Chào các vị đạo hữu. Ngày hôm nay chúng ta sẽ bắt đầu những buổi giảng về pháp tu Ngondro.
Theo truyền thống Phật giáo Tây Tạng thì mỗi dòng truyền thừa đều có thực hành về Ngondro như là Ngondro theo truyền thống Dzogchen, Gelug hoặc Sakya. Hôm nay, chúng ta nói về thực hành Ngondro của dòng Drikung Kagyu, được gọi là Ngondro Đại Thủ Ấn Năm Nhánh.
Các pháp tu tiên yếu là những thực hành vô cùng quan trọng. Bất kể chúng ta thực hành theo dòng truyền thừa nào thì chúng ta cũng phải bắt đầu bằng pháp tu tiên yếu. Đây là phần thực hành chính. Các phần thực hành gồm khai kinh, chánh hành và hồi hướng. Chúng ta phải thực hành hết chứ không được thiếu phần nào cả. Ví dụ con người phải có đầu, có thân, có chân mới là đầy đủ, không khiếm khuyết. Pháp tu tiên yếu cũng vậy, nếu các bạn là hành giả thì phải hoàn tất các pháp tu tiên yếu.
Dường như đối với những hành giả lớn tuổi hay những hành giả đã thực hành lâu năm thì họ xem những pháp thực hành tiên yếu không quan trọng. Họ có thể nghĩ rằng những pháp tu tiên yếu dành cho những hành giả mới, sơ cơ hoặc trẻ tuổi nhưng không phải như vậy. Chúng ta phải thực sự thực hành từ đầu cho tới khi đạt thành giác ngộ. Đối với những hành giả mới thì chắc chắn phải khởi sự việc thực hành của mình bằng các pháp tu tiên yếu. Tuy nhiên những hành giả lớn tuổi, đã thực hành Pháp lâu rồi, thì thực hành Ngondro sẽ giúp họ hiểu sâu hơn về giáo Pháp.
Bình thường, khi các vị Đạo Sư ban cho chúng ta giáo huấn về pháp tu tiên yếu, họ sẽ nói rằng Ngondro cũng giống như xây một ngôi nhà vậy. Nếu các bạn muốn xây nhà thì cần phải có cái móng vững chắc. Móng đây chính là các pháp tu tiên yếu. Một căn nhà cao, to và chắc chắn thì phải bắt đầu bằng việc làm một cái móng thật vững chắc rồi sau đó mới tới xây cột, đà, tường và xây các tầng cao bên trên. Cái móng phải thật chắc chắn thì mới có cái nhà chắc chắn được. Nếu móng yếu thì dẫu cho tường, cột có chắc như thế nào thì cũng tiềm ẩn nguy cơ nhà sẽ bị sụp đổ bất cứ khi nào. Trước khi xây nhà, chúng ta phải tính toán số tầng mình muốn xây, đo đạc để làm móng, xây tường phù hợp. Cũng vậy, khi thực hành giáo pháp như Đại Viên Mãn hay Đại Thủ Ấn thì chúng ta phải thực hành vững chắc pháp tu tiên yếu trước.
Khi các bạn đã hiểu được tầm quan trọng của nền tảng thì các bạn sẽ xây dựng trên nền tảng vững chắc đó. Không có nền tảng thì các thực hành khác sẽ không thể vững chãi được.
Pháp hành tiên yếu chúng ta thực hành được gọi là Các pháp tu tiên yếu Đại Thủ Ấn 5 Nhánh. Tại sao gọi như vậy? Vì nếu chúng ta muốn thực hành Đại Thủ Ấn thì chúng ta phải thực hiện những pháp tu tiên yếu này. Có nghĩa là phải thực hành tuần tự từng bước một. Các bước chính là các thực hành thiền định Bổn tôn, Đạo sư Du già rồi đến thực hành Đại Thủ Ấn. Để thực hành này được hoàn thiện thì phải thực hành pháp tu tiên yếu trước. Nếu các bạn bỏ qua thực hành này mà đi vào thực hành những phần cao cấp thì các bạn sẽ không có nền tảng vững chắc. Cũng có một vài người làm được như vậy nhưng không phải ai cũng có thể làm được. Đó là lý do tại sao pháp tu tiên yếu rất quan trọng.
Thường khi chúng ta nghe “tiên yếu” thì chúng ta thấy không quan trọng mà chúng ta muốn thực hành các pháp cao cấp hơn mặc dù chúng ta chưa có hiểu biết thấu đáo. Chúng ta muốn đi thẳng vào các pháp tu cao cấp ví dụ như pháp tu bổn tôn Tantra cao cấp của dòng Tân mật Vajrayogini, hay như Cựu mật Chakrasamvara … Các bạn muốn ngay lập tức bắt đầu bằng các pháp tu cao cấp mà không có nền tảng nào cả. Nói như vậy không có nghĩa thực hành như thế là sai trái mà Thầy chỉ muốn nhấn mạnh rằng việc thực hành này không vững chắc. Khi chúng ta bắt đầu những thực hành Bổn tôn phẫn nộ thì có thể chúng ta sẽ có những tri kiến sai lầm nếu nền tảng không vững chắc.
