Hướng Dẫn Thực Hành Ngondro – Bài 9: Trưởng Dưỡng Yêu Thương

Hướng dẫn thực hành Ngondro "Các Pháp Tu Tiên Yếu của Đại Thủ Ấn Năm Nhánh" do Garchen Rinpoche soạn tác. Bài 9: Trưởng dưỡng yêu thương
Garchen rinpoche thư pháp

Phần 1: Giáo Lý

Thực hành Ngondro còn thâm sâu hơn các thực hành chính, đó là điều mà chúng ta đã được học. Thầy sẽ tóm tắt lại nội dung chính chúng ta đã được học. Ở các bài giảng trước chúng ta đã học về:

  1. Các Pháp Tu Tiên Yếu Thông Thường:

    Đầu tiên là 4 niệm chuyển tâm. Quán chiếu về 4 niệm này để xoay chuyển tâm này không còn bám chấp vào đời sống bình thường mà hãy hướng vào giáo Pháp, để cho chúng ta tinh tấn thực hành. Chuyện gì sẽ xảy ra nếu ta bám chấp vào cõi đời này? Khi chúng ta bám chấp vào cõi đời này thì nhận thức của ta sẽ trở nên méo mó. Điều này có nghĩa là ta nhìn thấy điều bất tịnh là thanh tịnh, thấy vô thường lại cho đó là vĩnh cửu, thường hằng. Chúng ta nhìn thấy có một cái tôi vốn không hề tồn tại, và thấy khổ đau nhưng lại tưởng lầm là hạnh phúc. Đó là dấu hiệu cho thấy tâm này của chúng ta đã bị nhiễu loạn, méo mó. Do bị bám chấp vào thực tại mê lầm này mà chúng ta bị trôi lăn trong 6 cõi luân hồi. Thông qua việc quán chiếu về 4 niệm chuyển tâm ta mới nhận ra được rằng ôi, cả 6 cõi luân hồi này thực chất chỉ là đau khổ và vô thường và vì thế phải buông bỏ cõi này chứ nó không phải là thứ gì đáng khao khát. Dưới chân lý tuyệt đối, cái tôi này không hề tồn tại nhưng bởi vì chúng ta không nhận ra được nên vẫn phải trôi lăn trong 6 cõi luân hồi. Bốn niệm chuyển tâm giúp cho chúng ta hoàn toàn xoay chuyển khỏi những lầm tưởng này để hướng tâm về giáo Pháp. Chúng ta đã học về bốn niệm này trong những bài giảng trước.

  2. Các Pháp Tu Tiên Yếu Phi Thường

    2.1 Quy Y Lễ Lạy

    Sau đó chúng ta học về các Pháp Tu Tiên Yếu Phi Thường. Bốn Pháp Tu Tiên Yếu Phi Thường bắt đầu bằng Quy Y Tam Bảo. Thông qua Bốn niệm chuyển tâm chúng ta đã được học về nghiệp nhân quả và chúng ta cũng biết được rằng cõi đời này chỉ toàn là đau khổ mà thôi cho nên ta mới nảy sinh mong nguyện được giải phóng khỏi cõi luân hồi này. Bởi vì như vậy chúng ta mới Quy y Tam Bảo và trưởng dưỡng lòng sùng mộ chân chính cùng với tín tâm sâu sắc vào nghiệp nhân và quả. Với tín tâm và lòng sùng mộ đó, chúng ta bắt đầu thực hành giáo Pháp. Chúng ta thực hành Pháp là để tích lũy công đức và tịnh trừ nghiệp chướng. Làm như vậy thì ta sẽ chuyển hóa được cái tâm nhầm lẫn, mê lầm này. Đầu tiên khi Quy y tam bảo, chúng ta quán tưởng cây quy y và phát nguyện quy y với toàn bộ thân khẩu ý này. Khi thực hành, chúng ta trì tụng câu kệ quy y và phát khởi lòng tín tâm vào Tam Bảo, đồng thời thân chúng ta thực hành lễ lạy. Chúng ta phải tích lũy được đủ 100,000 lễ lạy.

    2.2 Kim Cang Tát Đoả

    Chúng ta đã nói về các niệm tưởng tiêu cực, những lỗi lầm và sai phạm mà ta đã tích lũy từ vô lượng kiếp quá khứ. Lý do chúng ta tích lũy nghiệp chướng là do ta chưa nhận ra được rằng đây là những [hành vi, ý nghĩ và lời nói] tiêu cực, ta làm sai mà không biết mình đã làm sai nên vô tình tích thêm nghiệp chướng. Lại có đôi khi, mặc dù ta biết được mình đang tạo nghiệp nhưng vẫn làm, đây là lý do chúng ta gọi chúng là ác nghiệp. Còn các sai phạm là gì? Sai phạm chính là nhắc đến sự đổ vỡ hoặc vi phạm giới nguyện Mật thừa. Phương pháp đối trị với các ác nghiệp, lỗi lầm và sai phạm chính là pháp hành Kim Cang Tát Đoả.

    2.3 Cúng Dường Mạn Đà La

    Chúng ta có nhiều bám chấp vào cuộc đời này vì tâm ta ngập tràn tham lam và bám luyến. Để tịnh hoá tâm tham lam này chúng ta cần phải tích luỹ công đức. Thực hành tích lũy công đức tuyệt vời nhất là chính là pháp Cúng Dường Mandala. Chúng ta thường nói về tích lũy 2 bồ tư lương, đó là tích luỹ công đức có khái niệm (phước) và tích luỹ công đức phi khái niệm (tuệ). Tích luỹ phước báu chính là bất kỳ thiện hạnh nào ta làm với thân, khẩu và ý cùng với sự trưởng dưỡng Bồ Đề Tâm. Tích luỹ tuệ chính là thực hành thiền định và trưởng dưỡng Bồ Đề Tâm tuyệt đối. Thiền định về điều gì? Thiền định về tình yêu thương, lòng từ bi và tánh Không. Đây là sự tích luỹ hai bồ tư lương. Để tích lũy được hai bồ tư lương này thì chúng ta thực hành cúng dường Mandala.

    2.4 Đạo Sư Du Già

    Tâm ta còn rất thô lậu và rất khó điều phục vì chúng ta có quá nhiều những cảm xúc tiêu cực và những tập khí này đã hằn sâu trong tâm trí của chúng ta. Đó là lý do vì sao tâm này ở luôn trong trạng thái thô cứng và nó cần được điều phục. Để làm được như vậy thì chúng ta thực hành Đạo Sư Du Già. Trong thực hành này chúng ta chủ yếu dựa vào những giáo huấn cốt tủy đã thọ nhận từ vị đạo sư. Đương nhiên có rất nhiều điểm quan trọng [trong thực hành Đạo Sư Du Già] nhưng điều quan trọng nhất là lòng sùng mộ. Làm sao các bạn phải phát khởi được một lòng sùng mộ mãnh liệt và chân chính. Lòng sùng mộ chân chính khởi phát khi bạn nhìn thấy vị Đạo sư gốc của mình là một vị Phật. Khi đã thấy Thầy mình là một vị Phật thì bất cứ điều gì Ngài làm, bất cứ điều gì Ngài nói đều sẽ khiến chúng ta sẽ khởi phát lên một lòng sùng mộ vô cùng mãnh liệt, một tín tâm sâu sắc, từ đó tri kiến thanh tịnh khởi hiện. Khi đó chúng ta mới gọi lòng sùng mộ của chúng ta là lòng sùng mộ chân chính. Khi lòng sùng mộ chân chính đã khởi lên thì lúc đó gia lực của vị đạo sư sẽ thấm nhuần vào dòng tâm thức của chúng ta. Điều này có nghĩa là chúng ta phải luôn ghi nhớ về những điều Ngài giảng và phải thực hành y như những gì Ngài dạy. Chúng ta thực hành những gì Ngài yêu cầu chúng ta thực hành và từ bỏ những gì Ngài yêu cầu chúng ta từ bỏ. Bất cứ khi nào chúng ta nhớ nghĩ về công hạnh của vị đạo sư thì một lòng sùng mộ và tín tâm khởi phát lên trong dòng tâm thức của chúng ta. Khi sự sùng mộ chân chính phát khởi thì tâm thức bình phàm và những niệm tưởng ô nhiễm hoàn toàn dứt bặt. Đó chính là lúc gia lực của vị Đạo sư thực sự thấm nhuần trong tâm thức của chúng ta. Những giáo huấn từ Đạo sư mà chúng ta nhận được như giáo huấn về Đại Thủ Ấn… đầu tiên các bạn phải hiểu và sau cùng chứng ngộ được những giáo huấn đó, đồng thời chúng ta trưởng dưỡng tình yêu thương, lòng bi mẫn và bồ đề tâm. Nói một cách ngắn gọn, chúng ta thể chứng những giáo huấn mà đạo sư đã dạy cho chúng ta. Để có thể hiểu được tinh túy của thực hành Đạo Sư Du Già thì quan trọng nhất là hành giả trước hết phải có tri kiến thanh tịnh, tín tâm và sự sùng mộ thực sự chân chính tới đạo sư.

