Garchen Rinpoche vấn đáp về giáo lý Phật Pháp

Garchen Rinpoche tại Tp. HCM

Garchen Rinpoche vấn đáp về giáo lý Phật Pháp trong chuyến hoằng pháp tại Tp.HCM tháng 7/2019

 

Câu 1: Thưa Garchen Rinpoche, các giáo lý Mahamudra và Dzogchen dạy rằng phải trực chỉ chân tâm. Vậy tâm ở đâu? Liệu tâm có ở trong thân thể không và tâm đến từ đâu?

Tâm không có nguồn gốc, không bắt đầu từ một nguồn nào cả, và trong tương lai tâm cũng sẽ không bao giờ ngừng là như vậy. Ngay lúc này đây, tâm chan hòa vào tất cả, cả bên trong lẫn bên ngoài. Tâm không tách lìa khỏi hư không. Tâm bao trùm tất cả, như hư không vậy. Tâm chan hòa cả bên ngoài vũ trụ lẫn bên trong thân thể. Thỉnh thoảng, bất kể những gì chúng ta trực nhận được bây giờ, chúng ta nhận ra chúng ta có thể chan hòa vào các đối tượng mà chúng ta bám luyến, nhưng chúng ta không nhận ra sự bao trùm của tâm [vào các đối tượng khác nữa]. Tâm được diễn tả, giải thích như thế nào? Vào lúc đầu, chúng ta chỉ biết tâm được mô tả như thế nào nhưng chúng ta không có kinh nghiệm về tâm. Trong Bẩy Đoạn Kệ Khẩn Nguyện Đức Quan Âm Tara, tâm [được mô tả] là trí huệ tự sinh khởi. Khi con trực nhận được điều đó, con nhìn thấy Phật. Hiện giờ thì con chỉ nghĩ có một cái tôi. Như vậy thì tâm đông lại như một tảng băng và đã tạo nên thân thể này. Sau này, khi nghiệp cạn kiệt thì thân thể này cũng sẽ kết thúc. Bởi vì con đã tích tập các cảm xúc ô nhiễm cũng như nghiệp thiện lành với tình yêu thương nên con sẽ kinh nghiệm cả đau khổ lẫn hạnh phúc. Nếu con quán chiếu về Bốn niệm chuyển tâm hướng về giáo pháp thì con sẽ hiểu. Do vậy con nên đọc và ngẫm nghĩ về điều này. Tâm hiện giờ thì giống như một tấm gương, ngay cả khi con chưa hiểu được về nó. Tâm Phật và tâm rỗng rang của con đều giống nhau. Khi con đạt được giác ngộ thì tâm này trở thành Phật. Về cơ bản, bất cứ khi nào tâm bị bám luyến vào một đối tượng nào đó thì tâm sẽ tan hòa vào đối tượng đó. Do vậy, để bảo vệ tâm này, nếu con nhớ nghĩ đến Phật, ví dụ như Phật A Di Đà thì con sẽ tái sinh vào cõi Cực lạc. Thật sự thì tất cả các cõi Tịnh độ, như cõi tịnh độ Dewachen, đều được tạo lập bởi tình yêu thương. Và luân  hồi thì được tạo ra bởi chấp ngã. Thật sự thì không có cái ngã trong tâm. Trong tâm không có ta và người. Tâm thì như hư không. Nhưng hiện giờ con nghĩ có ta và người nên con phát triển một cái tâm bám chấp và ghét bỏ. Chúng ta nghĩ ngợi quá nhiều. Đừng nghĩ ngợi nhiều mà hãy nhìn vào tâm giống như gương đó. Bất kể chúng ta nghĩ về cái gì thì chúng ta sẽ trở nên như vậy. Tâm của con, tâm của thầy và tâm của chư Phật đều giống nhau. Nếu con chỉ nghĩ về đây là tôi thì điều này tạo nên thân thể này. Nếu con nghĩ như vậy thì con sẽ trở thành như vậy. Để trở thành Phật thì con phải trưởng dưỡng mong nguyện rằng con sẽ không bao giờ lìa xa mong nguyện đem lại lợi lạc cho chúng sinh. Sau đó thì con được giải thoát. Về cơ bản, để có thể được tái sinh vào cõi Cực lạc hoặc các cõi tịnh độ khác thì con cần phải giải thoát khỏi cái tâm nghĩ rằng có một cái ngã.

