh qua rất nhiều sự đau khổ.
Chúng ta có thể thấy rằng lúc nào chúng ta cũng phải trải nghiệm sự đau khổ hết. Ngày qua ngày, nỗi đau khổ và chướng ngại tới với ta như mưa rơi trên trời vậy. Chúng ta lúc nào cũng có rất nhiều sự mong chờ, sự kỳ vọng nhưng mà chúng ta luôn luôn không bao giờ đạt hết những kỳ vọng mà chúng ta đặt ra và chúng ta đau khổ. Rồi thì chúng ta luôn luôn sợ hãi chuyện này xảy ra, chuyện kia xảy ra rồi chúng ta lại cũng thêm đau khổ nữa. Tất cả chúng sinh trong cõi người đều luôn bị trói buộc vào những nỗi sợ hãi và hy vọng. Chúng ta buồn chán vì gia đình không hòa thuận với nhau, bạn bè không hòa thuận với nhau hoặc khi chúng ta phải chịu sự thất bại nào đó. Khi nhìn lại cuộc đời của mình, chúng ta sẽ thấy cuộc đời này luôn luôn bị lấp đầy bởi sự đau khổ chứ hạnh phúc thì không có bao nhiêu.
Những nỗi đau khổ của con người có thể được chia thành 3 sự khổ: khổ khổ, hành khổ và hoại khổ. Nhiều nhất là sự đau khổ của sự biến hoại. Hãy quán chiếu xem có phải chúng ta có rất nhiều sự đau khổ như vậy không? Trong sáu cõi luân hồi thì các chúng sinh đều phải chịu hành khổ nhưng cõi người thì chịu rất nhiều sự đau khổ của hoại khổ. Ví dụ ngày hôm nay chúng ta đang cảm thấy rất vui vẻ nhưng không may chúng ta bị tai nạn thì ngay lập tức, chúng ta trải nghiệm sự đau khổ tột cùng. Sự trải nghiệm này xảy ra trong tích tắc. Khi mà bạn đang rất hạnh phúc, rất vui vẻ nhưng khi tai nạn ấp đến thì lập tức bạn phải chịu sự đau khổ cùng cực. Ví dụ như bạn ăn phải cái gì đó và bị ngộ độc thì ngay lập tức bạn phải chịu sự đau khổ. Hoặc là bạn đang ăn lên làm ra nhưng không may bị mất tài sản thì lập tức bạn trải nghiệm sự đau khổ. Mọi hoạt động thường nhật đều dễ dàng rơi vào sự đau khổ nếu chúng ta không may gặp phải sự trở ngại nào đó. Đây rõ ràng là cách thức mà cuộc sống của chúng ta đang vận hành.
Chúng ta cũng trải nghiệm cả sự khổ khổ nữa. Ví dụ khi chúng ta làm sai hay gặp phải chuyện gì thất bại thì tất cả những chuyện khác đều bị kéo theo. Ví dụ như các bạn đang làm ăn kinh doanh thì không may bị gặp trục trặc, bị thất bại rồi thì lại có người khác tới lừa cả số tài sản còn lại nữa. Ví dụ như mẹ của bạn vừa qua đời thì ngay lúc đó con bạn còn bị bệnh nên những sự đau khổ cứ chồng chất lên nhau gọi là khổ khổ. Đây thực sự là bản chất của luân hồi. Chúng ta cứ bị trói buộc vào sự đau khổ liên miên và không tìm ra được cái hạnh phúc nào ở luân hồi cả. Chúng ta lúc nào cũng phải trải nghiệm sự đau khổ liên hồi như vậy đó.