Cũng giống như việc 1 người mới học lớp 1, lớp 2 mà muốn ra ứng cử làm tổng thống hoặc muốn làm giáo sư, bác sỹ vậy. Mặc dù điều này không có gì sai trái nhưng nếu không có trình độ nhất định, các bạn sẽ không biết phải làm như thế nào để đạt được mục đích. Chúng ta không đủ kiến thức để đảm nhận công việc. Đó là lý do vì sao các pháp tu tiên yếu là rất quan trọng. Đó là lý do tại sao tổ Jigten Sumgon luôn nói là pháp tu tiên yếu còn thâm sâu hơn cả pháp hành chính. Ngài có lý do để nói như vậy.
Ở giai đoạn đầu, việc phát khởi động cơ đúng đắn là rất quan trọng. Chúng ta có thể nghĩ rằng chúng ta đang có cơ hội tốt để thực hành giáo pháp nhằm giúp mình và các chúng sinh khác đạt được giải thoát. Việc phát khởi động cơ Bồ đề là rất quan trọng. Với động cơ đúng đắn như vậy, chúng ta bắt tay vào thực hành với tất cả nhiệt huyết, quyết tâm của mình. Bằng không, khi nghe rằng có một lớp học Pháp thì ta quyết tâm tham gia ngay nhưng trong quá trình học thì lại dần dần bị phân tâm, chia trí rồi mất dần quyết tâm.
Khi thực hành các bạn phải duy trì quyết tâm là mình chắc chắn sẽ hoàn thành chứ không phải là mới lúc đầu thì rất hào hứng, mình muốn thực hành ngay ngày hôm nay nhưng ngày mai, có chuyện gì đó làm mình xao lãng rồi thì không thực hành nữa, rồi ngày tiếp theo nữa thì quên luôn mà thực sự mình phải có động lực và quyết tâm ngay từ lúc ban đầu. Nên thấy rằng mình rất may mắn khi có cơ hội thọ nhận giáo pháp này, vì vậy chắc chắn mình sẽ phải thực hành nó cho đến khi kết thúc. Sự hoan hỷ, niềm vui của mình phải đi kèm với quyết tâm và chắc chắn sẽ hoàn thiện để đem lại lợi lạc cho chúng sinh.
Chúng ta có 84,000 Pháp môn và tinh tuý các Pháp này được bao hàm trọn vẹn trong Kinh Thừa và Mật thừa. Và pháp hành Đại Thủ Ấn Năm Nhánh lại chính là cốt tuỷ của tất cả các giáo huấn Kinh Thừa và Mật Thừa. Đây chính là một con đường trọn vẹn bao gồm nền tảng [nền], con đường tu tập [đạo] và kết quả [quả] dẫn đến Phật quả. Về truyền thừa của Pháp tu này, ta có thể nói rằng đây là dòng truyền thừa tổng hợp những tinh hoa của Kinh Thừa và Mật thừa, ngoài ra còn có tên gọi khác là Tam Truyền Mật Chú, Tri Kiến, và Công Hạnh.
Dòng truyền thừa thứ nhất chính là Truyền Thừa Gia Lực hay còn gọi là dòng truyền Kim Cang Thừa; khởi nguồn từ Đức Kim Cang Trì, sau đó được truyền đến Ngài Tilopa, Naropa, Marpa, Milarepa rồi Gampopa, vv.
Dòng thứ hai là dòng truyền Kinh thừa gồm có 2 nhánh là dòng Tri Kiến Thâm Sâu và dòng Công Hạnh Bao La. Đây là dòng truyền thừa theo truyền thống Đại thừa, được truyền trao theo dòng Kadampa, qua Tổ Atisha rồi đến Tổ Gampopa. Như vậy chúng ta thấy Đức Gampopa vừa thọ nhận giáo huấn của Đại thừa vừa nhận giáo huấn của Mật thừa từ Tổ Marpa, Tổ Milarepa, vv. Như thế, Đức Gampopa là nơi tất cả dòng truyền thừa giao thoa và hội tụ.
Đức Gampopa sau đó truyền dạy lại những giáo huấn này cho các đệ tử của mình và chư vị tiếp tục truyền dạy pháp tu này trong dòng truyền thừa Drikung Kagyu. Khi nói về dòng truyền thừa này thì một trong những vị đệ tử nổi bật nhất của Ngài chính là Đức Phagmo Drukpa. Đức Phagmo Drukpa chính là vị đã đặt nền móng cho Đại Thủ Ấn Năm Nhánh, người đã tổng hợp những phương pháp để chúng ta có thể thực hành. Đức Phagmo Drukpa có 1 đệ tử là Đức Jigten Sumgon và chính từ Ngài Jigten Sumgon mà pháp tu Đại Thủ Ấn Năm Nhánh đã tiếp tục triển khai ra thành một phương pháp rất vững chắc để có thể truyền giảng cho các đệ tử của mình. Cứ như thế, pháp thực hành này tiếp tục được truyền dạy cho các đạo sư và đệ tử của dòng Drikung Kagyu và sau đó được chính thức đặt tên là Drikung Kagyu Đại Thủ Ấn Năm Nhánh.
Đại Thủ Ấn Năm Nhánh bao gồm thực hành
- Bồ đề tâm
- Thiền định Bổn tôn
- Đạo sư Du già
- Đại thủ ấn và
- Hồi hướng.
Như vậy đây là con đường trọn vẹn toàn hảo và các pháp tu mà chúng ta được học ngày hôm nay chính là các pháp tu tiền đề, tiên yếu để bắt đầu con đường thực hành 5 bước như trên.
