Garchen Rinpoche vấn đáp về phương pháp thực hành các pháp tu Kim Cang Thừa trong chuyến hoằng pháp tại Tp.HCM tháng 7/2019
Câu 1: Thưa Garchen Rinpoche, con thực hành Pháp tu Phật Đảnh Tôn Thắng (Namgyalma) thay vì thực hành Đức Bạch Độ Mẫu thì có thể kết nối với thầy được không?
Tất cả mọi bổn tôn đều như nhau và đều là một. Dù cho con có thực hành vị bổn tôn nào đi nữa. Tara, Namgyama, Amitayus, Bạch tán cái vv có nhiều tên nhưng tất cả các ngài đều như nhau. Mỗi một vị có nghi quỹ thực hành khác nhau nhưng con có thể thực hành Namgyalma nếu con muốn bởi các vị đều chỉ là một. Thật ra thầy cũng thực hành Namgyalma. Mỗi một ngày thầy đều trì tụng câu minh chú dài của Namgyalma. Đó là dấu hiệu của những kết nối từ kiếp trước của con với vị bổn tôn. Tất cả bổn tôn nam đều có tinh tuý là Chenrezig, và mọi bổn tôn nữ đều có tinh tuý trong Namgyalma. Vì vậy hãy nghĩ rằng mọi bổn tôn là hoàn thiện trong Namgyalma.
Câu 2: Con nhận rất nhiều các pháp tu như A Di Đà, Phật Đảnh Tôn Thắng, Bạch Độ Mẫu… Hãy cho con biết trình tự đúng đắn để thực hành các nghi quỹ ấy.
Tất cả tinh tuý của chư vị chính là đức Phật A Di Đà, và trong những thực hành hàng ngày của mình thì các con có thể thực hành bất kỳ một nghi quỹ nào trong số ấy cũng được. Tâm của chư vị đều là như nhau, và tâm ấy chính là yêu thương. Khi thực hành bổn tôn các con phải thực hành trưởng dưỡng yêu thương. Ở khía cạnh bên ngoài, các con có thể thực hành bất kỳ một nghi quỹ nào nhưng tâm của mọi bổn tôn chỉ là một. Các con không nên nghĩ rằng các Ngài là khác nhau. [Kinh điển nói rằng] tất cả chư Phật chỉ là một trong nền tảng của trí huệ bản lai. Như thế, dù con có thực hành vị bổn tôn nào đi nữa thì diều chúng ta cần đạt được chính là yêu thương. Đừng nghĩ [mình thực hành] để cầu trường thọ, cầu công đức vân vân. Hãy nghĩ rằng ta phải trưởng dưỡng được yêu thuơng. Đó chính là mục tiêu duy nhất. Bất cứ khi nào tình yêu thương phát khởi trong con thì đó chính là tâm của bổn tôn. Khi yêu thương mạnh mẽ ấy khởi phát, hãy nhận ra tâm ấy và hãy hoan hỷ. Đó là điều con cần phải nhận ra được.
Câu 3: Làm thế nào để không bám chấp vào đại lạc khi thực hành pháp nội hỏa tumo?
Khi đại lạc phát khởi, con nhận ra nó với chánh niệm hoặc con quán tưởng chủng tự Hung, hoặc khi con giận dữ, thì với chánh niệm, con quán tưởng chủng tự Hung như pháp đối trị để giận dữ tan đi. Ngoài ra Hung giữ cho con không làm mất giọt tinh chất của mình. Và hỷ lạc phát khởi khi không có bám chấp vào sự phát khởi của nó. Nó được gọi là trí huệ của tánh không hỷ lạc. Đầu tiên thì chúng ta phải loại bỏ và giải thoát giận dữ và ghét bỏ. Bất cứ khi nào giận dữ và ghét bỏ phát khởi, ngay lập tức, con phải thiền định, hoặc quán tưởng Hung, hoặc áp dụng bất kỳ phương pháp đối trị nào. Nếu con không thể giải thoát các cảm xúc này thì chỉ cần quán tưởng Hung. Nếu con có thể giải thoát chúng thì giải thoát thông qua chánh niệm. Khi con có thể đối trị được giận dữ thì con có thể đối trị với các cảm xúc ô nhiễm khác như kiêu mạn, ghen tị, v.v. Nhưng bám luyến thì rất khó [để đối trị] vì rất khó nhận ra được nó. Thông thường khi đại lạc phát khởi và con nhìn vào bản tánh của tâm tại khoảnh khắc đó con nhận ra được ta và người đang hợp nhất thực ra là một và khi con nhận ra được tính bất nhị giữa ta và người thì con sẽ không bám luyến vào người bạn đời của mình và không phát triển các cảm xúc như ghen tuông, v.v. Đây là bước đầu tiên. Chúng ta sẽ giải thoát khỏi chấp ngã, bám chấp vào bạn đời của mình. Nếu chúng ta không nhận ra được điều này, chúng ta trở nên chiếm hữu đối với người đó và trở nên ghen tuông, bám luyến thì đây là nhân của luân hồi.