Trong các buổi giảng trước chúng ta đã được học về các đề mục trên. Hôm nay chúng ta sẽ tiếp tục học về các Pháp Tu Tiên Yếu Phi Thường.

Pháp tu tiên yếu phi thường gồm có 3 điểm đó chính là trưởng dưỡng tình yêu thương, lòng bi mẫn và bồ đề tâm. Thường thì đa phần chúng ta nghĩ rằng 3 thuật ngữ này giống nhau và ta có thể sử dụng chúng thay thế cho nhau nhưng nếu chúng ta học và thực hành thì sẽ thấy rằng có sự khác biệt giữa 3 cấp độ này.

Đầu tiên nếu chúng ta muốn đạt được giác ngộ thì trưởng dưỡng bồ đề tâm là điều bắt buộc, chúng ta không thể đạt được giác ngộ nếu như không có bồ đề tâm. Để trưởng dưỡng bồ đề tâm ngay tức thì thì cực kỳ khó khăn. Chúng ta không thể làm được do từ vô thủy chúng ta đã tích lũy nhiều nghiệp chướng tiêu cực, chúng ta có rất nhiều dấu ấn về nghiệp ở trong tâm này. Chúng ta cũng có nhiều ác hạnh, những tập khí và niệm tưởng tiêu cực ở trong tâm lúc nào cũng hiện hữu, kể cả lúc này cũng hiện hữu. Tại giờ phút này, tâm thức của chúng ta vẫn đang bị điều khiển bởi những niệm tưởng tiêu cực. Nói một cách ngắn gọn thì tâm thức của chúng ta lúc nào cũng ngập tràn các niệm tưởng và cảm xúc tiêu cực, đó là lý do tại sao chúng ta không thể trưởng dưỡng tâm bồ đề một cách trực tiếp, nhanh chóng được.

Để trưởng dưỡng được tâm Bồ Đề thì đầu tiên chúng ta phải nuôi dưỡng tình thương vì điều này so ra sẽ dễ dàng hơn một chút. Khi so sánh bồ đề tâm, lòng bi mẫn và tình thương thì tình thương là dễ dàng nhất cho nên chúng ta phải nỗ lực tinh tấn để trưởng dưỡng tình thương trước.

Như vậy, nếu muốn đạt thành giác ngộ thì không thể nào thiếu đi tình yêu thương. Kể cả trong cuộc đời này cũng vậy, các bạn không thể nào trải nghiệm được hạnh phúc nếu không có được tình thương hay lòng từ ái dành cho người khác. Vì lý do đó, trong cuộc đời này hay các cuộc đời vị lai, việc trưởng dưỡng tình yêu thương là một điều vô cùng quan trọng.

Làm thế nào mà tình yêu thương lại liên quan tới hạnh phúc của chúng ta, kể cả hạnh phúc bình thường ở cõi đời này? Đó là bởi vì tất cả chúng ta ai cũng có mong nguyện như nhau: đó là mong nguyện được sống hạnh phúc và xa lìa khổ đau. Đó là mong nguyện ai cũng có. Khi chúng ta có hạnh phúc thì lúc đó ta có tình yêu thương bởi vì hạnh phúc tự thân nó là tình yêu thương rồi. Bởi vì tự tánh của tình yêu chính là hạnh phúc nên khi ta có yêu thương thì có nghĩa là ta sẽ có được hạnh phúc. Cũng tương tự như vậy, vì tự tánh của lòng sân hận là sự đau khổ nên khi bạn sân hận thì bạn cũng sẽ bị đau khổ. Hoặc khi bạn đố kỵ thì tự tánh của đố kỵ cũng là khổ đau.

Vì vậy ngay trong cõi đời này nếu bạn có được tình yêu thương là các bạn có được hạnh phúc vì tình yêu thương có tự tánh là hạnh phúc. Cho nên trong cuộc sống, chúng ta chắc chắn phải trưởng dưỡng tình yêu thương để đạt được hạnh phúc. Chỉ nói riêng cuộc đời này thôi thì ta đã hiểu được rồi chứ chưa cần đề cập đến giáo Pháp. Đây là điểm hết sức quan trọng. Đây là điều chúng ta có thể hiểu và chấp nhận được vì ai cũng có tình yêu thương.

Tương tự như vậy ai cũng có lòng đố kỵ, ai cũng có sự sân hận ở trong tâm. Nó chỉ khác nhau ở mức độ mà thôi. Ví dụ, mức độ của cảm xúc tiêu cực hoặc tình yêu thương thì tùy vào nghiệp chướng tích lũy được trong quá khứ nhưng ai ai cũng có những cảm xúc này cả. Các nghiệp chướng sẽ định đoạt xem bạn nhìn nhận cuộc đời này như thế nào.

Như vậy, trước hết chúng ta phải nhìn ra được tình yêu thương, và nỗ lực thực hành để nuôi dưỡng mầm yêu thương ấy. Đây là điều chúng ta hoàn toàn có thể làm được.

Tại sao ta lại nói rằng yêu thương chính là tinh túy của hạnh phúc? Đó là bởi vì bất kỳ người nào có được yêu thương thì đều sẽ có hạnh phúc một cách tự nhiên. Đây là một dấu hiệu để chúng ta thấy được tự tánh của tình yêu thương là hạnh phúc. Và chúng ta cũng nói rằng sân hận, đố kỵ là tự tánh của sự bất hạnh là vì ai mà trong tâm họ tràn đầy sự sân hận và đố kỵ thì họ sẽ không thể nào có được hạnh phúc. Trong tâm của họ chỉ toàn là sự đau khổ, vì vậy ta nói rằng bản tánh của các cảm xúc tiêu cực là phiền não khổ đau. Nhận thức được điều này chúng ta cố gắng giữ gìn tình yêu thương bằng mọi giá và hơn nữa, để đạt được sự giác ngộ thì không thể không trưởng dưỡng tình yêu thương. Thực sự, chúng ta bắt buộc phải trưởng dưỡng tình yêu thương nếu muốn [đạt hạnh phúc tạm thời] trong cuộc đời này và [hạnh phúc rốt ráo là] đạt thành giác ngộ, đây là điều hết sức quan trọng, là điều cốt tủy.

Một người có tình yêu thương thì một cách tự nhiên thân, khẩu, ý của họ sẽ rất an bình và dịu dàng. Cách họ nói hoặc bất cứ hành động nào cũng rất nhẹ nhàng và an bình. Họ không làm điều gì phương hại đến ai mà những gì họ nói, họ làm đều mang đến an vui và lợi ích cho người khác. Khi chúng ta nghe một người với tràn đầy yêu thương nói thì âm thanh đó rất dễ chịu. Nói một cách ngắn gọn thì bất kỳ việc gì người đó làm cũng rất tích cực, và những người như vậy thường được xem là xinh đẹp và thật tuyệt vời trong mắt người khác. Ở đây chúng ta không nói tới vẻ đẹp bên ngoài như đẹp trai, xinh gái mà ở đây là vẻ đẹp đến từ tình thương ở bên trong. Một vẻ đẹp khởi phát tự nhiên từ tình yêu thương. Một người tràn đầy tình yêu thương thì tự nhiên họ sẽ trở nên đẹp hơn trong mắt người đối diện. Đó là năng lực của yêu thương. Khi nhìn thấy một người tràn đầy tình yêu thương thì ta thường thốt lên rằng: “Ôi người đó sao mà đẹp quá”. Khi chúng ta có được tình yêu thương thì chúng ta có hạnh phúc và những người xung quanh cũng hạnh phúc theo. Đây là một điều hết sức tự nhiên.

