Phần 1: Giáo Lý
Hãy lắng nghe Giáo Pháp với một động cơ Bồ Đề thanh tịnh: Con sẽ lắng nghe vì động cơ giải thoát cho con và chúng sinh khỏi đau khổ luân hồi. Hãy khởi phát động cơ như vậy bất cứ khi nào các bạn thực hành Giáo Pháp. Làm được như vậy thì sự thực hành của các bạn sẽ đem lại kết qủa tốt. Có hai loại động cơ, động cơ thiện lành và động cơ không thiện lành. Động cơ thiện lành là động cơ xuất phát từ lòng mong mỏi được lắng nghe, học hỏi, suy tư và thiền định để đem lại giải thoát cho mình và cho chúng sinh.
Giáo pháp mà chúng ta lắng nghe ngày hôm nay chính là Giáo pháp về pháp tu tiên yếu của Đại Thủ Ấn Năm Nhánh. Đại Thủ Ấn Năm Nhánh được chia làm ba phần: phần Thực Hành Tiên Yếu, phần Thực Hành Chính và cuối cùng là Kết Luận. Và trong Pháp Tu Tiên Yếu thì có Pháp Tu Tiên Yếu Thông Thường, Pháp Tu Tiên Yếu Phi Thường và Pháp Tu Đặc Biệt. Ở bài 1 chúng ta đã được học về Bốn niệm chuyển tâm, trong đó niệm chuyển tâm đầu tiên chính là sự khó khăn để đạt được thân người trân quý với đầy đủ 18 điều kiện tự do và thuận duyên. Sự khó khăn này được dẫn chứng cho chúng ta thấy qua ba phương pháp so sánh: phương pháp minh hoạ, phương pháp sử dụng nhân quả và phương pháp dùng số liệu.
Phương pháp dùng số liệu thực chất cũng là phương pháp minh hoạ. Phương pháp này cho chúng ta mường tượng được sự nhỏ bé và ít ỏi của con người khi so sánh với các chúng sinh cõi khác. Lấy một ví dụ đơn giản, dân số ở Trung Quốc thì có rất nhiều. Nếu đem dân số của Singapore để so sánh với dân số của Trung Quốc thì Singapore rất ít ỏi. Cũng vậy, nếu chúng ta lấy toàn bộ số chúng sinh trong tất cả 6 cõi mà đem so sánh với cõi người thì chúng ta sẽ thấy cõi người ít ỏi như thế nào. Cũng có thể bạn có suy nghĩ rằng dân số trên thế giới này thật là đông đảo thì có được thân người cũng chẳng khó khăn gì nhưng bạn phải đem so sánh với toàn bộ chúng sinh trong các cõi mới thấy số người ít ỏi như thế nào. Cũng vậy, nếu bạn ở trong đất nước Singapore thì bạn thấy thật là đông đúc nhưng nếu bạn lấy số dân của nước này mà đem so với toàn bộ dân số thế giới thì bạn sẽ thấy rằng dân số Singapore thật là nhỏ bé. Khi chúng ta so sánh như vậy chúng ta mới thấy rằng có rất ít chúng sinh được tái sinh làm người.
Vậy chúng ta phải so sánh như thế nào? Hãy lấy ví dụ về ba cõi thấp: cõi địa ngục, cõi ngạ quỷ và cõi súc sinh. Có vô vàn chúng sinh trong cõi địa ngục, và nếu đem so với chúng sinh trong cõi ngạ quỷ thì ta nói rằng chúng sinh trong cõi địa ngục nhiều như sao trên bầu trời đêm, còn chúng sinh cõi ngạ quỷ thì nhiều như sao trên bầu trời ban ngày vậy. Bầu trời vào ban ngày không có nhiều sao vì chúng ta không nhìn thấy được sao vào ban ngày. So sánh như thế ta sẽ thấy chúng sinh ở cõi địa ngục nhiều hơn cõi ngạ quỷ như thế nào.
Lại tiếp tục so sánh cõi ngạ quỷ và cõi súc sinh, ta nói rằng chúng sinh cõi ngạ quỷ lại nhiều như sao trên bầu trời đêm và chúng sinh cõi súc sinh thì nhiều như sao vào ban ngày. Như vậy cõi ngạ quỷ lại nhiều hơn rất nhiều.
Nếu chúng ta đem so sánh cõi người với cõi súc sinh, thì lúc này, số lượng chúng sinh cõi súc sinh lại nhiều như sao trên bầu trời đêm và chúng sinh cõi người lại ít như sao ban ngày vậy. Có rất nhiều chủng loại thú và chúng ta có thể thấy được số lượng của chúng đông đảo như thế nào. Có những con vật ở trên trời, trên núi, dưới nước, trên mặt đất… con số đó thật là vô lượng. Có nhiều dạng sống khác nhau và có nhiều loại sinh vật khác nhau nên chỉ với 1 cõi súc sinh duy nhất thôi, ta cũng có thể thấy là quá nhiều rồi. Khi so sánh với cõi ngạ quỷ thì ta thấy súc sinh cũng chẳng nhiều gì, vậy mà khi nghĩ đem so sánh với chúng sinh cõi người, ta mới nhận ra số lượng các loài thú thật sự là không thể đong đếm hết được. Cũng như thế quán chiếu về chúng sinh ở các cõi địa ngục, ta sẽ thấy số lượng chúng sinh cõi thấp vô lượng như thế nào.
Lần này chúng ta lấy một ví dụ khác, đối với số lượng chúng sinh ở cõi địa ngục, ta nói rằng chúng sinh cõi địa ngục nhiều như những hạt nguyên tử trong cõi giới này, có hạt nguyên tử thô lậu và vi tế mà chúng ta sẽ không bao giờ đếm hết được. Còn chúng sinh cõi ngạ quỷ thì nhiều như hạt cát ở mọi đại dương của thế giới này, có vô số hạt cát trên cõi giới này nhưng nếu ta đem số lượng hạt cát với hạt nguyên tử thì ta sẽ thấy rằng số lượng hạt cát là ít hơn hẳn. Chúng sinh trong cõi súc sinh thì nhiều như hạt bụi còn tổng số lượng chúng sinh trong cõi người và chư thiên thì như số hạt bụi chứa đựng vừa trong một chiếc móng tay. Nếu nhìn vào số lượng thì chúng ta sẽ thấy con người và chư thiên ít ỏi như thế nào.
Dân số trên toàn thế giới này có khoảng 7 tỷ người. Nếu so sánh với loài vật thì ta thấy loài vật đông đảo hơn, ngay cả khi chúng ta chỉ lấy 1 giống loài đem so sánh thì sẽ thấy số lượng chênh lệch như thế nào. Ví dụ loài cá ở trong nước thì vượt xa con số 7 tỷ nên nếu chỉ lấy 1 loài đem so sánh, chúng ta cũng thấy số lượng chúng sinh trong cõi súc sinh nhiều như thế nào rồi chứ chưa cần nói đến các chủng loại khác. Sau đó nếu chúng ta lấy 7 tỷ người trên Trái Đất và xem trong số đó có bao nhiêu người gặp gỡ thánh Pháp, và trong số đó thì có bao nhiêu người hiểu về Tam Bảo, hiểu về Phật Pháp. Có thể có khoảng 300 đến 400 triệu người gặp gỡ Phật pháp nhưng trong số đó sẽ có bao nhiêu người hiểu về luật Nhân Quả? Có lẽ có khoảng 100 triệu người. Và rồi trong số đó thì có bao nhiêu người thực hành giáo pháp một cách tinh tấn và hoàn hảo? Như vậy, số hành giả chân chính thực hành giáo pháp thật là ít ỏi so với số lượng chúng sinh cõi người. Và chúng sinh cõi người lại càng ít ỏi nếu đem so với vô lượng vô biên chúng sinh các cõi khác, đến mức không bao giờ đong đếm hết được.
Ngày hôm qua chúng ta đã nói về các nhân để tái sinh làm người, đó là sự thực hành thiện hạnh một cách hoàn hảo. Chỉ quán chiếu như thế thôi ta sẽ thấy được rằng có được thân người trân quý này là điều vô cùng khó.
Trong bản kinh Trung Thiên Bát Nhã Ba La Mật Đa có nói: có được thân người vô cùng khó, chưa bàn đến việc có được thân người toàn hảo lại khó hơn như thế nào nữa. Như vậy chúng ta có thể thấy rằng được có thân người đã khó, mà có được thân người với cả 18 điều kiện tự do và thuận duyên thì càng khó gấp bội.