Câu 4: Trong các hoạt động hàng ngày, con nên trì tụng minh chú gì để duy trì được sự tỉnh giác
Con thực hành Om Ah Hung. Đầu tiên, trước khi con đi ngủ, vào buổi chiều, khi con hít vào con nghĩ đến Om. Khi hơi thở đến rốn, hãy nghĩ rằng khí tràn khắp cơ thể của con và tại rốn con nghĩ đến Ah. Khi con thở ra con nghĩ đến Hung. Con nghĩ là khí tràn khắp cơ thể của mình. Trong các hoạt động hàng ngày, khi con đi đứng [nằm ngồi] thì hãy nhớ đến Om Ah Hung. Sau đó thì chính yếu là tập trung chú ý đến Hung ở luân xa rốn một cách liên tục. Khi Ah tan hòa thì Ah trở thành ngọn lửa. Bên trong ngọn lửa có chủng tự Hung. Chủng tự Hung tựa như đánh thức ngọn lửa. Ah là ngọn lửa, còn Hung như là khí. Ah và Hung đi cùng nhau. Hung tan hòa vào Ah nên Ah và Hung đi cùng với nhau. Hãy nhớ, ví dụ khi con lái xe hay làm các hoạt động nào khác, hãy nghĩ đến Om Ah Hung khi con thở. Đó là cách tốt nhất để duy trì chánh niệm. Con cần phải chánh niệm về điều gì? Con cần phải chánh niệm về tình yêu thương và hạnh kham nhẫn. Con cần phải yêu thương và kham nhẫn. Đây là hai thứ con cần duy trì với chánh niệm. Con cần trưởng dưỡng tình yêu thương cho tất cả chúng sinh. Khi con gặp khó khăn, con cần phải thực hành hạnh kham nhẫn. Con cần phải nghĩ mình cần phải trì giữ tình yêu thương bằng mọi cách. Từ giờ trở đi và trong tất cả các kiếp vị lai, đây là nhân của hạnh phúc. Tạm thời khi được tái sinh vào các cõi cao như cõi trời hoặc cõi người thì điều này đến từ tình yêu thương. Cuối cùng khi tình yêu thương trở nên vĩ đại, con thoát khỏi cái ngã khi tảng băng chấp ngã tan chảy và con trở thành một với nước của đại dương. Đức Phật đã nói rằng tâm của chư Phật thì như đại dương, còn tâm của chúng sinh thì như nước tụ lại trong dấu chân của một con bò. Điều này được thuyết giảng trong Kinh Đại Giải Thoát. Đây là ví dụ về sự phát khởi tâm. Do vậy hãy thực hành Om Ah Hung. Có các cách quán tưởng khác nhau mà con có thể thực hành. Thầy đã dậy trong các bài giảng khác nhau mà con có thể nghe thêm.
Câu 5: Con nhận rất nhiều quán đảnh và nghi quỹ nhưng nếu con chỉ thực hành được một nghi quỹ cho đến khi con lìa đời thì con nên thực hành nghi quỹ nào? Bây giờ con đã 71 tuổi rồi. Hiện giờ con đang thực hành ngondro (đang thực hành lễ lạy).