Thỉnh thoảng ta thấy có một vài trường hợp như sau: có những người dường như mọi khía cạnh trong cuộc sống của họ đều tốt đẹp và tích cực, ví như công việc thuận lợi, ngoại hình xinh đẹp, luôn gặp những điều kiện thuận duyên. Tuy nhiên, họ không bao giờ có được tình bạn lâu bền nào, hoặc người bạn đồng hành đáng tin cậy nào. Họ nói rằng, ‘người này không thích tôi’, người kia thù ghét tôi’ vân vân. Một mặt điều này có liên hệ với nhân quả, mặt khác đó cũng là dấu hiệu cho thấy rằng trong tâm họ không có lòng vị tha.

Chúng ta thường [gọi những người có lòng vị tha] là những người tâm địa thiện lương, hay tốt bụng. Vậy người nào trong tâm không có tình yêu thương thì [mọi người sẽ không muốn gần gũi với họ]. Lúc đầu có thể mọi người sẽ kết bạn với ta vì thấy bên ngoài ta tốt đẹp, có điều kiện vân vân nhưng nếu trong tâm ta không có đủ yêu thương thì dần dần mọi người sẽ xa lánh, hoặc cảm thấy không thoải mái khi ở cạnh ta nữa. Vì sao lại như vậy? Đó là bởi trong tâm ta không có đủ tình yêu thương, không có lòng vị tha, không có mong muốn giúp đỡ người khác. Một cách tự nhiên điều này sẽ làm cho những người xung quanh cảm thấy khó chịu và không thoải mái.

Như vậy cách tuyệt vời nhất để làm cho người khác được hạnh phúc chính là luôn yêu thương tất cả những người xung quanh. Đó là lý do vì sao chúng ta giữ gìn và nuôi dưỡng tình yêu thương. Nhưng nếu chúng ta làm như vậy chỉ để được người khác yêu thương mình thôi thì tình yêu thương này lại chưa phải là một tình yêu thương chân chính, một tình yêu thương giả tạo, không chân thành. Tuy nhiên, dù gì đi nữa, nếu như lúc đầu ta phải làm như thế để ươm mầm yêu thương thì chúng ta cũng vẫn phải thực hành như vậy thôi. Lúc đầu, phải nỗ lực bằng mọi cách để nuôi dưỡng yêu thương mặc dù yêu thương này chưa hoàn toàn là một tình yêu chân chính. Sau đó, hãy vượt qua [tình yêu có điều kiện này] bởi suy cho cùng [ta phải hiểu được rằng] nếu chỉ giữ gìn tình yêu vì muốn người khác cũng thương quý mình vậy thì tình yêu thương này chưa phải là một tình yêu thương chân chính.

Nói ngắn gọn lại thì chúng ta phải trưởng dưỡng tình yêu thương chân chính. Tình yêu thương chân chính là điều mang lại hạnh phúc cho ta và người khác nữa. Khi hiểu được điều này thì chúng ta mới nỗ lực trưởng dưỡng và thực hành tình yêu thương với thân khẩu ý trong mọi hoạt động thường ngày. Điều này có nghĩa là bất cứ điều gì ta làm xin hãy làm với tâm nguyện mang lại lợi ích cho người khác.

Trong cuộc sống ta hay nói rằng người này, người kia là một người tốt bụng. Tại sao chúng ta có thể đánh giá được rằng một người là người tốt bụng hay không? Một người tốt bụng là người có trái tim thanh tịnh và có tình yêu thương. Một cách tự nhiên thì những ai có tình yêu thương sẽ được những người xung quanh đánh giá là người tốt bụng hoặc người có trái tim thiện lành. Ngược lại một người nào đó ích kỷ, chỉ mong muốn tư lợi cho riêng mình, không nghĩ ngợi gì cho người khác chúng ta gọi họ là những người xấu bụng, những người bất thiện, người thô lỗ… hoàn toàn đối nghịch với người có tâm hồn tràn ngập yêu thương.

Như thế, hãy luôn luôn nỗ lực, tinh tấn trưởng dưỡng tình yêu thương đến mọi chúng sinh.

Trong tác phẩm Nhập Bồ Tát Hạnh có nói rằng một người có tâm yêu thương sẽ nhìn người khác vô cùng nhẹ nhàng, từ ái. Đây là cách mà chúng ta phải nhìn mọi người: hãy nhìn người khác với con mắt của tình yêu thương. Chúng ta nói rằng một người nào đó có tình yêu thương thì tình yêu thương, dịu dàng, chân thành có thể tỏa ra từ ánh mắt của họ và điều này thì không thể giả dối được. Cách mà một người nhìn người khác thì thực sự liên quan mật thiết tới tình yêu thương khởi phát trong tâm họ. Đó là cách mà chúng ta phải thực hành. Hãy nhìn người khác bằng ánh mắt yêu thương.

Chúng ta cũng đã được dạy rằng những người nào trong tâm tràn ngập tình yêu thương thì cách mà họ nói, từ mà họ dùng là những lời ái ngữ, những lời đẹp đẽ. Những lời ái ngữ tuôn ra một cách tự nhiên từ khẩu của họ cho nên chúng ta thực sự phải học theo hạnh của bồ tát, chúng ta nói lời ái ngữ, chúng ta nhìn người khác với tràn đầy tình yêu thương.

Khi chúng ta nói lời ái ngữ, làm điều thiện lành có nghĩa là chúng ta không muốn làm cho người khác bị tổn thương, không muốn nói những lời gì làm cho người khác phật lòng, hay đả kích họ. Những gì mà chúng ta nói ra đều mang lại lợi lạc cho người khác. Vì những lời của ta đến từ tình yêu thương chân thành nên điều này một cách tự nhiên sẽ đem lại lợi lạc cho người khác.

Ngược lại, những người không có tình yêu thương mà khi họ nói ra lời gì đó, mặc dù nghe có vẻ yêu thương nhưng thực ra lại không có hiệu quả gì cả. Lúc đầu khi nghe họ, chúng ta cứ nghĩ là họ đang khen đó nhưng thực ra những cái đó lại không đem lại hiệu quả lâu dài cho chúng ta. Như vậy điều kiện tiên quyết ở đây là cái tâm thanh tịnh, một tấm lòng chân thành mong muốn cho người khác được an vui. Người nào có tấm lòng này thì khi họ nhìn, nói với người khác, tất cả đều sẽ trở thành điều lợi lạc.

Garchen Rinpoche lúc nào cũng dạy chúng ta điều này và có thể nhiều bạn hữu cũng đã biết rồi, đó là dù chúng ta có làm gì thì cũng phải mong nguyện đem lại lợi lạc cho người khác. Dù cho bạn làm bất cứ điều gì đi nữa thì hãy nguyện rằng, những điều con làm, những lời con nói ra sẽ đem lại lợi lạc cho người khác. Nói ngắn gọn, bất cứ điều gì ta làm với thân khẩu ý thì đều nhằm đem lại lợi lạc cho người khác. Rinpoche lúc nào cũng dạy chúng ta như vậy. Ở đây, trong giới hạn của bài giảng Pháp Tu Tiên Yếu, đây chính là tình yêu thương. Yêu thương chính là tâm nguyện được giúp đỡ người khác. Tình yêu thương và lòng từ ái thực sự không thể tách rời nhau. Chúng ta phải hiểu rõ điều này. Tổ Jigten Sumgon có nói rằng nếu như con ngựa của tình yêu thương và lòng từ bi không cất bước vì lợi lạc của chúng sinh thì nó sẽ không được tưởng thưởng nơi cõi nước của hàng chư phật và bồ tát. Như vậy phải thực hành các pháp tu tiên yếu để trưởng dưỡng tình yêu thương và lòng từ bi.

Tình yêu thương và lòng từ cũng giống như 1 con ngựa trên đường đua vậy. Cũng như thế, chúng ta phải rèn rũa tình yêu thương và lòng từ bi của mình bằng cách liên tục [nhắc nhở bản thân rằng] “Nguyện cho con đem lợi lạc cho toàn thể chúng sinh”. Chúng ta phải nuôi dưỡng tâm thức này cho đến ngày nó trở thành bao la vĩ đại. Khi đó, con ngựa này sẽ cất bước vì chúng sinh, sẽ đem lại lợi lạc cho chúng sinh. Cũng như thế, nếu chúng ta không có tình yêu thương và lòng từ bi thì như một con ngựa không chịu chạy trong cuộc đuan nó sẽ không đạt được mục đích là đem lại lợi lạc cho toàn thể chúng sinh. Như vậy, hãy luôn luôn quán xét tâm mình và nhận ra tình yêu trong tâm này, sau đó hãy cố gắng trưởng dưỡng nó.