Như vậy, dòng truyền thừa khởi nguồn từ Đức Jigten Sumgon và trong truyền thống Drikung Kagyu của chúng ta thì có khoảng 18 hay 19 vị Pháp vương Thủ Ngôi. Vị Pháp vương đầu tiên chính là Đức Rinchen Chokyi Drakpa, hay còn gọi là Đức Dharmakirti và Ngài cũng là hóa thân đầu tiên của Tổ Chungtsang Rinpoche. Ngài là một học giả vô cùng lỗi lạc và là một đạo sư vĩ đại. Đức Dharmakirti có một đệ tử là Lho Konchog Trinley Namgyal. Như vậy, nghi quỹ này chính là tất cả những ghi chú của vị đệ tử Konchog Trinley Namgyal [từ các giáo huấn] mà ngài đã nhận được từ vị đạo sư gốc của mình, Đức Dharmakirti. Vì vậy, các ghi chú này được gọi là Khẩu dụ của Ngài Dharmakirti.
Bây giờ chúng ta sẽ bắt đầu phần giảng về Ngondro, pháp tu tiên yếu dựa trên văn bản Khẩu dụ của Ngài Dharmakirti. Các pháp tu tiên yếu thuộc dòng truyền thừa Drikung Kagyu được xem là một trong những pháp hành chi tiết nhất, đồng thời cũng là bản trước tác phổ biến đầu tiên nhất về chủ đề Ngondro trong số tất cả các văn bản đã được soạn tác ra.
Đại Thủ Ấn Năm Nhánh về mặt cốt tuỷ chính là con đường mà mọi Đấng đạo sư Kagyu đã từng thực hành, và dựa trên nền tảng này, chư vị đã thành tựu quả vị. Ví như Đức Marpa, Đức Milarepa, Đức Gampopa cùng tất cả chư vị đạo sư Kagyu khác đều thực sự đã thực hành pháp hành này và đã đạt giác ngộ. Đây là một pháp tu với gia lực to lớn, dễ hiểu mà cũng dễ thực hành. Thật sự đây là một pháp hành đặc biệt. Vị tác giả soạn tác ra văn bản này, Đức Lho Trinley Namgyal cũng chính là một vị đạo sư lỗi lạc, một học giả tuyệt vời với chứng ngộ vô cùng cao tột.
Văn bản bắt đầu bằng tựa đề: “Ghi chép từ những khẩu dụ của Đức Kim Cang Trì Dharmakirti về con đường thực hành Đại Thủ Ấn Năm Nhánh”. Khổ đầu tiên trong văn bản chỉ có tiếng Tạng, chính là phần đảnh lễ của vị tác giả đến Đạo sư gốc của mình cùng tất cả chư Đạo sư dòng truyền thừa. Ngài đê đầu đảnh lễ và tán dương chư vị giác ngộ của dòng truyền thừa. Tiếp theo là các đoạn kệ thể hiện quyết tâm và lời nguyện sẽ hoàn tất bản văn này của vị tác giả. Ngài nói rằng:
“Đây chính là những ghi chép của tôi. Tôi đã biên chép những lời này dựa trên các giáo huấn cốt tuỷ của vị Đạo sư gốc của tôi là Đức Dharmakirti.”
Thầy sẽ dùng phần lớn thời gian để tụng bản nghi quỹ và tóm tắt ý nghĩa cho các bạn. Tuy nhiên sẽ có những phần thầy sẽ tụng đọc trọn vẹn văn bản nghi quỹ rồi sau đó mới giảng cho chúng ta. Sở dĩ thầy làm như vậy để các bạn có thể nhận được khẩu truyền và giáo huấn cùng một lúc.
Văn bản lại nói: Đây là con đường đẫn đến giác ngộ. Đây là con đường mà mọi vị Phật [nhờ đó] đã đạt thành giác ngộ. Đây là con đường của các vị Phật quá khứ, là con đường của các vị Phật tương lai và cũng là con đường của các vị Phật hiện tiền. Đây là tinh yếu của mọi Kinh thừa, Mật thừa và mọi bình giảng. Đây là pháp hành được truyền từ Đức Kim Cang Trì trong một dòng truyền thừa kề cận. Gọi là truyền thừa kề cận vì thực hành theo truyền thừa này thì quả vị giác ngộ sẽ rất cận kề với chúng ta. Đây chính là tâm pháp cốt tuỷ của mọi vị Đạo sư Kagyu, đặc biệt, đây chính là tâm pháp của Đấng Từ phụ Phagmodrukpa cùng trưởng tử, Sơ Tổ Jigten Sumgon. Đây chính là dòng truyền thừa kề cận dành cho hành giả chúng ta, những kẻ may mắn để đạt được giác ngộ vô cùng nhanh chóng chỉ trong một đời. Đây chính là con đường thực hành Đại Thủ Ấn Năm Nhánh.
Tiếp theo, vị tác giả nói rằng đây là các ghi chép bao hàm trọn vẹn tâm yếu của đường tu, và con đường tu được phân ra thành hai trọng điểm. Văn bản viết [như sau]: Con đường thực hành Đại Thủ Ấn Năm Nhánh chứa đựng trọn vẹn tinh tuý của giáo lý Phật Đà, của mọi Pháp luân thường chuyển và được cô đọng trong 2 điểm chính: điểm tinh yếu về thân và điểm tinh yếu về tâm.
1. Điểm tinh yếu về thân.
