Hướng Dẫn Thực Hành Pháp Tu Kim Cang Phổ Ba Vajrakilaya

Dorzin Rinpoche giảng dạy về ý nghĩa của thực hành quán tưởng Bổn tôn trong khóa thất Kim Cang Phổ Ba Vajrakilaya tháng 12/2019 tại Tp. Hồ Chí Minh.
quán tưởng bổn tôn Vajrakilaya

 

Dorzin Rinpoche Vajrakilaya retreat
Dorzin Rinpoche chủ trì khoá thất Kim Cang Phổ Ba Vajrakilaya do trung tâm DAC tổ chức tháng 12/2019

Hỏi: Tại sao việc quán tưởng Bổn tôn lại quan trọng và tại sao lại có hai giai đoạn quán tưởng?

Đáp: Để thiết lập Mandala, chúng ta quán tưởng bản thân mình trong hình tướng  Đức Bổn tôn Kim Cang Phổ Ba Vajrakilaya và nơi chốn chúng ta đang ngồi trở thành cung điện của Ngài. Việc quán tưởng rất quan trọng trong pháp tu Bổn tôn. Đi vào quán tưởng có hai giai đoạn: giai đoạn đầu tiên là giai đoạn sinh khởi và sau đó là giai đoạn hoá tán.

Trong giai đoạn sinh khởi, chúng ta tự khởi hiện lên trong thân tướng của vị Bổn tôn, ở đây chúng ta tự khởi hiện mình trong thân tướng Đức Kim Cang Phổ Ba và nơi chốn này trở thành đàn tràng của ngài gồm cung điện, hoa, trái…nói chung là Mandala của Ngài.

Sau giai đoạn thiết lập này là giai đoạn hoá tán, chúng ta hoá tán toàn bộ nơi chốn này và thân tướng của đức Kim Cang Phổ Ba với màu sắc, biểu trưng, biểu tượng, pháp khí… tất cả đều tan nhập vào tự tánh hay còn gọi là tự tánh không.

Nói tóm lại, giai đoạn đầu tiên, chúng ta hiện tướng tất cả trở thành tướng, giai đoạn thứ hai chúng ta hoá tán tất cả hiện tướng đó trở vào không, trở vào tự tánh .

Tại sao việc quán tưởng lại quan trọng như vậy và tại sao lại có hai giai đoạn?

Tất cả chúng ta từ khởi thủy chưa bao giờ rời khỏi Phật tánh của mình, nhưng do chúng ta hiện đang bị vô minh che lấp nên chúng ta lang thang trong luân hồi. Chấp vào ngã và chấp vào pháp, chúng ta luôn nghĩ rằng có một cái tôi, và do có cái tôi nên chúng ta nghĩ rằng có cơ thể của tôi, có ý nghĩ của tôi, và vì có tôi nên có người khác, rồi từ đó có điều này tốt, có điều kia xấu… những sự phân biệt nhị nguyên đó, sự phân biệt ngã và pháp như vậy gọi là sự che chướng và vô số những che chướng này được chúng ta mang đi qua nhiều đời nhiều kiếp tái sinh trọn các cõi luân hồi khác nhau.

Có một điều không thay đổi, dù chúng ta ở cõi giới nào, chúng ta mang hình tướng gì thì chúng ta luôn luôn có sự chấp ngã rằng thân tướng này là tôi, nơi chốn này là của tôi… tập khí chấp ta – chấp người – chấp ngã – chấp pháp ấy đã được in sâu trong tâm thức của chúng ta từ nhiều đời kiếp và ngày càng trở nên mạnh hơn, chúng ta làm cho chính mình có cảm nhận về một cái ngã và vạn pháp trong đó ngày càng mạnh mẽ. Như thế việc chúng ta quán tưởng giai đoạn sinh khởi và giai đoạn hoá tán là để giúp cho tập khí đó trở nên mỏng đi, sự chấp ngã của chúng ta bớt dần.