Chúng ta nhất thiết phải trưởng dưỡng tình yêu thương. Tuy nhiên, để có được tình yêu vô lượng ngay tức thì là rất khó. Vì thế, chúng ta băgs đầu bằng cách nhớ nghĩ về những người mà ta yêu thương hết mực.

Ở giai đoạn đầu, chúng ta nhớ nghĩ về người chúng ta yêu thương thì sẽ rất dễ dàng để chúng ta khởi phát tình yêu thương tới người đó. Thực sự thì chúng ta sẽ không thể có một tình yêu thương tương tự cho tất cả chúng sinh được nhưng đó là điều chúng ta phải rèn luyện. Chúng ta không thể chỉ có tình yêu thương cho 1, 2 người mà thôi.

Yêu thương được tất cả mọi người là điều khó khăn, có phải như vậy không? Khi mà chúng ta nói về tình yêu thương thì chúng ta phải trưởng dưỡng tình yêu thương bao la rộng lớn. Trong tứ vô lượng tâm có nói rằng: “nguyện cho tất cả chúng sinh có được hạnh phúc và nhân hạnh phúc”.

Sự trưởng dưỡng, thực hành tình yêu thương bao la rộng lớn nó bao hàm trọn vẹn trong câu kệ này. Lúc đầu sẽ rất khó khăn để chúng ta trưởng dưỡng tình yêu thương tới tất cả mọi chúng sinh nên chúng ta phải bắt đầu ở một chỗ nào đó. Thì chúng ta sẽ bắt đầu bằng tình yêu thương tới mẹ của mình. Bởi vì sẽ rất dễ dàng để khởi phát tình yêu thương cho mẹ của mình. Tại sao lại dễ dàng như vậy? bởi vì người mẹ của mình là người rất từ ái với mình.

Thực sự trên cuộc đời thì không có một ai đối xử tốt với chúng ta như mẹ của chúng ta. Có những điều mà chỉ có mẹ mới có thể làm cho chúng ta và ngoài ra thì không ai có thể làm được cả. Hãy nghĩ như thế thì ngay tức thời tình yêu thương sẽ khởi phát trong tâm của bạn dành cho mẹ của mình. Làm sao mà mẹ mình lại yêu thương và từ ái với mình như vậy? Chúng ta nói rằng người mẹ yêu thương chúng ta theo 4 cách. Đầu tiên là người mẹ đã sinh ra ta, đã cho ta thân thể này. Thứ 2 người mẹ đã chăm sóc ta, nuôi cho ta lớn lên. Thứ 3 người mẹ dạy cho ta điều nên làm và điều không nên làm và điều thứ 4 người mẹ đã trải qua rất nhiều khó khăn, phải hy sinh và chịu đựng gian khổ để chúng ta được sống hạnh phúc.

Tất cả những điều này thì chỉ có người mẹ mới có thể làm cho con của mình chứ không ai có thể làm cho chúng ta cả. Chúng ta lớn lên từ trong bụng của mẹ mình, thậm chí cả những con thú mẹ cũng yêu thương con thú con. Con thú mẹ sinh con ra, nuôi dưỡng con và nó trao cho đứa con cuộc sống. Cũng như vậy, khi chúng ta tiến vào cõi đời này thì chúng ta chỉ giống như một hạt mầm bé xíu, một hợp tử trong quả trứng. Cứ thế ta sinh trưởng trong tử cung của người mẹ rồi hợp tử lớn lên thành bào thai. Không một ai khác có thể làm việc này cho ta trừ mẹ của ta. Lại nói, người mẹ đã phải mang thai chúng ta trong suốt 9 tháng 10 ngày. Người mẹ nào khi mang thai cũng phải trải qua sự đau đớn, khó chịu và phải trải qua sự sinh nở đầy cơ cực nữa. Trong suốt thời kỳ đó, mẹ lúc nào cũng lo lắng xem con mình có ổn không, có khỏe không.. sự từ ái này chỉ có người mẹ mới ban cho chúng ta mà thôi.

Có rất nhiều điều có thể nói về quá trình sinh nở này nhưng thực sự thì thầy không có nhiều thời gian nên thầy chỉ nói sơ qua như vậy thôi.

Điều thứ 2, khi người mẹ sinh chúng ta ra rồi, bà còn nuôi cho chúng ta lớn lên nữa. Chính bà là người dạy cho chúng ta tất cả mọi thứ. Khi chúng ta vừa mới ra đời thì chúng ta không biết gì cả. Bà dạy cho chúng ta cách ăn, cách mặc và bà đảm bảo chúng ta không bị đói, không bị rét… Thực sự thông qua 6 thời ngày và đêm, bất cứ lúc nào bà cũng phải chịu đựng rất nhiều điều khó khăn gian khổ để chăm lo cho sự an ổn yên vui của chúng ta.

Khi chúng ta nghĩ lại thì liệu chúng ta có đồng ý với những điều thầy nói hay không?

Giờ đây trong cuộc sống hiện đại này, có rất nhiều người nói với thầy rằng: “Mẹ con thì không yêu con, mẹ con lúc nào cũng gây phiền phức, chướng ngại cho con”. Điều đó không đúng chút nào. Nếu các bạn quán xét kỹ càng thì sẽ thấy nếu mẹ bạn không trải qua rất nhiều khó khăn để có thể sinh bạn ra đời, không nuôi dưỡng chăm sóc để bạn lớn lên thành người như bây giờ, để các bạn không bị đói, không bị rét thì các bạn liệu có tự mình sống sót được không?

Có rất nhiều phụ nữ quyết định là không có con, ví dụ họ phá thai hoặc khi họ sinh đứa bé ra đời thì họ đem bỏ đứa bé đi. Điều đó thực sự có xảy ra nhưng đó không phải là trường hợp của bạn phải không? Mẹ của bạn không bỏ bạn mà mẹ bạn đã sinh bạn ra đời, mẹ của bạn đã nuôi dưỡng bạn nên người. Chỉ nghĩ về điều mẹ đã sinh bạn ra, nuôi dưỡng bạn thì cũng đã thực sự từ ái rồi. Thêm nữa mẹ là người dạy cho chúng ta mọi việc từ ăn, uống, đi đứng, nói, ngồi… chính mẹ là người đã dạy cho chúng ta tất cả những điều đó. Thường thì chúng ta không hề nghĩ ngợi gì về những điều đó cả.

Khi chúng ta nghĩ về những đau khổ, khó khăn mà mẹ phải chịu đựng khi sinh chúng ta, nuôi dưỡng chúng ta thì thật là vô cùng vô tận. Bà phải là người có tình yêu vô cùng to lớn dành cho chúng ta.

Trong cuộc sống, có đôi lúc khi bạn bị bệnh hay khi bạn thất nghiệp hoặc bạn gặp phải vấn đề nào đó. Sau đó có ai đó xuất hiện và giúp đỡ cho bạn, trao cho bạn công việc. Người đó có thể giúp cho bạn trong 1 năm, 1 tháng, 1 ngày hoặc chỉ được một chút thôi thì lúc nào bạn cũng nghĩ về người đó. ‘Người đó sao mà tốt bụng quá, họ đã giúp mình’ có phải bạn nghĩ như vậy hay không? Nếu như khi bạn sắp chết đói mà có người nào đó đưa cho bạn một mẩu thức ăn thì ngay lập tức bạn sẽ hết sức cám ơn người đó. Hay là bạn bị bệnh và có người nào đó xuất hiện và cứu bạn khỏi cơn bạo bệnh thì bạn lập tức bạn sẽ nghĩ về người đó với tất cả tình yêu thương. Lúc nào bạn cũng nhớ nghĩ về người đó, lúc nào bạn cũng nghĩ là bạn mang nợ những người đó bởi vì họ đã quá tốt với mình và bạn luôn mong muốn trả ơn đó cho họ. Nếu mà bạn so sánh lòng tốt của những người giúp đỡ bạn trên đường đời với lòng tốt của người mẹ thì thực sự không điều gì có thể so sánh được với lòng tốt và lòng từ ái của người mẹ. Sự từ ái của người mẹ vượt trên tất cả lòng tốt của những người đã từng giúp đỡ chúng ta trên đường đời ngắn ngủi này. Bởi vì người mẹ đã chịu đựng bao nhiêu gian khổ để mang thai chúng ta suốt 9 tháng 10 ngày. Người mẹ đã trải qua khó khăn để sinh nở chúng ta, mẹ đã nuôi dưỡng chúng ta nên người từ khi ta chỉ là một đứa trẻ. Bà không bỏ mặc để chúng ta chết khát, chết đói; bà không để chúng ta phải thiếu thốn thức ăn, hoặc mặc kệ chúng ta khi bị bệnh mà bất cứ khi nào ta bị bệnh bà lập tức lo lắng và cho chúng ta đến bệnh viện để khám.