Như vậy con người phải chịu rất là nhiều sự đau khổ, đặc biệt là khi mà chúng ta chết đi thì tất cả những gì ta tích lũy trong cuộc đời này đều bị bỏ lại đằng sau. Tất cả tiền tài, người thân yêu… đều phải bỏ lại đằng sau và một mình đi về phía trước. Tất cả những gì mà chúng ta đã làm việc cật lực để tích lũy trong cuộc đời này, chịu đựng những đắng cay, tủi nhục để có được thì cuối cùng chúng ta cũng phải bỏ lại cả. Khi mà chúng ta có người thân qua đời thì chúng ta cảm thấy đau khổ như thế nào. Nếu các bạn thực sự quán xét thì bạn sẽ tự hỏi là có thực sự tồn tại hạnh phúc nào trong cuộc đời này không? Mặc dù chúng ta có thân người rồi nhưng chúng ta có thực sự hạnh phúc hay không? Chúng ta trải nghiệm sự thay đổi, sự biến hoại và tất cả đều chuyển hoá thành đau khổ. Bởi vì chúng ta sinh ra làm người trong cõi luân hồi này cho nên những gì chúng ta có rồi thì cũng sẽ mất đi. Những gì chúng ta xem là hạnh phúc thì cũng biến thành đau khổ. Lý do mà chúng ta phải chịu sự đau khổ trong cõi đời này là do sự tích lũy của tham luyến. Tham luyến chính là nguyên nhân tái sinh vào cõi người. Mặc dù chúng ta cũng có phước đức mới được sinh ra làm người nhưng do chúng ta có tham luyến nên chúng ta phải kinh qua sự đau khổ của sinh lão bệnh tử và những nỗi thống khổ khác của cõi người này. Giờ đây chúng ta có được thân người quý giá này rồi thì chúng ta phải tận dụng nó bằng cách ý nghĩa là thực hành giáo pháp. Bởi vì chúng ta đã có thân người này rồi mà chúng ta không thực hành giáo pháp thì khi ta chết, ta sẽ bị cuốn theo những nghiệp lực của mình. Chúng ta giàu có nhường nào, chúng ta đẹp nhường nào, chúng ta tài giỏi nhường nào thì tất cả đều không quan trọng vì những thứ đó không thể theo bạn tới đời sau. Thứ duy nhất mà theo bạn tới đời sau đó chính là nghiệp. Nếu nghiệp của các bạn là nghiệp lành thì các bạn hưởng phước báu nhưng nếu là nghiệp ác thì bạn phải gánh chịu quả báo ở đời sau. Đó là điều duy nhất theo bạn tới đời sau. Đừng lãng phí thân người trân quý này, hãy tận dụng nó để thực hành chánh pháp.
V. Cõi Bán Thiên Atula
Tiếp theo là sự đau khổ của chúng sinh ở cõi Atula và cõi thiên. Nhờ vào những phước đức họ tích tập trong quá khứ mà họ được sinh ra làm chúng sinh ở cõi Atula, cõi thiên. Đây được xem là những chúng sinh ở cõi cao và họ cũng có những phúc lạc và an lạc nữa. Nhưng đồng thời cùng với điều đó là sự ghen tuông và đố kỵ. Nguyên nhân để tái sinh vào cõi bán thiên chính là sự đố kỵ. Chúng sinh ở cõi này họ rất đố kỵ với chúng sinh ở cõi thiên. Thực ra thì những chúng sinh ở cõi bán thiên có rất nhiều của cải, tài năng nhưng họ lại không bao giờ thấy được những điều tốt đẹp mà họ đang sở hữu mà chỉ luôn so sánh, ghen tuông với cõi giới của chư thiên thôi nên lúc nào họ cũng ở trong tư thế muốn chiến đấu, đánh nhau với chư thiên. Tất cả sự tồn tại của họ đều là những cuộc tranh đấu với cõi thiên, với các vị thần tuy nhiên do nghiệp lực của mình nên họ không thể nào đánh thắng được các vị thần. Trong cuộc chiến đấu thì các vị thần luôn có những vũ khí như gươm, dao, kiếm… và các Atula sẽ luôn bị các vị thần đánh bại.