Văn bản bắt đầu bằng: Lựa chọn một nơi ẩn tu cách biệt, sau đó ngồi kiết già trên một toạ cụ thoải mái. Tiếp theo tác giả đề cập đến 7 điểm thiền định của Đức Tỳ Lô Giá Na, là các điểm tinh yếu về thân:
- Tư thế ngồi kiết già
- Sống lưng thẳng
- Vai mở rộng
- Cổ hơi cúi xuống phía trước
- Hai tay đặt trong tư thế thiền định
- Đầu lưỡi chạm vào vòm họng trên
- Mắt nhìn xuống đỉnh mũi.
“Nơi chốn ẩn tu” có thể là bất cứ nơi nào, cũng có thể là nhà của bạn. Sau khi chọn được chỗ ngồi yên tĩnh, chúng ta hãy ngồi xuống theo tư thế 7 điểm thiền định của Đức Tỳ Lô Giá Na. Ngồi 7 điểm sẽ rất bổ ích cho việc rèn luyện tâm của ta để có được chánh niệm và tập trung. Nếu chúng ta nằm hay ngồi bệt trên sàn thì sẽ dễ dàng rơi vào trạng thái thất niệm bởi vì ta để cho tâm buông thả theo hoạt động của thân. Còn khi chúng ta buộc thân vào tư thế 7 điểm của Đức Tỳ Lô Giá Na, chúng ta sẽ dễ có chánh niệm hơn. Nó cũng liên hệ tới những đường kinh mạch và khí trong cơ thể của chúng ta nữa. Ngoài ra, hãy nghĩ rằng giờ đây ta đang dành thời gian để thực hành Pháp. Khởi lên tâm nguyện như vậy thì một cách hết sức tự nhiên, thân thể không thể ở trong trạng thái buông thả mà phải cẩn trọng lại và duy trì chánh niệm. Vì thế, chúng ta phải giữ cơ thể theo tư thế 7 điểm. Ngoài ra ngồi ở tư thế này còn có một lợi ích quan trọng nữa. Ta nói rằng khi thân thể được giữ thẳng thì đường kinh mạch sẽ thẳng, và khi đó các luồng khí sẽ được lưu thông tự nhiên. Điều đó khiến cho tâm được an trụ tự nhiên. Đó là lý do vì sao chúng ta cần phải ngồi ngay ngắn trong tư thế thiền định 7 điểm.
Trên đây là điểm tinh yếu đầu tiên. Trọng điểm thứ 2 được chia ra làm 3 nhánh: phần tiên yếu, phần chính hành và phần kết luận. Xin nhắc lại, có 2 điểm tinh yếu: điểm tinh yếu của thân và điểm tinh yếu của tâm. Thuật ngữ “tinh yếu” ở đây mang hàm nghĩa “cốt tuỷ, trọng yếu” cho sự thực hành Pháp của chúng ta. Các điểm tinh yếu này là những điểm nhất thiết quan trọng chúng ta phải thực hành để có thể đạt được kết quả. Mà những gì được gọi là tinh yếu thì sẽ vô cùng quan trọng. Như vậy, 7 điểm thiền định chính là điểm tinh yếu đầu tiên: điểm tinh yếu về thân.
2. Điểm tinh yếu về tâm
Điểm tinh yếu thứ 2 là điểm tinh yếu về tâm và được chia làm 3 nhánh:
2.1 Nhánh thứ nhất: các pháp tu tiên yếu;
2.2 Nhánh thứ hai: phần chánh hành. Chính là phần thực hành chính của Đại Thủ Ấn Năm Nhánh;
2.3 Nhánh thứ ba: phần kết luận. Ở đây chính là thực hành hồi hướng.
Văn bản này được trình bày rất hệ thống theo cách phân bổ truyền thống. Điều này có nghĩa là văn bản sẽ được chia nhỏ ra thành các đề mục lớn, đề mục nhỏ, đề mục nhỏ hơn. Bạn có thể thắc mắc rằng vì sao lại phải phân chia nhiều như vậy, thì truyền thống này có ý nghĩa to lớn.
Trong nhánh thứ nhất, chính là các Pháp tu tiên yếu, chúng ta lại có ba 3 mục nhỏ:
2.1.1 Các pháp tu tiên yếu thông thường;
2.1.2 Các pháp tu tiên yếu phi thường và;
2.1.3 Các pháp tu tiên yếu đặc biệt.
Bây giờ chúng ta sẽ nói về các pháp tu tiên yếu thông thường. Các pháp tu tiên yếu thông thường gồm 4 đề mục:
2.1.1.1 Quán chiếu về sự khó khăn để có được thân người trân quý là liều thuốc để đối trị với sự bám chấp vào cuộc sống này.
2.1.1.2 Quán chiếu và cái chết và lẽ vô thường, là liều thuốc đối trị lại với sự giải đãi và lười biếng.
2.1.1.3 Quán chiếu về luật nhân quả để làm cho cuộc đời này trở nên có ý nghĩa hơn và cuối cùng là
2.1.1.4 Quán chiếu về cõi luân hồi đầy đau khổ để đừng bám chấp vào sự tồn tại của cõi luân hồi và sự hạnh phúc ở cõi luân hồi.