Một số nhà khoa học nói rằng tâm ở trong não, một số khác lại nói rằng tâm ở trong trái tim, nhưng thực tế thì ta cần phải nhìn vào bản tánh thực sự của ý thức. Tâm thực sự của ta là ý thức. Tâm là sáng tỏ và rỗng rang. Sáng tỏ có nghĩa là có một ý thức sáng rõ. Nếu chúng ta truy xét tinh túy của ý thức thì chúng ta không thể nhìn thấy nó. Nó là sự hợp nhất của tánh sáng tỏ và tánh không. Khi chúng ta hiểu được điều này thì chúng ta hiểu được rằng luân hồi và niết bàn có cùng một nền tảng, và ý thức của tất cả chúng sinh thì đều giống nhau và là một. Nếu con hiểu được điều này, con hiểu được Tri kiến về sự không thể phân chia của luân hồi và niết bàn. Nền tảng của tâm chỉ là một. Đây là cách mà tâm được mô tả trong Lời nguyện Đại toàn thiện của Phổ Hiền Như Lai. Tâm chỉ có một nền tảng. Tất cả những ai có tâm thì đều có cùng một nền tảng. Chỉ tạm thời do bởi nghiệp khác nhau của chúng sinh và dựa trên những duyên khác nhau mà chúng sinh xuất hiện trong những cách thức, hình tướng khác nhau. Khi con hiểu về tâm, khi con hiểu về ý thức, ý thức của vô lượng chúng sinh không thể tính đếm đều giống nhau và đều chỉ là một. Chỉ có một năng lượng ánh sáng, chỉ có một năng lượng điện trên thế giới này và chúng đều có cùng một chức năng. Nên khi con hiểu được bản tánh của tâm, con chỉ cần an trụ trong bản tánh đó, con biết rằng bản tánh của tâm thì tựa như hư không. Các niệm tưởng về bám luyến và ghét bỏ mà con nhận biết thì như sóng và nước. Chúng sinh thì như những tảng băng còn chư Phật thì như đại dương. Lý do tại sao có ta và người bởi vì có sự bám chấp vào một cái ngã, cái tôi và do bởi sự bám chấp vào cái tôi mà các cảm xúc tiêu cực trở thành tảng băng kiên cố. Để phá vỡ tảng băng, để làm tảng băng tan chảy cần có tình yêu thương và lòng bi mẫn vĩ đại. Khi tảng băng tan chảy, nó trở thành một với nước của đại dương. Tâm không biến mất nhưng chúng ta cũng không thể dùng ngón tay để chỉ vào tâm và nói tâm ở đây. Đó là lý do tại sao rất khó để trực nhận được tâm. Chỉ có Phật mới chứng ngộ được tâm.

Câu 2: Nhận quán đảnh thông qua livestream có cùng lợi lạc [như nhận quán đảnh trực tiếp] hay không?

Nếu con biết cách nhận quán đảnh, con có thể nhận quán đảnh qua livestream. Không có một sự khác biệt nào cả.

Liên quan đến lợi lạc của việc thọ nhận quán đảnh, ví dụ, thông thường thì con phải chi trả nhiều chi phí hay phải chịu rất nhiều khó khăn để có thể thọ nhận quán đảnh, qua đó con thực hành hạnh bố thí, kham nhẫn, trì giới. Về bản chất, xét trên phương diện khoảng cách thì không có sự khác biệt nào cả, quán đảnh có thể qua livestream vì quán đảnh thực sự được bổn tôn trao truyền từ cõi tịnh độ từ hư không chứ không phải từ căn phòng ban quán đảnh. Do vậy, nếu con hiểu được điều này thì con sẽ thấy được rằng phẩm tánh chính là sự tín tâm và lòng sùng mộ. Nếu con thọ nhận quán đảnh theo cách hiểu biết như vậy, và sau này con thực sự hiểu được ý nghĩa của quán đảnh thì con có thể nhận bất kỳ một quán đảnh hoặc khẩu truyền nào qua livestream, sau khi con đã hiểu được ý nghĩa thực sự của quán đảnh.