Có thể là thời gian mà bà giúp đỡ bạn khi mà bạn bệnh, khi bạn đi bệnh viện thì bạn không thể nhớ được, không thể đếm được số lần bà chở bạn đi bệnh viện, chăm sóc bạn bệnh cho nên tình yêu thương của mẹ dành cho bạn là vô lượng, vô biên.

Đầu tiên bạn phải nhìn ra được sự từ ái của bà và khi bạn đã nhìn ra thì ngay lập tức bạn sẽ khởi phát lòng biết ơn và muốn đền ơn, đáp nghĩa đối với mẹ của mình.

Thực sự khi quán chiếu kỹ càng thì bạn sẽ thấy lòng từ ái của người mẹ siêu vượt tất cả. Nó thực sự không thể nghĩ bàn, đó là lòng từ bi vô lượng mà chúng ta không thể diễn tả được thành lời. Với sự quán chiếu đó, tình yêu thương của chúng ta dần dần trở nên mạnh mẽ hơn. Và khi đã đủ mạnh thì chúng ta lại quán xét rằng từ vô thủy tới nay, chúng ta đã trải qua bao nhiêu kiếp sống rồi. Mỗi một kiếp sống như vậy thì ta lại có một người mẹ. Cũng giống như ở kiếp này, người mẹ đã yêu thương, chăm sóc chúng ta thì vô lượng chúng sinh cũng đã làm y như thế với chúng ta từ những đời vô thủy. Bởi vì Đức Phật đã nói rằng tất cả chúng sinh ai cũng đã từng là cha mẹ của ta. Trong Lá Thư Gửi Người Đạo Hữu có nói nếu chúng ta muốn đếm số lượng chúng sinh đã từng là mẹ của ta thì ngay cả khi ta phải đập cả thế giới rộng lớn này thành những mảnh thật nhỏ nhuyễn thì chúng ta rồi cũng sẽ đếm được những mảnh vỡ nhỏ bé đó nhưng số lượng mảnh vỡ này cũng không sánh bằng số lượng bà mẹ của chúng ta trong vô lượng kiếp từ vô thủy đến nay vì số lượng chúng sinh ấy thực sự là không thể đong đếm được.

Nói tóm lại, chưa có một chúng sinh nào mà chưa từng là mẹ của ta. Kể cả là một con vật thì con thú mẹ cũng yêu thương và chăm sóc cho con thú con. Cũng vậy, người mẹ của đời này yêu thương chúng ta thì người mẹ của những đời trước cũng yêu thương chúng ta như vậy. Cho nên chúng ta phải quán xét được rằng vì chưa có một chúng sinh nào chưa từng là mẹ của ta nên ta phải trưởng dưỡng tình yêu thương cho tất cả.

Thỉnh thoảng thì cũng có trường hợp là chúng ta chăm lo cho con cái của chúng ta nhiều hơn là lo lắng, chăm sóc cho cha mẹ của mình, họ không muốn chăm lo cho cha mẹ già của mình nhiều mà chỉ tập trung hết sức cho con cái. Thực sự đó là một sai lầm. Cũng giống như con của bạn cần tình yêu thương thì cha mẹ của bạn cũng cần tình yêu thương vậy. Tình yêu thương cả 2 bên cần thì cũng giống như nhau, không có gì khác biệt cả.

Những đứa con của bạn tôn trọng bạn như thế nào thì các bạn cũng cần phải tôn trọng cha mẹ của mình như thế. Điều này hết sức là quan trọng. Cách chúng ta yêu thương, chăm sóc cha mẹ của mình có liên hệ trực tiếp tới sự tích lũy phước báu của chúng ta. Một người hết sức chăm lo, chăm sóc cho cha mẹ của mình thì một cách chắc chắn, họ sẽ tích lũy được rất nhiều phước báu. Bởi vì vậy, bất cứ điều gì họ làm một cách tự nhiên cũng sẽ đạt được thành công, được kết quả tốt. Nếu họ chăm sóc, yêu thương cha mẹ của mình thì công đức phước báu của họ sẽ được tăng trưởng. Sự tích lũy công đức này thì giống tích lũy của cải và tiền bạc. Sự tích lũy công đức này không thể mua bán hay trao đổi được mà phải đến từ tâm. Chúng ta phải nỗ lực nuôi dưỡng tình yêu thương trong dòng tâm thức của mình và đây là cách ta có thể tích lũy công đức. Đây là điều hết sức quan trọng.

Lại nói, chúng ta cũng phải chăm sóc cho cha mẹ của mình như cách chúng ta yêu thương, chăm sóc con cái của mình vậy. Chúng ta xem con cái của mình là một điều gì đó vô cùng quan trọng thì cũng vậy, chúng ta cũng phải coi cha mẹ của mình cũng quan trọng như thế. Chúng ta thậm chí còn phải tôn trọng họ hơn nữa bởi vì nếu các bạn chỉ chăm lo cho con cái mà từ bỏ cha mẹ của mình hay lơ là cha mẹ mình, thậm chí có người còn coi khinh cha mẹ của mình thì nghiệp quả cũng sẽ quay trở lại và trong tương lai, con cái của bạn cũng sẽ đối xử với bạn y như vậy. Bất kể bạn đã từng yêu thương con cái bạn như thế nào, bạn đã từng chăm sóc con bạn tốt như thế nào nhưng nếu bạn bỏ rơi cha mẹ của mình thì con cái bạn cũng sẽ bỏ rơi bạn y như thế. Đây là điều mà chúng ta gọi là quả báo. Rồi con của bạn rồi cũng sẽ đối xử và hành động y như bạn mà thôi. Khi nó trưởng thành, nó sẽ cư xử tệ bạc với bạn y như cách bạn đối xử với cha mẹ của mình bây giờ. Hãy nghĩ về điều này cho đời này và những đời sau. Dù có nghĩ về bất kỳ khía cạnh nào thì chúng ta vẫn phải khởi phát tình yêu thương và sự tôn kính cho cha mẹ của mình.

Kể cả ở dưới góc độ của cuộc đời bình phàm thì một người hiếu thảo với cha mẹ của mình cũng được xem là một người tuyệt vời, một người tốt. Ở trong giáo pháp thì đây là cách thực hành pháp tuyệt vời nhất. Bởi vì chúng ta nói rằng tinh túy của pháp chính là tình yêu thương. Chúng ta phải trưởng dưỡng bằng được tình yêu thương và cách trưởng dưỡng tình yêu thương nên bắt đầu từ việc yêu thương người cha, người mẹ của mình rồi sau đó mới nhân rộng tình yêu thương ra như cách chúng ta trì tụng. “Tất cả chúng sinh mẹ hiền, vô lượng như hư không”

Bởi vì tình yêu thương là trân quý cho nên những phật tử chúng ta là những người chấp nhận nghiệp nhân và quả thì đây chính là sự kết nối nghiệp tuyệt vời nhất mà chúng ta có với người mẹ của mình. Đó là lý do tại sao chúng ta nghĩ về mẹ của mình, chúng ta trưởng dưỡng tình yêu thương cho mẹ của mình rồi sau đó chúng ta nhân rộng tình yêu thương đó ra tới tất cả chúng sinh bởi vì chúng ta đã quán xét được rằng tất cả chúng sinh ai cũng là cha mẹ của chúng ta trong những kiếp trước. Tất những chúng sinh đều đã là người mẹ của mình, đã chăm sóc cho mình, đã yêu thương mình cũng giống như người mẹ ở đời này đã chăm sóc, yêu thương mình vậy.