Chúng ta gọi 4 đề mục quán chiếu của pháp tu thông thường này là 4 niệm chuyển tâm. Chúng ta thực hành quán chiếu về bốn niệm này vì chúng ta có sự bám chấp hết sức mạnh mẽ vào cuộc sống hiện tại này. Tại sao chúng ta lại quá bám chấp như vậy? Đó là bởi vì chúng ta không hiểu về tự tánh của các pháp. Do không biết được vạn pháp thực sự là như thế nào nên chúng ta mới tin tưởng vào sự tồn tại thường hằng của điều vốn là vô thường. Chúng ta tin rằng một điều gì đó là tốt, là đẹp nhưng thực ra nó là đau khổ. Hoặc chúng ta nghĩ cái gì đó là dơ dáy, là xấu nhưng thực ra nó là điều tốt đẹp, vv. Chúng ta hoàn toàn mê lầm vào sự tồn tại thật chắc của mình, chúng ta nghĩ cuộc đời này là thật chắc, chúng ta có được điều kiện tốt đẹp, hạnh phúc của cuộc đời này, chúng ta bám chấp vào cuộc đời này vì lẽ đó nên chúng ta mê mờ. Như vậy bốn niệm chuyển tâm cho chúng ta thấy được bản chất thật sự của cõi luân hồi này và khi chúng ta thực hành quán chiếu về bốn niệm này, chúng ta sẽ thấy cõi luân hồi này chỉ có đau khổ mà thôi chứ không có hạnh phúc nào cả. Tất cả đều vô thường, đều có bản chất của đau khổ và khi chúng ta nhận ra điều đó rồi, chúng ta sẽ hoàn toàn xoay lưng lại với sự bám chấp vào cuộc đời. Đó chính là ý nghĩa của 4 niệm chuyển tâm.
Gọi là pháp tu tiên yếu thông thường bởi vì pháp tu này được thực hành trong tất cả các truyền thừa của Phật giáo bao gồm Đại thừa, Trung quán và Tiểu thừa. Có nhiều thừa Phật Giáo và pháp quán niệm này là chính là nền tảng chung nhất mà tất cả các thừa đều thực hành để có thể đạt đến giác ngộ. Khi quán xét về 4 niệm này thì chúng ta có động lực để nỗ lực giải thoát bản thân ta khỏi luân hồi. Đó là lý do tại sao chúng ta gọi là pháp tu ngoại tại thông thường bởi đây là thực hành chung trong tất cả các truyền thừa của Phật giáo.
Nếu các bạn thực hành quán chiếu thật tinh tấn về 4 niệm chuyển tâm thì bạn sẽ là 1 hành giả rất tốt, không quan trọng là bạn thực hành theo thừa nào hoặc theo truyền thống nào. Trong truyền thống phật giáo Tây Tạng thì Đức Milarepa được xem là vị đạo sư tối cao, ngài giống như là tấm gương tuyệt vời nhất cho chúng ta noi theo, là một hành giả có thành tựu thực chứng cao nhất. Lý do là bởi Ngài có hiểu biết rất sâu sắc về 4 niệm chuyển tâm này và chính sự quán chiếu nội tâm về bốn niệm thâm sâu này khiến Ngài trở thành một hành giả tuyệt vời. Nếu chúng ta có sự quán chiếu như thế thì chúng ta sẽ là một hành giả rất tốt. Chúng ta phải thực sự học hỏi, suy tư và thực hành về 4 niệm chuyển tâm này và càng suy tư, học hỏi, thì chúng ta lại càng thực hành các niệm này nhiều hơn.
Hôm nay thầy sẽ nói về điểm đầu tiên của 4 niệm chuyển tâm: sự khó khăn để có được thân người trân quý.
2.1.1.1: Thân người trân quý
Chúng ta rất khó khăn để có được thân người mà lại còn có tự do và những điều kiện thuận duyên để thực hành Pháp thì nó lại càng quý giá hơn nữa. Tại sao thân người lại trân quý? Tất cả các chúng sinh trong 6 cõi luân hồi đều có cùng 1 tâm. Tâm của các chúng sinh đều như nhau và chúng ta đều có mong ước được giải thoát khỏi khổ đau và có hạnh phúc. Nhưng chỉ có những chúng sinh với thân người trân quý mới có thể đạt được sự giác ngộ, chính là hạnh phúc tối thượng. Không có chúng sinh nào ở cõi khác có thể làm được điều này. Đây là lý do chúng ta nói rằng thân người trân quý là vô cùng quan trọng và trân quý. Nhờ có thân người này mà chúng ta mới có thể đạt tới điều hết sức nhiệm mầu đó là đạt được quả vị tuyệt hảo.
Đức Gampopa đã nói rằng, trong 6 cõi luân hồi thì cõi người là cõi tối thắng nhất. Nó trân quý là bởi bằng thân người này chúng ta mới đạt được sự giải thoát khỏi đau khổ của cõi luân hồi và nhờ đó chúng ta mới đạt được trạng thái giác ngộ toàn hảo. Tất cả những điều này chúng ta chỉ có thể đạt được khi có thân người mà thôi. Cho nên thân người này mới vì thế mà trở thành quý báu.
Một thân người trân quý có sự tự do và thuận duyên. Tự do là gì? Là chúng ta có được thời gian, có điều kiện và cơ hội để thực hành giáo pháp.
Thuật ngữ thứ hai, điều kiện thuận duyên có nghĩa là những cơ duyên khác nữa để thực hành giáo pháp không chỉ có thời gian. Điều này mang hàm nghĩa rằng không phải cứ là người thì sẽ được xem là thân mạng trân quý. Một thân người được xem là trân quý khi có đầy đủ tự do cùng các điều kiện thuận duyên.