Ngay cả khi con nhận được một trăm quán đảnh thì tâm giải thoát chỉ có thể đạt được thông qua bồ đề tâm. Quán đảnh của tâm chính là bồ đề tâm. Nếu con từ bỏ được chấp ngã và trưởng dưỡng được tâm vị tha thì con sẽ đạt được sự giải thoát vĩ đại. Con đạt được giải thoát vĩ đại thông qua tâm vị tha, bằng cách giải thoát tâm khỏi chấp ngã. Để có thể loại bỏ các dấu ấn về thân, con hãy nghĩ về bổn tôn, quán tưởng thân con trong thân tướng của bổn tôn. Để loại bỏ chấp ngã và nghiệp tiêu cực về âm thanh bên ngoài và bên trong, con trì tụng minh chú của bổn tôn. Thậm chí nếu ai đó bảo con hãy ăn xác chết của cha của mình thì con cũng chỉ nói “Cảm ơn”. Con không bám chấp vào âm thanh thì con sẽ đạt được giải thoát của khẩu. Tánh không của âm thanh là minh chú. Và tánh không của sắc tướng là bổn tôn. Mọi thứ xuất hiện như một huyễn ảo. Bất cứ cái gì khởi hiện thì đều là Phật. Tánh không của sắc tướng là thân tướng của bổn tôn. Tánh không của âm thanh là minh chú. Tánh không của tâm là tánh giác nguyên sơ. Đây được gọi là thân khẩu ý kim cang. Đây là cách mà chúng ta thực sự thọ nhận quán đảnh. Con nhận ra rằng tâm mình vốn không chia lìa khỏi tâm của Phật, không có sự khác biệt nào cả.

Chủ yếu chúng ta phải đạt được quán đảnh của sự giải thoát của tâm. Bát nhã Tâm Kinh nói rằng trí huệ nguyên sơ chính là tánh giác thấu biết của chính chúng ta, có nghĩa là chỉ có ta mới biết được. Khi chúng ta hiểu được không có sự nhị nguyên thì chúng ta gọi ý thức là trí huệ nguyên sơ. Ý thức bình phàm thì phân biệt nhị nguyên. Khi chúng ta biết về bản tánh của nó, chúng ta biết nó là trí huệ bất nhị nguyên sơ. Trí huệ này bao trùm tất cả: luân hồi của chúng sinh và tất cả chư Phật. Tất cả trở thành cõi giới của trí huệ tánh giác, của trí huệ nguyên sơ. Đây là giáo pháp của Mật thừa, liên quan đến bản tánh của tâm.

Mặc dù chúng ta nhìn thấy mọi thứ như giả huyễn tạm thời, thì cái mà nhận biết được điều này là Phật. Đức Phật đã nói tất cả các chúng sinh thực sự là Phật. Tại sao các chúng sinh lại xuất hiện như các huyễn ảo? Bởi vì họ tạm thời bị che chướng bởi chấp ngã và phiền não, nhưng về mặt bản chất thì họ là Phật. Điều này giống như nói rằng nước đá là nước. Vì chấp ngã tâm trở nên bị đóng băng, nhưng khi nước đá tan chảy thì nó trở thành một với nước đại dương, nên sẽ không còn sự phân chia [giữa chúng sinh và Phật]. Đây là những gì mà đức Phật đã nói và đây là cách mà chúng ta cần phải hiểu.

 

Câu 3: Làm sao để phát khởi tình yêu thương với những kẻ thù của mình. Làm sao để hoá giải oan gia nghiệp chướng?