Các vị Kadampa Geshe trong đời quá khứ đã trưởng dưỡng tình yêu thương bằng cách thực hành 7 giáo huấn về nghiệp nhân quả. Giáo huấn về luật nhân quả như sau:

  • Điều đầu tiên chúng ta nhận ra [ai là] mẹ của ta.
  • Điều thứ 2 chúng ta nhớ lại tình yêu thương của mẹ.
  • Điều thứ 3 là chúng ta muốn đền đáp ơn nghĩa đó, ở đây người mẹ mà ta nói đến là tất cả chúng sinh.
  • Điều thứ 4 là chúng ta khởi phát lòng từ ái muốn chăm sóc cho họ.
  • Điều thứ 5 là từ đó nảy sinh lòng bi mẫn.
  • Điều thứ 6 là từ lòng bi mẫn khởi sinh một động cơ thanh tịnh, chân chính
  • Điều thứ 7 là từ đó bồ đề tâm phát khởi.

Mỗi một yếu tố trong 7 yếu tố trên có liên hệ chặt chẽ với nhau, điều này dẫn đến điều kia. Đầu tiên chúng ta phải nhận ra người mẹ của mình rồi sau đó chúng ta hãy nghĩ về bà với lòng biết ơn vô hạn, sâu sắc. Nghĩ được như thế chúng ta mới có mong nguyện được trả ơn cho bà. Điểm này hết sức quan trọng. Nếu như chúng ta không thể trưởng dưỡng tình yêu thương cho chính người mẹ của mình thì chắc chắn rằng chúng ta không thể trưởng dưỡng được tình yêu thương cho tất cả chúng sinh. Cho nên chúng phải bắt đầu với người mẹ của mình là vì vậy.

Bất cứ sự thực hành giáo pháp nào đều bắt đầu với những bước đầu tiên hay chúng ta gọi là những bước nền tảng. Nếu như các bước này không được thực hành thì chúng ta không có nền móng để xây dựng lên cơ ngơi để thực hành cả. Các bước thực hành nền tảng này chính là nền tảng vững chắc để chuyển hoá tâm này trở thành lớn mạnh bao la tựa bồ đề tâm. Đây thực sự là lý do tại sao chúng ta phải bắt đầu bằng việc trưởng dưỡng tình yêu thương dành cho mẹ của mình trước nhất.

Cách thực hành là đầu tiên chúng ta phát khởi tình yêu thương cho mẹ của mình rồi sau đó cho những người xung quanh mình như anh em, bạn bè ,hàng xóm rồi sau đó chúng ta nhân rộng lên, rộng hơn nữa, bao la, bao la hơn nữa cho đến cuối cùng tình yêu thương trở lên vô lượng đến tất cả chúng sinh. Đây chính là ý nghĩa cuối cùng của câu “chúng sinh mẹ hiền, vô lượng như hư không”. Chúng ta cầu nguyện rằng “nguyện cho tứ vô lượng tâm khởi sinh trong dòng tâm thức của con.” Tứ vô lượng tâm bắt đầu bằng tâm từ – tình yêu thương. Tình yêu thương mà có sự ràng buộc, chia cắt như chỉ yêu thương bạn bè, yêu thương gia đình của mình thôi thì đó là tình yêu thương hạn hẹp chứ không phải tình yêu thương vô lượng bao la. Đó là tình yêu thương có sự phân chia, hạn hẹp, một tình yêu thương mà bạn chỉ có thể nới rộng ra một cách giới hạn thôi, ví dụ như tình yêu thương dân tộc của mình nhưng bạn cần phải đạt tới được cảnh giới của yêu thương vô hạn. Tình yêu thương không gói gọn trong một biên giới nào mà nó phải lan rộng ra bao la tới tất cả các chúng sinh mẹ hiền. Đây là ý nghĩa của việc cầu nguyện: cầu cho tất cả chúng sinh, vô lượng như hư không có được hạnh phúc và nhân hạnh phúc.

Thực sự điều này hàm nghĩa rằng tình yêu thương của chúng ta phải trở thành bao la, vô lượng. Trong 37 Pháp Tu Bồ Tát có nói rằng:

Khi những bà mẹ đã từng tử tế với chúng ta từ vô thủy đang chịu khổ đau, thì hạnh phúc riêng mình có nghĩa lý gì?

Nếu như mẹ của chúng ta đang chịu đau khổ còn mình thì đang hưởng an vui hạnh phúc thì như vậy an vui hạnh phúc để làm gì? Đây là cách mà chúng ta phải khởi phát tâm yêu thương cho tất cả chúng sinh, đây là cách chúng ta phải thực hành.

Cũng có vài người không phát khởi được tình yêu thương với mẹ của họ nhưng dù sao, chúng ta cũng phải bắt đầu từ đâu đó [một người nào đó]. Như vậy, hãy bắt đầu thực hành với người mà bạn yêu thương nhiều nhất. Bất kể người đó là người nào: người bạn của mình, người đồng hành của mình hay con cái của mình. Ví dụ, nếu bạn có con và yêu thương con mình hết mực, hãy nhân rộng tình yêu thương đó ra bằng cách quán xét là tất cả chúng sinh trong nhiều kiếp trước cũng đã từng là con cái của chúng ta và giờ đây chúng ta phải chăm sóc cho tất cả chúng sinh như chăm sóc cho con của mình bây giờ vậy. Các bạn cũng có thể nghĩ như vậy, tập trung vào đối tượng mà bạn yêu thương nhất trong đời này và quán xét để nhân rộng tình yêu này ra thành bao la vô lượng.

Tình yêu bao la vô lượng có nghĩa là dù cho người khác đối xử với các bạn như thế nào, [bạn cũng vẫn phải hết lòng thương yêu họ]. Thường thì chúng ta chỉ yêu quý những người đối xử tốt với mình còn người nào không tốt với mình thì mình sẽ không yêu thương người đó đâu. Nhưng thực sự điều này không đúng với những giáo huấn của Đức Phật về tình yêu thương vô lượng vô biên. Tình yêu vô lượng là tình yêu dành cho tất cả chúng sinh, không liên hệ đến cách họ đối xử với chúng ta. Nếu họ đối xử tốt với ta, ta sẽ yêu thương họ nhưng nếu họ không đối xử tốt với ta, ta vẫn cứ yêu thương họ. Điều đó không chỉ áp dụng với con người mà còn đối với cả các chúng sinh khác ví dụ như con thú, sinh vật nhỏ bé như côn trùng…

Muốn có được tình yêu thương bao la thì chúng ta phải nỗ lực thực hành chánh niệm. Bởi vì nếu không có chánh niệm, nếu không nỗ lực cố gắng liên hồi thì tình yêu thương bao la này tự thân nó không thể tự sinh ra được. Chúng ta phải thực sự nỗ lực với một chánh niệm liên tục. Chúng ta hãy thực hành nhiều nhất có thể do tâm của chúng ta có nhiều niệm tưởng tiêu cực. Vì thế ta càng phải nỗ lực để khởi phát lên những niệm tưởng vị tha muốn đem lại lợi lạc cho chúng sinh. Nếu như tâm của bạn tràn ngập niệm tưởng vị tha thì bạn có tình yêu thương tràn ngập trong tâm. Đây là niệm tưởng chúng ta phải luôn luôn trì giữ trong tâm, đây là cách chúng ta nên thực hành. Chúng ta phải luôn nỗ lực tăng trưởng tình yêu thương của mình. Bằng cách này, rồi sẽ có lúc chúng ta trưởng dưỡng được trong tâm tình yêu thương vô lượng. Tuy nhiên, điều tiên quyết là ta phải phát tâm nỗ lực thực hành.

Thường Phật tử chúng ta trì tụng rất nhiều câu chú và thực hành các pháp khác nhau. Rồi chúng ta hay đọc ra rả câu nguyện “Nguyện cho tất cả chúng sinh mẹ hiền…” trong các thời thực hành nghe qua vô cùng sâu sắc. Nhưng hãy nghiêm khắc quán xét tâm của chúng ta, “Liệu mình có thật sự nghĩ như vậy không?”, “Liệu lời nguyện này có ăn sâu bén rễ trong tâm thức của mình hay không?, “Mình có đang thực hành những lời nguyện này hay không?”, “Mình có thật sự cảm nhận được tình yêu thương mà mình đang phát nguyện đó không?” Nếu câu trả lời là có thì tâm của bạn đã hoàn toàn hoà nhập với Pháp, bạn là một hành giả chân chính. Nếu không thì bạn chỉ có tụng những lời chót lưỡi đầu môi mà thôi. Bạn có thể tự hào là mình đã tu học Phật pháp trong nhiều năm rồi hoặc là bạn đã trì tụng kinh điển rất lâu rồi hay là bạn có thể nói ra những lời giáo huấn rất sâu sắc nhưng dù cho là bạn có nói về Pháp nhiều như thế nào chăng nữa thì lợi lạc của những thực hành đó đều bằng không.