Bất cứ những đau khổ nào mà chúng sinh cõi bán thiên phải chịu đựng đều đến từ tâm đố kỵ. Tại sao chúng ta lại tái sinh vào nơi như vậy? Hãy quán xét cuộc đời hiện giờ của mình: chúng ta có thể hiểu về nhân quả, chúng ta có thể làm được một số thiện hạnh và công đức nên được trải nghiệm một vài hạnh phúc trong cuộc đời này. Tuy vậy nhưng lúc nào chúng ta cũng có những mầm mống của sự ghen tị. Chúng ta ganh đua với nhau, có thể là giữa những người bạn hay giữa những thành viên trong gia đình với nhau. Đây chính là cái nhân dẫn chúng ta vào cõi bán thiên. Điều này thì dẫn đến điều kia. Chính vì chúng ta ganh tị nên dẫn chúng ta tới sự cạnh tranh và sự cạnh tranh đó làm cho chúng ta trở nên cứng đầu, hiếu chiến và háo thắng. Vì thế nên lúc nào chúng ta cũng ở trong tư thế sẵn sàng đánh nhau. Điều này chỉ mang bạn đến sự đau khổ mà thôi. Bởi vì sự ghen tuông đố kỵ nên đem đến cho bạn sự đau khổ. Chúng ta đã nói đến những điều này rồi. Chúng ta đều nói ‘Ôi chúng sinh ở cõi địa ngục thì thật là đau khổ’ nhưng cái nhân của nó là gì? Cái nhân của nó chính là sự sân hận. Chúng ta cũng nói ‘Ôi chúng sinh ở cõi ngạ quỷ thì cũng đầy đau khổ’ và cái nhân tái sinh vào đây chính là sự tham lam, keo kiệt của chính chúng ta. Rồi ta lại nói rằng những chúng sinh ở cõi súc sinh thì thật là đau khổ và cái nhân bị tái sinh vào đây chính là sự si mê. Chúng ta cũng nói rằng các chúng sinh ở cõi bán thiên cũng thật đau khổ và nhân của nó là do họ có sự đố kị. Những chúng sinh ở cõi bán thiên thì không có bất kỳ một khó khăn nào từ bên ngoài cả. Họ có thức ăn, nước uống, tiền tài, vàng bạc nhưng tại sao lúc nào họ cũng đố kỵ như vậy? Họ luôn luôn ở trong trạng thái cạnh tranh, đấu tranh với các vị trời. Các vị trời dùng giáo mác, vũ khí chiến đấu với họ thì họ bị thương và rồi sự sân hận lại tăng cao… cho nên suốt cả cuộc đời của họ không giây phút nào được hưởng an lành, hạnh phúc họ bị chiếm hữu bởi sự sân hận, đố kỵ ngập tràn. Kẻ thù của chúng ta không phải là người ta căm ghét mà kẻ thù thực sự của ta chính là sự sân hận của ta, sự đố kỵ của ta chính là điều lôi chúng ta vào 3 cõi thấp. Đó chính là điều đã làm hại chúng ta. Thực sự sẽ rất là lợi lạc nếu các bạn hiểu những điều này vì khi hiểu thì bạn sẽ từ bỏ nguyên nhân dẫn đến sự đau khổ và thấy được sự cần thiết để thực hành thiện hạnh.
Những điều mà ta có thể an hưởng, vui thú là do những thiện hạnh. Những đau khổ mà chúng ta phải chịu đựng chính là tác hại của những ác hạnh. Chỉ có như vậy các bạn mới hiểu được rằng tất cả những nỗi đau khổ mà các bạn gánh chịu ở đây đều đến từ chính bản thân bạn, đều do chính bạn gây ra. Cũng nhờ đó các bạn mới hiểu rõ được tất cả những tai hại của việc phạm phải những ác hạnh. Khi các bạn đã hiểu rõ về nhân quả thì bạn sẽ biết những gì cần phải làm và những gì cần phải tránh.