Khi chúng ta nghĩ rằng mình có thể hoá hiện trong thân tướng Bổn tôn nói chung và đức Kim Cang Phổ Ba nói riêng thì chúng ta không còn chấp vào thân thể này là tôi nữa, không còn chấp vào lời nói này, nơi chốn này là của tôi nữa. Lúc này mọi ngôn ngữ đều trở thành minh chú của Bổn tôn và chúng ta lúc này không còn tâm phân biệt mà trở thành Tâm Bồ Đề. Như thế, bằng cách hiện thân qua pháp quán tưởng, những tập khí sâu dày chấp ngã vào ý của chúng ta, thân của chúng ta, lời nói của chúng ta được chuyển hoá thành thân khẩu ý của Bổn tôn, và nhờ đó mà những che chướng của chúng ta dần dần được chuyển hoá, được thay đổi và được xoá trừ và đi vào giai đoạn thành tựu.

Trong giai đoạn sinh khởi, nếu chúng ta chấp vào việc có một Bổn tôn, có một Mandala thì chúng ta lại chấp vào một chấp ngã khác, vì thế chúng ta phải đến giai đoạn hoá tán thân tướng Bổn tôn và Mandala của ngài vào tánh không. Như thế, việc hình thành giai đoạn sinh khởi và hoá tán là để giúp cho sự chấp ngã của chúng ta từ nhiều đời kiếp được giải trừ, bào mòn đi. Một hành giả có sự thực hành tốt, có được thành tựu là một hành giả cắt đứt được sự chấp ngã của mình, cắt đứt tập khí phân biệt nhị nguyên, một hành giả càng thực hành pháp tu mà sự chấp ngã của họ ngày càng giảm thiểu sự bám chấp vào cái tôi thì đó là một hành giả có sự thực hành rất tốt pháp tu Bổn tôn.”

Hỏi: Điểm chính yếu khi thực hành quán tưởng Bổn tôn là gì?

Đáp: Có năm điều chúng ta cần ghi nhớ khi thực hành thiền định quán tưởng Bổn tôn. Đó chính là:

  1. Quán tưởng Bổn tôn thật rõ ràng.
  2. Nắm được phẩm tính, bảo trang của Bổn tôn, vì những bảo trang đều có ý nghĩa tượng trưng cho phẩm tánh của ngài. Khi quán tưởng, phải ghi nhớ rất rõ những bảo trang của Bổn tôn.
  3. Hành giả phải khởi lên một niềm tự hào rằng chúng ta thật sự là Bổn tôn, từ khởi thủy chúng ta và Bổn tôn vốn dĩ không hề cách biệt.
  4. Hành giả phải hiểu rõ tánh không, hiểu được tinh tuý thanh tịnh từ nguyên sơ của Bổn tôn.
  5. Chúng ta phải hiểu thật sự rằng đây không phải là tưởng tượng, không phải là sự dựng lấp lên từ điều không có thật. Phải hiểu rằng bản thân chúng ta và Bổn tôn từ khởi thủy vốn đã có, vốn là từ tánh không hoá hiện, là sự bất khả phân.

Đây là năm điểm của sự sáng rõ cần phải ghi nhớ khi tu pháp hành Bổn tôn.

Hỏi: Ý nghĩa của hình tướng phẫn nộ Kim Cang Phổ Ba Vajrakilaya là gì?

