Hướng Dẫn Thực Hành Ngondro – Bài 7: Cúng Dường Mandala

Dorzin Rinpoche hướng dẫn thực hành Ngondro theo nghi quỹ "Con Đường Tuyệt Hảo Dẫn Đến Giác Ngộ: Các Pháp Tu Tiên Yếu của Đại Thủ Ấn Năm Nhánh" do Tôn sư Garchen Rinpoche soạn tác. Bài 7: Cúng Dường Mandala
Mandala Offering

Phần 1: Giáo Lý

Hôm nay chúng ta đến với phần giáo huấn về pháp tu Cúng Dường Mandala trong Các Pháp Tu Tiên Yếu của Đại Thủ Ấn Năm Nhánh. Thực hành cúng dường Mandala để tạo ra các nhân lành phước báu, vì thế, trước khi thực hành, hãy phát khởi động cơ bồ đề thanh tịnh.

Chúng ta cúng dường mandala là để tích luỹ công đức và thiện duyên vì công đức là thiết yếu để đạt thành quả vị giác ngộ. Nếu ta không tích lũy được công đức nào thì chúng ta sẽ không thể đạt được giác ngộ. Dù cho bất kỳ hạnh phúc nhỏ nhoi nào trên thế giới này cũng đều do sự tích luỹ công đức mà ra cả. Ví dụ, hạnh phúc ở cõi người hay cõi thiên đều là do sự tích tụ công đức ở những kiếp trước. Những hạnh phúc nhỏ nhoi nhất cũng đến từ phước báu, vậy chúng ta càng phải tích lũy công đức mạnh mẽ hơn rất nhiều nếu như chúng ta muốn đạt được giác ngộ. Ngược lại, nếu như chúng ta không có công đức thì thân người này sẽ chẳng có một chút hạnh phúc nào dù là nhỏ nhoi nhất trên cuộc đời này. Vì vậy việc tích lũy công đức là hết sức quan trọng và chúng ta gọi đây là những điều kiện thuận duyên nhờ phước báu.

Lần trước chúng ta đã nói về những điều kiện không thuận duyên. Để có thể tịnh hóa những chướng duyên thì chúng ta thực hành tịnh hóa Kim Cang Tát Đoả còn để tạo ra những điều kiện thuận duyên trong đời này và những đời vị lai thì đều đến từ việc tích lũy công đức. Ta nói rằng phương thức tốt nhất để tích lũy công đức chính là cúng dường Mandala. Đây chính là chủ đề của bài pháp thoại ngày hôm nay.

Hai hình thức tích luỹ công đức

Có 2 hình thức tích lũy công đức [hai bồ tư lương], tích lũy công đức có khái niệm [phước] và tích lũy công đức phi khái niệm của trí tuệ [tuệ]. Công đức [có khái niệm] mà chúng ta nói tới ở đây là bất kỳ khái niệm về một thiện hạnh bình phàm nào mà chúng ta làm bởi thân khẩu ý và xuất phát từ Bồ Đề Tâm. Như vậy, bất kỳ thiện hạnh nào được làm với động cơ Bồ đề thì sẽ đạt được phước báu. Ví dụ đi chùa, cúng dường nến, cúng dường hoa, lễ lạy, trì tụng Mani mantra hoặc phát khởi mong muốn thiện lành tới các chúng sinh khác thì tất cả những điều này là những thiện hạnh mà chúng ta đã làm. Dù nó nhỏ hay lớn thì đều được gọi là công đức có khái niệm, hay là phước báu. Một thiện hạnh sẽ tạo thành bồ tư lương phước báu khi chúng ta thực hành thiện hạnh ấy với động cơ giải thoát các chúng sinh khỏi luân hồi và để an lập chúng sinh trong trạng thái Phật quả. Khi chúng ta có động cơ như thế sẽ tích lũy được một công đức rất lớn lao. Nhìn ở bên ngoài thì mặc dù những hành động này rất nhỏ nhoi nhưng nếu chúng ta có động cơ bao la, vĩ đại thì công đức chúng ta đạt được cũng rất bao la, vĩ đại. Đây là sự tích lũy công đức có khái niệm.

Điều này khác hoàn toàn với sự tích lũy công đức thế tục. Ví dụ, do có chút lòng sùng mộ tới Tam Bảo nên các bạn cúng dường đèn bơ, lễ lạy với mong nguyện đem lại thành công trong cuộc sống; hoặc giả bạn cúng dường, cầu nguyện hoặc quy y để mong cầu vạn sự bình an vân vân. Tuy nhiên nếu bạn chỉ nghĩ đến hạnh phúc bình phàm của đời này thôi thì thiện hạnh ấy không được gọi là tích luỹ công đức [phi khái niệm]. Thực ra thì những hành động ấy cũng sẽ đem lại công đức nhưng đó không phải là loại công đức mà chúng ta muốn tích lũy. Khi nói đến bồ tư lương phước báu thì chúng ta phải có động cơ hết sức to lớn. Cho dù hành động của các bạn có to lớn như thế nào đi chăng nữa nhưng nếu động cơ không to lớn thì nó cũng không đem lại công đức lớn lao. Vì thế điều quyết định xem công đức có lớn lao hay không chính là các động cơ khởi lên trong tâm.

Nếu như các bạn thực hành với động cơ rất vĩ đại thì tạm thời cuộc đời này bạn cũng sẽ đạt được rất nhiều hạnh phúc và trong các cuộc đời vị lai bạn sẽ được tái sinh vào các cõi giới cao như là cõi người và cõi thiên. Có thể tạm thời trong đời này bạn chưa đạt được giác ngộ nhưng nếu các bạn có tích luỹ được phước báu, gieo nhân lành với những động cơ to lớn thì trước nhất bạn sẽ được tái sinh vào cõi giới cao như cõi thiên và rốt ráo các bạn sẽ đạt được Phật quả. Nói tóm lại, các bạn sẽ tích lũy được nguồn công đức to lớn và nguồn công đức này sẽ không bao giờ cạn kiệt. Cho nên, ở đây chúng ta đang nói đến sự tích lũy phước báu từ động cơ to lớn, là những nguồn công đức không bao giờ cạn kiệt. Ngược lại, công đức tích lũy với động cơ thế tục là hữu hạn. Đương nhiên các bạn cũng sẽ nhận được quả của các thiện hạnh đó. Như sau khi quả đã trổ ra một hai lần thì nó sẽ cạn kiệt. Cho nên để tích lũy được công đức vô lượng, vô biên thì các bạn phải khởi phát được động cơ vô lượng vô biên. Do đó việc khởi phát động cơ là hết sức quan trọng.