VI. Cõi Thiên
Tiếp theo là nói đến sự đau khổ của các vị trời. Khi nói về cõi trời, chúng ta nghĩ rằng các vị chỉ có hạnh phúc và đại lạc thôi. Đúng vậy, các vị trải nghiệm hạnh phúc trong thời gian rất dài. Chúng ta gọi các vị trời trường thọ là vậy: họ sống cả ngàn cả ngàn năm so với cõi người và họ luôn trải nghiệm hạnh phúc. Bởi vì luôn bị phân tâm bởi các lạc thú, họ luôn bị phân tâm trong việc thực hành thiện hạnh và từ bỏ ác hạnh. Họ hoàn toàn bị chi phối bởi các lạc thú ở cõi thiên. Và rồi cũng đến ngày nghiệp lực để được tái sinh vào cõi thiên chấm dứt. Bảy ngày trước khi họ chết, sẽ có một giọng nói báo trước cho họ về việc họ sẽ bị chết trong bảy ngày nữa. Trong bảy ngày này sẽ xuất hiện những dấu hiệu của sự chết như: những vật dụng gồm nhà cửa, chén bát, tràng hoa… đều trở lên dơ dáy, héo rũ và bốc mùi hôi. Bình thường thì chúng không như vậy, chúng đẹp đẽ và tỏa hương thơm. Nhưng trong bảy ngày khi họ tới gần cái chết thì quần áo trở nên hôi hám và họ trải qua sự đau khổ vô cùng trong những ngày này. Quần áo, tràng hoa bốc mùi tanh hôi, cơ thể tỏa mùi xú uế. Những người xung quanh như cha mẹ, bạn bè… thì bỏ rơi họ. Không ai muốn gần họ cả vì họ rất hôi cũng giống như khi bạn mắc căn bệnh truyền nhiễm nặng nề. Hãy tưởng tượng khi bạn mắc một căn bệnh hiểm nghèo như vậy mà những người xung quanh bạn không có lòng bi mẫn thì sẽ chẳng ai muốn gần gũi bạn vào giờ phút đó cả. Lúc đó họ chỉ muốn tránh xa bạn, càng xa càng tốt mà thôi. Những điều này cũng tương tự như các chúng sinh ở cõi trời tiến gần tới cái chết. Tất cả cha mẹ, bạn bè… đều không có lòng từ bi mà bỏ rơi họ và họ thấy ghê tởm bởi diện mạo bên ngoài, bởi sự hôi dơ của bạn. Lúc đó người thân cũng chỉ cầu nguyện là ‘Cầu cho con rơi vào cõi người và rồi con sẽ lại được tái sinh vào cõi chư thiên’… họ cũng chỉ cầu nguyện như vậy rồi bỏ đi. Như vậy chúng sinh ở cõi thiên cũng phải trải nghiệm sự đau khổ tột cùng của sự biến hoại và sự đau khổ của việc bị bạn bè, người thân bỏ rơi. Những vị trời có khả năng nhìn thấy cõi mà họ sẽ tái sinh về, họ biết mình sẽ được tái sinh về đâu, làm người, làm ma hay làm chúng sinh ở cõi địa ngục, súc sinh. Việc nhìn thấy nơi chốn tái sinh sắp tới làm cho họ cảm thấy vô cùng đau khổ. Các vị trời được tái sinh ở cõi trời là do họ đã tích tập được rất nhiều công đức nhưng do họ có tâm kiêu mạn, họ quên đi việc thực hành nên khi nghiệp lực giúp họ tái sinh vào cõi trời bị tan rã thì họ sẽ bị tái sinh vào những cõi thấp hơn. Bởi vậy nên họ phải trải qua những nỗi đau khổ không thể chịu đựng được.
Đây là những đau khổ mà chúng ta trải nghiệm ở cả 6 cõi luân hồi. Dù chúng ta có ở bất cứ nơi nào đi chăng nữa thì chờ đón chúng ta cũng chỉ là sự đau khổ.