Đầu tiên các con phải xác định được rằng những oan gia này đến từ đâu. Họ đến từ kiếp trước. Bất cứ điều gì họ làm với các con đời này thì 100% con đã làm như vậy đối với họ từ kiếp trước. Những kẻ oan gia ấy là những người cha mẹ, những người bạn từ ái đã yêu thương chúng ta rất nhiều. Trong đời này, nhiều khi chúng ta chẳng làm gì cả mà cũng có những người làm tổn hại đến chúng ta, có phải không? Bất cứ ai làm tổn hại đến con thì các con sẽ tức giận phải không? Cảm xúc sân giận ấy, nó là bạn của ta hay nó đang làm hại ta? Đó là điều các con cần phải suy nghĩ. Cảm xúc sân giận ấy đang làm hại chúng ta. Dù cho các con có nhiều kẻ thù đến thế nào chăng nữa cũng chẳng có kẻ thù bên ngoài nào có thể đẩy con xuống địa ngục. Thế nhưng chỉ một khoảng khắc sân hận thì con sẽ tái sinh vào địa ngục, điều này là chắc chắn. VÌ vậy kẻ thù thực sự không phải bất cứ tác nhân bên ngoài nào mà chính là cảm xúc sân hận [trong tâm con]. Chính những cảm xúc ấy mới là kẻ thù thật sự. Hiểu được điều này thì các con sẽ biết ơn những kẻ thù của mình. Vì nếu không có các kẻ thù này thì các con sẽ không thể nào nhận ra được sự sân giận của mình. Tại sao họ lại đối xử như vậy? Những hành động của họ bị thúc đẩy bởi nền tảng của tâm chấp ngã nhưng cái tâm ấy thực chất không hề tồn tại. Chính cái ngã ấy là nền tảng cho mọi xúc tình tiêu cực. vì vậy nếu các con trưởng dưỡng tâm vị tha thì cái ngã ấy sẽ dần tan biến. Phải nhận ra những tác hại của sự sân hận, biết được ai mới là kẻ thù đích thực của mình còn ai là bạn của mình. Kẻ thù của chúng ta là sự sân hận và người bạn là tình yêu thương và lòng bi mẫn.

Đức Phật đã dạy rằng nếu như có ai sát hại con thì con cũng phải phát một tâm nguyện rằng bạn sẽ không tức giận người ấy. Kẻ thù đích thực chính là [những xúc tình tiêu cực]. Và nếu các con biết được ai mới đích thực là kẻ thù của mình thì các bạn sẽ cảm thấy biết ơn những người mà con coi là kẻ thù.

Hiểu được điều này thì mọi kẻ thù bên ngoài sẽ không thể ảnh hưởng đến con nữa, tự nhiên các con sẽ trở nên thanh thản hơn. Các con sẽ biết được rằng dù cho kẻ thù ấy có làm gì chúng ta đi nữa thì đó cũng chính là những điều các con đã từng làm với họ trong nhiều kiếp trước. Đó là những kẻ thù bên ngoài, hay những kẻ thù bên trong nhưng sự ốm yếu bệnh tật vân vân. Tất cả những điều đó đều tạo nên từ cái tâm sân hận và đố kị.

Câu 4: Người con yêu thương lại xem con là kẻ thù. Con phải làm gì để hoá giải oan gia trái chủ.

Con cần phải khởi phát một tình yêu thương đặc biệt cho những đối tượng ấy bởi vì họ đã bị che chướng. Trong 37 Pháp Hành Bồ Tát Đạo có nói, và thực tế thì mọi câu hỏi ở đây đều có thể tìm thấy lời giải đáp trong 37 Pháp Hành Bồ Tát Đạo. Vì vậy, hãy đọc thật kỹ những lời răn đó. Có một câu kệ nói rằng: ‘Mặc dù kẻ mà ta chăm sóc thương yêu như con xem ta như kẻ thù, hãy đối xử với họ như một bà mẹ hiền yêu thương đứa con bệnh hoạn – Đấy là pháp hành Bồ tát đạo.’ Tốt nhất là con luôn nên đem theo cuốn sách này. Câu trả lời tốt nhất cho những câu hỏi này chính là nằm trong tập sách ấy.