Cho nên khi chúng ta so sánh số lượng loài người với bất kỳ chung sinh nào khác thì ta sẽ thấy rằng rất khó khăn để có thân người. Ở bài trước chúng ta đã được dạy rằng để có được thân người trân quý chúng ta đã phải trì giữ thiện hạnh toàn hảo. Nhưng nếu thân người này không được gặp gỡ, không được thực hành giáo Pháp thì cái thân người đó cũng không có gì khó kiếm. Đức Milarepa có nói rằng: “Rất khó khăn để có được thân người trân quý nhưng khi ta nhìn vào con thì ta thấy rằng nó thực sự không khó chút nào”. Ở đây Ngài muốn nói rằng rất khó để có thân người trân quý nhưng nếu dùng thân người đó để thực hành các ác hạnh thì cái quả của nghiệp ác còn vô cùng nặng nề hơn, nó khiến cho các bạn tiếp tục tái sinh vào 3 cõi thấp của luân hồi cho nên có được thân người này cũng không quý giá gì mấy.
Tại sao chúng ta cứ phải nói mãi về sự khó khăn để có được thân người trân quý này? Nói chung, mọi chúng sinh đều mong muốn có được hạnh phúc và chẳng có ai mong muốn bị đau khổ nhưng chúng ta lại không biết cái nhân để dẫn đến hạnh phúc là gì. Cái nhân đó chính là thiện hạnh và họ chẳng biết làm sao để tránh tạo cái nhân đau khổ, cũng chính là ác hạnh. Chỉ có duy nhất một loại chúng sinh có thể hiểu được điều gì nên làm, điều gì nên tránh đó chính là loài người. Lý do mà chúng ta nói rằng sự sự tái sinh làm loài người thì tối ưu hơn những loài khác vì chúng ta có khả năng thấu hiểu, học hỏi để làm sao tăng trưởng thiện hạnh và từ bỏ ác hạnh.
Tuần trước chúng ta đã nói về sự quý giá của thân người và 18 điều kiện tự do và thuận duyên để thực hành giáo pháp nên nếu chúng ta không tận dụng cơ hội để học hỏi, thực hành giáo pháp thì chúng ta không tận dụng được sự trân quý của thân người này. Lý do mà chúng ta nói rằng cuộc đời này rất quý giá, tái sinh này là siêu phàm bởi vì chúng ta có khả năng đạt được hạnh phúc và giải thoát khỏi đau khổ. Đó là phẩm tánh rất siêu phàm. Nếu chúng ta không biết tận dụng nó để đạt được hạnh phúc thì được làm người chẳng trân quý gì nữa. Nếu ta có cơ hội sinh ra làm người mà không biết tận dụng thân người thì sẽ lại rơi tiếp vào các cõi địa ngục trong những kiếp sống vị lại. Thật sự, chỉ có con người chúng ta mới có quyền lựa chọn giữa việc thực hành thiện hạnh hay tạo ra ác hạnh. Một khi đã phải tái sanh vào cõi địa ngục rồi thì chúng sinh chỉ có thể chịu đau khổ mà thôi. Dẫu vậy, các chúng sinh địa ngục này đều đã từng được làm người nhưng lại phạm phải ác hạnh nên phải tái sinh vào cõi địa ngục. Không có bất kỳ một chúng sinh nào ở cõi giới khác có thể tạo được cái nhân rơi vào địa ngục cả, trừ loài người. Cho nên đây chính là năng lực mà chúng ta, loài người, sở hữu. Ta có thể dùng thân người này để tạo nên thiện hạnh hoặc phạm vào ác hạnh. Chỉ khi nào chúng ta dùng thân người để thực hành giáo pháp thì chúng ta mới có thể gọi thân người này là trân quý.
Lấy ví dụ về người ăn xin, người này là vô sản vì không có nhà cửa, không đồ ăn, thức uống nhưng người ăn xin này có được cái chén làm bằng chất liệu vô cùng quý giá như vàng, bạc, kim cương… Nếu người ăn xin không hiểu giá trị của cái chén đó thì anh ta vẫn có cái chén để đựng thức ăn nhưng vẫn phải chịu đựng sự nghèo khó do hoàn cảnh của mình. Lại có một người ăn xin khác và anh này hiểu được giá trị của kim cương, vàng, bạc. Như thế, lúc đầu anh ta cũng y như người ăn xin kia không có tài sản, thức ăn nhà cửa nhưng sau khi nhận ra cái chén của mình làm bằng kim cương, anh ta sẽ biết cách tận dụng nó. Có thể anh ta sẽ bán cái chén này đi để mua nhà cửa, quần áo, thức ăn… và anh sẽ có được cuộc sống hạnh phúc. Đó chính là sự khác nhau của 2 người ăn xin này, 1 người thì hiểu được giá trị của cái chén còn 1 người thì hoàn toàn không hiểu gì cả. Cũng tương tự như đối với thân người trân quý này vậy, nếu chúng ta có thân người rồi nhưng lại không nhận ra được giá trị của nó, vì thế không hiểu về luật nhân quả, không thực hành thiện hạnh và xa lìa ác hạnh, không thực hành giáo pháp thì cái thân người này sẽ chẳng còn đáng quý và giá trị gì nữa. Ấy là bởi vì chúng ta dùng cái thân này để tiếp tục tạo ra cái nhân của đau khổ trong các kiếp vị lại đó chính là ác hạnh, những cảm xúc tiêu cực. Chính vì thế nên cái thân này chẳng còn quý giá nữa.
Ngược lại, nếu chúng ta hiểu về nghiệp quả nên tận dụng thân người này để làm những thiện hạnh, thực hành Phật pháp thì chúng ta mới thấy hết giá trị của thân người này. Khi chúng ta hiểu rằng có quá khứ, vị lai và nhờ đó hiểu về giáo pháp thì ta sẽ tạo ra những cái nhân để tạo thành hạnh phúc trong đời tiếp theo và về mặt rốt ráo chúng ta sẽ đạt được giải thoát thì như vậy cái thân người này mới là trân quý.
Dựa trên hiểu biết đó, các bạn mới biết được rằng cần phải thực hành Pháp, cần phải tích luỹ thiện hạnh và từ bỏ ác hạnh. Có thể các bạn nghĩ rằng có được thân người không khó khăn gì nhưng thực ra đó là sự tích lũy của rất nhiều công đức từ trong vô lượng kiếp quá khứ nên chắc chắn giờ đây các bạn hãy tận dụng nó, sử dụng nó để làm cho nó có ý nghĩa. Dù cho tình huống hiện tại của bạn như thế nào thì hãy sống hạnh phúc và đừng để cho tâm bị chi phối bởi các xúc cảm tiêu cực như là đố kỵ, sân hận… mà hãy trưởng dưỡng lòng bi mẫn, nhẫn nhục nhiều nhất có thể. Khi các bạn thực hành thiện hạnh giống như vậy thì nó sẽ trở thành sự tồn tại vô cùng giá trị. Nếu bạn không có cơ hội thực hành thiện hạnh thì ít nhất chúng ta cũng không nên phạm ác hạnh. Nói chung, ta phải luôn luôn nỗ lực thực hành thiện hạnh và từ bỏ ác hạnh.
Cũng như cái ví dụ mà chúng ta nói về một cái chén làm bằng chất liệu tuyệt hảo, các bạn đã có cái chén quý như vậy mà lại chất đầy nó bằng rác rưởi thì thật là ngu ngốc đúng không? Nếu các bạn có cái chén đẹp như vậy, quý như vậy thì mình sẽ không bao giờ đựng chất dơ bẩn vào đó. Nếu như các bạn cứ thực hành ác hạnh thì tâm bạn hoàn toàn bị lấp đầy bởi những tư tưởng tiêu cực, và như thế cũng giống như chúng ta đổ vào cái chén của mình rác rưởi và chất bẩn vậy. Một cái chén quý thì chỉ nên được lấp đầy bằng những chất liệu thanh tịnh và trân quý thôi cho nên ở đây nếu các bạn đã có thân người rồi thì cố gắng thực hiện thiện hạnh, càng nhiều càng tốt.
Khi các bạn đã có chén trân quý nhưng lại dùng để đựng rác rưởi thì liệu cái chén đó còn gì đáng quý hay không? Cho dù cái chén này có quý như thế nào mà các bạn lại ăn những chất dơ bẩn thì các bạn cũng sẽ chết thôi. Cũng như vậy, nếu các bạn có cái thân này rồi mà lại toàn làm những điều ác hạnh thì nó có cái gì trân quý nữa không hay nó chỉ là cái nhân đẩy các bạn vào ba cõi thấp?