Trong 3 bổn tôn: Quán Thế Âm Chenrezig, Quan Âm Tara và Phật A Di Đà, con có thể thực hành một trong ba bổn tôn này. Trong mỗi một bổn tôn đã bao hàm trọn vẹn các bổn tôn khác. Nếu con thích hình tướng nam thì con thực hành Đức Chenrezig. Nếu con thích hình tướng nữ thì con thực hành Đức Tara. Nếu con thích trộn lẫn (cả hai hình tướng nam và nữ) thì con thực hành Phật A Di Đà. Ngay kể cả khi có hàng triệu bổn tôn thì cũng chỉ có một tâm mà thôi. Có vô lượng thân thể, báo thân và hóa thân, có hàng triệu thân thể khác nhau nhưng tâm thì giống nhau và chỉ là một. Đó là phẩm tánh của Phật. Một vị Phật và hàng triệu vị Phật thì cũng đều chỉ có cùng một tinh túy. Và hàng triệu vị Phật đều trọn vẹn trong một vị Phật. Nên con thực hành với một vị bổn tôn [là đủ].
Câu 6: Để chuẩn bị cho pháp chuyển di thần thức Phowa khi lìa đời, bây giờ chúng con cần phải thực hành cái gì và thực hành như thế nào?
Việc chuẩn bị đầu tiên vẫn là như vậy, là [phát khởi và trưởng dưỡng] tình yêu thương. Con không nghĩ về bản thân, mặc dù con muốn tái sinh về cõi Tịnh độ của Phật A Di Đà. Hãy nghĩ rằng tất cả các chúng sinh nên tái sinh về cõi tịnh độ: con và tất cả chúng sinh. Việc chuẩn bị đầu tiên, cũng là quan trọng nhất là nghĩ đến người khác. Ai bảo hộ cõi tịnh độ Dewachen? Chính là Phật A Di Đà. Đầu tiên chúng ta phải nhận ra Phật A Di Đà. Phật A Di Đà đang ngự trên đỉnh đầu của mọi chúng sinh. Phật A Di Đà cũng xuất hiện trong thân tướng to lớn. Pháp thân của ngài bao trùm khắp không gian. Nếu con có thể nhớ [được Phật A Di Đà] thì đây là điều quan trọng nhất. Sự tín tâm và khả năng nhớ nghĩ đến Phật A Di Đà là rất quan trọng. Ví dụ, khi một người mẹ có một đứa con, người mẹ không nghĩ về bản thân mình mà chỉ luôn nghĩ và lo lắng về đứa con của mình trong suốt cuộc đời của bà. Cũng như vậy, khi con lìa đời, con chỉ nhớ nghĩ đến Phật A Di Đà mà không nhớ nghĩ về điều gì khác cả. Nên, nếu con nhớ nghĩ đến Phật A Di Đà khi lìa đời theo cách này thì như vậy là đủ.
Con nên chuẩn bị từ bây giờ. Con đọc đi đọc lại lời nguyện tái sanh Cực Lạc nhiều lần, và hãy nhớ đến các phẩm tánh của cõi Tịnh độ và sự đau khổ của cõi người, thì con sẽ thực sự muốn tái sinh về cõi tịnh độ. Con sẽ nghĩ chẳng thành vấn đề khi nào con lìa đời và nếu con phải chết thì con cũng chấp nhận được điều đó vì con sẽ tái sinh về cõi Tịnh độ Dewachen. Nếu con có sự xác quyết trong tâm mình về điều này thì không cần phải thực hành quán tưởng Phowa mà con sẽ chắc chắn được tái sinh vào cõi tịnh độ.
Câu 7: Làm thế nào có thể đạt được Phật quả chỉ trong một đời?
Con nhìn vào tâm của mình và trưởng dưỡng tình yêu thương vô lượng. Bất kể khi nào tình yêu thương vô lượng phát khởi thì một cách tự nhiên, lòng bi mẫn vô lượng cũng phát khởi. Và khi tình yêu thương và lòng bi mẫn vô lượng phát khởi trong tâm, cái chúng ta gọi là giác ngộ là khi chúng ta nhận ra được ta và người không tồn tại trong tâm của mình. Đó là chứng ngộ đầu tiên. Sự bám chấp nhị nguyên được loại bỏ và con nhận ra được chúng sinh và Phật, tất cả đều là một, tất cả đều là bất nhị. Đây chính là chứng ngộ đầu tiên.