Ví dụ, một người cúng dường một ngọn đèn bơ và mong nguyện rằng với việc cúng dường ngọn đèn này, anh ta sẽ nhận được cái gì đó trong đời này hoặc đời sau. Lại có một người cũng cúng dường một ngọn đèn bơ nhưng hướng về sự giác ngộ cho mình và cho các chúng sinh khác. Mặc dù trong ví dụ này, kích thước đèn bơ dâng cúng là như nhau nhưng công đức tích lũy được từ hai thiện hạnh này thì khác nhau vô cùng. Người nào nghĩ về công đức cho đời này và đời sau thì cũng sẽ nhận được phước báu nhưng có thể chỉ cho hai đời thôi; còn người nào nghĩ về sự giác ngộ của toàn thể chúng hữu tình thì người đó đã có một động cơ vô cùng to lớn. Họ đã không hề nghĩ ngợi gì về đời này hoặc đời sau cho bản thân mình mà chỉ nghĩ về hạnh phúc và sự giác ngộ vẹn toàn của tất cả chúng sinh mà thôi. Như thế, công đức từ thiện hạnh này sẽ không bao giờ chấm dứt mà sẽ trở thành vô cùng rộng lớn. Đây là cách mà chúng ta tích lũy công đức với động cơ vô lượng, vô biên và chính nhờ có công đức này mà chúng ta mới có thể đạt thành Phật quả. Chúng ta gọi đây là sự tích lũy phước báu có khái niệm. Đây là một phương tiện rất thiện xảo để tích lũy công đức. Sự thiện xảo ở đây nằm ở cách ta phát khởi động cơ khi thực hiện cúng dường hay thực hành bất kỳ thiện hạnh nào. Nếu chúng ta đốt một ngọn đèn bơ cúng dường và nghĩ về tất cả các chúng sinh thì chúng ta sẽ tích lũy được lượng công đức vô cùng to lớn.

Việc tích lũy công đức như thế này là vô cùng quan trọng. Trong giáo huấn của Nguyên thủy thừa có nói rằng dù chúng ta có làm gì, làm như thế nào đi nữa thì chúng ta cũng phải tích lũy công đức. Như vậy, để có được hạnh phúc trong đời này và những đời vị lai thì các bạn phải tích lũy công đức. Dù cho đó là hạnh phúc mà bạn muốn đạt được ngay trong đời này hay trong những đời sau, bất kỳ loại hạnh phúc nào thì cũng đều nhờ công đức mới có được. Giáo huấn cũng nói rằng ‘Nếu không tích lũy công đức thì lúc nào chúng ta cũng sẽ trải nghiệm đau khổ. Nếu tích lũy công đức thì mọi ước nguyện sẽ được viên thành. Nếu không tích lũy công đức thì sẽ không có bất kỳ thành tựu nào được như ý nguyện.’

Ước nguyện có viên thành hay không hoàn toàn tuỳ thuộc vào phước báu của ta. Không có phước thì sẽ chỉ có khổ đau. Trong cuộc đời này, một người được trải nghiệm một hạnh phúc dù là nhỏ nhoi đi chăng nữa thì hạnh phúc ấy cũng đều đến từ phước báu. Họ đạt được hạnh phúc trong đời này là do họ đã tích lũy được công đức trong đời trước. Cũng như thế, nếu họ muốn có hạnh phúc trong đời sau thì chắc chắn đời này họ phải tích lũy công đức. Và như vậy, nếu họ muốn đạt được Phật quả thì lại càng phải tích lũy nhiều công đức.

Người nào phước đức dày sẽ luôn đạt được những thành tựu đúng như ước nguyện trong đời này và đời vị lại. Họ cũng sẽ không bị ảnh hưởng nặng nề bởi chướng ngại và yêu ma, mọi công phu tinh tấn tu hành đều sẽ rốt ráo dẫn đến bến bờ giác ngộ. Nhờ phước báu, ta sẽ hiểu được điểm tinh yếu của giáo Pháp, ta sẽ tinh tấn thực hành và có thể hoàn thiện thực hành pháp của mình, và cuối cùng ta sẽ đạt thành Phật quả.

Hãy quán xét kỹ càng về điều này: nếu muốn có dù chỉ một chút hạnh phúc nhỏ nhoi thì cũng đều phải nhờ vào tích lũy công đức. Như vậy đương nhiên nếu muốn đạt được Phật quả thì chắc chắn chúng ta càng phải tích lũy thêm vô lượng công đức. Đức Phật đã tích lũy công đức trong suốt ba a tăng tỳ kiếp, Ngài đã tích lũy được đầy đủ hai bồ tư lương phước và tuệ nên Ngài đã đạt được giác ngộ. Đây là những điểm hết sức trọng yếu.

Trong ngondro, thực hành tích lũy công đức chính là thực hành cúng dường Mandala. Trong thực hành Ngondro, tích lũy công đức và tịnh trừ nghiệp chướng là để ta có thể chứng ngộ bản tâm. Như vậy, quả của việc tích lũy công đức là sự chứng ngộ chân lý tuyệt đối của tánh không – cảnh giới bản tâm Đại Ấn. Vì thế, nếu chúng ta không tích lũy công đức, chúng ta sẽ không thể đạt được quả vị chứng ngộ bản tâm này. Trong Tiểu Phẩm Bát Nhã Kinh (Aṣṭasāhasrikā Prajñāpāramitā Sūtra) có nói rằng ‘Con phải tích lũy được 2 bồ tư lương cho đến khi con có thể chứng ngộ được thật nghĩa của tánh không.’

Sự tích lũy công đức – hai bồ tư lương – ở đây là sự tích lũy phước báu có khái niệm và sự tích lũy trí tuệ phi khái niệm. Cho đến khi chúng ta đạt được giác ngộ, khi chúng ta chứng được tánh không thì chúng ta vẫn phải tiếp tục tích lũy công đức và tịnh trừ nghiệp chướng. Cũng trong kinh ấy nói rằng: “để có thể đạt đến cảnh giới trí tuệ uyên nguyên đồng khởi hiện – là cảnh giới của Đại Thủ Ấn, chúng ta phải tích lũy hai bồ tư lương.’ Điều này là vô cùng quan trọng.

Cách tích lũy công đức tốt nhất là thực hành cúng dường Mandala. Vì sao chúng ta phải thực hành cúng dường Mandala? Bởi vì, nếu không tích lũy công đức thì sẽ không có bất kỳ thành tựu gì cả. Đức Tilopa đã nói với đức Naropa rằng: ‘Hỡi con trai, chỉ khi nào con nhận ra được vạn pháp là tương liên tương hỗ; hoặc nói cách khác, chỉ khi nào con chứng ngộ được tri kiến tánh không, [chứng ngộ được] cảnh giới bất sinh rỗng rang, thì con vẫn cần phải tích lũy 2 bồ phước tuệ. Cũng như hai bánh xe của một chiếc xe bò, cho đến khi nào con đạt được cảnh giới giác ngộ tánh không tối hậu thì không bao giờ con được xa lìa khỏi 2 bánh xe này.’

Như vậy nói cách khác, cho đến khi đạt được giác ngộ, ta vẫn phải tinh tấn thực hành tích lũy công đức và tịnh trừ nghiệp chướng. Ở đây điểm chính yếu là phải thực hành tinh tấn và miên mật. Vì sao lại như thế? Đó là do có một vài trường hợp khi đã ngồi thiền một chút, hoặc khi học pháp một chút, thực hành Pháp một chút xíu thì đã nghĩ rằng ta thực hành như vậy là đã đủ rồi, không cần phải làm thêm nữa. Chúng ta không được có những suy nghĩ như vậy! Chúng ta phải nghĩ rằng không bao giờ là thực hành đủ cả. Có một vài người nghĩ rằng họ đã đạt được một vài dấu hiệu khi thực hành thiền chỉ, họ cũng nhập định của thiền rồi và cảm thấy thoả mãn, thấy mình như vậy là giỏi lắm rồi! Chúng ta phải loại bỏ ngay những suy nghĩ như vậy. Chúng ta không bao giờ được phép hài lòng tự mãn với công phu của mình mà lúc nào cũng phải cố gắng hơn, tích lũy nhiều công đức hơn cho đến tận khi ta đạt thành giác ngộ. Cho đến khi ta chứng ngộ được cảnh giới tối hậu thì ta vẫn cần phải tinh tấn thực hành miên mật. Đó là cả một quá trình hành thiện nỗ lực liên tục, không gián đoạn với thân khẩu ý và mong nguyện được làm lợi lạc cho mọi chúng sinh.