Trong Nhập Bồ Tát Hạnh có nói rằng,
Giờ đây con đã có được thân người trân quý này, là điều vô cùng khó khăn để đạt được nên con phải đem lại an lạc và bình yên cho cõi giới này. Nếu con không làm được như vậy thì sao một cơ hội tuyệt vời này có thể diễn ra một lần nữa?
Chúng ta có được thân người trân quý này là một cơ hội tuyệt vời nhưng nếu như không sử dụng thân này để thực hiện thiện hạnh, là nhân để đạt được hạnh phúc trong đời sau, là chúng ta không làm ra cái nhân để tiếp tục tái sinh vào cõi người. Như vậy chúng ta phải thực hành thiện hạnh để về mặt rốt ráo chúng ta có thể đạt được hạnh phúc tuyệt đối, chính là giác ngộ và hạnh phúc. Còn hạnh phúc tạm thời là tái sinh vào những cõi giới cao, như là cõi người và cõi thiên.
Như vậy chúng ta đã nói về 18 điều kiện tự do và thuận duyên và thực sự khó khăn để có thể hội tụ được tất cả các điều kiện này, mà giờ đây chúng ta đã có đầy đủ chúng thì chúng ta phải tận dụng nó để thực hạnh thiện hạnh và từ bỏ các hạnh.
Bản văn tiếp theo có nói rằng,
Giờ đây ta đã tìm được thân người trân quý, có đầy đủ mười tám điều kiện tự do và thuận duyên là cơ hội khó tìm được nên ta phải cố gắng thực hành thiện hạnh, tạo ra cái nhân để đạt được hạnh phúc tạm thời là tái sinh vào cõi giới cao hoặc rốt ráo đạt được giác ngộ.
Như vậy chúng ta phải thực sự dấn thân vào thực hành. Cái thực hành mà ở đây muốn nói tới là pháp tu “Con Đường Tuyệt Hảo Đạt Đến Giác Ngộ – Các Pháp Tu Tiên Yếu của Đại Thủ Ấn Năm Nhánh”. Bây giờ chúng ta đi sâu vào nghi quỹ.
Phần 2: Hướng Dẫn Thực Hành
Để khởi sự thực hành, dậy sớm vào buổi sáng và như đã nói trong bài trước, chúng ta ngồi trong tư thế thiền định 7 điểm của Đức Tỳ Lô Giá Na. Để tịnh hoá các luồng khí, chúng ta thực hành bài tập thở 9 bước tịnh hoá khí. Có các bước khác nhau trong thực hành này. Trước hết là các điểm tinh yếu về thân, các luồng khí và quán tưởng. Đối với thân, ngồi trong tư thế thiền định 7 điểm Tỳ Lô Giá Na. Để tịnh hoá khí chúng ta thực hành bài tập thở 9 bước tịnh hoá khí luân xa và kinh mạch trong cơ thể. Thở vào khí thanh tịnh, dẫn khí đến luân xa tim. Thở ra toàn bộ trọc khí và các năng lượng ô nhiễm chính là các niệm tưởng bất tịnh dưới dạng luồng khói đen tống xuất ra bên ngoài. Hai bước này được thực hiện tuần tự với từng lỗ mũi trái và phải. Ví dụ thở vào bằng lỗ mũi phải và thở ra bằng lỗ mũi trái. Như vậy bước tịnh hoá khí song hành với bước thực hành quán tưởng.
Sau khi đã chuẩn bị về thân thể chúng ta hãy quán tưởng về đạo sư gốc của chúng ta và hãy khấn nguyện rằng: “Đạo sư gốc xin hãy đoái tưởng đến con!” Chúng ta hãy nghĩ rằng chúng ta đang khẩn nguyện đạo sư từ chốn ngàn xa, chúng ta có thể nghĩ về vị Đạo sư gốc và khởi phát lên một lòng sùng mộ mãnh liệt.
Sau khi đã phát khởi được lòng sùng mộ như thế chúng ta phát khởi 1 cảm xúc bi mẫn vô lượng đến với mọi chúng sinh, đặc biệt là những chúng sinh thù ghét ta.
Trong nghi quỹ thì đầu tiên chúng ta tụng đọc Lời nguyện Quy y và Phát khởi bồ đề tâm, sau đó chúng ta đến phần trì tụng Chú Mẫu Tự Phạn Ngữ, chú Duyên Sinh, câu Minh Chú Trăm Âm. Khi chúng ta trì tụng phần này thì hãy quán tưởng gia lực của tất cả chư Phật và chư Bồ Tát, là những gia lực về khẩu của các Ngài qua 3 chủng tự Om Ah Hung, tan hoà vào trong lưỡi của chúng ta. Khi gia lực hoà tan lưỡi của chúng ta thì lưỡi được phú bẩm bởi năng lực của ngữ toàn hảo và như thế, bất cứ điều gì ta thuyết, bất cứ minh chú nào ta trì tụng đều sẽ trở thành hoàn hảo. Tiếp theo chúng ta trì tụng các câu minh chú tăng trưởng công đức và những câu chú để linh thánh hóa chuỗi hạt.
Trong nghi quỹ thì phần “Pháp Tu Tiên Yếu Ngoại Tại Thông Thường” này nằm ở trang 16. Phần này có nói rằng, giờ đây ta có được thân người trân quý, có cả tự do và trợ duyên…. Phần này chúng ta thật sự phải quán xét được việc có thân người trân quý thực sự là rất khó nên ta phải dùng thân người này để làm thiện hạnh, đem lại lợi ích cho người khác. Không quan trọng việc chúng ta có bao nhiêu tiền, chúng ta giàu có như thế nào, chỉ cần chúng ta có được thân người này thì là điều vô cùng, vô cùng trân quý rồi. Vì sao lại nói như vậy? Vì chúng ta đã có cơ hội trong cuộc đời này để tạo ra hạnh phúc cho các đời vị lai về sau. Giờ đây trong tay các bạn đã có điều trân quý rồi, điều mà chưa ai hiểu được mà giờ đây các bạn đã tìm được và đã hiểu được là nó quý giá vô ngần rồi, cho nên chúng ta phải làm gì với cuộc đời này bây giờ để chúng ta có được đời sống vị lại tốt đẹp đời sau? Giờ đây ta đang có cơ hội để tạo ra hạnh phúc cho đời vị lai về sau, khi chúng ta quán xét như vậy thì ngay lập tức chúng ta có sự hoan hỷ, hỷ lạc khởi lên ở trong tâm. Ở đây không phải khởi lên suy nghĩ ích kỷ là ta có được thân này quý giá vô cùng, mà ta thực sự ta phải biết ơn vì giờ đây mình đã có được thân người này cho nên phải tận dụng thân này để thực hành thiện hạnh và cái thân người này là công cụ để đạt tới giác ngộ toàn hảo cho nên chúng ta phải nỗ lực tận dụng nó.
Trong 37 Pháp Tu Bồ Tát có nói rằng
Giờ đây ta đã được con tàu để đạt đến hạnh phúc và giác ngộ, vốn rất khó tìm. Để giải phóng chúng sinh khỏi biển khổ luân hồi hãy lắng nghe, tu học và thiền định không kể ngày đêm để đạt được giải thoát. Đây chính là pháp tu Bồ Tát.
Cơ thể con người cũng giống như là một con thuyền vậy, nó giúp cho chúng ta vượt thoát khỏi biển khổ luân hồi cho nên chúng ta hãy nghĩ rằng, ta phải tận dụng con thuyền thân người này để cứu mình và những chúng sinh khác thoát khỏi biển khổ luân hồi. Cho nên 37 Pháp Tu Bồ Tát nói rằng hãy thực hành bất kể ngày đêm, bất cứ khi nào các bạn có thể, hãy lắng nghe, hãy suy tư và thiền định về giáo Pháp. Hãy nghĩ rằng giờ đây chúng ta phải tinh tấn, phải cố gắng thực hành để cứu giúp chúng ta và chúng sinh ra khỏi biển khổ luân hồi. Hãy nghĩ như vậy khi chúng ta đọc câu kệ này và hãy quán tưởng về ý nghĩa của chúng. Nói chung, lúc nào cũng phải nhận thức được và phải luôn luôn trì giữ chánh niệm rằng chúng ta đã thực sự tìm thấy kho tàng trân quý là thân người này.
