TIỂU SỬ SƯ TỔ DRIKUNG KYABGON CHETSANG RINPOCHE
Đức Drikung Kyabgon Chetsang Rinpoche, vị Thủ Ngôi thứ 37 của dòng truyền thừa Drikung Kagyu là một hiện thân của đức Quán Thế Âm. Ngài ra đời tại thủ đô Lhasa vào năm 1946 trong gia tộc Tsarong danh tiếng. Sinh nhật của ngài trùng vào ngày Đức Phật Thích Ca chuyển pháp luân lần đầu tiên. Khi chào đời, ngài đã sinh ra trong bọc nước ối còn nguyên (hiện tượng đẻ bọc điều) và người Tạng tin rằng điều này cực kỳ hiếm hoi và cát tường. Thân phụ của ngài, ông Dandul Namgyal Tsarong, giữ chức vụ quan trọng trong chính phủ Tây Tạng. Mẹ ngài, Yangchen Dolkar, thuộc dòng quý tộc hoàng gia Ragashar.
Tổ phụ của ngài là Thừa tướng Dasang Dandul Tsarong (1888-1959), cánh tay mặt của đức Đạt Lai Lạt Ma đời thứ 13 (1876-1933). Đây là vị tướng lừng danh trong quân đội Tây Tạng và là người có thế lực chính trị mạnh mẽ trong thế kỷ 20. Ông có óc cầu tiến và đã đem lại nhiều sự cải tiến quan trọng cho xã hội Tây Tạng thời bấy giờ.
Vào năm 1949, lúc vừa lên 3 tuổi, cậu bé cháu nội của Thừa tướng Tsarong được tuyên nhận là đức Drikung Kyabgon Chetsang Rinpoche, là vị Tổ thứ 37 nắm giữ dòng truyền thừa Drikung Kagyu (là một trong các tông phái chính yếu của dòng Kagyu) thuộc Phật Giáo Tây Tạng. Đồng thủ ngôi với ngài là Drikung Kyabgon Chungtsang Rinpoche.
Tại Tổ đình Drikung Thil, Tây Tạng, đức Drikung Kyabgon Chetsang Rinpoche đã thọ nhận tất cả những giáo huấn trân quý của dòng Kagyu, kể cả các truyền khẩu, quán đảnh và giáo lý được truyền xuống từ các vị Tổ Tilopa, Naropa, Marpa, Milarepa, Gampopa, Phagmodrupa, Kyobpa Jigten Sumgon, v.v. Nhưng vào năm 1959, con đường tu học tâm linh của ngài đã bị gián đoạn bởi hoàn cảnh chính trị nhiễu nhương của Tây Tạng, và sau nhiều năm sống trong gian khổ, ngài đã vượt thoát Tây Tạng và đoàn tụ cùng gia đình và chúng đệ tử tại Ấn Độ và Hoa Kỳ vào năm 1975.
Sau một thời gian ngắn sống cùng gia đình tại Hoa Kz, ngài đã quay trở về Ấn Độ để hoàn tất chương trình tu học và nhập thất ba năm, cùng nhận lãnh trọng trách lãnh đạo tâm linh của dòng Drikung Kaygu. Tại Dehra Dun, ngài đã khởi công xây dựng Tu viện Changchup Ling, đặt nơi đây làm Tổ đình của dòng Drikung Kaygu tại hải ngoại, là nơi tu học cho chư tăng ni và đệ tử bên ngoài xứ Tây Tạng. Từ đó, dưới sự dẫn dắt của ngài, toàn bộ dòng truyền thừa Drikung Kagyu đã được tái thiết lập và ngày càng phát triển lớn mạnh trên khắp thế giới tại Ấn Độ, Nepal, La Đắc, vùng Hy Mã Lạp Sơn, Hoa Kz, Đức quốc, Anh, Pháp, Áo, Úc Đại Lợi, Ý, Thụy Điển, Tân Tây Lan, Tiệp Khắc, Mông Cổ, Bồ Đào Nha, Nga, Ukraine, Latvia, Estonia, Hung Gia Lợi, Tiệp Khắc, Peru, Chi Lê, Mễ Tây Cơ, Gia Nã Đại, Anh quốc, Đài Loan, Hồng Kông, Singapore, Nhật Bản, Mã Lai, Bhutan, Việt Nam, v.v. Hiện nay có hằng trăm trung tâm Phật giáo thuộc dòng Drikung Kagyu cùng các trung tâm nhập thất Drikung trên khắp thế giới. Ngài đã du hành đến Việt Nam nhiều lần trong những năm trước đây và đã đích thân đến viếng Đền Hùng.