Chúng ta phải thực sự nỗ lực hết mình để đạt được điều đó. Ví dụ, nếu chúng ta muốn đạt được điều gì đó trong cuộc đời này ví như đạt được hạnh phúc thì chúng ta cũng phải nỗ lực hết mình có đúng vậy không? Cũng tương tự như vậy, nếu chúng ta muốn đạt được quả vị Phật tối hậu thì chúng ta phải hết sức nỗ lực, hết sức tinh tấn thực hành. Đây chính là ý mà Tổ Tilopa nói với Tổ Naropa về việc đừng bao giờ xa rời sự tích lũy 2 bồ tư lương, 2 bồ phước tuệ.

Phần 2: Hướng Dẫn Thực Hành

Khi thực hành cúng dường Mandala sẽ rất tốt nếu chúng ta có 2 bộ: 1 bộ để thực hành [gọi là mandala cúng dường] và 1 bộ để dâng lên bàn thờ [gọi là mạn đà la thành tựu].

mandala base
Đế Mandala cúng dường (dùng để thực hành tích luỹ túc số)

Đây là đế của Mandala. Tùy theo khả năng tài chính mà các bạn có thể thỉnh bộ Mandala bằng chất liệu thích hợp. Nếu có điều kiện, hãy thỉnh mandala được làm từ các kim loại quý như vàng, bạc, kim loại quý… Nếu không thì bạn có thể thỉnh bộ Mandala bằng đồng hoặc kim loại. Nếu vẫn không có đủ khả năng tài chính [để thỉnh mandala bằng đồng] thì có thể dùng mandala làm bằng gỗ hay bằng đá.

Mandala set
Bộ cúng Mandala bằng đồng

 

Những phẩm vật mà chúng ta dâng lên trong tụ Mandala cũng vậy, nếu có điều kiện các bạn có thể dâng các phẩm quý như đá quý, ngọc lục bảo hoặc kim cương, vàng, bạc… Ví dụ trên đĩa của thầy thì có vàng, bạc, đá turquoise, ngọc trai… là những phẩm cúng với chất liệu rất quý. Những phẩm này nên có kích thước nhỏ như cát vậy. Bạn có thể để nhẫn, dây chuyền lên trên đó nữa. Ngoài ra còn có những dược liệu quý báu để linh thánh hóa như rễ của cây Arula vân vân… là những cúng phẩm có dược tính.

mandala offering substances
Đá ngũ sắc cúng dường Mandala

Nếu các bạn không có điều kiện thì có thể dâng cúng các loại ngũ cốc như hạt gạo, lúa mạch, ngô nhưng phải sử dụng ngũ cốc sạch.

Thậm chí nếu bạn không có đủ điều kiện tài chính để thỉnh bất cứ loại ngũ cốc nào thì các bạn cũng có thể dùng sỏi, đá, cát… Nói chung nếu các bạn có động cơ hoàn toàn thanh tịnh thì dù bạn có dâng lên phẩm vật gì cũng đều mang lại công đức vĩ đại, lớn lao. Cũng có trường hợp các bạn có điều kiện nhưng lại lựa chọn những cúng phẩm rẻ tiền thì công đức mang lại không nhiều do bạn đang có sự tham luyến, muốn giữ lại những đồ quý giá cho mình. Vì vậy, nếu bạn có động cơ thanh tịnh thì khi đó muốn dâng cũng bất cứ cái gì các bạn có tùy thuộc vào điều kiện của mình đều cũng là vô tuyệt vời.

mandala offering substances
Gạo cúng dường Mandala

Thời Đức Phật còn tại thế, có 1 cậu bé mà sau này trở thành Đức vua Ashoka nổi tiếng khắp muôn phương. Khi ngài còn nhỏ, ngài đã cúng dường 1 ít cát trong bình bát của đức Phật. Mặc dù chỉ cúng dường cát thôi nhưng do được thực hiện với một động cơ thanh tịnh nên sau này, nhờ nhân duyên này mà ngài đã trở thành đức vua Ashoka vĩ đại. Tất cả đều khởi nguồn từ sự cúng dường một ít cát lên Phật với một động cơ vĩ đại, dẫn đến sau này ngài trở thành vị vua bảo hộ và xiển dương giáo pháp khắp mọi nơi.

Nếu hôm nay các bạn muốn cúng dường Mandala thì những phẩm vật các bạn phải chuẩn bị từ ngày hôm trước. Các bạn phải rửa sạch hết các cúng phẩm. Ví dụ bạn muốn cúng các phẩm vật quý báu như trang sức, đá quý thì các bạn phải rửa chúng sạch sẽ. Tụ Mandala cũng phải làm sạch. Các bạn phải chuẩn bị mọi thứ sẵn sàng từ ngày hôm trước.

2.1 Mandala Thành Tựu

Tiếp theo chúng ta quán tưởng ruộng công đức.

Thông thường, ruộng công đức mà chúng ta quán tưởng chính là cây quy y giống như ở phần thực hành lễ lạy. Trong phần quy y lễ lạy, cây quy y mà chúng ta quán tưởng là một cây như ý to lớn với 5 nhánh, nhưng trong thực hành Mandala thì ruộng công đức là 5 tụ trên Mạn đà la. Các bạn phải quán tưởng rằng Mandala này là một nơi chốn vô cùng rộng lớn.

Mandala phải thật sự sạch sẽ, không được có bụi bặm hay vết bẩn nào dính ở trên đó. Tiếp theo bạn lấy nước hồng hoa (saffron) vẩy lên đế Mandala để tịnh hóa, sau đó lau sạch Mandala bằng cổ tay.

Chúng ta có thể dùng hoa và dâng cúng Mandala. Sắp xếp hoa thành 5 tụ theo trình tự giống như cội quy y 5 nhánh mà chúng ta quán tưởng ở phần thực hành quy y lễ lạy.

  • 5 tụ trở thành 5 ngai tòa khảm châu báu, được khiêng bởi 8 con sư tử. Trên ngai tòa là đài sen, đĩa mặt trời và mặt trăng. Phần này chúng ta quán tưởng giống như quán tưởng cây quy y.
  • [An toạ trên ngai toàn chính giữa] quán tưởng Đạo sư của chúng ta trong hình tướng Đức Phật Kim Cang Trì, vòng xung quanh Ngài là toàn bộ chư đạo sư dòng truyền thừa.
  • [Trên ngai toà] Trước mặt Ngài là chư vị Bổn Tôn,
  • [Trên ngai toà] Phía bên phải của Ngài là hàng ngàn vị Phật của hiền kiếp này.
  • Phía sau là hàng ngàn Kinh Điển, chủ yếu là Bát Nhã Ba La Mật Đa Đại Mẫu.
  • Phía bên trái là tập hội Chư Bồ Tát, ví dụ như 8 vị đại Bồ Tát của đức Phật, và
  • Ở giữa những khoảng trống xung quanh ngai tòa là những chư vị Hộ Pháp khác nhau như Hộ Pháp Mahakala, Hộ Pháp Achi và những vị Hộ Pháp khác.

Đây là phần quán tưởng ruộng công đức/ cây quy y cho Mandala thành tựu của chúng ta. Mandala thành tựu này sẽ được đặt lên bàn thờ.