Sau đó, sau một vài đời kế tiếp thì quả của giác ngộ sẽ chín muồi, như một bông hoa nở ra từ hạt giống. Sangye [trong tiếng Tạng] có nghĩa là Phật. Sang có nghĩa là bám chấp nhị nguyên được loại bỏ và gye có nghĩa là rộng lớn. Khi con chứng ngộ được sự bất nhị thì tâm sẽ kinh nghiệm một sự bao la bát ngát như không gian. Điều này được gọi là Đại Thủ Ấn Mahamudra hay Đại Viên Mãn Dzogchen. Nó được gán cho các tên gọi khác nhau như vậy. Hoặc cũng có thể được gọi là con đường Trung quán Madhyamaka.
Để thực sự hiểu được bản tánh của tâm, đừng nghĩ về tâm dưới góc độ là tâm có tồn tại hay không tồn tại mà hãy trực tiếp nhìn vào tâm. Tâm thì như hư không, rỗng rang, bao la. Con rõ ràng nhận biết được. Nó là một tánh biết, nhưng con không thể gọi tên nó ra được. Đức Phật đã nói nó là một trạng thái mà chỉ có con mới có thể kinh nghiệm được nó, con không thể diễn tả được cho người khác, chỉ có thể mô tả bằng một số từ ngữ mơ hồ không rõ ràng. Nhưng nó là một thứ mà con biết, mà con chắc chắn là không có [sự nhị nguyên giữa] mình và người, đó là kinh nghiệm cá nhân mà con đạt được, và chúng ta gọi là Phật quả. Nhưng để có thể loại bỏ được cái ngã thì quá trình này diễn ra chậm chạp. Chúng ta phải trưởng dưỡng tình yêu thương và lòng bi mẫn vô lượng và nếu chúng ta không để tâm về điều này thì chúng ta không thể chứng ngộ được. Thậm chí nếu chúng ta trực nhận được [bản tâm] thì chúng ta cũng phát triển hoài nghi, hoặc chúng ta chỉ nhìn được bản tâm trong một thời gian ngắn rồi nó lại bị mất đi. Nhưng nếu tình yêu thương vô lượng được phát khởi [và trưởng dưỡng] thì chúng ta có thể nhìn thấy được bản tâm trong một thời gian dài.
Khi chúng ta nhìn thấy bản tâm, ví dụ khi chúng ta nhìn thấy nó trong giấc mơ, thỉnh thoảng chúng ta có thể nhận ra giấc mơ của mình, chúng ta có thể biết được là chúng ta đang ngủ hay không. Thực ra thì rơi vào giấc ngủ và quá trình chết là giống nhau. Đầu tiên khi chúng ta rơi vào giấc ngủ, lý tưởng thì chúng ta không chạy đuổi theo ý thức mà chúng ta nhận ra một cách rõ ràng trạng thái ngủ sâu. Nếu không thì sau khi chúng ta tỉnh dậy từ trạng thái ngủ sâu, chúng ta sẽ ở trong một trạng thái nền tảng cơ bản của tâm. Nếu chúng ta nhận ra được trạng thái nền tảng của tâm thì chúng ta sẽ đạt được giác ngộ trong pháp thân sau khi chết. Đó là giải thoát đầu tiên. Nếu chúng ta không nhận ra được nền tảng của tâm, thì giải thoát thứ hai là nếu sau khi chúng ta tỉnh dậy, chúng ta không nghĩ là tôi đã ngủ, hoặc không có một niệm tưởng thường phàm hoặc một cách trực tiếp, nếu có bất kỳ một niệm tưởng nào chen vào thì ngay lập tức nghĩ đến bổn tôn như đức Quán Thế Âm Chenrezig. Nếu con có thể làm được như vậy trong cuộc đời mình thì con sẽ đạt được giác ngộ trong báo thân và con sẽ được tái sanh trong cõi tịnh độ của vị bổn tôn đó, nếu con không để cho bất kỳ một niệm tưởng nào chen ngang vào. Hoặc giải thoát thứ ba là nếu con tỉnh dậy với một mong nguyện làm lợi lạc cho tất cả chúng sinh thì con sẽ từ từ đạt được giác ngộ trong hóa thân. Đây là 3 con đường đạt được giác ngộ vào một trong ba thân Phật. Do vậy đạt được giác ngộ không phải là con bỗng nhiên có thể bay được vào không gian trong cuộc đời này, mà con sẽ đạt được ba cơ hội giải thoát sau khi chết, trong thân trung ấm. Đây là những gì mà chúng ta nói là đạt được giác ngộ trong một đời.