Chúng ta đến với pháp tu tiên yếu thông thường thứ 2: cuộc đời vô thường. Chúng ta biết được sự khó khăn để có được thân người trân quý này tuy nhiên, mặc dù có được thân người rồi nhưng nó lại rất vô thường và không có điều gì mà chúng ta có thể nương dựa vào được vì cái thân này sẽ tan hoại vô cùng nhanh chóng. Chúng ta đã có được thân người trân quý rồi, chúng ta quán chiếu về điều đó để hiểu rằng, chúng ta đã vô cùng may mắn. Ở đây các bạn phải tiếp tục quán chiếu sâu hơn rằng, mặc dù thân này là trân quý nhưng ta chẳng thể nương dựa được vào nó. Vì sao, vì thân người này sẽ hư hoại nhanh chóng mà thôi. Có nghĩa là thân sẽ chết đi một cách nhanh chóng, cuộc đời này là vô thường.
Vô thường có thể giải thích bằng nhiều cách khác nhau: có sự vô thường ở bên ngoài và vô thường ở bên trong. Ở bên ngoài chúng ta có sự vô thường của vũ trụ này, có khía cạnh về vô thường thô lậu và vô thường vi tế. Khía cạnh vô thường thô lậu chính là sự chấm dứt của thời gian, chấm dứt của đại kiếp này bởi nạn hỏa hoạn, lũ lụt… như vậy là sự chấm dứt, tàn hoại của vũ trụ này. Đó là vô thường bên ngoài, thô lâu. Vô thường bên ngoài, vi tế ví dụ là sự thay đổi của mùa. Như mùa xuân khi mà cây cối nảy mầm, nở hoa rồi tới mùa đông, lá cây đổi màu rồi rụng xuống, mọi thứ đều thay chuyển một cách hết sức tự nhiên. Có rất nhiều sự thay đổi trong đất, gió, lửa, nước, thay đổi liên hồi. Thậm chí, trong một ngày thì chúng ta cũng thấy sự thay đổi của ngày và đêm. Buổi sáng thì thời tiết như thế nào, tối thì như thế nào… đây chính là sự biến hoại vô thường vi tế của cõi giới bên ngoài, của vũ trụ. Khi mà chúng ta quán chiếu về điều này một cách hết sức cẩn thận và chi tiết rằng sự biến hoại này hiện như thế nào thì ta sẽ đến với sự biến hoại của chúng sinh. Bản thân ta cũng là vô thường và tất cả các chúng sinh khác cũng là vô thường như vậy. Không có bất kỳ chúng sinh nào là thực sự thường hằng. Bằng các cách như thế chúng ta quán xét về vô thường.
Khi chúng ta nghĩ về sự vô thường của người, hãy lấy một ví dụ một vài người có thể rất hùng mạnh và rất tuyệt vời như những vị Bộ trưởng hay những vị Vua vô cùng giàu có và quyền lực nhưng mà rồi những điều đó cũng sẽ biến. Đó chính là vô thường. Kể cả những vị Phật hoặc vị Bồ tát vô cùng siêu phàm cũng cho chúng ta thấy về vô thường bằng cách thể nhập niết bàn cho nên vạn pháp đều là vô thường là như vậy. Vua trời Bhrama hay vua trời Indra thì cũng là vô thường cả.
Nếu như các bạn được tái sinh làm các vị vua trời như Bhrama hay Indra và nghĩ rằng giờ đây ta thoát khỏi vô thường như vậy là sai, các bạn không thể thoát khỏi vô thường được. Nếu như nghiệp làm vua trời tan biến thì các bạn vẫn phải chịu khổ đau, kể cả chư Phật mà cũng thể nhập niết bàn thì chúng ta sẽ chẳng thể nào tránh được vô thường cả. Đối với các vị vua trời như Bhrama và Indra, khi nghiệp quả kết thúc thì họ cũng sẽ bị tái sinh vào những cõi đầy đau khổ. Chúng ta so với các ngài ấy thì chúng ta chỉ là con bọ nhỏ bé mà thôi. Vì thế khi quả của chúng ta đã hết, khi mà quả của cõi giới bên ngoài này tiến tới kỳ hoại diệt, ví dụ trong kinh sách có nói rằng cho đến lúc mà 7 mặt trời cũng xuất hiện trên bầu trời thì cả vũ trụ này sẽ hoàn toàn tan chảy trong biển lửa và bị cuốn trôi trong nạn đại hồng thủy. Nếu cả vũ trụ này còn biến hoạ thì tất nhiên vô thường cũng sẽ xảy ra với chúng ta.
Nghi quỹ nói rằng có 3 cấp độ của vô thường. Đầu tiên, không có một ai có thể tránh được cõi chết và không có một ai bị chừa lại, Điều thứ hai bởi vì thân này không phải thường hằng mà cái thân này là giả hợp cho nên nó là vô thường; và thứ ba không có bất kỳ một chúng sinh nào có khả năng tái phục hồi lại được đời sống của mình mà cứ mỗi khoảnh khắc thì chúng ta lại đi gần hơn tới cái chết. Như vậy trong khắp cõi giới này không có một chúng sinh nào bị cái chết chừa lại. Nghĩa là các chúng sinh nào cũng sẽ phải chết.
Như vậy, điểm đầu tiên của vô thường là không có một ai chưa từng trải qua cái chết và không có một ai sẽ được cái chết bỏ qua. Ví dụ, sẽ không có ai mà sống 200 tuổi, 300 tuổi cả, không có ai mà sống mãi như vậy cả. Ai rồi cũng phải chết thôi. Thông qua khoa học chúng ta biết được rằng loài người đã tồn tại trên trái đất này cả trăm ngàn năm. Họ cứ sinh ra và chết đi như thế nhưng không có bất cứ một ai là bất tử cả. Nhờ đó mà chúng ta biết được rằng, chắc chắn là chúng ta phải chết, chúng ta sẽ y như vậy mà thôi.
Không phải là chúng ta chết vì chúng ta muốn chết, không có ai muốn chết hết nhưng rồi thì chúng ta vẫn phải chết thôi, dù có muốn hay không.
Hãy nói về sự ra đời của chúng ta. Vì sao chúng ta lại được sinh ra? Chúng ta được sinh ra đời vì nghiệp quả và các cảm xúc ô nhiễm. Tuy nhiên thân này không phải là nguyên thể (nghĩa là một thể nguyên chất – cũng có nghĩa là rỗng rang). Như vậy, thân này không phải là rỗng rang mà là vật chất, có nghĩa rằng thân được cấu thành bởi rất nhiều vật và chất (nghĩa là hợp thể). Vì thế, thân này là kết quả của sự tập hợp của nhiều điều kiện và nhân duyên khác nhau. Dưới sự tập hợp của điều kiện và nhân duyên thì cái thân thể này ra đời và thân thể này là sự tập hợp của các vật chất. Như vậy, cái thân này là giả hợp và cái gì là giả hợp thì một ngày nào đó cũng sẽ tan rã. Đây chính là tự tánh của mọi pháp hợp thể. Chính vì thân này là một hợp thể cho nên mới có sinh ra và chết đi. Lấy ví dụ một vật bất kỳ, thì vật nào cũng phải được tạo thành bởi một loại vật chất nào đó, và một khi nó được tạo thành bởi sự tập hợp của nhiều vật chất khác nhau thì rồi cũng sẽ tới ngày nó bị gãy đổ, bị tan hoại chứ không có cái gì mà không tan hoại cả. Bởi vì tất cả đều được cấu thành vật chất, chúng kết hợp lại với nhau thông qua nhân và duyên, thông qua sự tương hợp của các nhân duyên cho nên rồi sẽ có ngày chúng tan rã.
Cũng vậy, cuộc đời này của chúng ta là sự kết hợp của rất nhiều nhân và duyên cho nên sẽ đến một ngày chúng ta sẽ chết đi cho dù chúng ta có muốn hay không. Giống như là thức ăn vậy, mỗi thứ thức ăn nó đều có hạn sử dụng hết. Mỗi khi mà chúng ta nhìn thấy bao bì thức ăn thì chúng ta sẽ xem hạn sử dụng xem chúng ta còn ăn được không, sau ngày đó thì nó sẽ bị hư hoại, không có cái gì mà tồn tại mãi mãi được. Cái thân này của chúng ta cũng hết hạn như vậy.