Nếu trong trường hợp chúng ta không có 2 Mandala khác nhau mà chỉ có 1 Mandala thì Mandala mà các bạn dâng cúng (Mandala thành tựu) cũng là Mandala thực hành. Trong trường hợp này, các bạn [có thể bỏ qua bước này mà chỉ cần] quán tưởng toàn bộ chư vị Đạo sư, Bổn Tôn của cây quy y như đang an trú ở trong không gian phía trước. Trong bản văn gốc Dharmakirti Shalung, phần này chúng ta tụng câu chú “Om Benza Ti Dra” (câu chú này không có trong nghi quỹ Ngondro). Đây là cách quán tưởng ruộng phước điền. Nếu các bạn có 2 Mandala khác nhau thì các bạn hãy đặt một cái trên bàn thờ như thầy đã hướng dẫn.

2.2 Mandala cúng dường

Cúng phẩm thầy sử dụng hôm nay có những viên đá quý ngũ sắc, có cả vàng, bạc, trang sức.

Tay cầm Mandala không nên để trống mà hãy cầm một vài hạt đá cúng dường trong lòng bàn tay (tùy phẩm cúng dường).

Đầu tiên, vẩy một ít nước hồng hoa (saffron) lên trên đế của Mandala. Quán tưởng nước hồng hoa này đã thấm nhuần và làm mềm tâm trí của chúng ta với Bồ Đề Tâm.

Trên tay còn lại cầm một vài viên đá quý cúng dường (bằng ngón trỏ và ngón cái) và lau chùi đế Mandala bằng cổ tay, 3 lần theo chiều kim đồng hồ và 3 lần ngược chiều kim đồng hồ hoặc nhiều hơn cũng được. Vừa lau đế Mandala chúng ta vừa tụng câu minh chú trăm âm.

Khi lau chùi đế Mandala theo chiều kim đồng hồ hãy quán tưởng rằng ta đang tịnh trừ thân, khẩu, ý của mình và những cảm xúc ô nhiễm nay hoàn toàn được tịnh hoá.

Khi chùi ngược chiều kim đồng hồ, hãy nghĩ rằng giờ đây ta đã đạt được các phẩm tánh về thân, khẩu và ý giác ngộ của chư vị.

Sau đó chúng ta bắt đầu phần trì tụng nghi quỹ trang 35. (Theo mỗi câu kệ được trì tụng, hãy thực hành các nghi thức tương ứng)

2.2.1 Mạn Đà La 37 Tụ

Dorzin Rinpoche cúng dường Mandala 37 tụ
Dorzin Rinpoche cúng dường Mandala 37 tụ trong một buổi thực hành tại trung tâm Drigar Thubten Dhargye Ling Singapore

Nền Đất (Đế Mạn Đà La)

OM VAJRA BHUMI AH HUNG. Nền đất bằng vàng, đầy năng lực, và hoàn toàn thanh tịnh.

[Đặt một vài viên cúng phẩm lên tầng đầu tiên, là đế của mạn đà la]

OM VAJRA REKHE AH HUNG. Bao quanh phía ngoài là dãy núi sắt.

Đặt vòng thứ 1 của Mandala lên trên đế.

Tại trung tâm là chủng tự HUNG,

Thả một viên đá (hoặc tuỳ cúng phẩm) vào chính giữa mạn đà la. Chủng tự HUNG viên thành thành tựu gì? Khi tích luỹ vô lượng công đức thông qua thực hành cúng dường mạn đà la, cùng với chủng tự Hung chúng ta tống xuất đi tất cả các che chướng, chướng ngại, những ý niệm ác hại, gửi tất cả qua cả những đại dương bao la nhất.

từ nơi đó, núi Tu Di – vua của các núi – xuất hiện.

Vốc một nắm lớn cúng phẩm trong tay và rải vào chính giữa Mandala.

Như vậy, phần quán tưởng trên được tóm tắt như sau: Chúng ta đã thiết lập được một nền tảng từ mạn đà la gió và lửa. Từ đó, mặt đất bằng vàng, đầy năng lực và hoàn toàn thanh tịnh hoá hiện. Ngay chính giữa đất này là núi Tu Di (biểu trưng bằng vốc cúng phẩm được rải vào chính giữa mạn đà la)

Núi Tu Di (Tầng thứ 1 – tụ thứ 1)

Bốn phương xung quanh núi Tu Di là 4 dãy núi được tạo thành bằng 4 chất liệu trân quý (cũng là một phần của núi Tu Di).

  • Ở phía đông được làm bằng bạc,
  • Ở phía nam được làm bằng đá lưu ly (lapis lazuli),
  • Ở phía Tây được làm bằng hồng ngọc (ruby),
  • Ở phía Bắc được làm bằng vàng

Đây là 4 chất liệu cấu thành núi Tu Di. Núi Tu Di có hình vuông và gồm bốn bậc. Hãy quán tưởng rằng núi Tu Di là ngọn núi vô cùng, vô cùng bao la vĩ đại.

Phần chân núi Tu Di chìm trong một đại dương rộng lớn vô biên, và chìm sâu xuống tám vạn do tuần dưới mặt nước biển. Phần núi phía trên thì cao đến tám vạn do tuần so với mặt nước biển 8.

Vòng xung quanh núi cả Tu Di là bảy rặng tiểu sơn, ở giữa bảy rặng tiểu sơn là bảy đại hồ. Tất cả được bao bọc phía ngoài bởi một dãy núi sắt.

Tại 4 phương của núi Tu Di là Tứ Đại Thiên Vương:

  • Phía Đông là Trì Quốc Thiên Vương [Dhritarashtra]
  • Phía Nam là Tăng Trưởng Thiên Vương [Virudhaka]
  • Phía Tây là Quảng Mục Thiên Vương [Virupaksha]
  • Phía Bắc là Đa Văn Thiên Vương [Vaishravana]

Phía trên núi cả Tu Di là cõi Tam Thập Tam thiên, là cõi giới của các vua trời Dục giới như Indra, Vishnu vv. Như vậy, ngay phía trên cùng của đỉnh núi Tu Di là sáu tầng trời Dục giới. Các cõi trời này nằm trên đỉnh núi Tu Di.

Phía trên sáu tầng trời Dục giới là 17 tầng trời Sắc giới.

Phía trên các tầng trời Sắc giới là các tầng trời Vô sắc giới.

Như vậy, các tầng trời này xếp chồng lên nhau. Các tầng trời Dục giới nằm ở trên đỉnh núi Tu Di, các cõi khác nằm ở cõi không gian phía trên các cõi Dục giới và cứ thế xếp chồng lên.

Bốn Đại Châu và Tám Tiểu Châu (Tầng thứ 1 – tụ 2 đến 17)

Sau đó chúng ta bắt đầu với tụ đầu tiên nằm ở phía Đông của núi Tu Di. 37 tụ này có ý nghĩa như thế nào? Như ta đã biết, [vũ trụ này gồm] núi Tu Di, 4 lục địa và 8 tiểu lục địa. Như thế các tụ này được đặt trên mạn đà la như những biểu tượng về núi Tu Di cùng các đại châu và tiểu châu này.

Phía Đông là Đông Thắng Thân Châu

Chúng ta bắt đầu bằng tụ ở phía Đông là Đông Thắng Thân Châu Pura-Videha – Cõi Thân Thù Thắng. Đó là một vùng rộng lớn, làm từ pha lê, có hình bán nguyệt, rộng lớn vô biên. (Khi tụng đọc, rải cúng phẩm lên vị trí số 2 – tương ứng với tụ số 2 – theo sơ đồ trong nghi quỹ trang 31). Tương tự như thế chúng ta đặt những tụ tiếp theo lên Mandala theo sơ đồ.