Các con ai cũng yêu thương thầy rất nhiều và thầy cũng yêu thương các con y như vậy, kể cả kẻ thù của thầy. THầy muốn trao cho các con cả trái tim mình và đó chính là 37 Pháp Hành Bồ Tát Đạo. Trong sách ấy nói bất cứ khi nào con có câu hỏi gì thì hãy tìm câu trả lời đều có thể tìm thấy ở trong đây. Điều này đã giúp ích cho thầy rất nhiều. Vì vậy hãy luôn luôn quán xét về những lời răn dạy ấy.

Thân này của thầy là vô thường. Nhưng tâm của thầy sẽ còn mãi nơi đây, nơi tập sách nhỏ 37 Pháp Hành Bồ Tát Đạo ấy. Bồ đề tâm của thầy nhỏ bé lắm nhưng nó sẽ luôn bên các bạn. Yêu thương của thầy nằm trọn trong đây. Vì vậy, mọi câu trả lời hãy tìm ở trong sách ấy.

Câu 4: Con rất nóng tính và dễ tủi thân, phải làm thế nào để khắc phục?

Tất cả đều là do tâm chấp ngã. Nó khiến con sinh ra những xúc tình tiêu cực như vậy. Khi tâm ấy bị nhiễm ô, con sẽ nghĩ mẹ của mình không đối xử tốt với mình. Đó chính là tác hại của tâm chấp ngã, nó làm cho tâm ta trở thành như một tảng băng. Mặc dù tâm của con vốn là tâm Phật, nhưng tâm ấy giờ đây lại đóng băng. Trong 37 Pháp Hành Bồ Tát Đạo có nói ‘Tất cả khổ đau đều do sự ước muốn hạnh phúc cho bản thân’. Điều duy nhất loại trừ tâm chấp ngã chính là lòng vị tha. Nếu có có thể trưởng dưỡng được tình yêu thương vô lượng đến với mọi người, đến cả kẻ thù của mình. Nếu con qúa vị kỷ chỉ biết nghĩ đến bản thân mình thì con sẽ giận cả những người thân yêu của mình như là bạn bè, gia đình, con cái vv. Vì vậy hãy nỗ lực trưởng dưỡng tình yêu thương, đặc biệt dành cho cha mẹ, thầy cô, tổ quốc mình. Hãy nhớ nghĩ đến tất cả những ai đã yêu thương gíup đỡ mình, yêu thương ấy chính là liều thuốc tốt nhất. Vì vậy hãy liên tục thiền định về lòng yêu thương. Nhớ về những điều tốt đẹp mọi người đã làm cho ta. Khi người ấy cho ta một viên kẹo chẳng hạn thì ta sẽ thấy như thế nào. Hãy nghĩ về những điều như thế. Hoặc giả, khi ta gặp một người lớn tuổi, hãy nghĩ rằng ai cũng từng là cha mẹ ta trong kiếp trước. Khi gặp một người phụ nữ, nghĩ rằng ai cũng từng là mẹ của ta, khi gặp một đứa bé, nghĩ rằng ai cũng đã từng là con cái, là bạn bè của ta. Khi nghĩ được như vậy thì tình yêu thương sẽ phát khởi trong tâm con, và tâm con sẽ dần trở nên thanh thản. Nhưng các con lúc nào cũng phải huân tập các thực hành này trong bất cứ mọi hoạt động hàng ngày. Con sẽ không thể thành công ngay lần đầu tiên, đây là một quá trình lâu dài.