Ta thường nói những người không thông minh là những người thiếu trí tuệ. Cũng như thế, nếu chúng ta không có tình tình yêu thương thì trí tuệ về Pháp của chúng ta cũng bằng không thôi dù cho chúng ta có thực hành nhiều như thế nào đi nữa, dù cho chúng ta có nói về tri kiến của tánh không nhiều như thế nào đi nữa, hay nói về tự tánh thâm sâu thế nào thì nó cũng bằng không mà thôi. Hãy quán xét kỹ càng điều này và trưởng dưỡng tình yêu thương bởi nếu không có yêu thương thì tri thức ta học được cũng chỉ là vô ích, tri thức ấy sẽ chẳng đem lại lợi lạc gì cho ta. Mục đích của việc thực hành Pháp là để mang lại lợi lạc [cho ta và chúng sinh]. Vì thế chúng ta phải làm cho Pháp trở nên lợi lạc. Để Pháp trở thành lợi lạc thì chúng ta phải thực sự thực hành tinh túy của giáo Pháp. Khi đó chúng ta sẽ trở thành một hành giả tuyệt vời, hành giả chân chính.

Vài ngày trước thì thầy có nói chuyện với người bạn của thầy trong bữa ăn. Bạn thầy nói rằng, hiện nay thì dân số thế giới ngày càng tăng lên nhưng những Phật tử thì ngày càng giảm xuống còn những người thực hành những tôn giáo khác thì càng ngày càng tăng lên, ví dụ càng ngày càng có nhiều người theo Thiên Chúa Giáo và càng ít người theo Phật giáo. Người bạn thầy băn khoăn không biết tại sao lại xảy ra tình trạng như vậy? Thầy nghĩ rằng điều mà chúng ta thiếu vắng ở trong cộng đồng Phật tử của chúng ta, mặc dù có rất nhiều trung tâm Pháp khắp nơi trên thế giới, có nhiều nhóm bạn bè, đạo hữu cùng thực hành với nhau nhưng chúng ta lại không có nhiều mong muốn giúp đỡ người khác. Điều này thể hiện ở chỗ nếu một người mà gặp phải khó khăn, gian khổ thì chúng ta có giúp đỡ cho người đó hay không? Khi gặp bạn đạo, ta sẽ có những buổi trao đổi về giáo Pháp rất sâu sắc nhưng khi người bạn ấy gặp khó khăn trong đời sống thế tục thì không ai đứng ra giúp đỡ cho người đó cả. Họ phải tự bơi một mình mặc dù chúng ta là những người có thể dang tay ra giúp đỡ họ nhưng chẳng ai thực sự giúp cả. Thực sự thì cũng có một vài trường hợp chúng ta giúp đỡ lẫn nhau nhưng số lượng không nhiều lắm. Đó là lý do tại sao càng lúc càng có ít người theo Phật giáo. Trong cộng đồng của những người Thiên Chúa Giáo thì có một truyền thống rất mạnh là khi một người trong giáo đoàn gặp nhiều khó khăn thì cộng đồng giáo dân sẽ đứng ra giúp đỡ lẫn nhau. Chúng ta có thể nói nhiều về tri kiến, về tánh không và nhiều điều tuyệt vời khác nhưng điều họ thực sự cần là sự giúp đỡ khi gặp khó khăn. Tất cả chúng ta ai cũng có những lúc như vậy, những khó khăn chung và những khó khăn riêng của từng người. Nếu một người gặp khó khăn thì cộng đồng giáo đoàn sẽ cùng chung tay giúp đỡ người đó. Dường như điều này có liên quan đến sự gia tăng hay giảm đi của số dân theo đạo Thiên chúa và theo đạo Phật. Thực sự thì nó có liên hệ sâu sắc với tình yêu thương và lòng từ ái. Điều này chúng ta phải quán chiếu suy nghĩ và phải phát khởi tình yêu thương nhiều hơn nữa.

Khi có tình yêu thương ta sẽ thấy rằng khi một người nào đang gặp khó khăn và chúng ta có thể giúp đỡ cho họ thì chắc chắn ta phải giúp họ chứ không thể nào quay lưng bỏ mặc họ được. Nếu có thể thì chúng ta phải giúp đỡ cha mẹ, bạn đồng tu của mình, bạn bè của mình, hay nói cách khác là tất cả những người xung quanh chúng ta. Điều này nó có liên hệ với quy luật nhân quả trong Phật giáo. Kể cả ở trong cuộc sống bình thường này chứ khoan hãy nói về khía cạnh Giáo Pháp, nếu ai giúp đỡ chúng ta trong lúc khó khăn hoạn nạn thì chúng ta nghĩ người đó thật là tuyệt vời và tốt bụng, phải vậy không? Những người mà giúp đỡ cho những người khác khi họ gặp khó khăn thì cái đó chính là công hạnh của người Phật tử, công hạnh của Bồ Tát. Đó là những điều sẽ đem lại nhân lành cho họ trong đời này và trong đời vị lai. Đó chính là mục tiêu rốt ráo nhất của tất cả hành giả thực hành giáo pháp: động cơ để cứu độ tất cả chúng sinh khi họ đang cần sự cứu giúp. Nếu chúng ta không có động cơ đó thì dù cho chúng ta có thực hành nhiều như thế nào mà nếu chúng ta thấy một người gặp khó khăn mà chúng ta không mảy may động lòng và giúp đỡ thì sự thực hành của chúng ta cũng sẽ vô ích mà thôi. Đây là toàn bộ mục tiêu lúc đầu chúng ta dấn thân vào con đường thực hành Pháp. Chúng ta thực hành nhiều mà không trưởng dưỡng được tình yêu thương thì thật đáng buồn. Với tâm nguyện đem lại lợi lạc cho chúng sinh thì chúng ta mỗi ngày mỗi đêm chúng ta phải cố gắng hết sức để phát khởi bồ đề tâm và tình yêu thương nhiều đến mức nào chúng ta có thể.

Là Phật tử thì chúng ta phải trưởng dưỡng được lòng yêu thương và từ bi. Chúng ta phải giúp đỡ người khác khi họ cần, đây là điều chúng ta phải chắc chắn làm nếu như chúng ta còn xem mình là Phật tử. Đồng thời khi mà chúng ta giúp đỡ người khác với tình yêu thương, từ ái, thì chúng ta cần phải có trí tuệ nữa. Chúng ta cần trí tuệ để chống đỡ cho lòng yêu thương của chúng ta. Trí tuệ là cái quyết định xem chúng ta nên giúp đỡ người đó theo cách thức nào. Trí tuệ là cách chúng ta làm lợi lạc cho người khác mà không gặp chướng ngại. Với trí tuệ và tình yêu thương thì chúng ta vào đời để giúp đỡ người khác còn nếu không có trí tuệ mà chỉ hành xử theo những cảm xúc bất chợt của mình thì chúng ta sẽ không thể biết được là sự giúp đỡ của mình có ích hay tai hại nữa. Tình yêu thương và từ bi phải luôn đi kèm với trí tuệ.

Phần 2: Hướng Dẫn Thực Hành

Quay trở lại nghi quỹ thực hành pháp này thì phần thực hành này nằm ở nghi quỹ tiếng Việt trang 45. Chúng ta nói rằng:

Bất cứ niềm vui và hạnh phúc nào cũng đều đến từ chính tâm nguyện muốn làm lợi lạc hữu tình chúng sinh. Vì vậy, nguyện tất cả chúng sinh mẹ hiền, vô lượng như hư không, có được tâm yêu thương.

Trước đó chúng ta đã nói về các Pháp Tu Tiên Yếu Phi Thường. Những bước trước đây chúng ta cần tích lũy rất nhiều túc số còn đối với Pháp Tu Tiên Yếu Đặc Biệt này thì chúng ta không có con số cụ thể nào cần tích lũy cả mà tập trung vào vấn đề thiền định cho nên ở bước này chúng ta thiền định về tình yêu thương.