Phía nam là Nam Thiệm Bộ Châu

Lục địa phía Nam là cõi Nam Thiệm Bộ Châu Jambudvipa – Cõi Cây Táo Hồng, được làm bằng đá lưu ly, có hình tam giác hoặc hình dạng xương bả vai.

Phía Tây là Tây Ngưu Hoá Châu

Lục địa phía Tây là Tây Ngưu Hóa Châu Aparagodaniya – Cõi Gia Súc Như Ý được làm bằng đá Ruby, hồng ngọc quý có hình tròn tuyệt hảo.

Phía Bắc là Bắc Câu Lô Châu

Lục địa ở Phía Đông là Bắc Câu Lô Châu Uttara-kuru – Cõi Âm Thanh Khó Nghe được làm bằng vàng và có hình vuông.

Lục địa phía Đông được gọi là Đông Thắng Thân Châu – Thân Thù Thắng vì thân thể của chúng sinh cõi giới này thì to lớn hơn nhiều thân thể của chúng ta, là các chúng sinh sinh sống ở Nam Thiệm Bộ Châu.

Ở phía nam là lục địa Nam Thiệm Bộ Châu – Cõi Cây Táo Hồng của chúng ta (Hán việt dịch âm Jambu – cây táo hồng – thành Thiệm Bộ). Tại sao gọi là Cõi Táo Hồng? Nguồn gốc cái tên này xuất phát từ một cây táo hồng, quả của cây táo rơi xuống mặt hồ nên sinh ra tên gọi của lục địa này là như vậy. Về vị trí địa lý thì cây táo này nằm ở trên núi Kailash, và quả táo rơi xuống mặt hồ, chính là hồ Manasarovar ngày nay. Hình dạng của Nam Thiệm Bộ Châu thì giống như hình dạng xương bả vai, nhưng cũng có tài liệu nói lục địa này có hình dạng như một thùng xe ngựa.

Ở phía Tây là lục địa Tây Ngưu Hóa Châu – Cõi Gia Súc Như Ý. Tại sao có tên này vì ở cõi giới này có những con trâu rất tuyệt vời.

Ở phía Bắc là lục địa Bắc Câu Lô Châu – Cõi Âm Thanh Khó Nghe. Âm thanh khó chịu vì các chúng sinh ở cõi giới này phải nghe những âm thanh rất khó chịu. Ví dụ, trong vòng 7 ngày trước khi chúng sinh ở cõi giới này chết đi thì họ sẽ nghe được những âm thanh báo trước về cái chết. Những âm thanh này không hề dễ chịu chút nào, đúng không? Vì thế, cõi giới này được gọi là cõi Âm Thanh Khó Nghe là như vậy.

Tiếp theo là tám tiểu bộ châu. Tám tiểu bộ châu này tương ứng với hình dáng, màu sắc của tám đại bộ châu nhưng kích thước nhỏ hơn:

  • Ở phía Đông chính là cõi Đông Thắng Thần Châu, ở phía bên phải của cõi Đông Thắng Thần Châu là cõi Thân Châu và bên trái là cõi Thắng Thân Châu.
  • Ở bên phải của Nam Thiệm Bộ Châu là Phất Châu và ở bên trái là Biệt Phất Châu.
  • Ở phương Tây, ở phía bên phải là Tiểu Hành Châu, ở bên trái là Thắng Đạo Hành Châu.
  • Ở phía Bắc, bên tay phải là Câu Lô Châu và ở bên trái là Hữu Thắng Biên Châu.

Đây là 8 tiểu châu bọc xung quanh 8 đại bộ châu (toàn bộ có trong nghi quỹ trang 35).

Ở bên trong núi Đông Thắng Thần Châu là một núi châu báu. Ở đỉnh núi phía Nam là cây như ý. Ở trên đỉnh núi phía Tây là bò như ý, có màu vàng óng và ăn vàng. Ở phía Bắc là mùa màng không cần trồng cấy.

Bảy Báu Hoàng Gia (Tầng thứ 2 – tụ 18 đến 25)

Tiếp theo là 7 pháp bảo báu được sở hữu bởi các vị Chuyển Luân Thánh Vương.

  • Ở phương Đông là bánh xe quý, được làm từ vàng, có 1000 nan hoa.
  • Ở phía Nam là ngọc như ý ban cho chúng ta mọi ước nguyện, ngọc như ý này có 9 mặt.
  • Ở phía Tây là hoàng hậu trân quý, toàn thân bằng vàng ròng, tượng trưng cho tịnh tâm bất loạn
  • Ở phía Bắc là tể tướng trân quý, thoả nguyện mọi ý nguyện của nhà vua.
  • Ở phía Đông Nam là voi quý, có màu bạc
  • Ở Tây Nam là ngựa quý màu xanh, bờm bằng vàng óng, lông ngựa mềm mượt như những cọng lông công.
  • Ở phía Tây Bắc là tướng lĩnh trân quý với khiên giáp bằng vàng tượng trưng cho sự giải phóng khỏi những cảm xúc tiêu cực. Trong tay phải của ngài cầm một gươm báu tượng trưng cho sự hàng phục mọi kẻ thù đối địch.
  • Ở phía Đông Bắc là bảo bình cực báu. Ở trong bảo bình được lấp đầy bởi tất cả các phẩm vật tuyệt hảo chúng ta mong cầu.

Trên đây là bảy pháp bảo thuộc về vị Chuyển Luân Thánh Vương. Để nói về các pháp bảo này đã có rất nhiều lời bình chi tiết rồi nên chúng ta không nói thêm ở đây.

Tám Thiên Nữ (Tầng thứ 3 – Tụ 26 đến 33)

Tiếp theo là tám vị Thiên Nữ cúng dường và danh hiệu của các vị là những phẩm vật mà các ngài cầm ở trong tay.

  • Ở phương Đông là Thiên Nữ Duyên Dáng. Như tên gọi thì ngài rất duyên dáng, trên tay cầm chùy kim cang.
  • Ở phía Nam là Thiên Nữ Tràng Hoa. Trên tay trái của ngài cầm một tràng hoa, trên tay phải cầm những tràng châu báu.
  • Ở phía Tây là Thiên Nữ Xướng Ca, Ngài cầm trên tay 1 chũm choẹ nhỏ và một cây sáo
  • Ở phía Bắc là Thiên Nữ Vũ Điệu. Ngài đang phô bày những vũ điệu tuyệt vời
  • Ở phía Đông Nam là Thiên Nữ Đóa Hoa, trên tay ngài cầm một đóa hoa
  • Ở Tây Nam là Thiên Nữ Nhang Thơm, trên tay ngài là những nhành hoa
  • Ở Tây Bắc là Thiên Nữ Ánh Sáng
  • Ở phương Đông Bắc là Thiên Nữ Hương Thơm

Mạn đà la Mặt trời và mặt trăng (Tầng thứ 3 – tụ 34 và 35)

Ở bên phải của núi cả Tu Di là Mandala mặt trời được làm từ pha lê lửa, bên trái là mạn đà la mặt trăng được làm từ pha lê nước.

Lọng báu và Phướn chiến thắng (Tầng thứ 3 – Tụ 36 và 37)

Ở phía sau là lọng báu, ở phía trước là phướn chiến thắng tung bay khắp muôn phương.