Khía cạnh thứ 3 của vô thường là không có một ai có thể kéo dài cuộc đời này, cứ mỗi giây, mỗi khắc thì thân thể này đều biến hoại chứ nó không giữ lại được trạng thái ban đầu. Không ai có thể nói rằng chúng ta hãy kéo dài cuộc đời này thêm một chút nữa. Cũng có một vài đồ vật chúng ta có thể kéo dài hơn nhưng riêng cuộc đời thì không như vậy được. Tuổi thọ cũng vậy, khi mà hết thọ mạng rồi thì sẽ ra đi chứ không có một ai để ta có thể khẩn cầu để có thể kéo dài thọ mạng cả. Một khi mà chúng ta sinh ra rồi thì chúng ta cũng sẽ tiến đến cái chết. Và mỗi một ngày trôi qua là một ngày chúng ta sẽ tiến gần hơn tới cái chết, cuộc đời này nó không đứng yên dù chỉ một khoảnh khắc. Không có ai mà chờ đợi bạn cả, không có ai để các bạn nói: “chờ tôi một chút, tôi còn có việc này chưa làm, xin hãy đợi tôi và tôi muốn chết vài phút sau đó”. Không hề có chuyện như vậy và không có ai để mình có thể cầu xin để cho tôi sống thêm chút nữa rồi tôi sẽ tặng cho các bạn cái này cái kia. Giả sử có hai người đi cùng nhau tuy nhiên nếu như bạn chưa muốn đi thì bạn có thể nói rằng “À, tôi chưa muốn đi, chờ chút tôi đi sau.” Hoặc có thể nói với người đó là “Tôi đưa cho bạn món quà này, bạn hãy quay lại đón tôi sau nhé!” Bạn có thể nói như thế với bạn đồng hành của mình nhưng bạn không thể làm như vậy với cuộc sống. Cũng giống như bạn đi máy bay cũng vậy. Đến giờ khởi hành thì máy bay sẽ bay, nếu bạn tới trễ thì sẽ bị lỡ chuyến bay chứ không thể nói là hãy đợi tôi chút xíu. Máy bay sẽ không chờ các bạn, nó sẽ bay khi tới giờ khởi hành và không có ai để bạn có thể cầu xin chờ được. Nếu như các bạn không muốn đi mà muốn ở cõi giới này thêm nữa thì cũng chẳng thể nào làm được. Cuộc đời của các bạn như vậy là xong rồi. Rồi một ngày các bạn sẽ phải chết đi, đó là điều hết sức tự nhiên của cuộc sống.
Khi nào chúng ta chết đi là chuyện không ai biết được. Có vài người chết trẻ, có vài người chết già, không có thứ tự nào để biết được tới lúc nào mà ta chết. Cái chết là bất định. Không có ai nói với bạn khi nào chúng ta chết cả, có người chết ở tuổi 20, có người 30, có người thì 100 tuổi mới chết nên chúng ta không thể nghĩ rằng: “Ôi, mình còn trẻ, mình không thể chết được đâu!” Không ai có thể biết được chuyện ấy cả bởi vì chúng ta có thể chết khi chúng ta còn trẻ. Cũng như thế, chúng ta cũng không thể nghĩ được rằng giờ đây ta rất trẻ, rất khỏe cho nên ta vẫn còn sống được lâu lắm. Không ai có thể nói được chắc chắn như vậy bởi vì chẳng có sự chắc chắn nào là ngày mai chúng ta có chết hay không. Thậm chí chúng ta có thể qua đời ngay buổi tối ngày hôm nay. Có lẽ các bạn đã nghe tin tức về bệnh Covid 19, chỉ trong vòng 24h thôi mà có tới 10,000 người qua đời mà đó chỉ là 1 mình căn bệnh covid thôi, chứ còn có nhiều nguyên nhân khác mà người ta có thể chết. Có bao nhiêu người đã qua đời trong 24h vừa qua? Mỗi giờ mỗi khắc trôi qua thì đều có người chết nhưng chẳng ai thực sự nghĩ là rồi mình cũng sẽ phải chết, chẳng ai biết được bao giờ mình sẽ chết cả. Những người mà hôm nay qua đời thì ngày hôm qua chẳng ai có thể nghĩ là ngày mai mình chết cả. Không có một ai thực sự có sự chuẩn bị cho chuyện này cho nên họ chẳng hề nghĩ ngợi gì về cái chết cả cho nên họ không khác gì chúng ta hết. Họ cũng không biết khi nào họ sẽ qua đời. Đương nhiên trong số đó có những người già, những người trẻ nên hoàn toàn không thể nói được. Chúng ta cũng như vậy mà thôi, chúng ta cũng không biết được rằng bao giờ chúng ta sẽ qua đời, liệu rằng đó là ngày mai hay ngày hôm nay. Bao giờ nghiệp quả của chúng ta chấm dứt thì đó là lúc chúng ta sẽ từ giã cõi đời này. Ai cũng như vậy mà thôi.
Thân thể mà chúng ta sở hữu được cấu thành từ 36 vật chất bất tịnh và nó không có bất kỳ một sự vững chãi. Tuy được hóa hiện ra một cách rất đặc biệt nhưng thực sự chẳng có gì đặc biệt về cấu tạo của cơ thể cả. Cơ thể này được cấu thành từ 36 vật chất bất tịnh như thịt, cơ, xương, máu, mủ… chứ chẳng có thứ gì thực sự thật chắc cả. Khi các bạn sống trong cuộc đời, các bạn có thể nghĩ rằng mình đang rất trẻ trung, xinh đẹp, khỏe mạnh… những điều này có thể xuất hiện một cách rất thường trực trong bạn nhưng tất cả những điều này đều không có tự tánh nào cả. Bởi vì cái thân này được cấu thành bằng những vật chất bất tịnh nên thưc chất nó không khác gì một cái xác chết hết. Ở Tây Tạng thì chúng ta có phong tục là để xác ở khu mộ địa thì thân thể của chúng ta cũng không khác gì cái xác đó hết. Chỉ có sự khác biệt duy nhất là chúng ta thì đang sống còn cái xác thì chết rồi. Nên khi thân này chết đi thì ngay lập tức chúng ta sẽ trở thành một cái xác chết và sự tan hoại sẽ xảy ra ngay. Quá trình này biến cái thân của chúng ta trở thành vật rất ghê tởm. Những chất dơ sẽ chảy ra từ thân này ví dụ như máu, mủ, dịch thể…. những thứ người bình thường xem là vật hết sức ghê tởm.
Hãy nghĩ về những người chúng ta vô cùng yêu quý, vô cùng yêu thương. Chúng ta có thể nói: “tôi yêu bạn rất nhiều, tôi không thể nào sống thiếu bạn được dù chỉ là một phút.” Nhưng khi người đó chết đi thì người đó trở thành 1 cái xác và ngay khoảnh khắc cái thân thể trở thành xác chết thì bạn sẽ tìm cách đẩy cái xác này đi ngay chứ chẳng thể nói với cái xác là: Ôi, tôi yêu bạn nhiều lắm, tôi sẽ giữ bạn mãi mãi với tôi.” Không có ai nói như vậy với cái xác cả mà người ta sẽ đẩy cái xác đi xa càng nhanh càng tốt. Bởi vì chúng ta cho rằng xác chết là cái gì đó vô cùng bất tịnh, vô cùng ghê tởm, từ cái xác sẽ chảy ra máu, mủ, dịch thể… Như vậy chúng ta có thể thấy rằng sự bất tịnh của cái thân này thật rõ ràng, nó sẽ thể hiện ra khi mà chúng ta chết đi. Khi chúng ta chết đi, ta sẽ thấy rõ ràng những gì cấu tạo nên thân thể này. Do đó chúng ta không thể có sự xác tín vào thân thể này và nói rằng, ôi cái thân này quý giá lắm cho nên nó sẽ không chết đâu. Bởi vì nó sẽ không thể nào vững chãi, vững bền được. Khi mà chúng ta chết đi thì thân thể này sẽ lập tức biến hoại trong bất kỳ khoảnh khắc nào.
Bao giờ chúng ta chết đi thì chẳng thể nói được. Lại nữa, các nhân và duyên để chúng ta trì giữ thọ mạng này không nhiều mà lại có rất nhiều điều có thể đẩy chúng ta tới cái chết. Thâm chí những thứ mà chúng ta nương dựa vào để duy trì cuộc sống ví dụ như thức ăn, nước uống vv. cũng hoàn toàn có thể trở thành điều khiến cho chúng ta chết đi nên chẳng có ai có thể tự tin rằng tôi sẽ không bao giờ chết.