Có tất cả 18 điều kiện thuận duyên và tự do để chúng ta có thể gọi được thân người là trân quý. Nếu thiếu bất kỳ điều kiện nào trong 18 điều kiện tự do và thuận duyên này thì chúng ta không được xem là có thân người trân quý mà chỉ được gọi là thân người bình phàm thôi.
Sau đây thầy sẽ đọc qua 18 điều kiện tự do và thuận duyên. Chúng ta cần phải biết rất rõ về các điều kiện này, đặc biệt là đối với các hành giả mới. Có vài người biết sơ sơ, nhưng chúng ta phải nắm thật vững các điểm này. Đã là Phật tử thì chúng ta phải thực hành văn, tư tu vậy. Văn chính là lắng nghe, cũng là một phần của tư, là học hỏi. Vậy bây giờ chúng ta sẽ cùng nhau lắng nghe thầy đọc về 18 điều kiện tự do và thuận duyên này. Trong 18 điều này trước hết chúng ta có tám điều kiện tự do:
- Không tái sinh vào các cõi địa ngục,
- Không tái sinh vào cõi ngạ quỷ,
- Không tái sinh vào cõi súc sinh,
- Không tái sinh vào vùng biên địa,
- Không tái sinh vào cõi Thiên trường thọ,
- Không mang tà kiến,
- Không sinh ra vào thời không có Đức Phật xuất thế và
- Không phải sinh ra với thân thể khiếm khuyết.
Điều kiện đầu tiên chính là không sinh ra trong cõi địa ngục. Khi sinh ra ở địa ngục thì chắc chắn là không có thân người chân quý này và không có bất kỳ cơ hội nào để thực hành giáo Pháp. Địa ngục có quá nhiều đau khổ nên toàn bộ thời gian chỉ lặn ngụp trong đau khổ mà thôi. Thậm chí 1 âm thanh về Đức Phật cũng không thể nào nghe thấy được. Cho nên hoàn toàn không có cơ hội để lắng nghe, thấu hiểu hoặc thậm chí thực hành về giáo pháp. Tương tự cũng như cõi ngạ quỷ, không một âm thanh nào của Phật Pháp được nghe thấy cả. Vì nghiệp quả, các chúng sinh trong cõi ngạ quỷ phải đi lang thang khắp nơi, rất đói khát và đau đớn mà không bao giờ có thể tìm được thức ăn nên những chúng sinh ấy bị nhấn chìm trong biển khổ như vậy.
Đối với chúng sinh ở cõi súc sinh thì bị ăn thịt hoặc ăn thịt nhau. Chúng bị hành hạ, đánh đập và suốt đời sống trong sự đau khổ, sợ hãi và như vậy hoàn toàn không có cơ hội để thực hành và lắng nghe giáo pháp.
Còn khi nói về những người sinh ra ở vùng biên địa, đó cũng có thể là một nơi chốn nào đó trong cõi giới con người này, nhưng lại là nơi mà giáo Pháp không thể vươn tới được. Mặc dù chúng ta sinh ra ở cõi người nhưng nếu không có giáo pháp thì chúng ta cũng không thể hiểu được về nghiệp quả và về con đường giải thoát mặc dù chúng ta có thân người.
Còn về các vị trời trường thọ thì có rất nhiều loại chư thiên khác nhau. Chư thiên là những vị sống trên các cõi giới có hạnh phúc tuyệt vời, không thể nghĩ bàn nên họ đã dành 100 năm, ngàn năm để sống trong sự hạnh phúc, hỷ lạc nên đối với họ không cần thiết phải thực hành giáo pháp. Như vậy họ cũng không có điều kiện để thực hành giáo Pháp.
Tiếp theo là những người sinh ra có tà kiến. Mặc dù họ có thể sinh ra làm người tại một nơi có Phật Pháp hiện hữu. Họ cũng được nghe về Giáo Pháp nhưng họ hoàn toàn không tin tưởng, không chấp nhận sự tồn tại của tôn giáo, không tin tưởng về kiếp trước, kiếp sau hay sự vận hành của luật nhân quả. Vì vậy, họ sinh ra tri kiến sai lầm nên họ cũng không có cơ hội thực hành giáo pháp.
Tiếp theo là sinh ra ở nơi không có vị Phật xuất thế. Ở đây chúng ta đang nói về vô lượng đại kiếp khác nhau. Trong những đại kiếp này có những đại kiếp có các vị Phật hiện hữu. Đồng thời cũng có những đại kiếp không hề có bất kỳ một vị Phật nào xuất thế. Giáo pháp không được tuyên giảng nên chúng ta gọi đây là thời kỳ tăm tối. Nếu chúng ta sinh ra vào thời kỳ này thì mặc dù chúng ta là người nhưng không có cơ may để học hỏi giáo pháp.
Điều kiện tự do cuối cùng là sinh ra với đầy đủ các giác quan. Ở đây có nghĩa là ai đó bị câm, điếc, mù hoặc tâm trí bị thiếu sót. Chủ yếu ở đây ta muốn nói đến các khiếm khuyết của tâm trí vì như vậy chúng ta không thể thực hành giáo pháp.