Những con số trên Mandala chỉ cho chúng ta vị trí chính xác để đặt 37 tụ trên mạn đà la. Giờ đây chúng ta đã biết mỗi con số này tượng trưng cho điều gì rồi. Nếu không hiểu thì tự thân hành động rải vài vốc đá quý lên một cái đế bằng đồng thật vô nghĩa. Vì vậy chúng ta phải hiểu rõ ý nghĩa của mỗi hành động ta làm, điều này sẽ khiến thực hành của chúng ta trở nên có ý nghĩa. Ví dụ như khi bạn đặt tụ chính giữa mạn đà la thì tức thời bạn biết rằng đây chính là núi Tu Di hay phía Đông là Đông Thắng Thần Châu, phía Tây là Tây Ngưu Hóa Châu… các bạn phải biết thì khi thực hành mới có ý nghĩa và đem lại lợi lạc.

Tay trái ta cầm một ít đá quý rồi cầm đế Mandala, tay phải rải nước hồng hoa lên đế của Mandala.

Sau đó hoặc là ta cầm một ít đá quý bằng hai ngón cái và ngón trỏ trên bàn tay phải, hoặc ngón cái tay phải chạm vào gốc ngón áp út, rồi dùng cổ tay xoay trên đế Mandala 3 vòng theo chiều kim đồng hồ, 3 vòng ngược chiều kim đồng hồ để tịnh hoá. Khi lau thì trì tụng câu chú 100 âm.

Sơ đồ trong nghi quỹ đã chỉ ra vị trí rất rõ ràng và màu sắc của các châu và các bộ châu, tiểu bộ châu, các phương hướng thì chúng ta quán tưởng y theo nghi quỹ. Ví dụ ở phía đông là màu bạc, ở phía nam là màu xanh…Có một lưu ý nhỏ về vị trí của mặt trời và mặt trăng trong sơ đồ này. Theo như sơ đồ này thì mặt trời (34) ở bên trái núi Tu Di, mặt trăng (35) ở bên phải núi Tu Di*. Điều này đúng trong các truyền thống khác, tuy nhiên theo bản văn gốc Dharmakirti Shalung ta nên đảo ngược vị trí này như sau: Mặt trời bên phải núi Tu Di và mặt trăng bên trái núi Tu Di. Như vậy có nghĩa là các bạn cần thực hành đảo ngược lại vị trí của tụ số 34 và 35.

Mạn Đà La 7 tụ

Dharmakirti Shalung 7 mandala offering Trang 37 là cúng dường 7 tụ. Khi chúng ta thực hành cúng dường Mandala để tích luỹ túc số thì chúng ta cúng dường 7 tụ, là thực hành rút gọn của cúng dường 37 tụ. Ý nghĩa của 7 tụ cúng phẩm như sau:

  • Tụ thứ 1: Ở giữa là núi cả Tu Di
  • Tụ thứ 2 đến 5: Ở 4 phía là 4 Đại Bộ Châu.
  • Tụ thứ 6 & 7: Ở những thực hành khác thì ở phía Đông Bắc là mặt trời, ở phía Tây Nam là mặt trăng nhưng nếu chúng ta thực hành theo bản văn gốc của Dharmakirti Shalung thì ở phía Đông Bắc là mặt trăng còn ở phía Tây Nam là mặt trời (có nghĩa là hành giả đảo ngược vị trí số 6 và số 7 trên đồ hình trong nghi quỹ tiếng Việt. Sơ đồ thực hành theo Dharmakirti Shalung xin xem hình bên trái.)

Giống như khi chúng ta thực hành 37 tụ, chúng ta cũng cầm một ít đá quý trong lòng bàn tay rồi cầm đế Mandala. Chúng ta dùng cổ tay để chùi đế Mandala, 3 vòng theo chiều kim đồng hồ và 3 vòng ngược chiều kim đồng hồ. Đầu tiên thả 1 tụ ở chính giữa, tiếp theo là bốn đại châu ở bốn phương, mặt trời phương Tây Nam và cuối cùng là mặt trăng ở phương Đông Bắc. Khi mà chúng ta nghiêng Mandala để làm sạch thì chúng ta đổ đá quý về phía mình (đổ vào lòng của mình) chứ không đổ ngược lại (đổ ra xa chúng ta).

Chúng ta tích lũy câu chú ở trang số 38, mỗi lần hoàn tất tính là một túc số, và chúng ta phải tích lũy tổng cộng 100 nghìn túc số như vậy. Theo truyền thống Drikung Kagyu xưa, lúc mà thầy còn thực hành nhập thất thì thầy thực hành cúng dường Mandala cùng với thực hành lễ lạy. Nhưng giờ đây thì người ta không kết hợp như vậy nữa mà người ta chỉ làm riêng rẽ như nghi quỹ. Như vậy cũng hoàn toàn không sao hết.

Khi cúng dường Mandala, chúng ta trì tụng câu minh chú ở trang 38:

Vũ trụ vô hạn với tam thiên đại thiên thế giới, mọi thứ sở hữu và không sở hữu, thân con, những niềm vui cùng mọi thứ có được, con hoan hỷ cúng dường tới đại dương [các đấng] tôn quý. Nguyện cho sự chấp ngã của mọi chúng sinh được giảm thiểu, nguyện họ có được Bồ Đề Tâm, và nguyện tất cả đều cùng nhau đạt trạng thái giải thoát giác ngộ tối thượng.

Các bạn đếm túc số bằng cách cầm chuỗi hạt 108 trong bàn tay cầm đế Mandala. Túc số mà các bạn tích lũy chính là số lần cúng dường Mandala. Sau khi hoàn thiện một lần cúng dường 7 tụ thì các bạn đếm là 1 lần.

Xin lưu ý, khi cúng dường Mandala 37 tụ, hành giả phải để cúng phẩm thật đầy sao cho khi bỏ thêm 1 tầng lên trên thì tầng thứ 2 có thể đứng cao và chắc chắn. Nếu để ít cúng phẩm thì tầng sau sẽ bị lún ở giữa Mandala. Nếu làm đúng thì chúng ta sẽ bày trí được 1 Mandala rất cao và đẹp.

Thầy nhớ lại một câu chuyện như sau, khi thầy còn tu học ở tu viện Jang Chub Ling năm 1996, 1997. Lúc đó các Lama phải nhập thất để thực hành Ngondro Đại Thủ Ấn Năm Nhánh. Trong những buổi thực hành mỗi buổi sáng, Sư Tổ cũng sẽ cùng tham gia với các thầy và cũng thực hành giống như những gì các thầy thực hành hôm đó. Nếu hôm đó tăng chúng thực hành lễ lạy thì Sư Tổ cũng lễ lạy theo và thực hành cúng dường thì Sư Tổ cũng cúng dường theo. Buổi đó đến phần các thầy thực hành cúng dường Mandala 37 tụ. Trong khi mọi người thực hành thì Sư Tổ đi vòng quanh để kiểm tra và sửa nếu các thầy có làm sai. Lúc đó Sư Tổ đi đến chỗ thầy và thầy cũng đang đổ đá lên Mandala, thầy đổ không đầy mà chỉ đổ vơi vơi thôi. Nhìn thấy vậy, Tổ bốc 1 nắm đá và để đầy tràn trong Mandala của thầy. Thầy ấn tượng nhất là bàn tay của Tổ, bàn tay của Tổ rất to lớn, chỉ với một vốc mà có thể làm tràn đầy Mandala đá của thầy. Đây là một kỷ niệm mà đến giờ thầy vẫn còn nhớ.