Dù cho chúng ta có nhiều tài sản, của cải mà chúng ta đã nỗ lực tạo ra trong cuộc đời này; dù cho chúng ta có yêu quý cha mẹ, người thân hay những người bạn của chúng ta như thế nào đi chăng nữa thì cũng không có bất kỳ ai có thể bảo vệ chúng ta khỏi cái chết. Ai rồi cũng phải chết như trong 37 Pháp Hành Bồ tát đạo đã nói rằng “Gia đình và bạn bè thân hữu rồi sẽ phải rời xa, khách trọ trong căn nhà tâm thức rồi cũng phải rời bỏ, đừng bao giờ bám chấp vào cuộc đời này, đó chính là pháp tu Bồ Tát”. Cho nên dù cho chúng ta đã phải trải qua quãng thời gian dài như thế nào với người thân, bạn bè của mình, dù chúng ta đã cố gắng hết sức để kiếm nhiều tiền bạc của cải như thế nào thì tất cả những thứ đó đều không thể bảo vệ chúng ta khỏi cái chết. Không có ai có thể đi cùng chúng ta trên đoạn đường đến cái chết cả. Chúng ta không có bất kỳ người bạn đồng hành nào cả cho nên tiền bạc, của cải, mối quan hệ thương yêu của các bạn thì không có một ai, bất kỳ điều gì có thể giúp hay đi cùng với các bạn. Điều duy nhất có thể đi cùng với các bạn chính là nghiệp ác hay là nghiệp báu bạn đã tạo ra. Không còn ai hay điều gì có thể đi cùng bạn. Như vậy cái thân này cũng giống như là nhà nghỉ vậy, các bạn sẽ phải lìa xa nó. Và khi bạn xa lìa nó thì cái nhà nghỉ này sẽ bị bỏ lại. Cũng giống như vậy, thức của bạn sẽ lìa xa cái căn nhà, là tấm thân này.
Tổ Jigten Sumgon đã nói rằng, vào khoảnh khắc chúng ta lìa đời, sẽ chẳng còn có bất cứ điều gì có thể giúp cho chúng ta được nữa. Mọi thứ, những hoạt động thường ngày, những thực hành Giáo Pháp, tất thảy đều trở thành những điều sai lầm và những lời giả trá. Tám mối quan tâm của cuộc sống thế tục sẽ trở thành cầu vồng trên trời, không có gì để bạn có thể đặt niềm tin vào được.
Ở đây muốn nói rằng bất kỳ những điều mà chúng ta làm sẽ chẳng giúp ích gì được cả, rồi tất cả chúng ta cũng sẽ phải chết thôi. Có rất nhiều điều bạn có thể làm trên cõi đời này, trong cuộc sống này, có nhiều điều chúng ta cố gắng hoàn thành. Ví dụ chúng ta thực hành thiện hạnh, chúng ta phạm phải ác hạnh, và chúng ta hành xử vì sự bám chấp vào cuộc đời này với rất nhiều nỗi đau và nỗi sợ hãi, hy vọng. Chúng ta hy vọng đạt được những cái này cái kia và chúng ta sợ hãi mất đi cái này, cái kia. Tuy nhiên khi chúng ta chết đi thì mọi thứ sẽ trở thành những điều giả dối, nó không còn bất kỳ ý nghĩa nào để ta cố gắng, tranh đua. Tất cả 8 điều mong cầu của thế gian này đều như thế cả. Tám điều đó là: chúng ta mong được hạnh phúc, chúng ta mong muốn được tán dương, chúng ta mong đạt được những điều tuyệt vời, chúng ta mong muốn đạt được danh vọng. Và rồi chúng ta có bốn điều đối nghich với những gì ta mong cầu. Như thế, chúng ta lúc nào cũng bị trói buộc trong sự hy vọng và sợ hãi vì tám điều mong cầu của thế gian này. Khi ta đạt được một điều gì thì chúng ta vui và khi mất đi thì chúng ta buồn. Tuy nhiên, thực sự thì tất cả những điều được mất này thật sự không hề có ý nghĩa gì trong cuộc đời cả, bởi hoàn toàn chẳng thể giữ lại được gì khi chúng ta ra đi. Chúng cũng giống như là cầu vồng ở trên trời vậy, chẳng có gì đáng để kỳ vọng hay sợ hãi một cái cầu vồng bởi khi mà nó xuất hiện thì một lúc sau nó cũng sẽ tan biến ngay. Cuộc đời này cũng vậy. Nó ở đây, nó hóa hiện trong một khoảnh khắc và khoảnh khắc tiếp theo nó sẽ biến mất cho nên chẳng có gì để chúng ta bám chấp vào, chẳng có gì để chúng ta đặt niềm tin và hy vọng nào cả. Thực sự chẳng có hy vọng nào khi mà chúng ta đặt niềm tin tưởng vào cõi giới này, cái cuộc đời này khi mà ta qua đời thì phải bỏ lại tất cả ở đằng sau.
Vì vậy khi quán chiếu về những lý do trên, chúng ta sẽ đi tới kết luận rằng thực sự không có một kết cục chắc chắn nào rằng là ta sẽ không ra đi giờ phút này. Vì vậy, chúng ta thực hành một cách tinh tấn và không bị tán tâm, chúng ta phải thực hành ngay lúc này và tại đây nếu không sẽ trở thành quá trễ. Chúng ta sẽ không rời bỏ cuộc đời này mà không có bất kỳ sự thực hành pháp nào cho nên hãy thực sự phát nguyện một cách chắc chắn như vậy. Giờ đây chúng ta phải kiên quyết thực hành với tín tâm và không chút phân tâm. Đức Gampopa cũng đã nói rằng cuộc đời này sẽ không dài lâu và chúng ta sẽ phải chết đi. Giờ đây ta đã có thân người trân quý với đầy đủ tự do và thuận duyên cho nên ta phải thực sự tinh tấn thực hành giáo pháp ngay bây giờ để có thể đạt được trạng thái giải thoát. Chúng ta phải bắt đầu ngay từ bây giờ bởi vì vô thường, thứ đẩy ta tới cuộc đời tiếp theo, lúc nào cũng bám theo ta như là bóng đêm bám theo mặt trời vậy. Cũng giống như vậy, mỗi khi mặt trời mọc lên từ đằng Đông chính là một ngày chúng ta tiến gần hơn đến bên kia thế giới. Vì vậy, chúng ta không được phép giải đãi, không được phép nghĩ rằng ngày hôm nay không thực hành để ngày mai thực hành, hoặc năm nay không thực hành thì năm sau sẽ thực hành. Đừng bao giờ có suy nghĩ như vậy, phải thực hành ngay bây giờ.
Đối với chúng ta thì việc thực hành giáo pháp là vô cùng, vô cùng quan trọng. Chúng ta phải nghĩ về vô thường bởi vì nếu không hiểu rõ vô thường thì chúng ta sẽ không thực hành giáo pháp đâu mà chúng ta sẽ trở nên lười biếng và giải đãi. Mặc dù chúng ta có thể hiểu về luật nhân quả nhưng nếu vô thường không thường trực trong tâm thì chúng ta sẽ không tinh tấn thực hành giáo Pháp. Cho nên sự hiểu biết về vô thường mới chính là động lực để chúng ta thực hành giáo pháp. Nếu như vô thường không thường trực trong tâm của chúng ta thì chúng ta sẽ không tinh tấn thực hành giáo pháp và như vậy chúng ta sẽ không hoàn thiện được con đường thực hành pháp của mình. Vì vâyh, hãy luôn luôn nhớ nghĩ đến vô thường trên con đường thực hành Pháp. Ở giai đoạn đầu, vô thường chính là điều thúc đẩy chúng ta vào thực hành giáo Pháp. Tiếp theo khi chúng ta đang thực hành thì quán niệm vô thường sẽ giúp ta luôn tinh tấn, trì giữ cho sự thực hành của chúng ta được liên tục để có thể hoàn thiện con đường của mình. Và như thế, chính vô thường đã giúp chúng ta đạt được đến trạng thái giác ngộ vẹn toàn.