Ngài cũng đã chỉ thị cho đại sư Nubpa Rinpoche trùng tu lại toàn bộ tự viện và các động thất tu tập dành cho các hành giả du già tại núi thiêng Lapchi. Đây là một trong các thánh địa nơi vị đại Tổ sư Du già Milarepa đã thành đạo và là nơi các hành giả Drikung nhập thất tu tập theo truyền thống du già.
Đặc biệt hơn nữa, đức Drikung Kyabgon Chetsang Rinpoche đã cho xây dựng Thư viện Songtsen ngay cạnh Tổ đình ở Dehra Dun. Đây là đại thư viện Tây Tạng lớn nhất bên ngoài xứ sở Tây Tạng, hiện đang lưu trữ rất nhiều kinh sách Phật học, tài liệu văn chương, lịch sử, ngôn ngữ, v.v… Đại Thư viện Songsten nổi tiếng với một thư mục đồ sộ với số lượng văn phẩm nhiều hơn cả Thư viện và Văn khố Tây Tạng (Library of Tibetan Works and Archives) ở Dharamsala, Ấn Độ và là nơi nghiên cứu l{ tưởng dành cho các nghiên cứu gia và học giả chuyên ngành.
Trong suốt 40 năm qua, đức Drikung Kyabgon Chetsang Rinpoche đã hoạt động liên tục không mệt mỏi để quảng bá và khôi phục lại truyền thống tu thiền và kinh luận của dòng Drikung Kagyu. Là một vị lãnh đạo tâm linh nhưng cũng còn là một nhà văn hóa và một sử gia, ngài rất yêu chuộng và đã nghiên cứu sâu rộng về lịch sử, văn chương, thi, họa, nghệ thuật truyền thống Tây Tạng, cũng như về truyền thống tu tập theo Thiền tông.
TIỂU SỬ SƯ TỔ DRIKUNG KYABGON CHUNGTSANG RINPOCHE
Đức Drikung Kyabgon Chungtsang Rinpoche, vị Thủ ngôi thứ 36 của dòng truyền thừa Drikung Kagyu, tức Chungtsang Rinpoche hóa thân đời thứ tám, là một hiện thân của Bồ tát Văn Thù Sư Lợi.
Đức Chungtsang, Đấng Quy Y và Bảo Hộ của dòng Drikung, [pháp danh] Tenzin Chokyi Nangwa, chào đời vào năm Con Ngựa Nước (Water Horse) 1942 tại Lhokha và là con út trong [gia đình có] năm người con trai thuộc dòng dõi quý tộc Lhagyari danh giá. Thân phụ Ngài là Ông Trichen Kelsang Nyendrak và thân mẫu là Bà Rigzin Chodzom. Dòng họ Lhagyari – một trong những dòng họ quý tộc lâu đời và tôn quý nhất của Tây Tạng – vốn là hậu duệ của dòng hoàng tộc cổ xưa. Gia đình [của Ngài] thuộc chi Dewa Lhagyari Trichen.
Sau khi Đức Chungtsang Rinpoche đời thứ 7, Tenzin Chökyi Jungne (1909-1940), viên tịch đột ngột vào năm 1940, vào năm 1946, người con trai út của gia đình Lhagyari được nhận ra là tái sinh của Đức Chungtsang Rinpoche và được làm lễ Đăng quang tại Tổ đình Drikung Thil. Có khá nhiều dấu hiệu, lời tiên tri [cũng như] lời khuyên từ các vị Đại sư xác nhận hóa thân của Ngài. Tại hồ Lhamo Latso [Đức Nhiếp chính vương] Gyabra Tritsab Rinpoche đã đưa ra linh kiến của mình mà đã được chứng thực [là trùng khớp] với các lời tiên đoán khác từ Đức Karmapa thứ 16 và His Holiness Taklung Matrul. Ngoài việc được chính quyền Tây Tạng công nhận hóa thân này, Đức Chungtsang cũng đã vượt qua các khảo nghiệm truyền thống [bằng cách] chọn đúng được những pháp khí của các Hóa thân đời trước.