Đáp: Pháp thân của Đức Kim Cang Phổ Ba chính là đức Phổ Hiền trong tư thế Yab-Yum, và từ đó hoá xuất ra thân tướng an bình là Đức Kim Cang Tát Đoả Vajrasatto. Tiếp tục từ Pháp thân hoá xuất ra các thân tướng phẫn nộ hơn là Đức Kim Cang Thủ Vajrapani và hình tướng phẫn nộ nhất là Đức Kim Cang Phổ Ba Vajrakilaya. Như vậy, dù các ngài hoá hiện ra trong ba hình tướng khác nhau (an bình, phẫn nộ và tối phẫn nộ), nhưng đều là từ hoá xuất của pháp thân của Đức Phổ Hiền. Một số người không hiểu về nền tảng giống nhau của sự hoá xuất này, nên đã nghĩ rằng các vị hung nộ sẽ mạnh mẽ hơn, có quyền năng nhiều hơn các vị an bình. Nghĩ như vậy là do chúng ta không hiểu được rằng ba hình tướng này đều được hoá xuất từ cũng một pháp thân, do đó ba hình tướng này đều mang năng lực của cùng một hoá thân. Hình tướng khác nhau nhưng bản chất đều như nhau, do căn tánh chúng sinh không đồng đều nên các vị hoá hiện ra các hình tướng khác nhau để phù hợp với các căn tánh khác nhau của chúng sinh mà thôi. Do đó, có người nhìn hình tướng phẫn nộ thì rất thích, trong khi người khác lại e dè và thích nhìn hình tướng an bình hơn. Đó là do căn cơ của mỗi người, nên các vị hoá xuất khác nhau, nhưng về cơ bản, các hình tướng ấy đều có chung nền tảng của trí tuệ, tình yêu thương, lòng bi mẫn và Bồ đề tâm là nền tảng từ pháp thân.
Những người e dè khi nhìn thấy hình tướng phẫn nộ và cho là đáng sợ là do họ nhìn thấy phàm tâm của mình, tâm phân biệt nhị nguyên của chúng ta luôn định danh hình này là như thế này, hình kia là như thế kia để định nghĩa các hình tướng hoá hiện. Nhìn các vị phẫn nộ nhe răng nghĩ là đáng sợ, hoặc nhìn các vị trong tư thế Yab-Yum với tâm bình phàm là sai lầm, vì các hình ảnh đó chỉ là biểu tượng. Khi chúng ta giận dữ, sự giận dữ hiện ra trên nét mặt của chúng ta là do tâm bám chấp, còn các vị trong hình tướng phẫn nộ là sự hoá hiện của Chư Phật với tâm từ bi, trí tuệ, cho nên chúng ta không thể dùng cách hiểu của chúng ta để nói sự phẫn nộ của các vị là sự giận dữ. Sự kết hợp của Yab-Yum không phải là tư thế kết hợp của người bình phàm mà chúng ta phải hiểu “Yab” có ý nghĩa tượng trưng cho lòng bi mẫn và “Yum” tượng trưng cho trí tuệ, tư thế Yab-Yum tượng trưng cho sự bất khả phân giữa lòng bi mẫn và trí tuệ chứ hoàn toàn không có ý nghĩa phàm tục của con người. Vì vậy, Thầy xin nhấn mạnh lại các hình tướng chỉ là sự hoá hiện để phù hợp với tâm nhị nguyên của chúng ta, với sự định danh của chúng ta, nhưng ý nghĩa thì hoàn toàn khác biệt, không phải là ý nghĩa của đời sống phàm trần.

 

Nguồn: Trung tâm DAC Việt dịch trong khóa thất Kim Cang Phổ Ba Vajrakilaya do trung tâm tổ chức tháng 12/2019 tại TP HCM.

đóng góp cho DAC

Các trung tâm Pháp thật vô cùng trân quý và trung tâm có thể hoạt động hoàn toàn phụ thuộc vào sự ủng hộ của các vị đệ tử. Mặc dù chúng ta đã thành lập trung tâm nhưng nếu không có được sự ủng hộ của tăng đoàn thì trung tâm sẽ không thể tồn tại trong tương lai. Nếu con ủng hộ cho các trung tâm Pháp thì con sẽ nhận được phước báu lớn lao trong đời này và cả đời vị lai. Và phước báu là cội nguồn của hạnh phúc.


Kyabje Garchen Rinpoche

đọc thêm

Achi Chokyi Drolma

Hộ Pháp Achi Chokyi Drolma

Achi Chokyi Drolma là một Hộ Pháp vĩ đại trong Phật Giáo. Ngài là hiện thân của Kim Cang Du Già Thánh Nữ, hoá hiện của trí tuệ và công hạnh của tất cả chư Phật. Ngài là thánh mẫu thiêng liêng của mọi chư Phật, đã hiện thân từ lòng đại bi dưới hình tướng của chư vị Dakini trong Ngũ Phật Bộ. Để đem lại lợi lạc cho mọi chúng sinh trong luân hồi, Ngài đã thị hiện muôn vàn hình tướng tại những thời – không khác nhau.

ĐỌC THÊM