Hãy luôn luôn quán chiếu về vô thường mọi nơi, mọi lúc vì chúng ta sẽ không thể đạt được quả vị nếu chúng ta không quán chiếu về vô thường. Khi nào chúng ta đạt được sự hiểu biết về vô thường một cách thường trực trong tâm thì chúng ta mới đạt được quả vị của con đường thực hành. Chúng ta nói rằng nhờ có sinh mà chúng ta mới hiểu về tử và nhờ có tử thì chúng ta mới hiểu được về vô thường. Cuối cùng, nhờ có vô thường thì chúng ta mới dấn thân vào thực hành giáo pháp. Bởi vì, nếu chúng ta hiểu được về cuộc đời vô thường thì ta sẽ thấy không có bất kỳ sự lựa chọn nào cho chúng ta ngoài việc dấn thân vào thực hành giáo Pháp cả. Nếu chúng ta không thực sự hiểu được về vô thường thì sự thực hành Pháp của chúng ta sẽ không phải là một thực hành chân chính.
Trong Phật Giáo, chúng ta nói rất nhiều về vô thường. Lý do mà chúng ta phải nói về vô thường không phải vì muốn dọa dẫm hay làm cho ai sợ cả mà bởi vì nếu chúng ta không thực sự hiểu về vô thường thì chúng ta rất dễ phạm phải sai lầm trong các hoạt động của cuộc sống, và trong những sự lựa chọn trong cuộc sống của chúng ta. Chỉ khi chúng ta hiểu về vô thường thì chúng ta mới không phạm phải lỗi lầm. Khi nói về vô thường thì đó không phải là một khái niệm mà chúng ta tự bịa ra mà thực sự nó là như vậy, thực sự vạn pháp là vô thường. Ví dụ một người mù thì sẽ không thấy được họ đang đi đâu về đâu cả nhưng nếu các bạn cảnh báo họ rằng đừng đi đến đó nếu không sẽ té xuống, hoặc là nếu đi đến đó sẽ bị chết cháy, chết chìm đấy thì người đó sẽ nghe theo bạn nên không đi. Khi bạn nói với người mù như vậy thì không phải bạn muốn dọa họ mà là muốn cảnh báo cho họ một mối nguy hiểm thực sự. Bạn phải nói cho họ vì người đó bị mù nên họ không thể thấy được, nếu cứ để họ tự dấn thì chắc chắn họ sẽ chết cho nên bạn phải cảnh báo họ trước. Cũng giống như vậy, một người mà không hiểu gì về luật nhân quả thì họ sẽ giống như một người mù cứ đi thẳng vào sự nguy hiểm mà không để ý gì cả và phạm phải rất nhiều sai lầm. Vì những sai lầm đã phạm, họ sẽ phải trải qua rất nhiều khổ đau về sau. Khi mà bạn hiểu rõ về vô thường thì sẽ có sự thôi thúc được giải thoát chính mình khỏi những đau khổ. Đó chính là lý do vì sao mà chúng ta cứ nhắc đi nhắc lại về vô thường là vậy.
Đức Milarepa đã nói rằng: “Thuở ban đầu ta trốn sâu vào trong hang núi vì ta sợ hãi cái chết. Sau đó nhờ thiền định liên hồi, ta đã thoát khỏi sự sợ hãi về cái chết vì ta đã đạt được trạng thái bất tử. (Ở đây nghĩa là Ngài đã giác ngộ về tự tánh của tâm). Giờ đây ta đã hoàn toàn tự do khỏi cái chết.”
Như vậy vô thường chính là sự thúc đẩy các bạn thực hành giáo pháp một cách tinh tấn. Nếu như trong tâm các bạn lúc nào cũng quán xét về vô thường thì đây sẽ là động lực thôi thúc các bạn thực hành giáo pháp nhiều hơn và tinh tấn hơn nữa. Ở đây chúng ta có sự tin tưởng vào nghiệp nhân và quả, chúng ta có sự sùng mộ, thực hành và học hỏi giáo pháp nữa. Tuy nhiên vì không có điều kiện thời gian hay các thuận lợi khác diễn ra làm ngăn cản chúng ta thực hành giáo pháp và rồi thì chúng ta bỏ quên sự thực hành qua một bên. Đây là những điều kiện hoàn cảnh bên ngoài làm cho chúng ta trở lên chói buộc vào cõi luân hồi và làm cho chúng ta chối bỏ việc thực hành pháp. Theo truyền thống Nyingma có nói về tám điều kiện ngăn cản chúng ta thực hành giáo pháp. Vì vậy, nói chung dù cho các bạn có được thân người trân quý này và thân người có đầy đủ 18 điều kiện tự do và thuận duyên rồi nhưng các bạn vẫn không thực hành. Đó là bởi vì có những điều kiện khác nhau và có những niệm tưởng tiêu cực khởi lên trong tâm trí nên bạn không thực hành nữa. Hoặc có thể sự hứng thú của bạn vào việc thực hành giáo pháp không đủ lớn. Hoặc là bạn muốn thực hành giáo pháp nhưng lại có những chướng duyên nhỏ nhặt khởi lên khiến các bạn muốn bỏ cuộc. Những chướng ngại nhỏ nhặt này xảy ra và rồi bạn từ bỏ Giáo Pháp. Điều này xảy ra là do các bạn chưa thực sự hiểu biết thấu đáo về vô thường, không nhận ra giá trị của giáo pháp và các bạn chạy theo những mong mỏi của cuộc sống thông thường mà bỏ quên đi việc thực hành pháp. Vì thế cho nên các bạn sẽ chẳng bao giờ hoàn tất được sự thực hành của mình là vì vậy.
Lúc đầu, bất cứ khi nào chúng ta làm một điều gì mới mẻ thì lúc nào chúng ta cũng hết sức hưng phấn. Ai mà nói với các bạn tới chỗ này, chỗ kia, làm cái này tuyệt lắm… thì chúng ta sẽ dâng tràn cảm hứng, lúc nào cũng phừng phừng lửa cháy để thực hành ngay lập tức. Nhưng khi thực hành một thời gian ngắn, do không thực sự hiểu được toàn bộ tầm quan trọng của thực hành nên chúng ta nhanh chóng cảm thấy chán nản, hoặc thấy bận rộn hay mệt mỏi rồi gác việc thực hành qua một bên. Vì thế mãi mãi chúng ta cũng không hoàn thành được những gì chúng ta đặt ra. Bởi vì chúng ta chưa hiểu biết sâu sắc về luật vô thường và nhân quả cho nên chúng ta không hiểu giá trị và sự quan trọng của việc thực hành giáo pháp ở cõi đời này. Chúng ta không hiểu được tại sao nó lại quan trọng như vậy và nếu chúng ta không nhận ra được tầm quan trọng này thì chúng ta sẽ chẳng bao giờ hoàn thiện được việc thực hành pháp của mình. Và rồi chúng ta sẽ rơi vào trạng thái lười biếng và giải đãi và tiếp tục bị điều khiển bởi các cảm xúc tiêu cực.
Nếu chúng ta chỉ cần nghĩ đúng về vô thường thì chỉ một niệm đó cũng có thể xoay chuyển lại được tất cả mọi thứ. Tất cả đều phụ thuộc vào sự quán niệm vô thường sâu sắc của chúng ta. Nếu trong tâm ta có vô thường thì ta sẽ thấy không còn gì quan trọng hơn thực hành giáo Pháp. Thậm chí nếu có một công việc gì đó ta phải làm thì lập tức ta sẽ nghĩ rằng, mình phải thực hành Pháp trước rồi sau đó mới làm công việc kia. Như vậy, nếu các bạn hiểu được về luật nhân quả và vô thường thì đây chính là lợi ích các bạn sẽ nhận được.
Trong Kinh Cõi Giới Bao La (Vast Place Sutra) có nói:
Cuộc đời tựa áng mây thu
Nhìn thấy chúng sinh ra đi mà ngỡ như ngang trời chớp rạch
Hay như từ núi cao đổ xuống một dòng thác lớn
Cuộc đời này vô thường như vậy đấy
Khi một dòng thác đổ xuống từ trên đỉnh núi thì nước tuôn xối xả như thác lũ mà không hề đứng lại một giây khắc nào. Cũng như cuộc đời này vậy, đã sinh ra thì sẽ phải chết đi, không có một khoảnh khắc, một sát na nào của cuộc đời này dừng lại. Chúng ta phải thực sự hiểu về vô thường và thực hành giáo pháp với sự hiểu biết như vậy. Chúng ta không còn có sự lựa chọn nào khác ngoài sự thực hành giáo pháp.
Quay lại nghi quỹ trang 18, khi ta đọc tới dòng kệ này,
Biết được rằng thần chết hung hãn sẽ lấy cuộc đời bất cứ khi nào ta sẽ suy ngẫm về sự vô thường của ta và người.