Trên đây là tám điều kiện tự do. Bất kỳ ai dù tái sinh làm người nhưng nếu họ không có đủ 8 điều kiện tự do này thì họ cũng không thể thực hành giáo Pháp. Ngược lại, chúng ta được xem là có các điều kiện tự do nếu chúng ta không rơi vào bất kỳ hoàn cảnh nào trong tám hoàn cảnh mất tự do nào đã kể trên.
Tiếp theo là 10 điều kiện thuận duyên bên ngoài, gồm:
- Năm điều kiện thuận duyên cá nhân:
- Sinh ra làm người,
- Sinh ở nơi trung tâm – nơi mà giáo pháp Đại Thừa phát triển,
- Có đầy đủ giác quan,
- Không phạm ác nghiệp nặng nề (năm tội vô gián).
- Có niềm tin vào Tam bảo
- Năm điều kiện thuận duyên thuộc hoàn cảnh:
- Có một vị Phật đã xuất thế,
- Đức Phật đã truyền dạy giáo pháp,
- Giáo lý của Ngài vẫn tồn tại,
- Có các đệ tử của Ngài vẫn hiện hữu
- Các đệ tử của Ngài yêu thương các chúng sinh.
Bây giờ chúng ta sẽ nói đến các điều kiện thuận duyên cá nhân: Điều đầu tiên là chúng ta được sinh ra làm người. Thứ hai là ta được sinh ra ở nơi trung tâm. Nơi trung tâm có nghĩa là bất cứ nơi nào mà Phật Pháp được lan toả. Thứ ba là chúng ta có đầy đủ các giác quan lành lặn. Không có ác nghiệp nặng nề có nghĩa là chúng ta không phạm phải năm tội ác Vô gián: giết cha, giết mẹ, giết 1 vị A la hán, gây chia rẽ tăng đoàn và làm ảnh hưởng tới thân thể một vị Phật với tà kiến. Nói chung, đối với các tội ác khác chúng ta có thể tịnh hóa nhờ sám hối nhưng với 5 tội trên chúng ta không thể tịnh hóa chúng một cách dễ dàng được bởi vì ác nghiệp quá mạnh mẽ nên nó sẽ dẫn tới hậu quả tức thời. Chúng ta gọi đây là 5 tội Vô gián với nghiệp báo tức thời. Cuối cùng là chúng ta phải có niềm tin vào Tam Bảo và Phật pháp. Nếu chúng ta có đủ năm điều kiện này thì chúng ta đã có đủ 5 điều kiện thuận duyên cá nhân rồi.
Tiếp theo là 5 điều kiện thuận duyên từ bên ngoài: Đầu tiên một vị Phật phải xuất hiện. Tuy nhiên như thế chưa đủ, không chỉ ngài xuất hiện thôi mà ngài còn phải thuyết giảng giáo Pháp nữa. Bởi vì cũng có những đại mà có vị Phật xuất hiện nhưng ngài lại không thuyết giảng giáo Pháp. Điều kiện thuận duyên thứ 2 là ngài phải chuyển Pháp luân. Có thể là có thời kỳ Giáo pháp đã xuất hiện nhưng rồi lại biến mất nên điều kiện thứ 3 là Giáo Pháp vẫn tồn tại. Vẫn còn những đệ tử lắng nghe và tu theo giáo pháp của Ngài. Đây chính là những vị đạo sư tâm linh chỉ cho chúng ta con đường thực hành giáo Pháp. Điều kiện thứ 5 là các Ngài hết sức yêu thương chúng ta với lòng từ ái và yêu thương.
Đây chính là 5 điều kiện thuận duyên về hoàn cảnh bên ngoài.
Chúng ta hãy quán chiếu chính bản thân mình xem những điều kiện này đã được hoàn thiện hay chưa? Khi thầy quán chiếu về mình thì thầy thấy rằng các điều kiện này rất hoàn thiện. Chúng ta đều có thân người trân quý, chúng ta có giáo Pháp của Đức Phật, chúng ta được lắng nghe ngài giảng và chúng ta có lòng tin và sùng mộ mạnh mẽ với ngài. Trong thâm tâm thầy thì tất cả chúng ta, những vị đạo hữu, là những người có được thân người trân quý với đủ 18 điều kiện tự do và thuận duyên vì thế chúng ta là những người vô cùng may mắn. Chúng ta phải biết là nghiệp của chúng ta rất tốt để có thể thúc đẩy chúng ta đi tới việc thực hành giáo Pháp như thế này. Đầy đủ 18 điều kiện tự do và thuận duyên này là vô cùng khó khăn để có thể đạt được.
Bất cứ ai có được các điều kiện thuận duyên và tự do này thì đều sở hữu thân người trân quý. Không quan trọng là chúng ta có giàu có, già trẻ hay nổi tiếng, xinh đẹp như thế nào, ta thuộc về tầng lớp hay đất nước nào đều không phải là điều quan trọng. Hễ có được các điều kiện thuận duyên và tự do này thì sự hiện hữu của chúng ta là cực kỳ trân quý. Và để có được tái sinh thân người trân quý này là một điều vô cùng khó khăn. Để hiểu được việc có được thân người trân quý này khó khăn như thế nào thì chúng ta có thể dùng 3 biện pháp so sánh: [biện pháp so sánh bằng] phương pháp minh họa, so sánh thông qua nhân quả và so sánh qua số liệu.