Đức Phật đã tích luỹ công đức qua ba triệu triệu đại kiếp. Ngài cũng đã trải qua 500 lần tái sinh thanh tịnh và 500 lần tái sinh bất tịnh. Mỗi một lần, Ngài đều nỗ lực trưởng dưỡng yêu thương, lòng bi mẫn và Bồ Đề Tâm. Ngài đã nhận bồ tát giới và đó là cách mà ngài là tấm gương cho chúng ta trên con đường đạo. So sánh với Đức Phật thì đương nhiên yêu thương của chúng ta là nhỏ bé. Nó cũng chẳng thể nào trở nên mạnh mẽ trong một sớm một chiều. Để trở thành Phật thì tình yêu thương của con cũng phải vô biên như chư Phật.

Câu 5: Một người khi sống không có duyên lành biết Pháp, khi chết đi con phải làm gì giúp cho họ tái sinh cõi cao?

Hãy thực hành pháp tu A Di Đà, quán tưởng Đức A Di Đà. Mỗi lần con nghĩ đến một người đã qua đời, hãy nghĩ về đức Quán Thế Âm, đức A Di Đà hay bất kỳ một vị bổn tôn nào, và cầu nguyện cho người đó, tình yêu ấy sẽ được hướng về họ. Như  vậy, chúng ta cần phải có yêu thương. Nếu có yêu thương thì chúng ta sẽ trở nên gần lại, tình yêu càng lớn thì tâm của chúng ta lại càng gần. Tâm của chúng ta rất nhanh, như là năng lượng ánh sáng vậy. Tâm của họ có thể nhanh chóng nhận được yêu thương chúng ta gửi đến họ. Vì vậy, khi ta trì tụng 100,000,000 biến minh chú A Di Đà hay minh chú Quán Thế Âm thì họ sẽ nhận được. Đó là lý do tại sao chúng ta phải tích luỹ túc số nhiều như vậy. Đối với những người bạn yêu thương, hãy thực hành như vậy. Đó cũng là lý do tại sao tăng đoàn thực hành pháp tu Jangchog, đó là phương pháp gửi gắm tình yêu thương đến cho những người đã khuất. Phát nguyện cũng rất quan trọng. Tại sao điều đó lại quan trọng? Hạnh nguyện của Đức Phật thì bao la. Tất cả yêu thương của đức Phật thì tựa như việc toàn bộ mọi người trên thế giới này bỏ hết tiền vào một tài khoản. Chúng ta gọi đó là uy lực của Như Lai. Ngoài ra còn có năng lực đến từ chính động cơ thanh tịnh của chúng ta. Chúng ta cần phải phát khởi được yêu thương dào dạt đến với mọi chúng sinh. Tình yêu này sẽ kết nối với yêu thương của mọi chư Phật. Sau đó là năng lực của Pháp Tánh. Không hề có chúng sinh nào cả, tâm của họ chỉ bị đông cứng lại thành một tảng đá. Khi tâm ấy tan chảy thì chỉ còn lại nền tảng vốn thanh tịnh từ uyên nguyên. Trong Dzogchen, nó được gọi là katag – thanh tịnh bản nguyên hay trong Đại Thủ Ấn nó được gọi là nền tảng thanh tịnh. Khi tâm chấp ngã tan chảy thì ngay lập tức chúng ta được giải thoát. Chúng ta có thể nghĩ về điều này bằng một cách đơn giản hơn. Khi ta cầu nguyện đến đức Phật, ví dụ khi chúng ta đã nhận quy y, khi đó hạnh nguyện cuả ta sẽ trở nên to lớn hơn rất nhiều. Nó cũng giống như khi bạn đã thành công dân đất nước nào đó thì con cũng sẽ có những quyền lợi gắn liền với thẻ căn cước công dân ấy. Nếu con chưa quy y thì những lời cầu nguyện sẽ trở nên ít lợi lạc hơn một chút. Nhưng kể cả khi các con đã quy y rồi thì cũng cần phải có tình yêu thương vô lượng. Thật ra khi chết rồi thì sẽ dễ dàng hơn bởi vì lúc còn sống họ vẫn phải chịu nghiệp chướng của thân này nên sẽ khó hơn để có thể làm lợi lạc cho họ.