Ở đây chúng ta đã có được thân người trân quý này rồi và thân người sẽ đưa chúng ta đến giải thoát nhưng chúng ta sẽ không biết được rằng khi nào thần chết hung hãn sẽ tấn công cuộc đời của chúng ta cho nên chắc chắn bây giờ chúng ta phải thực hành giáo pháp. Đây là cái cách mà chúng ta phải quán chiếu và suy tưởng khi thiền định về câu này. Đồng thời ta cũng có thể quán chiếu theo lời dạy trong 37 Pháp Tu Bồ Tát như sau:
Như là một giọt sương trên ngọn cỏ, hạnh phúc của cuộc đời này rồi sẽ tan biến trong chớp mắt. Cho nên hãy phấn đấu để đạt đến sự giải phóng trường tồn bất biến, đó chính là pháp tu Bồ Tát.
Hãy đọc câu này trong nghi quỹ và hãy quán chiếu về vô thường như vậy.
Chúng ta được dạy là hãy thiền định về vô thường. Như vậy, khi thiền định, hãy quán xét về những thí dụ chúng ta đã nói về sự biến hoại của cuộc đời này. Thật sự quán chiếu sâu sắc đề mục “Vạn pháp có thật sự vô thường không?” Nếu câu trả lời là có thì ta phải làm gì đây? Cuộc đời này tựa như là một giọt sương trên đầu ngọn cỏ, sẽ nhanh chóng tan biến mà thôi. Thân ta cũng vậy. Ngay cả lúc này có thể là chúng ta đã, đang đạt được một vài điều hạnh phúc tạm thời như là chúng ta có được cuộc sống giàu có, chúng ta khỏe mạnh, chúng ta có gia đình yêu thương trân quý. Tất cả những điều đó đều chỉ như là giọt sương trên ngọn cỏ mà thôi, nó đều là vô thường cả và nó sẽ thay đổi trong mỗi khoảnh khắc. Mặc dù bạn có được những thứ tuyệt vời ví dụ có những gia đình rất giàu có, rồi họ mất hết tất cả mọi thứ và họ trở lên vô cùng nghèo khổ. Hoặc là bạn rất thành công trong công việc của mình rồi có điều không may mắn xảy đến với bạn rồi bạn thất bại. Bạn đã từng lên voi, giờ đây lại xuống chó. Bạn đã từng khoẻ mạnh, bây giờ thì tật bệnh quấn thân. Bạn đã từng trẻ đẹp, bây giờ bạn đã già rồi. Trong lúc đó mỗi ngày đều có những người phải chết đi cho nên dù cho bất kỳ một trạng thái hạnh phúc tuyệt vời nào mà các bạn đang nắm giữ thì nó đều sẽ biến mất. Mặc dù các bạn đang trải nghiệm hạnh phúc nhưng cuối cùng, thật sự tất cả những điều đó là cái nhân của sự đau khổ bởi vì nó vô thường.
Có thể là ngày hôm qua các bạn đang hạnh phúc đó nhưng bây giờ thì các bạn lại đau khổ. Mọi thứ đều thay đổi nên các bạn hãy luôn luôn cố gắng thực hành tinh tấn và đạt được trạng thái tối hậu của sự giải thoát trường tồn bất biến. Điều đó đã được giảng dạy trong 37 Pháp Tu Bồ Tát. Bởi vì toàn bộ các lạc thú của cõi trần này đều rất mong manh cho nên hãy cố gắng đạt tới sự trường tồn, bất biến của giải thoát. Hãy nỗ lực để đạt được cái mục đích đó. Và để cố gắng làm được điều đó thì các bạn phải thực hành giáo pháp, phải đem lại lợi lạc cho chúng sinh và từ bỏ những ác hạnh. Cảnh giới giác ngộ tối thượng này có thể viên thành nhờ vào sự cố gắng không ngừng, sự tinh tấn không ngừng của chúng ta khi thực hành giáo Pháp, thực hành thiện hạnh. Khi các bạn quán chiếu về điều này thì các bạn nghĩ rằng con phải thực sự cố gắng thực hành giáo Pháp, mặc dù chúng ta chỉ còn có một ngày, một giờ thậm chí một phút trên cuộc đời này thì ta cũng phải thực hành giáo Pháp bằng bất cứ giá nào. Khi các bạn làm được điều này thì cuộc đời của bạn mới trở lên vô cùng ý nghĩa. Nếu như các bạn thực hành Pháp với thân người trân quý này thì cái quả đạt được chính là sự giác ngộ. Đó là một điều vô cùng quý báu và các bạn sẽ đạt được hạnh phúc không thể nghĩ bàn trong các cõi, tạm thời là các cõi cao và rốt ráo là đạt được giác ngộ.
Chúng ta nói rất nhiều về vạn pháp vô thường nhưng chúng ta chỉ mới nói đến vô thường bên ngoài. Vũ trụ vô thường, các cõi giới bên ngoài đều vô thường cả. Giờ đây chúng ta quay ngược câu hỏi về chính mình, hãy tự vấn bản thân mình là vô thường như thế nào. Mỗi người chúng đa đang ở đây liệu có còn sống vào năm sau hay không? Có thể bạn nói rằng đương nhiên là năm sau thì tôi vẫn cứ ở đây chứ đi đâu? Nhưng mà các bạn không có năng lực hoặc quyền lực gì để mà nói câu đó cả bởi vì vạn vật đều rất vô thường. Cho nên nếu các bạn nghĩ là năm sau chắc tôi sẽ chết rồi, cái điều gì nó sẽ xảy ra vào tương lai hoặc đời vị lai đây? Những cái nhân nào của thiện hạnh, những cái phước đức nào mà tôi đã tạo ra nhờ sự thực hành giáo Pháp, tôi sẽ đem đi cùng với tôi đây? Các bạn thực sự phải hỏi bản thân mình câu đó. Cho nên khi tự vấn bản thân mình câu đó thì sẽ thực sự thấy rằng là không có cơ hội nào cho bạn để thực hành giáo Pháp nữa. Các bạn biết rằng thân người này hết sức trân quý và trong Phật Pháp thì chúng ta nói rằng điều gì làm cho thân người trân quý, thì đó chính là khả năng thực hiện những thiện hạnh. Thông thường chúng ta sẽ nghĩ rằng cuộc đời này có sức khỏe, có tiền bạc, có hạnh phúc thì đã đáng quý rồi. Nhưng mà trong Phật Pháp thì chúng ta biết rằng cuộc đời này là cơ hội quý giá để chúng ta đạt được Phật quả, để có thể thực hạnh thiện hạnh và chúng ta không được phép đánh mất cơ hội trân quý này.
Hãy nghĩ về điều đó ngày và đêm và thực hành bất cứ khi nào bạn có thể. Không có nghĩa là bạn phải từ bỏ các hoạt động thường nhật của mình, thực sự thì các bạn cũng không thể vứt bỏ các trách nhiệm của cuộc sống để giành cho thực hành giáo pháp nhưng cũng đừng quá chú tâm vào đó và lại quên đi thực hành Giáo Pháp. Hãy nghĩ về đời vị lại nữa chứ đừng có cứ chăm chăm nghĩ về cuộc đời này.
Các bạn có thể nghĩ rằng giờ đây ta đang hạnh phúc, có sức khỏe, không bệnh tật thì đây chính là thời gian, cơ hội tuyệt vời nhất để thực hành Pháp chứ không còn khi nào nữa cả. Cho nên đừng đánh mất cơ hội này.
Ví dụ các bạn làm doanh nhân, các bạn kinh doanh thì khi có cơ hội đến các bạn phải chộp lấy nếu không mình sẽ đánh mất cơ hội đấy thôi. Những gì đến vào ngày hôm nay thì nó sẽ không quay lại vào ngày mai. Vì vậy các bạn phải nắm bắt cơ hội khi nó khởi lên. Ở đây các bạn đang có cơ hội nhờ có thân người trân quý này rồi thì lẽ vô thường nó sẽ không chờ đợi bạn đâu cho nên đừng đánh mất cơ hội, đừng lãng phí thời gian và cố gắng thực hành giáo Pháp bất cứ khi nào có thể. Mặc dù một thiện hạnh rất nhỏ nhoi thôi thì thực sự cũng rất tốt. Công đức thiện hạnh là cái mà bạn phải tích lũy lâu đời, giống như bạn tích lũy tiền bạc vậy, các bạn cũng tích lũy công hạnh y như vậy. Cho nên việc bạn tích lũy thiện hạnh nho nhỏ là hoàn toàn có thể.