Biện pháp so sánh bằng phương pháp minh họa như sau: đó là 1 câu chuyện về 1 con rùa mù sống ở dưới đáy đại dương. Cứ mỗi 100 năm thì con rùa mù nổi lên mặt nước 1 lần. Trên mặt biển, có 1 miếng gỗ có cái lỗ trên đó. Miếng gỗ này cứ trôi nổi dập dềnh trên mặt biển như vậy mà không dừng lại lúc nào cả. Ta nói rằng cứ 100 năm con rùa nổi lên mặt biển một lần thì xác suất để con rùa mù này chui đầu được vào cái lỗ trên miếng gỗ này là vô cùng nhỏ. Tuy nhiên xác suất để chúng ta có được thân người trân quý thì thậm chí còn nhỏ hơn như vậy rất nhiều lần nữa.Khi nghe câu chuyện này chúng ta sẽ hình dung được sự khó khăn để đạt được thân người trân quý. Đó là lý do tại sao các vị đạo sư đã sử dụng minh họa này để cho chúng ta thấy được có được thân người trân quý khó như thế nào. Chư vị không thể dối gạt chúng ta được mà chỉ nói cho chúng ta sự thật mà thôi.
Khi chúng ta quán xét về điều này, có thể các bạn sẽ nghĩ rằng tái sinh làm người không khó khăn lắm vì trên thế giới này có đến mấy tỷ người. Lúc này, chúng ta dùng đến biện pháp so sánh thứ ba, so sánh thông qua số liệu. Thực ra số lượng chúng sinh trên thế giới này là vô số, chúng ta không thể nào đong đếm được tất cả. Nếu chúng ta đem số lượng chúng sinh mà so với số lượng con người thì số lượng người rất nhỏ bé. Câu hỏi ở đây là tại sao lại khó khăn như vậy để có được thân người trân quý? Câu trả lời là không có nhiều người đã tạo được những nhân để tái sinh làm người. [Đây là biện pháp thứ hai, so sánh dựa vào nhân quả]. Lấy ví dụ: Mặc dù có rất nhiều người giàu có nhưng có bao nhiêu người có khả năng mua được 1 con thuyền? Không nhiều người đúng không? Vì một con thuyền rất đắt tiền. Tương tự như vậy, một người có điều kiện hoàn hảo để thực hành Pháp tự do và thoải mái là rất khó Tại sao khó? Vì muốn được tái sinh làm người thì họ phải thực hành Giáo Pháp. Muốn làm người thì chúng ta phải tạo ra những nhân để được tái sinh thành người, và nhân này chính là thực hành thiện hạnh. Và không phải ai cũng thực hành thiện hạnh. Trong văn bản nói rằng thiện hạnh để tái sinh làm người đó là trì giới một cách hoàn hảo. Trì giới có nghĩa là tuân thủ theo đúng giới nguyện chúng ta đã nhận ví dụ nhận lãnh giới nguyện Tỳ Kheo, Tỳ Kheo ni, giới Quy Y thì khi chúng ta trì giới giới nguyện hoàn hảo. Hãy nhớ về những lời nguyện mà mình đã nhận, các bạn có thực sự trì giữ một cách trọn vẹn các giới nguyện không? Thế nào là trọn vẹn hoàn hảo? Thực hành trọn vẹn có nghĩa là trong suốt 6 thời các bạn phải luôn bố thí, trì giới, nhẫn nhục, vv. Bạn phải luôn luôn thực hành sáu hạnh toàn thiện mọi thời mọi khắc. Bạn có thực hành hạnh yêu thương và từ bi không? Bạn có phát nguyện hoàn hảo được tái sinh làm người không? Đây chính là các nhân để tái sinh làm người. Khi quán chiếu các bạn sẽ thấy không có nhiều người tạo ra các nhân này, cũng không có nhiều người thực hành Pháp một cách hoàn hảo và đứng đắn. Có cả tỷ người trên cõi giới này nhưng trong đó có bao nhiêu người thực sự học hỏi giáo Pháp? Trong số những người học hỏi thì có bao nhiêu người thực sự thực hành Giáo Pháp? Rồi trong số người thực hành thì có bao nhiêu người thực hành một cách chân chính và toàn hảo? Như vậy chúng ta sẽ thấy con số thực chất rất nhỏ bé. Chúng ta hãy tự quán xét cẩn thận, mỗi ngày hãy nghĩ đến những lời nguyện chúng ta đã nhận. Ví dụ là lời nguyện quy y, thực sự chúng ta có giữ đúng lời nguyện này toàn hảo mỗi ngày hay không? Hay những lời nguyện khác như giới Tỳ Kheo, giới Cư Sĩ, các bạn có thật sự giữ giới mà không phạm giới chăng? Chỉ cần quán chiếu là chúng ta thấy được nó không hề dễ dàng. Như thế nếu chúng ta làm được điều đó thì hãy quán chiếu rộng hơn tới những người khác, có bao nhiêu người giữ được những hạnh nguyện, bao nhiêu người giữ được tình yêu thương và lòng bi mẫn luôn luôn thường trụ trong sáu thời ở trong tâm. Khi quán chiếu chúng ta sẽ thấy có được thân người là vô cùng khó khăn.
Hết buổi 1.
Nguồn: Trung Tâm DAC đánh máy và biên dịch từ chuỗi pháp thoại về Ngondro: Các Pháp Tu Tiên Yếu của Đại Thủ Ấn Năm Nhanh trên mạng trực tuyến do trung tâm DTDL tổ chức, tháng 1/2021 .