Vào năm lên tám, Ngài bắt đầu học đọc, viết, ghi nhớ các bản văn và cách thực hành nghi lễ. Các vị Giáo thọ (yongzin) chính của Ngài lần lượt là Đức Gar Khensur Tsangyang Norbu Rinpoche đời thứ nhất; từ năm 1955 trở đi là Đức Tritsab Gyabra Rinpoche và Đức Ayang Thubten Rinpoche. Ngài nhận các khẩu truyền, quán đảnh và giáo lý của học phái Kagyu, và truyền thừa Drikung Kagyud [nói riêng] từ các Ngài Tritsab Gyabra, Ayang Thubten, Lho Bongtrul Rinpoche và một số cao tăng khác.
Vào năm 1959, sau cuộc Khởi nghĩa Tây Tạng, Đức Chungtsang Rinpoche phải trải qua các đợt cải tạo của những người Cộng sản [Trung quốc] và [nếm trải] những phiên đấu tố khốc liệt tại vùng Nyima Changra Shedra, nơi Quân đội Trung Quốc thành lập tổng hành dinh [quân đội] của toàn vùng. Ngài bị đối xử rất tồi tệ và bị kết án tù vào tháng 12 năm 1959. Đức Chungtsang Rinpoche phải thụ án tù suốt 23 năm cho tới năm 1982. Đặc biệt, vào thời gian xảy ra cuộc Cách mạng Văn hóa [Trung quốc], Ngài phải trải qua những đợt cải tạo khắc nghiệt và bị cưỡng bức lao động. Cũng trong khoảng thời gian đó, Ngài bị điều chuyển sang một nhà tù nổi tiếng tồi tệ khác là Kongpo Ningtri. Ở nơi đó, Ngài phải [lao động] đốn chặt cây trong rừng. Một ngày nọ, một cây to đã ngã trúng [vào người] khiến Ngài bị thương rất nặng. [Đến nỗi] người ta nói rằng lý do duy nhất khiến Ngài sống sót được là vì Ngài là Đức Kyabgon Rinpoche. Sau cùng, Ngài được trả tự do vào đợt phóng thích tù nhân chính trị năm 1983 ở Trung Quốc và nhận lãnh một chức vụ ở Hội đồng Nhân dân địa phương và sau đó được [tiến cử] vị trí lãnh đạo Sở Tôn Giáo trực thuộc Khu tự trị Tây Tạng.
Vào năm 1985, lần đầu tiên Đức Chungtsang Rinpoche được cấp phép đến Ấn Độ để thăm anh em ruột, những người đã lưu vong khỏi Tây Tạng. Ngài cũng đến thăm các tu viện của dòng truyền thừa Drikung tại vùng Ladakh [Bắc Ấn] và trùng phùng Sư Tổ Chetsang Rinpoche sau 26 năm xa cách. Lần thứ hai Ngài được cấp phép xuất ngoại là vào năm 1992. [Lần đó] Đức Chungtsang Rinpoche đến tỉnh Dehra Dun [Ấn độ] để tham dự lễ khánh thành Tu viện Jangchubling của Học viện Drikung Kagyu. Vì sự kiện này diễn ra vào năm Con Khỉ nên Ngài [ Đức Chungtsang] đã đăng tòa cùng Đức Chetsang Rinpoche trong đợt “Giảng pháp vào Năm Con Khỉ” truyền thống [của dòng Drikung]. Cuối cùng thì hai vầng Nhật – Nguyệt của dòng truyền thừa Drikung đã tái hợp. Cũng vào thời gian đó, Đức Chungtsang Rinpoche được tiến cử chức vụ Phó Tổng thư ký Sở Tôn giáo tại Lhasa và đảm nhiệm cho đến ngày nay.
Nguồn:
Drikung Dharma Surya, 2014, Sơ Lược Tiểu Sử của Đức Drikung Kyabgon Chetsang, Drikung Dharma Surya.
DAC biên tập và cẩn chuyển Việt ngữ.