Thực sự chúng ta phải quán xét về điều này. Ở nơi nào trong sáu cõi luân hồi ta có thể tìm được hạnh phúc đây? Khi thực sự quán xét về này thì chúng ta thấy rằng, dù ta có tái sinh vào cõi nào thì chúng ta cũng đều không thực sự có hạnh phúc. Ngay cả hạnh phúc mà ta có đó cũng đều chịu sự thay đổi và biến hoại mà thôi. Những chúng sinh ở cõi thiên được hưởng hạnh phúc trong hàng ngàn hàng ngàn năm thì hạnh phúc của họ cũng không trường tồn được và khi nó thay đổi thì các vị ở cõi thiên cũng phải chịu đựng sự đau khổ tột cùng. Vì vậy dù chúng ta có đi tới nơi nào trong sáu cõi luân hồi thì chờ đón ta cũng chỉ toàn là đau khổ. Chúng ta phải hiểu được những nỗi khổ của luân hồi: khổ khổ, hành khổ và hoại khổ. Có thể ngay lúc này thì nỗi khổ không được thể hiện một cách rõ ràng với một số bạn nhưng rồi thì những nỗi khổ này cũng sẽ hóa hiện ra mà thôi. Nếu các bạn quán xét một cách rõ ràng về điều này thì thấy thật là đáng sợ. Đức Milarepa đã từng nói rằng khi ta nghĩ về những đau khổ của 6 cõi luân hồi thì trong ta dâng lên một niềm đau khổ vô hạn. Nếu chúng ta cũng quán xét như vậy thì chúng ta thấy rằng sự đau khổ của chúng sinh trong sáu cõi luân hồi là vô cùng nặng nề và không thể chịu đựng được. Vậy chúng ta phải làm gì đây? Giờ chúng ta đã có thân người quý giá này thì chúng ta phải thực hành giáo pháp. Thực hành giáo pháp tức là làm những thiện hạnh mà chúng ta phải làm ngay, ngay lúc này bởi vì vô thường. Chúng ta đã hiểu được sự khó khăn để có được thân người trân quý, sự vô thường của cõi đời này, nghiệp nhân quả và sự đau khổ khi bị tái sinh vào sáu cõi luân hồi. Đây là cách mà các bạn lồng ghép tâm của chúng ta vào với giáo pháp. Đây là lý do tại sao mà các pháp tu tiên yếu là vô cùng quan trọng.
Liệu tâm của bạn có hòa quyện với giáo pháp hay không? Liệu bạn có thực sự hiểu về bốn niệm chuyển tâm hay chưa? Nếu các bạn thực sự hiểu rõ về 4 niệm chuyển tâm thì các bạn có thể thấy rằng giờ đây ta đã có được thân người trân quý nhưng cuộc đời này là vô thường nên ta phải tinh tấn thực hành giáo pháp. Khi các bạn thấy được rằng mọi hạnh phúc và bất hạnh đều do ta mà ra thì các bạn sẽ rất cẩn thận với nghiệp nhân quả. Nếu các bạn hiểu được rằng cuộc đời là đau khổ thì các bạn sẽ không bám luyến vào những hạnh phúc ngắn ngủi của cõi trần tục này. Như vậy bạn sẽ quay lưng lại với luân hồi một lần và mãi mãi và như thế là bạn đã bước chân vào con đường thực hành giáo pháp. Bạn bước vào cánh cửa mở rộng của giáo pháp. Thực sự là khi bạn hiểu về 4 niệm chuyển tâm thì bạn mới vững chắc đi trên con đường thực hành giáo pháp. Các bạn muốn quán chiếu theo trình tự nào cũng được. Ví dụ nếu bạn có hứng thú hơn khi quán chiếu về vô thường thì các bạn có thể tập trung nhiều hơn vào việc quán chiếu vô thường hoặc nếu bạn thích nghĩ ngợi nhiều hơn về nghiệp nhân và quả thì bạn có thể thiền định nhiều hơn về nhân quả. Mục đích cuối cùng là giúp ta loại bỏ sự bám luyến vào cõi luân hồi này và như vậy tâm của chúng ta mới hòa quyện được với giáo pháp. Đây chính là mục đích duy nhất của việc thực hành 4 niệm chuyển tâm.
Phần 2: Hướng Dẫn Thực Hành
Cách thức thực hành quán chiếu niệm chuyển tâm theo như nghi quỹ, trang 18:
Để làm cho cuộc đời với đầy đủ tự do và trợ duyên này trở lên có ý nghĩa, ta sẽ từ bỏ tất cả bất thiện hạnh, là kết quả của tâm thức ô nhiễm bởi ba độc. Ta sẽ nỗ lực trưởng dưỡng thiện hạnh, sẽ trì giới và giữ mật nguyện của ba cửa [thân, khẩu, ý].