 

Câu 6: Làm thế nào để vượt qua nỗi đau của thất tình?

Nếu con không thể chịu đựng được nối đau ấy, hãy khẩn nguyện đến Đức Tara. Khi con bám chấp vào một điều gì đó, hãy nghĩ đến Tara. Hãy nhận ra rằng đây chính là nỗi khổ của luân hồi. Đức Phật đã nói như thế có phải không? Ngài nói rằng luân hồi là đau khổ và giờ đây chúng ta vẫn phải ở lại trong luân hồi. Không có ai mà không chịu đau khổ, kể cả các chư tăng ni. Vì thế hãy khẩn nguyện đến Tara, mọi chuyện sẽ thay đổi.  Tuy nhiên hãy nhớ rằng cái nhân của đau khổ vẫn còn đó, và mọi thứ là vô thường.

 

Câu 7: Khi còn trẻ con đã 3 lần phạm phải nghiệp phá thai. Giờ con phải làm gì để tịnh trừ nghiệp chướng và giúp cho những đứa bé.

Con phải thành tâm sám hối và nghĩ rằng đó chính là nghiệp của những đứa trẻ ấy. Trong các kiếp trước, con đã là con của những sinh linh đó. Những người mẹ lúc ấy đã giết con và giờ đây con lại trả quả báo cho họ. Nó sẽ là một vòng liên tục như thế. Nhưng nếu con biết cầu nguyện thì vòng nhân quả này sẽ chấm dứt bởi thần thức của những đứa bé ấy không hề chết. Cái thân này như một bộ quần áo cũ, còn cái thần thức luôn còn mãi. Hoặc là chúng ta đi vào các cõi thấp hoặc là chúng ta đi vào cõi tịnh độ. Nhưng nó sẽ không bao giờ ở nguyên một chỗ mà cứ thế đi vòng vòng. Nhưng nếu các con thực hành Pháp thì những thiện hạnh các con làm sẽ giúp họ nhận được công đức dù đang ở địa ngục. Nghĩ đến Đức Quán Thế Âm, Đức A Di Đà, điều đó sẽ đem lại lợi lạc cho họ và cho cả con nữa. Trong tương lai hãy luôn luôn quán xét tâm mình để tránh các cảm xúc sân hận và đố kỵ phát khởi. Tất cả những điều này là kết quả của nghiệp chướng sân hận và đố kỵ.

Nguồn: Garchen Rinpoche trả lời trực tiếp các câu hỏi của hành giả gửi qua trung tâm DAC trong chuyến hoằng pháp tháng 7/2019. 

DAC biên tập và chuyển việt ngữ.

Trung tâm DGPC đánh máy. 

đóng góp cho DAC

Các trung tâm Pháp thật vô cùng trân quý và trung tâm có thể hoạt động hoàn toàn phụ thuộc vào sự ủng hộ của các vị đệ tử. Mặc dù chúng ta đã thành lập trung tâm nhưng nếu không có được sự ủng hộ của tăng đoàn thì trung tâm sẽ không thể tồn tại trong tương lai. Nếu con ủng hộ cho các trung tâm Pháp thì con sẽ nhận được phước báu lớn lao trong đời này và cả đời vị lai. Và phước báu là cội nguồn của hạnh phúc.


Kyabje Garchen Rinpoche

đọc thêm

Achi Chokyi Drolma

Hộ Pháp Achi Chokyi Drolma

Achi Chokyi Drolma là một Hộ Pháp vĩ đại trong Phật Giáo. Ngài là hiện thân của Kim Cang Du Già Thánh Nữ, hoá hiện của trí tuệ và công hạnh của tất cả chư Phật. Ngài là thánh mẫu thiêng liêng của mọi chư Phật, đã hiện thân từ lòng đại bi dưới hình tướng của chư vị Dakini trong Ngũ Phật Bộ. Để đem lại lợi lạc cho mọi chúng sinh trong luân hồi, Ngài đã thị hiện muôn vàn hình tướng tại những thời – không khác nhau.

ĐỌC THÊM