Nói một cách ngắn gọn, chúng ta thiền định về câu này: “nguyện cho con làm lợi lạc được cho nhiều chúng sinh”, và chúng ta trưởng dưỡng tâm yêu thương ấy càng lúc càng rộng lớn hơn nữa. Chúng ta thiền định bằng cánh nhớ nghĩ về chúng sinh những người đã từng làm cha, làm mẹ của chúng ta theo cách thầy giảng ở trên cho đến khi nào ta khởi phát được tình yêu thương vô lượng. Và cho đến lúc đó ta phải luôn tinh tấn thực hành. Hạnh phúc trải nghiệm ở cõi nhân và cõi chư thiên đều bắt nguồn từ tình yêu thương còn tất cả mọi đau khổ của chúng sinh ở cõi thấp đều đến từ sự thiếu vắng tình yêu thương. Như vậy yêu thương là cội nguồn của hạnh phúc. Vì thế, các bạn phải thực sự nỗ lực để trưởng dưỡng được tình yêu thương cho tất cả.

Thầy sẽ chấm dứt giáo huấn về bước thứ nhất của Pháp Tu Tiên Yếu Đặc Biệt, trưởng dưỡng tình yêu thương. Khi chúng ta trưởng dưỡng tình yêu thương thì hãy luôn có chánh niệm về mỗi hành động của mình.

Phần 3: Hỏi và Đáp

  1. Làm sao con có thể thực hành được những pháp tu mà thầy đã dạy mà không bị chuyển tâm, đặc biệt cho những người rất bận rộn với công việc?

Để thật sự thay đổi được tâm thức mình trước hết bạn phải hiểu sâu về nhân quả. Trong thời khắc nào chúng ta cũng phải trưởng dưỡng tình yêu thương và khi bạn thật sự không có thời gian để thực hiện bất kỳ pháp hành nào thì thực hành như vậy thôi là đã đủ.

Khi bạn làm việc, có thể bạn sẽ gặp phải khó khăn trong công tác của mình hoặc công việc không thành công hoặc cãi nhau với đồng nghiệp. Bạn gặp rất nhiều khó khăn và chướng ngại trong việc thực hành pháp thì khi đó, bạn hãy thực hành hạnh nhẫn nhục. Những lúc như vậy bạn cũng có thể nhớ nghĩ vị đạo sư gốc của mình. Dù cho bất cứ chuyện gì xảy ra, hãy nhớ nghĩ về luật nhân quả và trưởng dưỡng tình yêu thương. Đây cũng là một cách thực hành.

Nếu mọi chuyện suôn sẻ hanh thông, hãy cần khởi phát được lòng biết ơn, cảm kích to lớn, tuyệt vời với Tam Bảo, với đạo sư và trưởng dưỡng tình yêu thương đó bất cứ lúc nào.

  1. 6 cõi luân hồi có phải nó thuộc về 1 vũ trụ hay hành tinh khác không? Ngoài súc sinh là sinh linh sống chung với chúng ta trên cõi giới này thì còn có chúng sinh nào khác nữa không?

Nói một cách ngắn gọn, 6 cõi luân hồi có cùng tồn tại trong hành tinh này. Trong thực hành cúng dường Mandala chúng ta đã được học về cõi địa ngục… thì cõi địa ngục nằm sâu trong lòng trái đất. Ta nói rằng từ Bồ đề đạo tràng, chúng ta đi sâu 500 do tuần vào trong lòng đất thì đó là địa ngục. Núi Tu Di thì 500 do tuần sâu dưới mặt đất và 500 do tuần cao lên trên mặt đất. Trên đỉnh của núi Tu di là cõi của chư phạm thiên Brahma, trên nữa là cõi Thiên dục giới, sắc giới và vô sắc giới. Nói một cách ngắn gọn thì cả 6 cõi đều được bao hàm trong cõi giới của chúng ta cả chỉ có điều mà chúng ta không trực tiếp nhìn thấy họ mà thôi.

Chúng ta có thế giới này nhưng đồng thời chúng ta cũng nói về những vũ trụ khác nữa. Ta nói rằng có tam thiên đại thiên thế giới, trong mỗi một thế giới này đều có 6 cõi luân hồi bao hàm trong vũ trụ đó. Trong thế giới của chúng ta là cõi vũ trụ đầu tiên – vũ trụ nhất thiên là 1000 tiểu vũ trụ. Vũ trụ nhị thiên là có 1,000 vũ trụ nhất thiên. Còn số lượng vũ trụ ở vũ trụ tam thiên là 1000 vũ trụ nhị thiên và như vậy, mỗi một vũ trụ lại có 6 cõi luân hồi. Cho nên có vô lượng chúng sinh thì cũng có vô lượng cõi tịnh độ.

  1. Thưa thầy, có phải cõi địa ngục cũng tồn tại trên trái đất này của chúng ta hay không? Mà đơn giản là chúng ta không nhìn thấy hoặc không cảm nhận được sự hiện hữu của cõi địa ngục này.

Trong các giáo huấn về cõi địa ngục nói rằng thực sự có cõi địa ngục hiện hữu nằm ở vị trí 500 do tuần sâu dưới lòng đất. Như vậy rất có thể thật sự tồn tại một cõi giới địa ngục mà chúng ta không thể nhìn thấy bằng mắt phàm được nằm sâu trong lòng đất.

Nhưng nhìn chung, khi chúng ta nói đến địa ngục, điều đó có nghĩa là sự hiện hữu của nỗi thống khổ tột cùng. Như vậy, trong cõi người này cũng có địa ngục hiện hữu, trong một cõi người thôi ta cũng thấy được sự hiện diện của những cõi giới khác vì ở đây chúng ta đang nói đến “đau khổ”. Có những người lúc nào cũng bệnh tật, đau khổ và đau đớn, lúc nào họ cũng phải chịu những nỗi thống khổ không khác gì trong cảnh giới địa ngục cả. Rồi cũng có những người đói khát mà chẳng kiếm được chút thức ăn hay nước uống gì thì cũng chẳng khác nào những chúng sinh ở cõi ngạ quỷ. Có những người thì bị xem là nô lệ, bị bắt lao động thì có khác gì những con gia súc hay không? Lại có những nơi luôn chìm đắm trong chiến tranh loạn lạc thì cũng chẳng khác nào chúng sinh ở cõi bán thiên. Rồi cũng có những người lúc nào cũng có được hạnh phúc và đến cuối đời thì ra đi bình an mà không gặp phải bất kỳ bất hạnh nào, thật y như những người ở cõi thiên vậy. Và rồi chúng ta, những người đôi khi trải nghiệm được hạnh phúc, đôi khi có phiền não khổ đau, đôi khi chúng ta khoẻ mạnh và lại có những lúc chúng ta ốm đau bệnh tật. Đó chính là chúng ta, những chúng sinh ở cõi giới con người, cõi giới mà ta vô cùng quen thuộc.

Cho nên, chúng ta nói rằng nỗi đau khổ của 6 cõi luân hồi là thật sự hiện hữu trong cõi người chúng ta.

Ảnh bìa: Thư pháp “Tình Yêu Thương và Lòng Bi Mẫn” trong ánh sáng cầu vồng của Tôn Sư Garchen Rinpoche.

đóng góp cho DAC

Các trung tâm Pháp thật vô cùng trân quý và trung tâm có thể hoạt động hoàn toàn phụ thuộc vào sự ủng hộ của các vị đệ tử. Mặc dù chúng ta đã thành lập trung tâm nhưng nếu không có được sự ủng hộ của tăng đoàn thì trung tâm sẽ không thể tồn tại trong tương lai. Nếu con ủng hộ cho các trung tâm Pháp thì con sẽ nhận được phước báu lớn lao trong đời này và cả đời vị lai. Và phước báu là cội nguồn của hạnh phúc.


Kyabje Garchen Rinpoche

đọc thêm

Achi Chokyi Drolma

Hộ Pháp Achi Chokyi Drolma

Achi Chokyi Drolma là một Hộ Pháp vĩ đại trong Phật Giáo. Ngài là hiện thân của Kim Cang Du Già Thánh Nữ, hoá hiện của trí tuệ và công hạnh của tất cả chư Phật. Ngài là thánh mẫu thiêng liêng của mọi chư Phật, đã hiện thân từ lòng đại bi dưới hình tướng của chư vị Dakini trong Ngũ Phật Bộ. Để đem lại lợi lạc cho mọi chúng sinh trong luân hồi, Ngài đã thị hiện muôn vàn hình tướng tại những thời – không khác nhau.

ĐỌC THÊM