Câu 8: Xin cho con biết về thời điểm, quy trình thích hợp thực hành cúng sang, cúng sur, cúng nước và cúng đèn.
Không có thứ tự hay quy trình trình gì cả. Cúng khói Sang và sur chính là cúng dường Pháp. Cúng khói Sang và Sur là vô cùng mạnh mẽ. Đối với việc cúng dường đèn hay nước, nếu chỉ có thể thắp được một ngọn đèn bơ thì điều quan trọng cũng là phát nguyện. Hãy nghĩ rằng nguyện cho ngọn đèn này toả sắng khắp mọi nơi và như vậy, nuyện cho ngọn đèn trí tuệ được tỏ rạng trong tâm thức của mọi chúng sinh, nguyện cho ánh sáng ấy xua tan đi bóng tối của vô minh. Đây chính là những lời cầu nguyện các con phải thực hành. Khi chúng ta cúng dường rất nhiều đèn, điều đó sẽ trở thành một thực hành rất mạnh mẽ. Đặc biệt là trong thời buổi này. Tuy nhiên các con phải lưu ý nếu chúng ta đốt đèn nhiều quá có thể sẽ nguy hiểm. hoàn toàn có thể sử dụng loại đèn bằng điện hay chạy pin. Tình yêu thương và lòng bi mẫn chính là ngọn đèn tuyệt vời nhất. Đó là ngọn đèn thắp sáng các cõi tịnh độ của chư Phật và Bồ Tát, nó làm vừa lòng chư phật. Nếu các con trưởng dưỡng được tình yêu thương cho mọi chúng sinh thì đó là cúng phẩm tuyệt vời dâng lên chư Phật.
Ngọn đèn tuyệt vời nhất là ngọn đèn của tình yêu thương và lòng bi mẫn, và là chánh niệm nhận biết các cảm xúc bất tịnh khởi sinh. Nếu chúng ta có thể loại bỏ một cảm xuc tiêu cực thì chúng ta đã thắp sáng được phần nào bóng tối ô nhiễm của mọi chúng sinh. Giờ đây vô minh của các chúng sinh ấy lại vơi đi một chút. Như thế, ngọn đèn bên trong còn quan trọng hơn ngọn đèn bên ngoài. Đó là ngọn đèn của yêu thương và bi mẫn. Còn bên ngoài thì chúng ta cứ cúng đèn như thế nào cũng được.
Về cúng dường nước thì buổi sáng chúng ta có thể sắp bát nước và dâng nước cúng, sau đó vào buổi chiều muộn trước khi trời tối thì đổ đi. Hãy nghĩ rằng đó là một cúng phẩm. Chúng ta cũng có thể cúng dường hoa. Mỗi bông hoa là một chúng sinh, giờ đây xin dâng lên chư Phật. Nước này vì đã ở trên bàn thờ nên có năng lực gia trì mạnh mẽ. Đó là năng lượng gia trì của tình yêu thương nơi chư Phật. Thế nên nước ấy cũng sẽ rất trân quý.
Nguồn: Garchen Rinpoche trả lời trực tiếp các câu hỏi của hành giả gửi qua trung tâm DAC trong chuyến hoằng pháp tháng 7/2019.
DAC biên tập và chuyển việt ngữ.
Trung tâm DGPC đánh máy.