Những dòng này rất dễ hiểu, bạn có thể dễ dàng hiểu được ý nghĩa mà không cần phải giải thích thêm. Dù sinh ra ở cõi nào thì chúng ta cũng không thể đạt được hạnh phúc cho nên chúng ta phải tìm mọi cách, phải cố gắng hết sức để giải thoát bản thân khỏi luân hồi và đạt đến trạng thái giác ngộ vẹn toàn. Bạn sẽ quán chiếu được rằng vì sao lúc nào ta cũng chịu đau khổ? Vì chúng ta có 6 cảm xúc tiêu cực dẫn chúng ta tái sinh vào 6 cõi luân hồi do đó tất cả các khổ đau đều bắt đầu từ 6 cảm xúc tiêu cực này mà ra. Chúng ta quán chiếu bằng cách nhìn vào những cái nhân của hạnh phúc và các nhân của đau khổ. Khi các bạn thấy được rõ rằng những điều đó rồi thì các bạn sẽ không còn quá bám chấp, quá tham luyến vào hạnh phúc hay sự tồn tại của cõi này nữa.
Điều quan trọng là các bạn phải cố gắng thực hành để giải thoát khỏi luân hồi.
Phần 3: Hỏi và Đáp
Câu 1: Con đọc trong phần bình giảng của 37 Pháp hành Bồ Tát đạo có đoạn nói là thân thể của chúng ta sẽ trở thành ánh sáng, thọ mạng, công đức sẽ được tăng trưởng nhưng Rinpoche nói rằng tuổi thọ thì không thể tăng trưởng được. Vậy thầy giải thích về điều này như thế nào ạ?
Câu hỏi không nói rõ là nằm ở phần nào. Thầy có giải thích ở bài giảng là tuy chúng ta không tăng trưởng được thọ mạng nhưng chúng ta có thể bảo vệ bản thân khỏi những tác nhân tiêu cực ảnh hưởng đến thọ mạng của chúng ta và chúng ta có thể hồi hướng để thọ mạng đời sau được dài hơn.
Thầy nghĩ rằng bạn đặt câu hỏi đang trích dẫn từ câu kệ thứ 6: khi mà các con thực hành thì các phẩm tánh sẽ như mặt trăng dần đầy. Ở đây câu kệ nói về những phẩm tánh chứ không nói về thọ mạng như câu hỏi nêu ra. Nếu chúng ta có thể kéo dài thọ mạng của mình thì chắc chắn đã có người làm trước chúng ta rồi và phải có những người đã kéo dài mạng sống ra 100, 200 năm nhưng mà có ai làm được điều đó hay không cho nên điều đó cho ta thấy rằng không ai có thể kéo dài thọ mạng của mình ra mãi mãi được.
Câu 2: Làm sao để yêu thương 1 người?
Đầu tiên chúng ta hãy bắt đầu từ từ, từ những người mà ta yêu thương nhiều nhất, có thể là cha, mẹ hoặc là thú cưng rồi sau đó chúng ta làm tăng trưởng tình yêu thương của mình lên cho đến lúc nó sẽ trở thành tình yêu thương dành cho tất cả mọi người. Thực sự là không thể nào mà bạn không yêu ai cả. Chắc chắn là bạn có thương yêu một ai đó. Ví dụ như con hổ là con vật rất dữ, nó giết hại các con vật khác để ăn nhưng nó vẫn yêu thương con của nó. Đối tượng yêu thương của các bạn có thể là bất kỳ ai là cha, là mẹ là con của mình, bạn của mình. Nếu không thương yêu ai cả thì bạn cũng có thể yêu con mèo, con chó của mình rồi thì bạn lấy tình yêu đó mà nhân rộng ra cho tất cả các chúng sinh khác.
Câu 3: Thưa thầy, việc ăn thịt mua từ siêu thị có bị coi là sát sinh hay không?