Khi thực hành Mandala, trước khi các bạn tích lũy túc số thì các bạn thực hành 1 lần cúng dường 37 tụ và đặt Mandala cúng dường này lên bàn thờ. Nếu không có 2 bộ Mandala thì các bạn vẫn làm 1 lần Mandala 37 tụ dâng cúng lên bàn thờ, sau đó lấy xuống và đổ đá quý ra. Đặt những tầng Mandala phía trên riêng ra một chỗ khác rồi bắt đầu cúng dường 7 tụ với đế mandala.

Câu kệ tích luỹ bắt đầu bằng “Vũ trụ vô hạn với tam thiên đại thiên thế giới”. Có thể các bạn có thắc mắc không biết ý nghĩa của điều này là như thế nào, chính bản thân thầy cũng từng có những thắc mắc như vậy. Giải thích chi tiết các bạn có thể đọc thêm trong những bình giảng về cúng dường Mandala.

Vũ trụ vô hạn có ba thế giới:

  • Tầng đầu tiên, nhất thiên thế giới, chính là từ nền đất vàng với núi Tu Di cùng các đại bộ châu và tiểu bộ châu cho đến đỉnh của tầng trời Tam Thập Tam. Như vậy mạn đà la này chính là thế giới đầu tiên, gồm có 1000 tiểu thế giới. Đây được gọi là tiểu thiên thế giới.
  • Tầng thứ hai, nhị thiên thế giới, chính là 1000 nhất thiên thế giới, như vậy gồm 1,000,000 tiểu thế giới. Đây được gọi là trung thiên thế giới.
  • Tầng thứ ba, tam thiên thế giới, chính là 1000 nhị thiên thế giới, như vậy gồm 1,000,000,000 tiểu thế giới. Đây được gọi là đại thiên thế giới.

Nói như vậy có nghĩa là vũ trụ vô hạn thật sự là vô biên vô hạn, không thể đong đếm nghĩ bàn. Con xin dâng cúng tất cả vũ trụ này cũng những gì con sở hữu lẫn không sở hữu, kể cả thân thể con mà không giữ lại gì lên Tam Bảo. Nguyện cho chấp ngã, đau khổ của con và chúng sinh sẽ được tiêu trừ, nguyện cho tình yêu thương sẽ sinh khởi.

Nói tóm lại, việc cúng dường Mandala là để làm gì? Là để giảm đi tâm chấp ngã. Khái niệm về tôi, của tôi tồn tại trong tâm này là sự bám chấp. Chính các sự bám chấp này ngăn trở chúng ta không nhận ra được bản tâm. Mục đích tối hậu của việc cúng dường Mandala là để trực ngộ được chân tâm. Để có thể trực ngộ được chân tâm thì ta cần phải có công đức, và tịnh trừ được cái ngã.

Thông thường, bởi vì có tâm chấp ngã này mà chúng ta tích lũy nghiệp chướng hoặc những cảm xúc ô nhiễm. Khi chúng ta cúng dường Mandala thì chúng ta loại trừ, dẹp bỏ đi được sự chấp ngã hoặc cảm xúc tiêu cực. Tại sao chúng ta lại tích lũy nhiều nghiệp chướng như vậy? Chúng ta tích luỹ nghiệp chướng là bởi vì có sự bám chấp và tham luyến, nó cũng giống như ta chứa rác ở trong nhà vậy. Mớ rác đó càng ngày càng chất đống lên và do là rác nên chúng hoàn toàn vô dụng, nó không có bất kỳ một tác dụng gì hết. Đó là những che chướng bó buộc chúng ta. Thứ mà các bạn tích lũy, rác rưởi này chính do bởi tâm bám chấp, keo kiệt. Thông qua thực hành cúng dường Mandala, các bạn có thể tịnh hóa được chấp ngã và tính tham lam.

Khi nói về sự bám chấp và tham luyến thì lúc nào chúng ta cũng có tâm tham muốn: tham muốn có những món đồ vật đẹp đẽ như xe đẹp, nhà đẹp, luôn mong muốn có được những đồ tốt nhất cho riêng mình. Tại sao chúng ta có mong muốn đó? Là bởi vì chúng ta có chấp ngã, và khi chúng ta có được những mong muốn đó rồi thì chúng ta lại trở lên keo kiệt, chúng ta không muốn chia sẻ cho người ngoài. Vì thế những gì mà chúng ta có thì rốt cuộc lại chẳng có cơ hội sử dụng chúng mà ngược lại chúng lại trói buộc lại ta. Cho nên giờ đây chúng ta hãy cúng dường, đồng thời cũng cố gắng dùng hết những cái chúng ta có để làm các điều thiện như cúng dường, bố thí… mà không giữ lại gì. Như thế, những của cải này sẽ không thể trói buộc được chúng ta. Nếu không làm như thế thì khi chết đi, toàn bộ những của cải mà chúng ta tích lũy đều sẽ trở lên vô dụng. Điều duy nhất chúng ta mang theo khi qua đời thì chính là những ác nghiệp mà ta đã tích lũy khi cố gắng vơ vét những của cải đó cho riêng cho mình. Bởi vậy mà chúng ta phải chịu biết bao đau khổ. Khi thực hành cúng dường Mandala, chúng ta tịnh hóa sự tham luyến và bám chấp trong tâm mình. Khi chúng ta thực hành cúng dường Mandala, chúng ta dâng cúng toàn bộ những thứ mà chúng ta có lên Tam Bảo. Chúng ta nói về những ‘cúng phẩm được biện bày cũng như quán tưởng trong tâm’. Ở đây là nói đến những phẩm vật bên ngoài, là những gì chúng ta sở hữu, và cả những cúng phẩm bên trong như chính thân phàm xác tục này ta cũng đều dâng cúng. Cuối cùng, điều duy nhất còn lại chính là tỉnh giác rằng ta không còn sở hữu bất kỳ điều gì nữa. Đối với những hành giả không có nhiều điều kiện [bên ngoài để thực hành bố thí cúng dường] thì đây là pháp hành tuyệt vời để chúng ta tích lũy công đức.

Điều gì diễn ra ở trong tâm này khi chúng ta cúng dường? Thông thường lúc nào chúng ta cũng muốn vơ vét, tích lũy nhiều hơn. Nhưng thật sự điều ta đang tích luỹ cùng với của cải vơ vét được chính là nghiệp chướng và khổ đau chứ không phải là hạnh phúc. Ngược lại, thực hành cúng dường Mandala sẽ giúp cho chúng ta tích lũy công đức, tịnh trừ được ác nghiệp. Ở đây khi cúng dường Mandala không có nghĩa là chúng ta ngay lập tức đem cho hết của cải mình đang có mà điều quan trọng là ý nguyện cúng dường trọn vẹn khởi phát trong tâm. Chúng ta phát nguyện sẽ cúng dường Tam Bảo, sẽ giúp đỡ  người nghèo hoặc bất cứ chúng sinh nào cần ta giúp đỡ mà chẳng ngại ngần. Nếu các bạn có được động cơ vị tha như thế trong tâm khi thực hành thì chính động cơ này sẽ giúp bạn tích luỹ được công đức.