Đối với trường hợp này thì không phải là nghiệp sát sinh nhưng nó không đồng nghĩa với việc là không phải chịu bất cứ quả báo nào cả. Ở đây chúng ta chỉ không chịu nghiệp giết hại thôi bởi vì các bạn không tự thân thực hiện hành động giết hại. Nghiệp của hành động giết hại là khi bạn nhìn thấy một con vật và bạn nảy sinh một cảm xúc sân hận, muốn giết con vật này và sau đó bạn thúc đẩy bởi ý định giết hại đó. Sau khi bạn giết hại con vật, bạn hài lòng và thỏa mãn vì mình đã giết được con vật này. Khi có đủ 3 điều kiện này thì chúng ta chịu trọn vẹn nghiệp sát sinh. Khi bạn chỉ ăn thịt thì các điều kiện của việc sát sinh không đầy đủ, tuy nhiên điều đó không có nghĩa là bạn không chịu nghiệp quả nào. Ở đây nghiệp quả vẫn xảy ra dù bạn ăn bất cứ thứ gì kể cả khi bạn ăn hạt, ăn ngũ cốc, ăn rau… Việc nuôi trồng, sản xuất những thực phẩm này cũng đã làm tổn hại tới rất nhiều sinh vật rồi. Như vậy dù bạn ăn gì đi nữa cũng không tránh khỏi nghiệp của việc gây hại cho chúng sinh khác. Chắc chắn việc thọ dụng thức ăn là có những hậu quả của nó nhưng ở đây thì không phải là hậu quả của trực tiếp việc sát sinh.
Câu 4: Liệu có nghiệp quả không tốt cũng không xấu hay không?
Có một vài người nói rằng có những nghiệp quả không tốt cũng không xấu nhưng tổ Jigten Sumgon trong Gongchigđã nói rằng không có cái gì được xem là nghiệp quả không tốt cũng không xấu cả. Hoặc là ác nghiệp chúng ta gọi là quả báo hoặc là thiện nghiệp chúng ta gọi là phước báu chứ không có cái gì rơi vào giữa cả. Kể cả khi tâm bạn không có niệm tưởng nào thì cũng có sự si mê là nền tảng của nó. Cho nên chúng ta mới nói rằng hoặc là quả báo, hoặc là phước báo chứ không có nghiệp quả trung bình nào cả.
Câu 5: Làm cách nào để sám hối khi đã làm điều sai?
Chúng ta đã nói về 4 năng lực khi thực hành Kim Cang Tát Đỏa. Các bạn phải khởi phát được sự ân hận, ăn năn và điều này là rất quan trọng. Các bạn nhận thức được rằng tôi đã phạm phải một sai lầm và khi các bạn ăn năn hối hận thì các bạn phải sám hối. Điều quan trọng nhất là tâm của các bạn phải nghĩ được rằng tôi sẽ không phạm phải ác hạnh này một lần nào nữa. Sự hứa nguyện này hết sức quan trọng. Trong kinh điển cũng nói rằng, thật ra các ác hạnh không hề có bất kỳ điểm tốt nào cả nhưng cũng có điểm tốt là những ác hạnh này hoàn toàn có thể được chuyển hóa, được sám hối. Thông qua năng lực của sám hối, hứa nguyện chúng ta không tái phạm những lỗi lầm này trong tương lai. Nếu như chúng ta không hứa nguyện là không phạm lỗi lầm này trong tương lai thì chúng ta không tịnh hóa được bất cứ nghiệp chướng gì cả dù cho chúng ta có hối hận đến như thế nào. Bởi vì nếu chúng ta không hứa nguyện thì dòng tương tục của tội lỗi đó vẫn ở trong tâm trí của chúng ta rồi chúng ta lại tiếp tục phạm lỗi lầm này vào ngày sau cho nên việc hứa nguyện rất là quan trọng.
Câu 6: Liệu con có thể thực hành Ngondro vào buổi tối được hay không? Con có cần phải thực hành 4 thời Ngondro trong một thời thực hành không?
Về thời gian thì các bạn có thể thực hành bất cứ lúc nào thuận tiện cho bạn.
Khi bạn thực hành bất cứ phần nào của Ngondro thì bạn đều phải dành thời gian để quán chiếu về 4 niệm chuyển tâm trước. Sau đó bạn có thể thực hành tuần tự từng phần một. Các bạn có thể thực hành xong phần Quy Y rồi tiếp đến bạn thực hành Kim Cang Tát Đỏa trong cùng thời thực hành đó. Nếu bạn muốn thực hành cả 4 phần trong cùng một thời thực hành thì khá khó.