Khi cúng dường Mandala, núi Tu Di, 4 đại bộ châu vân vân thì các bạn phải khởi lên tâm niệm là chúng ta đang cúng dường hết tất cả: toàn thể vũ trụ này, cùng với tất cả chúng sinh trong vũ trụ, kể cả thân thể của chúng ta. Chúng ta phải khởi phát được niệm tưởng chân thật ở trong tâm chứ không chỉ là lời chót lưỡi đầu môi còn thật ra ta không hề có ý nguyện như vậy. Thật sự chúng ta phải có ý nguyện dâng cúng mọi thứ. Cuối cùng điều duy nhất còn lại trong tâm là niệm tưởng rằng giờ đây ta không còn gì nữa cả. Ở đây có điểm cần lưu ý là chúng ta không cúng dường tất cả mọi thứ để mong cầu đạt được công đức. Ngay cả khái niệm tích luỹ công đức chúng ta cũng dâng cúng lên cho mọi chúng sinh. Như thế, thông qua sự thực hành, chúng ta sẽ thật sự bỏ được tâm chấp ngã.

Khi cúng dường Mandala thì đế Mandela phải thực sự sạch sẽ. Nếu cần thì chúng ta có thể chùi nhiều hơn 3 lần như thầy hướng dẫn. Tại sao phải như vậy? Khi lau đế mạndala, chúng ta quán tưởng rằng đế này giống như bản tâm của ta vậy. Trong tâm chúng ta luôn có những điều bất tịnh, đó chính là nghiệp chướng, cảm xúc ô nhiễm và giờ đây chúng ta tịnh hóa tâm này. Khi đã tịnh hoá, tâm sẽ trở lên sạch sẽ, thanh tịnh. Khi chúng ta thực hiện động tác lau chùi thì hãy nghĩ rằng giờ đây tâm của chúng ta được lấp đầy bởi tình yêu thương, lòng từ bi và trí tuệ. Đó là những ý nghĩa ở bên trong còn bên ngoài thì việc chúng ta lau chùi Mandala sạch sẽ thể hiện rằng Mandala này được trân trọng gìn giữ, bảo vệ sạch sẽ vẹn toàn, không có chút bụi bẩn nào. Đó là cách chúng ta quán tưởng bên trong và bên ngoài để tích luỹ công đức.

Đến đây là kết thúc phần hướng dẫn cúng dường Mandala.

Phần 3: Hỏi và Đáp

Câu 1: Khi tích lũy túc số, con thấy một số nơi yêu cầu là tích lũy 111,111 lần chứ không phải 100,000 lần. Vậy con nên tích lũy bao nhiêu mới đủ?

Con số tối thiểu chúng ta cần tích lũy là 100,000 lần, còn các bạn muốn tích lũy nhiều hơn thì cũng được.

Câu 2: Xin thầy giảng lại về bốn khía cạnh quán tưởng sinh khởi trong thực hành Kim Cang Tát Đoả.

Khía cạnh bên ngoài của đức Kim Cang Tát Đoả chính là hình tướng trọn vẹn của đức Kim Cang Tát Đoả.

Tiếp theo là đài hoa sen, trên đó là mặt trăng, trên có chày kim cang và chủng tự Hung. Xoay quanh chủng tự HUNG là chuỗi minh chú 100 âm. Đây chính là khía cạnh bên trong của Đức Kim Cang Tát Đoả.

Phần quán tưởng quán tưởng tiếp theo đây là khía cạnh bí mật.

Phía trên đỉnh đầu con, trên tòa sen và trăng, chủng tự HUNG màu trắng xuất hiện. Ánh sáng rực rỡ phóng tỏa từ nơi chủng tự HUNG làm hoan hỷ chư Phật và chư Bồ tát trong mười phương, thu nhiếp trí tuệ, tình yêu thương, năng lực của các Ngài, và tan hòa trở lại vào chủng tự HUNG. Một lần nữa, ánh sáng phỏng tỏa đến trú xứ của sáu loại chúng sinh, tịnh hóa được các nghiệp tưởng bất tịnh, sự chấp ngã, và tập khí của họ, rồi lại thu nhiếp trở lại vào chủng tự HUNG. Chủng tự HUNG lúc này chuyển hóa thành Đạo sư – hiện thân của tất cả các Phật bộ – hình tướng đức Kim Cang Tát Đỏa, sắc trắng và sáng rõ, mang bảo trang Báo Thân. Tay phải Ngài cầm chùy “tỉnh giác – không tánh” ở nơi tim, còn tay trái cầm chuông “sắc tướng – không tánh” ở ngang bên hông. Hai chân Ngài bắt chéo trong tư thế bán già, Ngài an trú trong vòm ánh sáng cầu vồng”.

Một phần của năng lực gia trì được thấm nhuần trong thân thể của đức Kim Cang Tát Đoả và từ ngón chân phải của Ngài, năng lực gia trì thâm nhập vào cơ thể của chúng ta. Nước cam lồ ấy lấp đầy cơ thể và xóa tan mọi nghiệp chướng của chúng ta. Giờ đây ta đã hoàn toàn được tịnh hóa, cam lồ tràn khắp châu thân và trở thành trong suốt như một bình pha lê được chứa đầy bởi sữa hoặc sữa chua màu trắng. Đây là khía cạnh bí mật của Đức Kim Cang Tát Đoả.

Sau phần quán tưởng thọ nhận gia lực của đức Kim Cang Tát Đoả, ta đến phần quán hoà tan. Đức Kim Cang Tát Đoả lúc này đã chấp thuận lời thỉnh cầu của chúng ta.

Đáp lại lời thỉnh cầu ấy, đấng Kim Cang Tát Đỏa nói “Hỡi đứa con may mắn, toàn bộ bất thiện nghiệp, che chướng, sai lầm và sa đọa của con giờ đây đều được tịnh hóa.” Sau khi đã tha thứ cho con theo cách ấy, đấng Kim Cang Tát Đỏa tan hòa vào trong con, [con và Ngài] hợp nhất làm một. Ở đây chúng ta khởi phát lòng sùng mộ vô biên.

Thân thể của Đức Kim Cang Tát Đoả hóa thành ánh sáng và tan hòa vào trong ta, lúc đó thân khẩu ý bình phàm của chúng ta trở thành một với thân khẩu ý giác ngộ của Ngài. Ta trở thành một với đức Kim Cang Tát Đoả. Đây là khía cạnh thứ tư, quán tưởng như nhiên, chúng ta trở thành một với đức Kim Cang Tát Đoả.

* Khi nói bên trái và bên phải của Núi Tu Di, có nghĩa là ngược hướng với hành giả đang đối mặt với đồ hình. 

đóng góp cho DAC

Các trung tâm Pháp thật vô cùng trân quý và trung tâm có thể hoạt động hoàn toàn phụ thuộc vào sự ủng hộ của các vị đệ tử. Mặc dù chúng ta đã thành lập trung tâm nhưng nếu không có được sự ủng hộ của tăng đoàn thì trung tâm sẽ không thể tồn tại trong tương lai. Nếu con ủng hộ cho các trung tâm Pháp thì con sẽ nhận được phước báu lớn lao trong đời này và cả đời vị lai. Và phước báu là cội nguồn của hạnh phúc.


Kyabje Garchen Rinpoche

đọc thêm

Achi Chokyi Drolma

Hộ Pháp Achi Chokyi Drolma

Achi Chokyi Drolma là một Hộ Pháp vĩ đại trong Phật Giáo. Ngài là hiện thân của Kim Cang Du Già Thánh Nữ, hoá hiện của trí tuệ và công hạnh của tất cả chư Phật. Ngài là thánh mẫu thiêng liêng của mọi chư Phật, đã hiện thân từ lòng đại bi dưới hình tướng của chư vị Dakini trong Ngũ Phật Bộ. Để đem lại lợi lạc cho mọi chúng sinh trong luân hồi, Ngài đã thị hiện muôn vàn hình tướng tại những thời – không khác nhau.

ĐỌC THÊM